Người Thầy thuốc Nhân dân 

TS, BS, TTND Nguyễn Sanh Dân sinh năm 1931, tại Cao Lãnh (Đồng Tháp). 17 tuổi, Nguyễn Sanh Dân trốn nhà đi làm cách mạng. Dáng nhỏ thó, thư sinh, đơn vị cử ông đi học y tá. Ra trường, ông được phân công về chăm sóc sức khỏe cho bộ đội tại Ban CHQS Nam Bộ. Năm 1953, Nguyễn Sanh Dân được cử ra Việt Bắc đào tạo quân y sĩ. Từ năm 1960 đến 1965, ông trúng tuyển vào đào tạo tại Trường Đại học Quân y (nay là Học viện Quân y). Năm 1965, Nguyễn Sanh Dân tốt nghiệp ra trường và tình nguyện trở lại Nam Bộ công tác. Cuối năm 1965, BS Nguyễn Sanh Dân được giao làm Viện trưởng Bệnh viện K71B - một trong những bệnh viện tuyến cuối của chiến trường miền Nam.

Từ cậu bé quê lúa Đồng Tháp, Nguyễn Sanh Dân trở thành bác sĩ, làm nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho bộ đội và nhân dân Nam Bộ. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, BS Nguyễn Sanh Dân được cử đi đào tạo về chỉ huy quân y tại Liên Xô. Về nước, BS Nguyễn Sanh Dân lại có mặt ở chiến trường bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia. Trong thời gian này, BS Nguyễn Sanh Dân luôn có mặt tại chiến trường và lấy tài liệu để làm luận án phó tiến sĩ (nay là TS) với đề tài “Nghiên cứu một số hình thức cứu chữa thương bệnh binh tại Campuchia”. Sau đó, TS, BS Nguyễn Sanh Dân được giao làm Phó chủ nhiệm rồi Chủ nhiệm quân y Quân khu 7.

Với những đóng góp và cống hiến trong ngành y học quân sự, ngày 22-2-2008, Đại tá, TS, BS Nguyễn Sanh Dân được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu TTND.

leftcenterrightdel
 Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Sanh Dân (áo trắng) khám bệnh cho nhân dân tỉnh Tây Ninh. Ảnh: NGUYÊN TRANG

Nặng lòng tri ân đồng đội

Sinh thời, tôi có dịp làm việc và gần gũi với TS, BS Nguyễn Sanh Dân. Ông không chỉ là tấm gương sáng để chúng tôi học tập, phấn đấu theo chuẩn mực Bộ đội Cụ Hồ mà còn là nhà khoa học mẫu mực, tâm huyết. Đối với Báo Quân khu 7 và Báo Quân đội nhân dân, TS, BS Nguyễn Sanh Dân là cộng tác viên tích cực. Ngoài các tin, bài ông chủ động gửi về tòa soạn, những khi báo yêu cầu có bài phục vụ chuyên đề, TS, BS Nguyễn Sanh Dân đáp ứng ngay. Tôi nhớ mãi, một dịp cần bài nói về bệnh viện quân y trong kháng chiến, là Viện trưởng Bệnh viện K71B, BS Nguyễn Sanh Dân gửi cho chúng tôi bài báo ngắn gọn, súc tích về một thời “bệnh viện đánh giặc”. Điều ấn tượng nhất đối với tôi là tấm lòng của ông với đồng đội, người thân của đồng đội và đặc biệt với những người đã hy sinh vì đất nước.

Khi cuộc chiến đấu giúp nước bạn Campuchia xảy ra quyết liệt, tôi gặp ông ở Mặt trận 479. Ông hỏi thăm chuyện gia đình tôi (lúc ấy, người thân của tôi bị bệnh nan y). Sau khi nghe tôi kể, ông im lặng hồi lâu. “Không lẽ bó tay sao? Để tôi tìm cách”. Và, ông tìm cách thật. Nửa tháng sau, về hậu cứ, BS Dân gọi tôi đến trao cho gói thuốc và bảo: “Dược liệu này anh tìm trên rừng ở Campuchia, chú về sắc cho cô ấy uống thử xem”.

Tôi mang gói thuốc của ông đưa về Nam Định sắc cho người thân uống. Quả nhiên bệnh thuyên giảm. Không chỉ chia sẻ, lo cho những người bình thường như tôi mà tấm lòng của ông với đồng đội, đặc biệt với những gia đình liệt sĩ thật cảm động.

Tròn 60 tuổi, năm 1991, BS Năm Dân chủ động báo cáo cấp trên thôi giữ chức Chủ nhiệm quân y Quân khu để làm chuyên môn. Ông đăng ký làm chuyên viên tổ chức chiến thuật quân y. Năm 1997 chính thức nghỉ hưu, ông vận động thành lập Ban liên lạc truyền thống quân y miền Đông Nam Bộ và đã tập hợp được hơn 6.000 cán bộ, thầy thuốc, nhân viên quân y qua các thời kỳ. Ban liên lạc truyền thống quân y miền Đông Nam Bộ tập trung vào hai việc. Thứ nhất, khám bệnh miễn phí cho nhân dân, nhất là nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ kháng chiến. Thứ hai, xác minh danh tính liệt sĩ và hỗ trợ đưa hài cốt liệt sĩ về nghĩa trang. Hàng vạn người dân từ miền Đông Nam Bộ đến Đồng bằng sông Cửu Long được khám bệnh, cấp thuốc. Hàng trăm mộ liệt sĩ (phần lớn hy sinh từ Bệnh viện K71B) được xác định danh tính, trong đó có 185 phần mộ liệt sĩ được đưa từ rừng sâu núi thẳm về nghĩa trang. BS Năm Dân chia sẻ, món nợ này chúng ta không bao giờ trả hết.

Đại tá, nhà văn TRẦN THẾ TUYỂN