Theo giới thiệu của các đồng chí trong Đảng ủy, UBND phường Nhật Tân (Tây Hồ, Hà Nội), tôi đến nhà riêng của Đại tá Trần Quang Vinh-cựu chiến binh tiêu biểu của phường, ở số 474A, đường Âu Cơ, tổ 6, phường Nhật Tân. Trong căn phòng ấm cúng cùng những bảng gắn huân chương, huy chương và những bức ảnh ghi dấu một thời, Đại tá Trần Quang Vinh hồi tưởng về những năm tháng ở chiến trường khói lửa, rồi kể cho chúng tôi nghe chuyện chiến đấu và công tác của ông.
Sinh năm 1942, năm nay đã ở tuổi 83, song Đại tá Trần Quang Vinh vẫn khỏe mạnh và minh mẫn. Nhìn ông, không ai nghĩ rằng trong cơ thể ông còn mang nhiều mảnh đạn bởi 5 lần bị thương, trong đó có một viên bi trên mặt phải, mắt trái đã hỏng, bị chấn thương sọ não và gãy chân phải do bom, đạn của địch. Ông giới thiệu về 3 tấm Huân chương Chiến công hạng Nhất, Nhì, Ba và 4 danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”, “Dũng sĩ diệt xe cơ giới” mà ông được tặng khi chiến đấu, công tác ở chiến trường Tây Nguyên từ năm 1965 đến 1975, khiến tôi cảm thấy như khói lửa đang còn...
Trần Quang Vinh nhập ngũ tháng 2-1961 khi đang là đoàn viên, thanh niên hăng hái công tác ở xã Võ Liệt (Thanh Chương, Nghệ An). Vào Quân đội, Trần Quang Vinh được biên chế về đại đội huấn luyện của Tiểu đoàn Công binh 27, Bộ Tham mưu Quân khu 4. Sau hai tháng huấn luyện, phấn đấu, Trần Quang Vinh được cử đi đào tạo tại Trường Hạ sĩ quan Quân khu 4, sau đó tiếp tục đi đào tạo tại Trường Sĩ quan Công binh. Tốt nghiệp sĩ quan, được kết nạp Đảng (tháng 3-1964) và phong quân hàm Thiếu úy, Trần Quang Vinh trở lại Tiểu đoàn Công binh 27.
Từ cuối năm 1964, Trần Quang Vinh được giao phụ trách trung đội trong đội hình Tiểu đoàn Công binh 27 thực hiện nhiệm vụ đặc biệt, xây dựng các công trình phòng thủ trên địa bàn phía Tây Quân khu 4. Trước yêu cầu của chiến trường miền Nam, tháng 2-1965, Thiếu úy Trần Quang Vinh cùng đồng đội hành quân để bổ sung cho Mặt trận Tây Nguyên (B3). Sau 3 tháng hành quân ròng rã, vượt đường Trường Sơn, tháng 5-1965, đơn vị tập kết tại một địa điểm ở phía Bắc tỉnh Kon Tum và bàn giao cho B3.
Đại tá Trần Quang Vinh nhớ lại: “Những tưởng vào chiến trường Tây Nguyên là được tham gia chiến đấu ngay, song tôi được Bộ tư lệnh B3 cử vào Đội công tác địa bàn. Sau khi được huấn luyện cơ bản, hướng dẫn phương pháp tiến hành công tác dân vận, tìm hiểu phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc, Đội công tác đến các địa bàn biên giới phía Bắc tỉnh Kon Tum, nay thuộc các xã: Sa Loong, Pờ Y, Đắk Dục, Đắk Nông (huyện Ngọc Hồi), Rờ Kơi, Mô Rai (huyện Sa Thầy)... làm công tác vận động quần chúng, vận động đồng bào. Hoạt động của chúng tôi bí mật nên đồng bào và ngụy quân, lính bảo an của địch không biết, tưởng là dân di cư từ miền Bắc vào trước đây. Thậm chí, chúng tôi còn giao lưu thể thao, đánh bóng chuyền với lính bảo an của địch.
Nơi ở trong rừng của chúng tôi cũng thường xuyên thay đổi như đồng bào di cư. Chúng tôi được bà con địa phương che chở, cho gạo nấu cơm, cho thịt thú rừng khi săn bắt được. Đời sống của Đội công tác địa bàn khó khăn, thiếu thốn, chúng tôi phải ăn rau rừng như môn thục, rau tàu bay hoặc chặt cây bòng báng lấy lõi để ăn chống đói.
