Tuân thủ những yêu cầu của thể loại, vở kịch “Bắc Sơn” thành công trong việc xây dựng tình huống éo le, bất ngờ; bộc lộ xung đột căng thẳng; hành động kịch tính; các đối thoại hô ứng với tâm lý nhân vật và cao trào của kịch. Xứng đáng là một trong những tiên phong của kịch cách mạng, xét cả về hình thức và nội dung, ý nghĩa, vở kịch tái hiện không khí khởi nghĩa sôi động: Bắt đầu ở Vũ Lăng, nhân dân rầm rập đi mít tinh, đem lợn, gạo ủng hộ quân cách mạng. Cụ Phương và con trai Sáng nhiệt liệt hưởng ứng. Bà cụ Phương, con gái Thơm và con rể Ngọc lại lừng chừng... Giáo Thái được cử về lãnh đạo, uốn nắn các hiện tượng lệch lạc về quân sự, chính trị, tổ chức... Ngọc làm Việt gian dẫn Tây về đàn áp. Cụ Phương hy sinh. Được thưởng nhiều tiền, Ngọc tiếp tục dẫn Tây đi lùng bắt cán bộ. Thái và Cửu bị giặc truy bắt bèn chạy vào nhà Ngọc, được Thơm cứu thoát. Thơm tặng Thái khẩu súng lục của cụ Phương để lại. Biết Ngọc sẽ đưa Tây vào rừng, Thơm vào tận căn cứ báo trước cho quân cách mạng. Thơm quay về gặp Ngọc, bị hắn bắn trọng thương. Nhưng Ngọc lại trúng đạn của Tây mà chết. Cuộc vây quét của Tây thất bại. Thái và Cửu cứu chữa cho Thơm...

leftcenterrightdel

Đội du kích Bắc Sơn. Ảnh tư liệu

Như vậy, xung đột của vở kịch tập trung vào hai lớp tình huống đầy kịch tính giữa quân cách mạng và quân Tây; giữa các nhân vật, đặc biệt là Thơm và Ngọc, hai vợ chồng nhưng đi theo hai lý tưởng đối ngược nhau. Chi tiết bật ra một ý nghĩa giáo dục quan trọng, phổ quát: Ở bất kỳ thời nào, giáo dục lý tưởng cũng là quan trọng nhất, vì đó là con đường có thể đưa con người (như Thơm) tới miền ánh sáng cách mạng, lại có thể đưa người ta (như Ngọc) đến với bóng đêm cùng lũ quỷ ác. Tác giả rất tinh tế khi luôn miêu tả Ngọc trong bóng đêm, là vì lý tưởng của hắn cũng đen tối như màn đêm vậy. Thơm là nhân vật được miêu tả trong quá trình phân tích tâm lý với những biến chuyển hợp lý, thuyết phục. Bắt đầu là sự “lừng chừng”, lo ngại, nhưng trước những tấm gương sẵn sàng xả thân vì cách mạng (như cụ Phương, Thái, Cửu...), Thơm đã có cái nhìn mới, tỉnh táo, bản lĩnh. Không thuyết phục được chồng từ bỏ con đường phản bội, với bản chất tốt đẹp, yêu nước, thương người, Thơm đã trở thành một “vệ quốc” nhanh trí, dũng cảm cứu người của cách mạng (Thái, Cửu)...

leftcenterrightdel
 Hướng dẫn viên Bảo tàng Khởi nghĩa Bắc Sơn giới thiệu với khách tham quan, tìm hiểu về cuộc Khởi nghĩa Bắc Sơn. Ảnh: XUÂN HOÀI

Bám sát vào lịch sử, trung thực với sự kiện, không chỉ tái hiện cuộc khởi nghĩa mà còn chú ý khám phá, phân tích các cung bậc tâm trạng, những hành động xung đột, vở kịch có giá trị lớn không chỉ ở vị trí đi đầu, tiên phong mà còn sâu sắc ở ý nghĩa tuyên truyền, giáo dục tinh thần cách mạng. Âm hưởng tiếng hát hùng tráng của du kích quân vang lên đúng lúc tấm màn nhung khép lại, cũng là mở ra trong sự tiếp nhận của người xem cả một tương lai thắng lợi!

Tái hiện cuộc Khởi nghĩa Bắc Sơn bằng âm nhạc, có lẽ đến nay chưa có nhạc phẩm nào vượt qua “Bắc Sơn” của Văn Cao. Nhịp hát vang, nhanh, mạnh, rắn rỏi, lột tả được thần thái của một đợt sóng trào dữ dội hờn căm, quật cường khí thế đánh giặc: “Bắc Sơn! Ðây hố sâu mồ chôn/ Rừng núi ngân tiếng hú căm hờn/ Bắc Sơn! Khi bóng trăng mờ sương/ Bắc Sơn! Không bóng người dưới thôn/ Giặc Pháp tàn ác giày xéo...”.

