Sau khi về hưu, ông đã đi thăm xứ sở Triệu Voi nhiều lần. Nhưng dịp mới đây có nhiều kỷ niệm với ông hơn cả, nhất là khi gặp lại bức trướng Bác Hồ tặng nhà vua Lào năm 1963.

Trung tuần tháng 7-2016, CCB Tăng Xuân Ngọc trong đoàn đại biểu nước ta sang thủ đô Viêng Chăn viếng nguyên Chủ tịch Quốc hội Lào Sa-ma Vi-ya-kệt (Saman Viyaket) qua đời, cũng là người bạn một thuở của ông. Tại đây, ông được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHDCND Lào Bun-nhăng Vo-la-chít (Bounnhang Volachith) mời ở lại thăm Lào.

Đi bộ đội, sau đó được đào tạo ở lớp tình báo đầu tiên của Quân khu 5 rồi tham gia Quân tình nguyện Việt-Lào, liên tục 35 năm, ông Tăng Xuân Ngọc ở Lào tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và công cuộc bảo vệ Tổ quốc của nước Lào sau khi thành lập chế độ mới. Do đặc điểm công việc, ông Tăng Xuân Ngọc gần như có mặt trong hầu hết các sự kiện quan trọng giữa hai nước Việt, Lào như thiết lập quan hệ ngoại giao Lào-Việt Nam (5-9-1962), ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Lào - Việt Nam (18-7-1977)... Từ quân đội, chuyển công tác về tỉnh Nghĩa Bình năm 1985 (trước khi chia tách) để có điều kiện gần gũi gia đình, ông Ngọc được phân công làm Phó ban Hợp tác kinh tế văn hóa với Lào và Cam-pu-chia của tỉnh Nghĩa Bình, Phó giám đốc Sở Thương mại và Du lịch. Với cương vị mới, ông qua lại nước bạn thường xuyên, nhưng chủ yếu các tỉnh Nam Lào. Bốn tỉnh phía Bắc Lào đã lâu ông chưa thăm lại. Vậy là ông thấy đây là dịp thích hợp nên đã nhận lời mời.

leftcenterrightdel
Đại tá Tăng Xuân Ngọc bên bức trướng Bác Hồ tặng nhà vua Lào trưng bày tại Luông Pha Băng. Ảnh chụp lại 
Các bạn Lào cắt cử một đoàn 7 người, gồm các trợ lý, phóng viên, lễ tân, bác sĩ… đi cùng với ông trên chiếc máy bay Airbus 320 đời mới, lại cử người chuẩn bị sẵn cho ông một va li với 5 bộ quần áo, thích nghi với đủ loại thời tiết. Máy bay đáp xuống cố đô Luông Pha Băng, Di sản văn hóa thế giới. Ra đón đoàn ở sân bay có đồng chí Bí thư kiêm Tỉnh trưởng của bạn, làm ông vô cùng ngạc nhiên. Hỏi thì được trả lời: “Đồng chí Tổng Bí thư bảo chúng cháu phải tiếp đón thật chu đáo một người có công lớn với nước Lào, vậy thôi”. Những ngày ở nước bạn, ông dành thời gian đi thăm Bảo tàng Cung điện Hoàng gia của Lào. Bao nhiêu biến cố lịch sử, mọi thứ trong đây đều được bảo quản nguyên vẹn. Trần nhà và những vật dụng trưng bày bên trong Bảo tàng Cung điện Hoàng gia Lào đều được dát vàng. Nhưng điều ông quan tâm nhất là những hiện vật được lưu giữ. Ông đi đến nơi trưng bày bức trướng Bác Hồ tặng nhà vua Lào Xri Xa-vang Vát-tha-na, khi đoàn qua thăm Việt Nam từ ngày 10 đến 13-3-1963. Được giữ gìn cẩn thận, hơn 50 năm qua, bức trướng vẫn còn tươi rói, trên đó nổi bật cùng với dòng chữ Lào là câu tiếng Việt “Tình hữu nghị của nhân dân Việt Nam và Lào muôn năm”. Ông nói với người phụ trách bảo tàng cho được chụp ảnh với bức trướng bởi ngày Bác Hồ trao tặng nhà vua Lào tại Hà Nội, ông cũng có mặt. Quy định của bảo tàng không được phép chụp ảnh, nhưng với ông là ngoại lệ, ông đã có bức ảnh đặc biệt ở cố đô Luông Pha Băng.

