Mùa đông năm 1927, tại một ngôi làng nhỏ bên sông Gianh thuộc huyện Tuyên Hóa, có một cậu bé mới 12 tuổi đã phải rời bỏ làng quê nghèo khổ, theo bố mẹ phiêu bạt sang Thái Lan để mưu sinh. Nhờ sáng dạ lại nhanh nhẹn, cậu được Thầu Chín-bí danh của Bác Hồ giai đoạn hoạt động ở Thái Lan-lựa chọn và đào tạo trở thành liên lạc của Người. Dưới sự dìu dắt của Thầu Chín, chàng thanh niên yêu nước ấy đã tích cực hoạt động và không ngừng trưởng thành, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1933...

Chàng thanh niên giàu nhiệt huyết cách mạng ấy là Trần Văn Kỳ, sau này được Bác Hồ đặt tên mới là Hoàng Sâm. Ông là Đội trưởng đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân thành lập ngày 22-12-1944, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay. Sau này, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bước vào giai đoạn quyết liệt, Thiếu tướng Hoàng Sâm, Tư lệnh Quân khu Hữu Ngạn được Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương điều vào làm Tư lệnh Quân khu Trị Thiên. Ông hy sinh năm 1968, trên chiến trường. Ngôi làng nơi ông sinh ra, lớn lên, rồi rời làng đi làm cách mạng là làng Lệ Sơn.

Làng Lệ Sơn nằm bên bờ Nam sông Gianh, trước mặt là dòng sông mềm mại như một dải lụa xanh, sau lưng là dãy lèn đá 99 ngọn sừng sững soi bóng xuống dòng sông. Phong cảnh Lệ Sơn non nước hữu tình, lung linh như một bức tranh thủy mặc. Tỉnh Quảng Bình có 8 làng đẹp nổi tiếng và giàu có về truyền thống văn hóa, được gọi là “bát danh hương” thì Lệ Sơn được xếp đứng đầu, gọi là “Đệ nhất bát danh hương” (Sơn, Hà, Cảnh, Thổ, Văn, Võ, Cổ, Kim). Nổi bật nhất là truyền thống hiếu học và khoa bảng của làng. Thần phả của làng ghi: Năm 1471, khi đưa dân đến đây khai hoang lập ấp, cuộc sống vừa tạm ổn định thì cụ Tổ của làng đã lặn lội đi mời một vị hưu quan nổi tiếng là người học rộng, văn chương uyên bác, phong cách mẫu mực... về mở lớp dạy chữ cho con em trong làng. Theo sách “Dư địa chí Quảng Bình”: Ở Lệ Sơn trước đây, các cụ già ai cũng thuộc sách “Tam tự kinh” và “Minh tâm bảo giám”, hay “Truyện Kiều” và các áng văn thơ cổ như “Chinh phụ ngâm”, “Tống Trân-Cúc Hoa”, “Lục Vân Tiên”... Đất hiếu học nên nghề được chọn nhiều nhất ở Lệ Sơn là nghề giáo. Hiện nay, cả xã gồm 8 thôn với khoảng 4.000 người dân thì có đến hơn 800 người là nhà giáo, nhiều người là những giáo sư nổi tiếng trên các lĩnh vực tại nhiều trường đại học hàng đầu của đất nước.

leftcenterrightdel

 Làng Lệ Sơn nhìn từ bờ Bắc sông Gianh.

Lệ Sơn không chỉ có cảnh đẹp và truyền thống văn hiến mà còn là mảnh đất thượng võ, bất khuất. Từ xa xưa, Lệ Sơn đã có nhiều võ tướng được triều đình phong kiến ban tặng những danh hiệu như: Trung kiệt tướng quân, Quả cảm tướng quân, Phấn lực tướng quân... mà sắc phong vẫn còn được con cháu lưu giữ đến ngày nay. Trong Phong trào Cần Vương kháng Pháp cuối thế kỷ 19, đất Lệ Sơn đã có những Lãnh binh như Trần Thiện Mưu và Lương Khắc Định tổ chức nghĩa quân, lập căn cứ ở Sũng Nghệ để phối hợp với Đề đốc Lê Trực ở vùng Tiến Hóa bên kia sông Gianh chặn đánh quân địch đuổi theo xa giá của vua Hàm Nghi trên đường rút lên căn cứ sơn phòng ở miền Tây Quảng Bình. Cháu ngoại cụ Lãnh Trần-người chỉ huy tài năng của Đề đốc Lê Trực, tham gia Phong trào Cần Vương dọc sông Gianh-là bà Đặng Thị Cấp, một lão thành cách mạng, thân mẫu Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên-vị tướng của Trường Sơn huyền thoại...

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, dưới sự lãnh đạo của Đảng, khi các cơ quan của tỉnh Quảng Bình sơ tán lên vùng thượng nguồn sông Gianh để xây dựng an toàn khu Tuyên Hóa từ cuối năm 1947, làng Lệ Sơn trở thành cửa ngõ then chốt của an toàn khu. Gọi là then chốt vì chạy dọc hai bên bờ sông Gianh là Quốc lộ 12A nối Quốc lộ 1A đoạn từ Ba Đồn lên cửa khẩu Cha Lo để sang Lào và đoạn đường sắt xuyên Việt chạy từ đầu huyện đến cuối huyện. Quân địch từ vùng tạm chiếm ở Quảng Trạch và Bố Trạch muốn đánh lên chiến khu Tuyên Hóa phải hành quân trên Quốc lộ 12A, hoặc theo đường sắt, hoặc ngược theo sông Gianh và tất cả đều phải đi qua làng Lệ Sơn.

