Về đất xứ Nghệ, vào vùng Diễn Châu ai mà không biết hai dòng họ lớn: Cao Xuân và Đặng Văn. Hai dòng họ này đã sản sinh ra hàng trăm con cháu thông minh, học giỏi, đạt những khoa bảng cao thời xưa cũng như thời nay.
Riêng họ Đặng Văn ở đất Nho Lâm (Diễn Châu) đã sinh ra Đặng Văn Thụy văn hay, học rộng, 16 tuổi đỗ đầu xứ; 25 tuổi thi hương đỗ Cử nhân (Á nguyên). Năm 1904 ông thi hội, đỗ nhị Giáp tiến sĩ Bình Nguyên (tức đỗ nhất, Hoàng Giáp), được bổ nhiệm là Tử nghiệp (Phó hiệu trưởng) sau đấy là Tế Tửu (tức Hiệu trưởng Trường Quốc Tử Giám, trường đại học quốc gia lớn nhất thời phong kiến). Đặng Văn Thụy là một Quốc sư dạy từ vua trở xuống.
 |
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và ông Đặng Văn Việt.
|
Đặng Văn Thụy sinh được 11 người con, trong ấy có 8 con trai (2 con đỗ phó bảng, 2 đỗ bác sĩ, 2 đỗ tú tài...). Trong hai con đỗ Phó bảng có Đặng Văn Hướng đặc biệt thông minh: 18 tuổi đỗ cử nhân (1906), 1919 đỗ Phó bảng (triều Duy Tân). Học tiếng Pháp từ ABC trong hai năm, đỗ Thành chung. Do có học vấn đông tây toàn diện, ông được bổ dụng làm các việc: Huấn đạo, Giáo thụ, Tri huyện, Tri phủ, Thị lang, Tham tri, Tuần vũ tỉnh Hà Tĩnh. Tính ông thẳng thắn, trung thực, hay phê phán quan trên cả Tây lẫn ta, nhiều lần biểu hiện tính dân tộc mạnh mẽ.
Với tính ấy, quan trên không ưa, cho ông về hưu với hàm Thượng thư. Ông không được lòng cấp trên, nhưng lại được lòng cấp dưới. Cũng vì vậy, nên khi Chính phủ Trần Trọng Kim ra đời, ông được mời tham gia Chính phủ, ông từ chối, sau đấy được mời làm Tổng đốc Nghệ An. Ông nhận lời vì vừa giúp nước, giúp dân, vừa gần mẹ già.
Trong thời gian ông làm Tổng đốc, phong trào Việt Minh đã ngấm ngầm thấm vào đất xứ Nghệ. Ông Đặng Văn Hướng thường quan hệ bí mật với Trần Văn Cung (Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An) và ông Lê Viết Lượng (sau này là Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Trung Bộ). Một mặt lo cho dân làm ăn yên ổn, lo đối phó với bọn Nhật luôn có nhiều yêu sách, luôn sẵn sàng khủng bố đàn áp cách mạng, một mặt ông và ông Trần Văn Cung chuẩn bị bí mật cho cuộc Tổng khởi nghĩa tại Nghệ An. Ông cho thay thế tên lãnh binh bằng ông Trần Văn Quang (sau này là Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ tịch Hội CCB Việt Nam). Chức Chánh văn phòng tỉnh được ông giao cho Nguyễn Tạo (sau này là Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp). Ông thay những tên tri huyện có xu hướng thân Pháp, Nhật bằng những người có xu hướng dân tộc… Vô hình, ông đã Việt minh hóa bộ máy chính quyền Trần Trọng Kim, vì vậy mà khi Cách mạng Tháng Tám nổ ra, ông bàn giao ấn tín, súng đạn, tiền của, giấy má từ chính quyền thân Nhật sang chính quyền Cách mạng như trở bàn tay, không tốn một viên đạn, một giọt máu. Xe của Việt Minh treo cờ đỏ sao vàng, rước ông về quê rất trân trọng, trong tiếng hoan hô đón tiếp của dân làng. Ông về với ngôi nhà nhỏ ba gian thô sơ và giản dị. Người ta bảo, nếu ông “chịu khó” tham nhũng một tí thì cũng có dinh cơ như Hoàng Trọng Phu-Hoàng Cao Khải.
 |
Cụ Đặng Văn Hướng – Bộ trưởng Không bộ, phụ trách Thanh-Nghệ-Tĩnh trong kháng chiến chống Pháp.
|
Ông tham gia Việt Minh Liên khu 4.
Cũng vì có công ấy, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập Chính phủ đầu tiên, ông được mời ra giữ chức Bộ trưởng không bộ, phụ trách Thanh-Nghệ-Tĩnh.
Từ năm 1946 đến năm 1953, ông cùng các Bí thư, Chủ tịch 3 tỉnh lăn lộn từ nơi này đến nơi khác, hiểu dụ, kêu gọi đồng bào góp công, góp sức cho kháng chiến chống Pháp.
