Chúng tôi đến thăm bà Nguyễn Thị Hồng, đại biểu Quốc hội khóa II và III, Trung đội trưởng du kích xã Nhân Chính thời gian cuối những năm 40 của thế kỷ 20, tại một căn nhà nằm sâu trong ngõ ở đường Nhân Hòa (Nhân Chính). Năm nay tuy đã gần 90 tuổi nhưng bà vẫn còn minh mẫn, mạnh khỏe để đưa chúng tôi cùng quay trở lại khí thế hào hùng của nhân dân và du kích xã Nhân Chính trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Tháng 2-1948, Nguyễn Thị Hồng tham gia du kích khi mới 17 tuổi và được tín nhiệm giao chức tiểu đội trưởng rồi trung đội trưởng. Dưới sự chỉ huy tài trí của Hồng, lực lượng du kích đã có nhiều cách đánh sáng tạo, dũng cảm, làm cho tề, ngụy và bọn thực dân Pháp chiếm đóng ở địa phương vô cùng khiếp đảm. Nhắc đến một trong những chiến công nổi bật của du kích xã Nhân Chính, bà Hồng tự hào kể: “Cuối năm 1949, lực lượng du kích xã Nhân Chính nhận được lệnh bằng mọi cách tiếp cận và nắm bắt, vẽ sơ đồ bố trí của địch ở sân bay Bạch Mai để chuẩn bị cho bộ đội tiến đánh sân bay. Đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, nguy hiểm đòi hỏi người nhận nhiệm vụ phải có thần kinh thép, giỏi che giấu cảm xúc vì phải ra vào trong lòng địch; luôn đối mặt với quân thù tàn độc, hiểm ác… chỉ cần chút sơ sẩy là có thể bị lộ dẫn đến phá sản toàn bộ kế hoạch. Sau khi bí mật tổ chức họp bàn, tôi và hai nữ du kích Lộc và Ý đứng ra nhận nhiệm vụ”.
Sân bay Bạch Mai là nơi đồn trú chính của không quân Pháp tại chiến trường Đông Dương, được bao bọc bằng những hàng rào thép gai, ao hồ và hệ thống hào sâu, đèn chiếu sáng vào ban đêm. Ngày cũng như đêm, địch tổ chức tuần tiễu canh gác nghiêm ngặt bằng cả phương tiện cơ giới (xe bọc thép, ô tô) lẫn tuần tra bộ. Ngày ấy, địch hay thuê các lao động nữ đi dập than (xem bề mặt sân bay chỗ nào lồi lõm thì bê rổ than đến đó dập lại cho bằng phẳng). Sau khi nghiên cứu, Hồng nhận thấy, muốn được tuyển vào làm dập than thì phải ăn mặc “tân thời” thì địch mới tuyển. Vậy là bà về huy động lực lượng góp tiền mua vải may quần áo tân thời. Đồng thời móc nối xin tên cai Hoạt (tên này có vợ là người Nhân Chính và quản lý lực lượng lao động ở sân bay). Nhờ vậy, cả 3 người được làm lao động dập than trong sân bay.
Từ đó, hằng ngày khi tờ mờ sáng, Hồng, Lộc, Ý cắp rổ ra sân bay làm việc. Vừa làm, các chị vừa phải tinh ý vượt qua “cặp mắt cú vọ” của bọn địch để nắm bắt, ghi nhớ vị trí sắp đặt từng trang bị khí tài, quy luật bố phòng, thời gian tuần tra của địch. Hơn nữa, bằng sự khéo léo, Hồng đã thực hiện tốt công tác địch vận, lôi kéo tên cai Hoạt tham gia vẽ sơ đồ sân bay. Sau khoảng một tháng, tấm bản đồ chi tiết sân bay Bạch Mai đã được tổ du kích hoàn thành và bàn giao cho cách mạng. Bà Hồng kể tiếp:
- Đêm 17 rạng sáng 18-1-1950, tôi cùng mọi người choàng tỉnh vì những tiếng nổ lớn từ hướng sân bay Bạch Mai vọng lại. “Bộ đội đánh sân bay rồi”- chúng tôi reo lên. Sáng hôm sau, theo thông tin từ quần chúng, hàng chục chiếc máy bay của địch đã bị bộ đội ta đánh mìn, còn bọn Pháp thì hoảng loạn.
Thiệt hại lớn ở sân bay Bạch Mai, địch điên cuồng tiến hành càn quét. Cuối năm 1950, bà Hồng bị địch bắt và nhốt ở bốt Vọng, bị đánh đập, tra khảo. Do không có chứng cứ nên sau gần một tháng, chúng phải trả tự do cho bà. Đến giữa năm 1951, bà lại bị bắt do Việt gian chỉ điểm. Sau khi dùng mọi đòn thù tra tấn mà không có kết quả, kẻ địch nhốt bà ở Nhà tù Hỏa Lò.
Cuối năm 1953, bà được thả về địa phương. Tuy sức khỏe còn yếu do thời gian bị địch tra tấn tù đày, nhưng bà vẫn tiếp tục liên lạc với tổ chức, tham gia hoạt động cách mạng và có nhiều đóng góp trong phong trào xây dựng quê hương phát triển đẹp giàu.
VIỆT THÙY