Hoàng Đạt Thiêm sinh năm 1928, quê làng Bồng Thượng, xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa; nhập ngũ tháng 1-1951; đơn vị: Trung đội 2, Đại đội 501, Tiểu đoàn 115, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312; hy sinh trong trận tiến công cứ điểm đồi Độc Lập – Điện Biên Phủ đêm 15-3-1954 ở tiểu đội mũi nhọn thọc sâu của Trần Ngọc Doãn. Tiểu đội có nhiệm vụ diệt chỉ huy sở địch và cắm cờ “Quyết chiến quyết thắng” lên cứ điểm đồi Độc Lập.

Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử, đến Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, lập lại hòa bình ở miền Bắc, tuy chưa có giấy báo tử nhưng qua đồng đội, gia đình và địa phương, bà con quê hương và dòng họ đã biết tin Thiêm rất dũng cảm ngoan cường chiến đấu, hoàn thành nhiệm vụ đến hơi thở cuối cùng. Hoàng Đạt Thiêm hy sinh ở tuổi 26, để lại quê hương người vợ trẻ chưa có con, sau này vợ anh đi bước nữa. Hiện tại con của người anh cả đang hương khói, phụng thờ liệt sĩ Thiêm.

leftcenterrightdel
Bằng “Huy chương Chiến thắng hạng nhất” truy tặng liệt sĩ Hoàng Đạt Thiêm. Ảnh chụp lại. 

Ngày ấy, đường lên Tây Bắc xa xôi, suối sâu, đèo cao, núi rừng trùng điệp, đi lại vô cùng khó khăn hiểm trở, đất nước lại bước tiếp vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cực kỳ ác liệt, cho nên mãi sau Đại thắng mùa Xuân 1975 thống nhất đất nước, gia đình, người thân và lãnh đạo địa phương mới có điều kiện lên Điện Biên thắp hương tri ân viếng liệt sĩ Thiêm và các liệt sĩ đồng đội của anh, cùng với ý nguyện đưa hài cốt liệt sĩ Thiêm về quê để tiện việc hương khói phụng thờ. Nhưng nguyện vọng ấy không thực hiện được, bởi không chỉ lần đầu mà sau nhiều lần lên Điện Biên đi tìm, kể cả nhờ đến các đồng đội của liệt sĩ Thiêm, tìm khắp các nghĩa trang, tìm kỹ ở Nghĩa trang Liệt sĩ đồi Độc Lập, vẫn không thấy phần mộ của Hoàng Đạt Thiêm. Đến đâu cũng chỉ thấy bạt ngàn bia mộ mà hầu hết là mộ chưa biết tên.

Đáng nói hơn, sau ngày khánh thành Nghĩa trang Liệt sĩ đồi A1 Điện Biên Phủ, thân nhân, gia đình và đồng đội còn nghe tin Hoàng Đạt Thiêm không có tên trong danh sách liệt sĩ (của tỉnh Thanh Hóa) hy sinh trong Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954.

Bán tín bán nghi, gia đình liệt sĩ Thiêm đã báo cáo với lãnh đạo xã Vĩnh Hùng, nhờ bà con, bạn bè, đồng chí đồng đội, trong đó có tôi (tác giả bài viết) có dịp lên Điện Biên dự lễ kỷ niệm, tham quan hoặc thăm lại chiến trường xưa xác minh lại thông tin trên. Tuy nhiên, kết quả vẫn là khẳng định: Hoàng Đạt Thiêm không có tên trong danh sách ghi danh liệt sĩ Điện Biên của các tỉnh, thành phố trong cả nước khắc trên bức tường trong Nghĩa trang Liệt sĩ đồi A1 Điện Biên Phủ.

Ngạc nhiên, và để biết rõ lý do, tôi và thân nhân gia đình liệt sĩ Thiêm đã tới Sở Văn hóa-Thông tin (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tỉnh Điện Biên và được giải thích là: Danh sách liệt sĩ hy sinh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, các đơn vị báo cáo không có tên Liệt sĩ Hoàng Đạt Thiêm. Lại tìm hỏi đơn vị Sư đoàn 312, Quân đoàn 1 (tiền thân là Đại đoàn 312, đại đoàn chủ lực chiến đấu trong Chiến dịch Điện Biên Phủ), thì được lãnh đạo, chỉ huy sư đoàn cho biết đã chỉ đạo cơ quan tuyên huấn và chính sách sư đoàn, lục tìm lại hồ sơ lưu trữ danh sách thương binh, liệt sĩ của đơn vị, nhưng hồ sơ, cuốn danh sách có hơn 1.000 liệt sĩ thời kỳ chống Pháp không may bị mối mọt, rách nát, đành phải lục tìm lại lịch sử sư đoàn, tra cứu phần tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, có ghi chép về trận đánh lớn thứ hai sau Him Lam là trận tiêu diệt cứ điểm đồi Độc Lập, nhưng ghi chép về tiểu đội mũi nhọn thọc sâu, chỉ nói đến Tiểu đội trưởng Trần Ngọc Doãn, không nói gì đến Hoàng Đạt Thiêm, kể cả tên các chiến sĩ trong tiểu đội và cũng không ghi chép gì về sự kiện cắm cờ “Quyết chiến quyết thắng” của Bác Hồ trên cứ điểm đồi Độc Lập?