Đến 1953, Bác Hồ hai lần cử ông Hoàng Quốc Việt và ông Trần Công Tường về tận quê Nho Lâm mời ông Đặng Văn Hướng ra Việt Bắc để làm việc bên cạnh Chính phủ. Đang chuẩn bị lên đường thì ở quê nhà tiến hành giảm tô. Ông bị đấu tố. Được tin, trên đưa ông về ở một làng nhỏ. Ông lâm bệnh, được đưa về quê và mất trên mảnh đất “Rừng nho” quê hương của ông. Có người khóc:
Cụ Hướng ơi, cụ Hướng ơi
Nghe tin Cụ mất bao người khóc
Tôi nín nhưng mà lệ cứ rơi…
Ông Đặng Văn Hướng có 8 con: 3 trai, 5 gái. Trong số con trai của ông có cậu ấm Đặng Văn Việt, cao 1,7m, nặng 68kg, đẹp trai, học giỏi.
Chăm học nhưng cũng rất ham chơi, không có môn thể thao nào là ông Việt không chơi thử. Chơi thử nhưng thành chơi thực vì ông đều được giải nhất nhảy cao 1,70m, chạy 100m hết 13 giây, 6 giải nhất, nhì môn tennis, 3 giải nhất đua xe đạp vòng thúng ở sân vận động Huế, bơi vượt sông Hương 1-2 lần đi về, có khi xuôi dòng sông Hương từ cầu Bạch Hổ về cầu Tràng Tiền, rồi lên bộ đủng đỉnh về nhà.
Cậu ấm Việt lúc nhỏ học trường Tây, lại rất ghét Tây, mong được đánh Tây giành độc lập và xây dựng một Việt Nam mới giàu mạnh, văn minh. Gặp thời cơ, ông tham gia Việt Minh sớm. Tham gia Cách mạng Tháng Tám, lao vào cuộc chiến tranh một cách tích cực và hăng hái. Nhân dân đã gọi ông là: “Vua Đường số 4, Hùm xám Đường số 4…”. Không qua một trường quân sự dài hạn nào, nhưng Đặng Văn Việt đã chỉ huy nhiều mặt trận, đánh thắng hàng trăm trận. Mặc dù trong giảm tô, cải cách ruộng đất, gia đình bị nhiều mất mát tổn thương, nhưng ông vẫn kiên trì theo Cách mạng, bởi ông nghĩ muốn giải phóng dân tộc phải dựa vào Việt Minh, vào Bác Hồ, vào Đảng Cộng sản, không có con đường nào khác. Mọi hy sinh cá nhân vì lợi ích của nhân dân đều là nhỏ đối với ông.
 |
Ông Đặng Văn Việt hồi trẻ. Ảnh do gia đình cung cấp
|
Khi bố làm Tổng đốc Nghệ An bí mật giúp Việt Minh thì ông đã là Việt Minh chính cống. Ông mang nhiều tài liệu bí mật nhét vào khung xe đạp. Về đến Vinh, ông giấu tài liệu vào một góc nóc nhà của Tổng đốc. Bọn Nhật, lính tráng ra vào không tài nào phát hiện ra. Nếu như bố đã Việt Minh hóa bộ máy cai trị của Chính phủ Trần Trọng Kim, để chuẩn bị cho Cách mạng Tháng Tám ở Nghệ An đi đến dễ dàng thành công, thì cậu ấm Việt vào Huế, hoạt động Việt Minh trong Trường Thanh niên Tiền tuyến và đã góp phần Việt Minh hóa toàn bộ trường này. Khi Cách mạng Tháng Tám nổ ra, toàn bộ Trường Thanh niên tiền tuyến đã tham gia quân đội cách mạng, nhiều người đã trở thành tướng lĩnh nổi danh trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ.
Đặng Văn Việt có tính tình ngay thẳng, cương nghị, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua. Giáo sư Trần Văn Hà nhận xét về ông là: “Chí trung với nước, chí hiếu với dân, không chút vì danh lợi địa vị”. Cả cuộc đời ông sống thanh bạch, liêm khiết mặc dù có nhiều cống hiến cho Cách mạng, từng giữ chức Cục trưởng Cục Xây dựng cơ bản nhưng đến nay ông vẫn sống trong một căn hộ 12m2 khu tập thể công nhân 8/3.
Nhưng Đặng Văn Việt vẫn luôn vui vẻ, lạc quan yêu đời. Đã 93 tuổi, ông vẫn ra sân chơi quần vợt, bơi lội, đi xe máy, theo dõi internet hằng ngày, đi du lịch, khiêu vũ. Không phải nhà văn, về hưu ông viết 15 đầu sách, được 3 giải nhất Văn học nghệ thuật (một của thế giới, một của toàn quốc, một của Lạng Sơn). Ông vừa hoàn thành cuốn 4000 năm Lịch sử Quân sự Việt Nam được nhiều nhà sử học đánh giá cao.
Bình Nguyên