Gần 10 năm rồi, tôi mới gặp lại Thiếu tướng Nguyễn Văn Côn. Lần này, ông hẹn tôi ở nhà riêng tại khu phố Quả Cảm, phường Hòa Long, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Ông vẫn phong độ với vóc dáng vạm vỡ và phong cách trò chuyện gần gũi, tình cảm.
Tôi với ông không còn khoảng cách của những người đã lâu không gặp nên vào chuyện là ông cởi mở, bộc bạch những suy nghĩ của mình. Và như thế, ông khiến tôi nhớ về những lần được đi công tác cùng ông kiểm tra các đơn vị pháo binh hay tham quan các cuộc diễn tập, bắn đạn thật ở Trung tâm Huấn luyện Cấm Sơn (nay là Trường bắn Quốc gia khu vực 1).
|
|
Thiếu tướng Nguyễn Văn Côn.
|
Thiếu tướng Nguyễn Văn Côn sinh năm 1955, nhập ngũ năm 1972 khi mới 17 tuổi. Ông kể: “Hồi ấy, tôi tình nguyện nhập ngũ khi đang học Trường cấp 3 Yên Phong (nay là Trường THPT Yên Phong số 1), tỉnh Bắc Ninh, sau đó được biên chế về Trung đoàn 568 (Quân khu Tả Ngạn), huấn luyện 3 tháng rồi hành quân vào miền Nam. Tôi được bổ sung vào Trung đội Trinh sát thuộc Đại đội 20, Trung đoàn 84, Sư đoàn 325. Từ đó, trong đội hình chiến đấu của Sư đoàn 325, tôi tham gia chiến đấu ở chiến trường Trị Thiên-Huế, hành quân thần tốc chiến đấu, giải phóng các tỉnh duyên hải miền Trung, tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử và có mặt ở Sài Gòn ngày 30-4-1975.
Đất nước thống nhất, năm 1976, tôi cùng với đơn vị sang làm nhiệm vụ giúp bạn Lào truy quét tiễu phỉ ở tỉnh Savannakhet. Hoàn thành nhiệm vụ giúp bạn Lào, tôi được cử đi đào tạo sĩ quan tại Trường Quân chính Quân đoàn 2. Cuối năm 1978, chúng tôi hành quân về biên giới Tây Nam chiến đấu chống quân Pol Pot xâm lược ở khu vực Bảy Núi, kênh Vĩnh Tế, tỉnh An Giang. Lúc này, tôi giữ cương vị Đại đội trưởng Đại đội 20. Tôi dẫn đầu lực lượng trinh sát, chỉ thị mục tiêu cho hỏa lực pháo binh bắn chế áp, tiêu diệt địch, chi viện cho bộ binh tiến công các cứ điểm của địch.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ giúp bạn đánh đổ chế độ Khmer Đỏ, giải phóng nhân dân Campuchia khỏi họa diệt chủng, tháng 3-1979, chúng tôi trong đội hình Sư đoàn 325 lại cơ động lên biên giới phía Bắc, bảo vệ vùng đất Cao Bằng... Sau đó, toàn Sư đoàn cơ động về đóng quân ở các vị trí mới trên địa bàn tỉnh Hà Bắc (nay thuộc tỉnh Bắc Giang). Tôi được bổ nhiệm Tiểu đoàn phó, rồi Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 10, Trung đoàn 84”.
Năm 1985, với những thành tích xuất sắc trong chiến đấu, công tác và chỉ huy đơn vị, Đại úy Nguyễn Văn Côn, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 10 được lựa chọn đi đào tạo tại Học viện Lục quân. Tốt nghiệp năm 1988, Nguyễn Văn Côn được bổ nhiệm Phó trung đoàn trưởng Trung đoàn 68, Sư đoàn 304; đến năm 1991 được bổ nhiệm Trung đoàn trưởng.
“Trung đoàn 68 là nơi khởi nguồn Phong trào thi đua “Ba nhất” (bắn giỏi nhất, có nhiều người và đơn vị tham gia nhất, thành tích đều nhất” từ tháng 6-1960. Bấy giờ, Trung đoàn 68 cùng với các đơn vị thuộc Sư đoàn 304 nỗ lực chuẩn bị mọi mặt, tiếp nhận vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại, huấn luyện bộ đội làm chủ vũ khí, khí tài để xây dựng Sư đoàn theo mô hình biên chế sư đoàn bộ binh cơ giới. Bằng kinh nghiệm thực tiễn chiến đấu và kiến thức được trang bị ở nhà trường, tôi cùng tập thể Trung đoàn 68 đã lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, nâng cao chất lượng huấn luyện, trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu, khi có lệnh là lên đường được ngay.