Ở Đội công tác địa bàn khoảng 5 tháng thì tôi được rút về làm Phó đại đội trưởng Đại đội Công binh 2 thuộc B3, nhận nhiệm vụ bí mật chuẩn bị trận địa, làm công trình, đào công sự, hầm hào, bao vây đồn Plei Me, đồng thời chỉ điểm cho các đơn vị bạn đánh đồn Plei Me, phục kích đánh quân tiếp viện của địch. Hơn một tháng chuẩn bị, đêm 19-10-1965, Chiến dịch Plei Me mở màn. Các đơn vị xuất phát tiến công và đánh địch phục kích đều có hầm hào, công sự trú ẩn được chuẩn bị trước. Với việc chuẩn bị trận địa và tham gia chiến đấu, kết thúc Chiến dịch Plei Me, Đại đội Công binh 2 của tôi được tặng Huân chương Chiến công giải phóng hạng Ba”.
    |
 |
Đại tá Trần Quang Vinh giới thiệu về những tấm huân chương được tặng trong chiến đấu ở Tây Nguyên. Ảnh: XUÂN LƯU
|
Sau Chiến dịch Plei Me, Trần Quang Vinh cùng Đại đội Công binh 2 tiếp tục làm nhiệm vụ bảo đảm công trình, tham gia các trận đánh Kleng, Plei Kần và các chiến dịch Sa Thầy, Đăk Tô-Tân Cảnh; tổ chức đánh phục kích địch trên Đường 19 (Quy Nhơn-Pleiku), Đường 14 (Pleiku-Buôn Ma Thuột), Đường 18 (Pleiku-Kleng)... “Trong các trận đánh phục kích giao thông, tôi đã bắn cháy 4 xe cơ giới và xe bọc thép của địch, được Bộ tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt xe cơ giới”. Cũng thời gian này, tôi chiến đấu dũng cảm, diệt được nhiều quân Mỹ, được tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ” cùng nhiều phần thưởng khác”, Đại tá Trần Quang Vinh cho biết.
- Vậy những trận đánh nào có hiệu suất chiến đấu cao và ông có thể kể cho chúng cháu nghe về kỷ niệm trong chiến đấu của ông?
Câu hỏi của tôi như gợi đúng trong sâu thẳm hồi ức của Đại tá Trần Quang Vinh. Ông nhớ lại: “Tháng 12-1967, tôi được giao chỉ huy một tiểu đội đến khu vực phía Đông núi Ngọc Bờ Biêng (Kon Tum) trinh sát, chuẩn bị công sự, phối hợp với đơn vị bạn tiêu diệt trận địa pháo của địch và đánh địch đổ bộ đường không, cắt đứt việc tiếp tế đạn dược cho trận địa pháo của địch ở đây. Chúng tôi hành quân xuyên rừng, tranh thủ đi ban đêm để đến vị trí tập kết đúng thời gian quy định. Đến nơi, chúng tôi bắt tay ngay vào công việc trinh sát địa hình và chuẩn bị trận địa. Tôi tổ chức cho anh em ngụy trang kỹ lưỡng, chờ đơn vị bạn đến bàn giao trận địa sẵn sàng chiến đấu.
Tuy nhiên đã xảy ra tình huống đơn vị bạn không đến được vị trí tập kết như hiệp đồng, đến khi trời sáng thì nguy cơ bị lộ rất cao, đơn vị sẽ không hoàn thành nhiệm vụ cắt đứt đường tiếp tế, vô hiệu hóa trận địa pháo của địch. Quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, tôi chỉ huy anh em sử dụng hỏa lực và cơ số đạn được biên chế, bí mật đánh vào trận địa pháo của địch, rồi rút khỏi trận địa ngay để tránh máy bay địch oanh tạc và tôi là người rút sau cùng. Khoảng 7 giờ sáng hôm ấy, tốp máy bay UH-1A đến chi viện cho trận địa pháo của địch. Khi chúng hạ thấp độ cao để tìm bãi đáp, từ một vị trí ẩn nấp thuận lợi, tôi sử dụng súng tiểu liên AK bắn rơi một chiếc. Sau đó, tôi tìm đường về nơi tập kết đã định và anh em cũng đã rút đến vị trí an toàn.
