Thế nhưng, ít ai biết rằng, trong lần xuất kích đầu tiên đụng đầu với không quân Mỹ ông đã bị thương, buộc phải rời khỏi chiếc máy bay MiG-21 trong tình trạng khẩn cấp. Sự kiện này được ông tường thuật khá chi tiết trong cuốn hồi ký của mình, với một điều đặc biệt thú vị là, khi ấy ông mới mang quân hàm binh nhất...
Sau 2 năm, 6 tháng học bay tại Liên Xô (trước đây), về nước chỉ sau 1 tháng, phi công Phạm Phú Thái lao vào trực chiến ngay. Ngày 10-7-1968, ông bay vị trí số 2 trong đội hình biên đội của Đội trưởng Phạm Thanh Ngân (số 1), Đặng Ngọc Ngự (số 3) đụng đầu với máy bay Mỹ trên bầu trời Quân khu 4. Máy bay bị trúng đạn, Phạm Phú Thái nhảy dù và được nhân dân Nghệ An cứu sống. Sau vài ngày dưỡng thương, ông đã có cuộc đối thoại “có một không hai” với đồng chí huyện đội trưởng địa phương. Ông kể:
Hôm ấy, đồng chí huyện đội trưởng mang quân hàm thượng úy sau khi bắt tay tôi và giới thiệu cán bộ tháp tùng, liền nói:
- Đây là thủ tục quy định mong đồng chí thông cảm. Đề nghị đồng chí cho biết họ, tên...?
- Tôi là Phạm Phú Thái, phi công chiến đấu MiG-21, Phi đội 1, Trung đoàn Không quân Sao Đỏ, Bộ tư lệnh Không quân 371 thuộc Quân chủng Phòng không-Không quân.
- Đồng chí cho biết cấp bậc, quân hàm?
- Tôi là binh nhất, phi công chiến đấu!
Huyện đội trưởng hình như hơi giật mình, ngẩng mặt lên nhìn tôi giống như sinh vật ngoài hành tinh:
- Anh nói gì?
Tôi nhắc lại rành rọt, không giấu vẻ hãnh diện:
- Tôi là binh nhất, phi công chiến đấu Phạm Phú Thái.
Huyện đội trưởng hơi chùng xuống, vẻ suy tư, quay lại nhìn tôi lần nữa với ánh mắt khó diễn tả nổi, rồi khẽ khọt, nửa như năn nỉ, nửa như thuyết phục:
- Đồng chí không phải giữ bí mật đâu. Chúng tôi cũng là người của Đảng, của tổ chức, đồng chí cứ nói thật...
Gặng hỏi không được, anh huyện đội trưởng đưa cho tôi tờ giấy bảo tôi ghi vào, đúng là như hoạt động tình báo. Biết ghi gì đây khi tôi đang nói hoàn toàn sự thật. Thấy tôi nhăn nhó, huyện đội trưởng vội dìu tôi về giường và đưa mắt cho mấy tay trợ lý ý bảo ra ngoài trước. Khi không còn ai, anh lại thì thầm vào tai tôi:
- Vậy là anh nói thật đấy à?
Tôi cười như mếu:
- Khổ quá, tôi giấu các đồng chí làm gì cơ chứ!
Vẫn chưa tin hẳn, anh lẩm nhẩm:
- Lạ thật! Cầm cái tàu bay đắt là thế, sao lại chỉ có binh nhất được cơ chứ. Không thể tin được.
Tôi bật cười, trả lời một cách tự hào:
- Có gì đâu anh. Binh nhất hay trung úy đều là người lính cầm súng, cầm cần lái, cũng đều đánh nhau như thế cả, có ảnh hưởng gì đâu.
Đỡ tôi xuống chiếc giường con, anh gật gù:
- Nếu đúng là như vậy thì Không quân nhân dân Việt Nam quả là anh hùng!
NGUYỄN DŨNG (lược ghi)