Xác định rõ sứ mệnh cửa ngõ của làng nên quân và dân Lệ Sơn quyết tâm xây dựng làng chiến đấu để bảo vệ vững chắc an toàn khu của tỉnh ở thượng nguồn sông Gianh. Nhân dân Lệ Sơn đã chặt hàng vạn cây tre, lột tà vẹt đường tàu và đào, đắp hàng chục ki-lô-mét đường hào giao thông để xây dựng làng chiến đấu. Dựa vào những lũy tre sẵn có từ lâu đời, quân và dân Lệ Sơn rào làng thành nhiều tầng, nhiều lớp. Bến sông nào cũng có lựu đạn, bom, mìn gài sẵn chờ quân địch. Khu vực giữa làng (từ bờ sông vào làng) còn có 3 hệ thống rào ngang, mỗi tuyến dài hơn 1.000m, lần lượt là: Tuyến Hố Quan-Khe Trống, tuyến Dường Cao-Khe Ngút và tuyến Cồn Vang-Đồng Khâu. Các trục ngang dọc đều có cổng chắc chắn, lúc báo động, các cổng được khóa chặt tạo thành thế chia cắt, có lực lượng du kích canh gác, tuần tiễu ở từng khu vực. Bên trong những lèn đá có các thung lũng khá rộng được xây dựng thành khu hậu cứ. Trên sông Gianh đoạn chảy qua làng, quân và dân chặt tre, gỗ... thiết lập 3 tuyến “tắc giang” chắn ngang sông để ngăn cản tàu chiến và ca nô của địch từ phía biển nống lên.

leftcenterrightdel
 Chiếc mõ cảnh giới của làng chiến đấu năm xưa. Ảnh: LƯƠNG DUY CƯỜNG

Ngày nay, du khách đến thăm Làng chiến đấu Lệ Sơn sẽ được chiêm ngưỡng chiếc mõ bằng gỗ mít cao gần 2m, to hơn một vòng ôm của người lớn, được bảo quản tại nhà ông Trần Huấn là Trưởng thôn Bàu Sỏi. Đây là một trong 3 chiếc mõ được làm từ gỗ của 3 cây mít cổ thụ, khi bắt đầu chủ trương xây dựng làng chiến đấu. 3 chiếc mõ “khủng” này được treo trên 3 đỉnh lèn cao 1.000m là Bạch Mã, Đồng Khâu và Lèn Choi. Đó là 3 vọng gác có tầm nhìn xa hàng chục cây số. Mỗi khi phát hiện quân địch trên các hướng Quốc lộ 12A, hướng cảng Gianh, hay hướng ga Minh Lệ... thì lập tức báo động cho dân làng sơ tán và du kích sẵn sàng chiến đấu. Nhờ vậy, hàng chục lần địch nống lên càn quét, nhưng quân và dân Lệ Sơn đã chủ động đối phó, đập tan âm mưu phá bỏ “cánh cửa thép” của chiến khu Tuyên Hóa để mở rộng vùng chiếm đóng ra Hà Tĩnh và khống chế tuyến giao thông Việt-Lào qua cửa khẩu Cha Lo...

Tiêu biểu là trận đánh ngày 24 và 25-11-1948. Trận ấy, ngay từ đầu, quân địch đã vấp phải sự chống trả quyết liệt của du kích Lệ Sơn khiến 7 tên bị tiêu diệt, 3 tên khác bị thương. Toán đi phía sau hoảng loạn chạy ra bờ sông, nhiều tên bị sập hầm chông, đồng bọn phải cõng lên ca nô tháo chạy. Tức tối, hôm sau, địch huy động lực lượng gồm một đại đội lính lê dương đi bằng ca nô từ thôn Thanh Khê thuộc xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch lên, phối hợp với 100 tên lính từ đồn Minh Lệ ở xã Quảng Minh thuộc huyện Quảng Trạch (nay thuộc thị xã Ba Đồn) tiến công vào làng Lệ Sơn theo hai hướng sông Gianh và đường sắt. Quân địch mới đến hàng rào bên ngoài đã vấp phải một loạt bom tự tạo. Chúng dạt ra, kêu pháo bắn tới tấp, rồi lại xông vào làng. Đi đến đâu chúng cũng bị du kích giật bom, ném lựu đạn khiến 8 tên bị tiêu diệt tại chỗ và hàng chục tên khác bị thương...

Trận đánh ngày 24 và 25-11-1948 là một trong những chiến công nổi bật trong kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân làng Lệ Sơn. Những năm sau đó, thực dân Pháp nhiều lần tìm cách đánh chiếm Lệ Sơn, nhưng đều thất bại thảm hại. Tại Đại hội thi đua lần thứ hai năm 1952 của Liên khu 4, làng Lệ Sơn của huyện Tuyên Hóa cùng với làng Cự Nẫm của huyện Bố Trạch và làng Cảnh Dương của huyện Quảng Trạch được Ủy ban Kháng chiến hành chính Liên khu 4 tuyên dương là Làng chiến đấu kiểu mẫu của tỉnh Quảng Bình. Tinh thần của làng chiến đấu vẫn được các thế hệ quân và dân Lệ Sơn phát huy trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trong công cuộc đổi mới và phong trào xây dựng nông thôn mới ngày nay.

MAI NAM THẮNG