Một trận đánh khác diễn ra vào tháng 10-1968, khi quân Mỹ và ngụy đổ bộ một đại đội biệt kích mang biệt danh Lôi Hổ ở khu vực đồi Tranh, phía Tây núi Ngọc Bờ Biêng. Đại đội Công binh 2 của tôi được giao nhiệm vụ bao vây, phối hợp, hiệp đồng đánh địch với Tiểu đoàn 6 (Trung đoàn 24A, Mặt trận Tây Nguyên) do đồng chí Tiêu Văn Mẫn, Chính trị viên Tiểu đoàn chỉ huy. Là Chính trị viên Tiểu đoàn, anh Mẫn chỉ trang bị súng ngắn. Vì thế, tôi đề nghị anh mang theo hai khẩu súng, một súng ngắn và một tiểu liên AK. Trận đánh này, ta giành thắng lợi, làm thiệt hại nặng Đại đội Lôi Hổ, buộc quân Mỹ phải rút khỏi khu vực đồi Tranh. Sau này, đồng chí Tiêu Văn Mẫn là Trung tướng; từng đảm nhiệm các chức vụ Phó tư lệnh về Chính trị Quân đoàn 3, Phó tư lệnh về Chính trị Quân khu 5; được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, xác nhận: “Đồng chí Trần Quang Vinh đã chiến đấu với tôi tại Mặt trận Tây Nguyên, có nhiều thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu và công tác như trong báo cáo đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân”.
Năm 1969, tôi được bổ nhiệm Phó tham mưu trưởng Tiểu đoàn Công binh 25 và năm 1970 được điều về công tác tại Ban Công binh, Mặt trận Tây Nguyên. Để bảo đảm công trình và trận địa cho các chiến dịch ở Tây Nguyên, tháng 9-1971, tôi được bổ nhiệm Phó tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Công binh 25. Đến tháng 12-1972, tôi được giao phụ trách Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Công binh 25. Trong thời gian này, tôi cùng với tập thể chỉ huy Tiểu đoàn chỉ đạo đơn vị làm tốt công tác bảo đảm công binh cho các trận đánh trên địa bàn Tây Nguyên.
Năm 1975, trên cương vị Tiểu đoàn trưởng, tôi trực tiếp chỉ huy một đại đội công binh của Tiểu đoàn phối hợp với lực lượng công binh Mặt trận Tây Nguyên và Bộ tư lệnh Trường Sơn mở đường bí mật cho xe tăng và bộ binh ta tiến công Buôn Ma Thuột. Tôi chỉ huy đại đội hành quân cắt rừng, đến vị trí quy định, nhận đoạn đường được giao; tổ chức cho bộ đội mở đường rộng 10m, cưa cây, đánh dấu tim đường, sao cho khi xe tăng đi, cây dạt về một chiều, không cản trở xe chạy. Công việc được tiến hành bí mật, chúng tôi khẩn trương mở đường ngày đêm, khắc phục khó khăn qua các suối cạn trong rừng để bảo đảm tiến độ.
Sau khi giải phóng Tây Nguyên, Quân đoàn 3 được thành lập. Tiểu đoàn Công binh 25 được biên chế trong đội hình Sư đoàn 10. Tôi là Tiểu đoàn trưởng chỉ huy Tiểu đoàn bảo đảm cầu đường, dò mìn, khắc phục vật cản cho Sư đoàn 10 hành quân thần tốc từ hướng Tây Ninh tiến công vào nội đô Sài Gòn, đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng Tham mưu ngụy. Trưa 30-4-1975, lực lượng công binh do tôi chỉ huy cùng Trung đoàn 28 (Sư đoàn 10) và các đơn vị tiến công, cắm cờ giải phóng và làm chủ Bộ Tổng Tham mưu ngụy quân Sài Gòn”...
Sau năm 1975, đồng chí Trần Quang Vinh tiếp tục tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, làm nhiệm vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia và bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc. Hoàn thành khóa đào tạo tại Học viện Hậu cần năm 1989, đồng chí Trần Quang Vinh được điều động về công tác tại Thanh tra Bộ Quốc phòng, đến năm 2000 nghỉ hưu với quân hàm Đại tá, Trưởng thanh tra ngành hậu cần, kỹ thuật, tài chính. Tại địa phương, Đại tá Trần Quang Vinh luôn gương mẫu, tích cực tham gia công tác xã hội, được Chủ tịch UBND TP Hà Nội và quận Tây Hồ tặng bằng khen; là đảng viên nhiều năm liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
HƯƠNG NGÂN