Gặp Trung tướng Dương Công Sửu, tôi được nghe ông kể về những năm tháng chiến đấu ở chiến trường miền Nam và những chiến công, sự trưởng thành của ông trong quân ngũ. “Tháng 7-1967, tôi tròn 17 tuổi, tình nguyện nhập ngũ và được biên chế vào Tiểu đoàn Bắc Sơn 1 (Tỉnh đội Lạng Sơn) để chi viện cho tiền tuyến miền Nam. Tôi rất vinh dự và tự hào vì được ở đơn vị mang tên Bắc Sơn, tiếp bước cha anh đưa tinh thần, truyền thống của Khởi nghĩa Bắc Sơn vào thời kỳ chống Mỹ, cứu nước. Sau gần 5 tháng huấn luyện, ngày 25-12-1967, tôi cùng cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Bắc Sơn 1 nhận lệnh hành quân vào chiến trường miền Nam chiến đấu.

Gần 4 tháng hành quân từ xứ Lạng, tôi có mặt tại chiến trường Tây Nguyên. Tháng 9-1968, tôi tiếp tục hành quân tới chiến trường miền Đông Nam Bộ, được biên chế vào Tiểu đoàn Đặc công 28, Sư đoàn Bộ binh 7 thuộc Bộ chỉ huy Miền (từ tháng 3-1971 là Bộ tư lệnh Miền).

leftcenterrightdel

Đồng chí Dương Công Sửu (bên phải) được đồng chí Nguyễn Thị Định, Phó tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam gặp gỡ, động viên, năm 1973. Ảnh tư liệu

Trong thời gian hoạt động trên chiến trường Nam Bộ (1968-1973), tôi tham gia 31 trận đánh, tiêu diệt 149 tên địch (có 30 tên Mỹ), phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của địch. Tiêu biểu là trận đánh địch ở xã Suối Ngô thuộc huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh (ngày 29-4-1970), tiêu diệt 70 tên địch, phá hủy 9 xe bọc thép. Trận phục kích chốt chặn địch ở Suông (huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước) ngày 28-3-1971, do bị lộ, địch tổ chức bao vây tấn công đơn vị. Tôi cùng đơn vị đẩy lui 3 đợt tiến công của địch, phá hủy nhiều xe tăng, xe cơ giới, diệt nhiều sinh lực địch. Tranh thủ khi ngừng tiếng súng, tôi tổ chức cho đơn vị đưa 10 thương binh về hậu cứ, khi sắp qua lộ 7 thì bị địch phát hiện, dùng máy bay đánh phá ngăn chặn. Trước tình hình đó, tôi cùng y tá của đơn vị là Vũ Hy Vọng chạy vòng sang hướng khác, sử dụng súng AK bắn để nghi binh, thu hút hỏa lực địch, tạo điều kiện cho đồng đội rút lui. Khi Vũ Hy Vọng bị thương khá nặng, đồng chí nói với tôi: “Anh cứ để em ở đây, rút lui đi, không sẽ rất nguy hiểm, cho đơn vị ra đón sau”, nhưng tôi kiên quyết bảo: “Không thể để Vọng ở một mình được, dù có hy sinh, tôi cũng phải đưa Vọng về”. Thế rồi tôi cố gắng dìu Vọng và chúng tôi cũng về đến đơn vị an toàn”, Trung tướng Dương Công Sửu nhớ lại.

leftcenterrightdel

Trung tướng Dương Công Sửu kể chuyện chiến đấu với học sinh huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: TIỀN PHONG

Tháng 4-1972, Tiểu đoàn Đặc công 28 được giao nhiệm vụ tổ chức lực lượng đánh địch trên Đường số 13 nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực và phương tiện chiến tranh, góp phần ngăn chặn địch chi viện, tiếp tế lên phía Chơn Thành, tỉnh Bình Long (nay là thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước). Dương Công Sửu được phân công tổ chức 15 đồng chí với 5 khẩu B40 tìm địch để đánh. Sau khi trinh sát, nắm hoạt động của địch, ông chỉ huy bộ đội lợi dụng chốt cũ của chúng cách đường 10m, bố trí trận địa phục kích. Trận này, ông cùng đồng đội phá hủy 3 xe cơ giới, diệt 40 tên (có 1 thiếu tá), bắt 6 tù binh, thu nhiều súng của địch.

Trưởng thành từ chiến sĩ đặc công rồi lần lượt lên đến cán bộ đại đội, tiểu đoàn, do lập được nhiều chiến công xuất sắc, đồng chí Dương Công Sửu được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba, 6 Huân chương Chiến công (1 hạng Nhất, 2 hạng Nhì, 3 hạng Ba), 15 lần được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ cùng nhiều phần thưởng cao quý khác. Ngày 20-12-1973, khi là Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn Đặc công 28, Sư đoàn Bộ binh 7, Bộ tư lệnh Miền, Dương Công Sửu được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Đại tá, TS DƯƠNG ĐÌNH LẬP