Giữ vững và phát huy truyền thống thi đua “Ba nhất” của Trung đoàn, tôi chỉ đạo cán bộ các cấp bám bộ đội, bám thao trường, kiểm tra thường xuyên và tổ chức hội thao, hội thi hằng tuần, hằng tháng giữa các cơ quan, đơn vị, từ đó tạo động lực thi đua, nỗ lực phấn đấu thực hiện nhiệm vụ. Trong huấn luyện, Trung đoàn thực hiện phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, coi trọng đồng bộ, chuyên sâu, tăng cường thời gian huấn luyện đêm, rèn luyện thể lực và hành quân cơ động đường trường. Tôi yêu cầu cán bộ huấn luyện qua từng bài giảng, cùng với cập nhật kiến thức mới, cần giới thiệu, vận dụng những kinh nghiệm chiến đấu của Bộ đội Pháo binh như luôn chủ động trinh sát nắm địch, kinh nghiệm sử dụng hỏa lực pháo binh trong từng trận đánh hợp lý; phương pháp cơ động hỏa lực; tổ chức hành quân, bảo đảm kỹ thuật, cứu kéo và xử lý tình huống trong hành quân và chiến đấu, đặc biệt là trong phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị bạn và LLVT nhân dân địa phương...
Khi là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 68, tôi trực tiếp lấy thực tiễn công tác, chiến đấu của mình để truyền đạt kinh nghiệm chiến đấu cho bộ đội. Chẳng hạn như trận đánh đồi Con Sâu và đèo 244 thuộc tỉnh Kampot (Campuchia) tháng 1-1979. Khi đó, tôi chỉ huy lực lượng trinh sát pháo binh luồn sâu của Trung đoàn 84, Sư đoàn 325, tổ chức trinh sát nắm chắc tình hình địch phục vụ chỉ huy pháo binh bắn chế áp mục tiêu, chi viện cho các đơn vị của Sư đoàn đánh địch. Trong trận đánh này, pháo binh của Sư đoàn đã sáng tạo đưa pháo lên cao, xây dựng trận địa ngắm bắn trực tiếp, góp phần cùng Sư đoàn loại khỏi vòng chiến đấu gần 700 tên địch, tạo bàn đạp vững chắc để các đơn vị tiến công tàn quân Trung đoàn 123 và Sư đoàn 230 của Pol Pot đang co cụm ở Tropsala (tỉnh Kampot).
|
|
Thiếu tướng Nguyễn Văn Côn kiểm tra bài thi của cán bộ dự Hội thi cán bộ pháo binh giỏi, năm 2013. Ảnh: XUÂN LƯU |
Đạt được kết quả giỏi trong huấn luyện và bắn đạn thật, tôi chỉ đạo cơ quan, đơn vị huấn luyện thuần thục kỹ thuật, chiến thuật cơ bản; luyện tập hiệp đồng giữa các số, các kíp và các trung đội, đại đội. Các tiểu đoàn tổ chức học bù, học vét, huấn luyện bổ sung cho bộ đội, tập trung dứt điểm các khâu còn yếu nên chất lượng huấn luyện của các đại đội đồng đều. Nhờ đó, năm nào Trung đoàn 68 cũng được công nhận đạt tiêu chuẩn “Đơn vị pháo binh huấn luyện giỏi”. Cá nhân tôi được công nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quân và được đi dự Đại hội Thi đua Quyết thắng toàn quân giai đoạn 1989-1994”.
Sau này, khi trải qua các chức vụ Phó tham mưu trưởng, Phó sư đoàn trưởng, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 304, Phó tư lệnh rồi Tư lệnh Binh chủng Pháo binh, Thiếu tướng Nguyễn Văn Côn luôn sâu sát đơn vị, quan tâm đến đời sống bộ đội và nghiên cứu tham mưu, đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng xây dựng, phát triển lực lượng pháo binh và quy hoạch, bố trí sử dụng, nghiên cứu nghệ thuật tác chiến pháo binh trong điều kiện tác chiến địch sử dụng vũ khí công nghệ cao.
“Tôi chỉ đạo công tác quy hoạch sử dụng vũ khí, trang bị kỹ thuật, cải tiến, hiện đại hóa các hệ thống pháo tự hành, pháo xe kéo, đặc biệt là hệ thống pháo phản lực, tên lửa pháo binh; nghiên cứu tăng tầm cho các loại đạn pháo hiện đại. Tôi cùng với tập thể Đảng ủy, Bộ tư lệnh Binh chủng Pháo binh lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu, xây dựng chính quy; thực hiện quy hoạch doanh trại, xây dựng cơ bản, nâng cao chất lượng đời sống bộ đội. Nhờ đó, các đơn vị pháo binh đều có doanh trại khang trang, chính quy, xanh, sạch, đẹp...”, Thiếu tướng Nguyễn Văn Côn cho biết.
Năm 2015, Thiếu tướng Nguyễn Văn Côn nghỉ hưu. Với những thành tích trong chiến đấu, công tác, phục vụ Quân đội, ông được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba; Huân chương Chiến công hạng Nhất, Ba; Huân chương Chiến công giải phóng hạng Ba. Tháng 10-2024, Thiếu tướng Nguyễn Văn Côn được tặng Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.
HƯƠNG NGÂN