Đại tá Nguyễn Thụy Anh, nguyên cán bộ Cục Khoa học Quân sự, Bộ Quốc phòng nhớ lại: “Tháng 3-1975, tôi tham gia Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 khi là Thiếu úy, Trợ lý Phòng Kỹ thuật tên lửa của tiền phương Bộ tư lệnh Phòng không-Không quân. Vào đến sân bay Đà Nẵng, chúng tôi nhận được lệnh xuống kiểm tra ngay khí tài tại một tiểu đoàn tên lửa thuộc Trung đoàn Tên lửa 263 (nay thuộc Sư đoàn 367, Quân chủng Phòng không-Không quân) đang dừng chân ở ngoại vi thành phố vì gặp trục trặc kỹ thuật. Nhóm chúng tôi có 4 người, đồng chí Thượng úy Nguyễn Viết Đào, Trợ lý bệ, đạn tên lửa có quân hàm cao nhất được cử làm trưởng nhóm. Chúng tôi mang theo máy móc và linh kiện, phụ tùng dự trữ rồi nhanh chóng cơ động xuống đơn vị.
Đến nơi, chúng tôi đề nghị đơn vị cho nổ máy tiến hành kiểm tra chức năng toàn đài điều khiển tên lửa. Anh Đào xuống ngay trận địa Đại đội 2 theo dõi bệ, đạn, còn chúng tôi thì lên các xe khí tài của Đại đội 1. Đã được báo trước nên tôi lên ngay xe máy tính (xe A) để kiểm tra vì đây là nơi xảy ra trục trặc: Hệ vô tuyến phát lệnh điều khiển tên lửa (hệ RPK) bị cháy một trong hai linh kiện mắc song song ở tủ máy phát, mà trong bộ linh kiện, phụ tùng dự trữ của tiểu đoàn không còn và chúng tôi cũng không có. Các kỹ thuật viên xe A đã mạnh dạn tháo bỏ hai linh kiện mắc song song, chọn một linh kiện có trị số tương đương rồi mắc nối tiếp vào để thay thế. Sau đó họ kiểm tra thì các tham số kỹ thuật của hệ đã ổn định nhưng tiểu đoàn vẫn lo lắng không hiểu khí tài có bảo đảm tính năng chiến đấu như trước không? Về nguyên lý kỹ thuật thì không được thay như vậy, bởi tên lửa là hệ thống vũ khí phức tạp và đòi hỏi độ chính xác rất cao, một sơ sẩy nhỏ có thể dẫn đến hậu quả khôn lường.
Thực tế chiến trường lúc đó không còn giải pháp nào khác, nhưng không vì thế mà có thể lơi lỏng được. Nghe báo cáo xong, tôi mở khối máy xem cụ thể rồi đối chiếu kỹ với sơ đồ nguyên lý, đọc lại cả thuyết minh kỹ thuật và hướng dẫn sử dụng của hệ RPK rồi yêu cầu trưởng xe và kỹ thuật viên làm lại tất cả các bài định kỳ kiểm tra tham số kỹ thuật. Các thao tác của anh em rất thuần thục và mọi tham số đều nằm trong giới hạn cho phép. Tôi cẩn thận đề nghị anh em cùng theo dõi rồi trực tiếp làm lại một lần nữa tất cả các bài định kỳ cần thiết và kết quả thu được cũng vậy”.
Cựu chiến binh Nguyễn Thụy Anh hồi tưởng: “Khi đó, đơn vị đề nghị đoàn kiểm tra ký xác nhận khí tài tốt, bảo đảm sẵn sàng chiến đấu. Tôi là kỹ sư mới ra trường hơn một năm, kiến thức còn đầy ắp trong đầu, nhưng khi ở các đơn vị ngoài miền Bắc chưa gặp sự cố nào tương tự, cũng chưa bao giờ phải ký gì vì không phải là trưởng ngành. Tôi báo cáo với anh Đào việc này thì anh nói: “Lực lượng tên lửa đi chiến dịch không nhiều, nên rất cần số lượng cao nhất để sẵn sàng chiến đấu. Tớ là chuyên ngành bệ, đạn, không nắm rõ các tham số mà cậu vừa kiểm tra. Hiện tại, ở đây cậu là người có chuyên môn cao nhất về lĩnh vực đó thì phải ký thôi để đơn vị còn yên tâm chiến đấu”.
Trong tình huống này không thể yêu cầu cao hơn nữa về mặt kỹ thuật và cũng không thể chần chừ, tôi mạnh dạn hạ bút ký. Ký xong, không ngờ người tỏ ra mừng nhất lại là đồng chí kỹ thuật viên RPK và trưởng xe A-những người đề xuất và thực hiện việc thay thế linh kiện này, họ nói: “Thế là đoàn kiểm tra đã xác nhận rồi nhé!”. Cả hai đồng chí đều lớn tuổi, kiệm lời và có phần hơi căng thẳng khi thấy tôi kiểm tra kỹ lưỡng ở đó, nhưng họ thật sự vui vì đã được công nhận sáng tạo kỹ thuật trên đường đi chiến dịch. Bởi khi chiến đấu, sẽ có hai tình huống xảy ra: Tên lửa phóng lên diệt được máy bay địch thì hoàn thành nhiệm vụ, nhưng nếu tên lửa mất điều khiển rơi xuống đất mà còn gây thiệt hại cho quân ta thì sẽ phải ra tòa án binh...
Trong suốt mùa Xuân 1975, chúng tôi đã đi theo và tiến hành bảo đảm kỹ thuật cho các đơn vị tên lửa. Chúng tôi được cấp trên đánh giá đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, bảo đảm kịp thời cho khí tài tên lửa sẵn sàng chiến đấu, góp phần vào chiến công toàn thắng ngày 30-4-1975”.
ANH VIỆT