Nhạc sĩ Văn Thao, con trai nhạc sĩ Văn Cao, kể lại, trước khi công bố vở kịch “Bắc Sơn”, Văn Cao được Nguyễn Huy Tưởng nhờ làm nhạc cho vở kịch. Vào một buổi trưa, đăm chiêu suốt bữa ăn, khi có người dọn bàn, Văn Cao ra hiệu dừng lại, rồi ông lấy đũa gõ vào từng chiếc bát và lắng tai nghe... Những chiếc bát tạo thành một bộ đàn gõ... Những giai điệu hùng tráng, mạnh mẽ ngân vang...

Bài hát “Bắc Sơn” nổi tiếng ra đời trong một hoàn cảnh đặc biệt như thế, giản dị vô cùng, như không thể giản dị hơn. Nhưng để có được sự giản dị ấy, nhạc sĩ Văn Cao đã phải có cả một quá trình tham gia cách mạng, được hòa trong không khí quật khởi, thấu hiểu và thấu cảm những hy sinh vô cùng oanh liệt, cũng vô cùng tự hào của quân và dân ta, mà Khởi nghĩa Bắc Sơn là một trong những sự kiện ở vị trí thượng nguồn, xuôi theo dòng lịch sử với các cuộc khởi nghĩa tiếp theo, rồi rực rỡ kết lại ở cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám vĩ đại.

Không gian, hình ảnh, địa danh vang lên trong những nốt nhạc đã làm người nghe liên tưởng ngay đến Bắc Sơn khởi nghĩa: “Ôi còn đâu đây sắc chàm pha màu gió/ Ðau lòng bao năm sống lầm than đây đó/ Ai về châu xưa nhớ hồi máu thắm cây rừng/ Còn vang khe núi tiếng quân oai hùng”. Bài hát mở ra một hồi tưởng về 5 năm trước với hình ảnh “sắc chàm” đặc trưng cho người Việt Bắc, “sắc chàm pha màu gió” thật gợi khi nói về “sắc chàm” đã phôi pha dần theo nắng gió thời gian. Hình tượng “máu thắm cây rừng” gây ám ảnh: Cây rừng nhiều vô kể, nhưng máu đổ còn nhiều hơn. Nhịp hát chậm, sâu lắng, bồi hồi làm hiện ra cả một không gian quá khứ với màu sắc, hình ảnh, âm thanh riêng biệt. Nhịp hát bỗng chuyển, khoáng hoạt, mạnh mẽ, phấn chấn, hồ hởi: “Lớp lớp chiến đấu Lạng Sơn tung bay cờ/ Rời vùng đồi núi nhớ bao nhiêu hận thù/ Dân quân du kích. Cách mạng bùng mùa thu/ Sao vương bóng cờ bay trên chiến khu”.

Khởi nghĩa Bắc Sơn đã tạo ra một cuộc đảo lộn không gian chưa từng có: “Nghe rừng âm u tiếng ngàn ca nguồn sống/ Nay toàn dân say gió lành bên khe suối/ Khi nhìn châu xưa bóng cờ mấy cánh sao vàng/ Ðồn cao vách đá nép mây huy hoàng”. Xưa thì “nghe rừng âm u tiếng ngàn”, còn nay khác hẳn: “Nay toàn dân say gió lành...”. “Châu xưa” gợi lên đồn bốt giặc thù cùng hàng rào dây thép gai “đâm nát trời chiều”. Nhưng nay, trên không gian ấy là “bóng cờ mấy cánh sao vàng”. Cả vũ trụ, thiên nhiên như cùng vui với con người. Thế nên “đồn” giặc xưa, nay lại được nhìn ra đang “nép mây huy hoàng”. Vì trong đồn ấy là người của cách mạng đem về tự do, giải phóng cho đồng bào các dân tộc...

Lời hát tiếp tục đặc tả đoàn chiến sĩ cách mạng về “xây đồn” để làm căn cứ chống lại sự phản công của địch: “Toán chiến sĩ bước về châu xưa xây đồn/ Ðoàn người Việt mới quyết hy sinh một lòng/ Gươm đao chung sức phá xiềng cùng chặt gông/ Ra tay đắp nền xây châu Bắc Sơn”. Hoàn toàn trùng khớp với lịch sử đã diễn ra: Địch sẽ quay lại đàn áp, quân ta phải “xây đồn” phòng thủ. Lời hát cuối vang, nhanh, mạnh, dứt khoát: “Ra tay đắp nền xây châu Bắc Sơn”. Ý tứ bật ra: Ngôi nhà thắng lợi chắc chắn sẽ vững vàng, vì hôm nay tất cả “quyết hy sinh một lòng” để “đắp nền” cho biết bao châu như “châu Bắc Sơn” vững chãi tinh thần, hào khí cách mạng.

Lấy điểm tựa là sự kiện lịch sử nổi tiếng, các tác phẩm văn chương sẽ cất cánh bay vào bầu trời văn hóa dân tộc, để các thế hệ độc giả tự hào ngắm nhìn những ánh sáng ý nghĩa. Kịch “Bắc Sơn” và ca khúc “Bắc Sơn” là những tác phẩm như vậy!

PGS, TS NGUYỄN THANH TÚ