Trước sự háo hức của những người bạn Lào hầu hết còn rất trẻ, ông đã kể sơ qua về chuyến đi năm ấy của Hoàng gia Lào. Năm 1962, nhận lời mời của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ Việt Nam, nhà vua Lào Xri Xa-vang Vát-tha-na, Hoàng tử Xu-ri-a Vông Xa-vang, Thủ tướng Chính phủ Liên hiệp Lào Xu-va-na Phu-ma (Xuvana Phuma) và các thành viên trong Chính phủ Lào sang thăm hữu nghị Việt Nam. Chuyến đi đã mở ra thời kỳ mới trong lịch sử quan hệ giữa hai dân tộc, củng cố tình hữu nghị và hợp tác phát triển giữa hai nước, góp phần to lớn vào sự nghiệp giữ gìn hòa bình và độc lập ở cả khu vực. Chính tại buổi lễ tiễn nhà vua Lào, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ứng khẩu mấy câu thơ trở thành bất hủ: “Thương nhau mấy núi cũng trèo/ Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua/ Việt - Lào hai nước chúng ta/ Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”.

Một câu chuyện nữa mà không phải ai cũng biết, đó là năm 1963, nhà vua Lào gửi thiếp mời Bác Hồ dự đám cưới hoàng tử. Nhiều nước gửi quà mừng, phần lớn đều tặng vàng bạc châu báu. Còn quà tặng của Bác Hồ gửi sang là một đôi xiển (đôi thùng đan bằng tre có nắp đậy) chứa hai tấm chăn thổ cẩm thêu hình rồng, phượng, giá trị vật chất không bao nhiêu. Ngày đám cưới, vua Lào đã cho làm lễ công bố quà tặng của các nước. Quà tặng của Chủ tịch Hồ Chí Minh được chọn công bố đầu tiên và trang trọng. Đích thân hoàng tử và vợ xuống mở xiển nhận món quà, rồi vua Lào phát biểu rất cảm động về món quà nhiều ý nghĩa ấy.

Tạm biệt bức trướng và cố đô Luông Pha Băng gợi nhớ nhiều kỷ niệm về những ngày bên Bác, ông tiếp tục hành trình lên các tỉnh phía Bắc nước bạn Lào. Điểm dừng chân thứ hai là tỉnh Xay-a-bu-ry. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã đưa ông đi tham quan thủy điện Xay-a-bu-ry và các khu kỹ thuật, mà bạn nói rằng đã tính toán kỹ nhất để không ảnh hưởng nhiều đến dòng chảy sông Mê Công. Tham quan Nhà máy Nhiệt điện Hồng Sa, ông càng thêm khâm phục bạn đã ngày càng vươn lên trong sự nghiệp công nghiệp hóa. Đến tỉnh Luông Nậm Thà, rồi tiếp tục qua U-đom-xay, đi đến đâu ông cũng được bạn đón tiếp nồng nhiệt. Bảy ngày trôi qua thật nhanh trên đất Triệu Voi. Buổi tiễn đưa lưu luyến trong cái ôm nồng thắm và giọt lệ trên khóe mắt giữa người đi, người ở. Một album ảnh dày, trang trọng về hình ảnh trong suốt cuộc hành trình đã được tráng rửa kịp thời. Một USB video được quay dịp này cũng đã hoàn chỉnh để tặng “bác Ngọc’’. Cán bộ của bạn hộ tống ông về tận Hà Nội, sau đó tiếp tục đi máy bay về Bình Định. Ông cảm động khi nhớ đến câu nói của Tổng Bí thư Bun-nhăng Vo-la-chít: “Chúng tôi sẽ đưa anh về đến tận nhà”…

HỒNG VÂN