Tuy nhiên, lục tìm trong các sách báo cũ, tấm gương chiến đấu của Hoàng Đạt Thiêm hiện lên rất rõ ràng. Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng, Báo Quân đội  nhân dân, chuyên đề Điện Biên Phủ - Chiến thắng vĩ đại, số 123 tháng 3-2004, có bài “Lá cờ của Bác”, tác giả Nguyễn Phúc Thành ghi lời kể của Tiểu đội trưởng Trần Ngọc Doãn (trích): “…Chiều hôm ấy được lệnh xuất kích đánh đồi Độc Lập, chúng tôi vô cùng phấn khởi. Tôi (lúc đó là tiểu đội trưởng) và tất cả các đồng chí trong tiểu đội chuẩn bị kỹ vũ khí. Đồng chí Thiêm sửa lại cán cờ và xem kỹ lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” của Bác mà chúng tôi được vinh dự nhận nó để cắm lên sở chỉ huy địch trong trận này. Tiểu đội phân công cho đồng chí Thiêm vót một chiếc cán cờ thật đẹp. Hôm ấy, Thiêm thay mặt tiểu đội hứa sẽ cầm cờ đi đầu và quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Và Thiêm đã làm đúng như lời hứa. Lệnh xuất kích, tôi đi đầu, Thiêm cầm cờ đi thứ hai, lúc ấy cờ vẫn cuộn, nhưng đã được giơ cao lên. Ra đến hào giao thông, đã thấy đồng chí chính trị viên đại đội, ban chỉ huy tiểu đoàn và đồng chí chính ủy trung đoàn chờ sẵn ở đó. Anh em các đơn vị xung quanh, ai nhìn thấy cờ đều hoan hô nhiệt liệt. Đồng chí Vị, Chính trị viên đại đội cất tiếng nói lớn: “Các đồng chí hãy làm tròn nhiệm vụ, cắm một cái đinh vào giữa tim kẻ địch, giành chiến thắng cho đơn vị. Đảng hết sức tin tưởng ở các đồng chí”. Mọi người lần lượt nắm tay và ôm hôn chúng tôi. Đồng chí Cấc – Tiểu đội phó kiêm tổ trưởng Đảng thay mặt anh em hứa: “Chúng tôi quyết hy sinh đến giọt máu cuối cùng, người trước ngã, người sau lên, không để cờ rơi khỏi tay một phút, quyết cắm cờ lên sở chỉ huy địch”…

Còn trong cuốn sách “Điện Biên Phủ - Qua các bài báo viết tại mặt trận” của Nhà xuất bản Quân đội nhân dân cũng có đăng lại bài viết trên Báo Quân đội nhân dân số 134 ra ngày 20-3-1954 với tiêu đề: “Gương anh dũng tuyệt vời trong trận tiêu diệt đồi Độc Lập - Tiểu đội Doãn thọc sâu diệt chỉ huy sở địch”. Bài báo tường thuật rất chi tiết trận đánh và tấm gương chiến đấu, hy sinh của Hoàng Đạt Thiêm: “...Những hỏa điểm của địch ở đằng trước bắt đầu bắn xuống mạnh. Tới đỉnh gò, hai, ba đồng chí đã bị thương tới hai lần. Tổ trưởng Thiêm phất cao lá cờ, bị trúng đạn rơi cờ. Chiến sĩ Viện xông lên phất cờ, vừa giương cao lại bị thương vào chân. Không để lá cờ đổ, Lập đỡ lấy lại bị đạn liền trao lại cho tổ trưởng Thiêm… dòng chữ “Quyết chiến quyết thắng” có chữ đã thủng rách vẫn hùng dũng bay trước làn mưa đạn, trên đỉnh cao các ụ ĐKZ địch bị thủ pháo phá vỡ. Tiểu đội còn có 8 người. Doãn cho một chiến sĩ quay lại đón đơn vị nhưng vẫn chưa thấy. Doãn hạ quyết tâm: “Không sợ đơn độc, nhiệm vụ của tiểu đội ta là phải thọc sâu diệt chỉ huy sở giặc! Bắt liên lạc với đơn vị bạn! Các đồng chí có đồng ý không?”. Toàn tiểu đội trả lời cương quyết: “Đánh đến cùng”.

Tiểu đội còn 7 người theo giao thông hào tiến đánh tiêu diệt từng ngách hầm bằng thủ pháo, lựu đạn, rất mãnh liệt và liên tục. Doãn tóm được một tên địch bắt dẫn thẳng tới chỉ huy sở tên quan tư. Được một quãng thì nó bị đạn chết. Doãn đã biết hướng, cứ thế cho anh em tiến sát hầm chỉ huy giặc. Tổ trưởng Thiêm đi đầu trúng đạn hy sinh, tay còn ôm chặt lá cờ cố nói: “Máu tôi đã nhuộm lá cờ, các đồng chí cứ chiến đấu đến cùng!”. Doãn uất ức thét: “Quyết tiêu diệt chỉ huy sở giặc, trả thù cho đồng chí Thiêm!”...                      

Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Đạt Thọ, là cháu gọi bằng chú và thờ cúng liệt sĩ Hoàng Đạt Thiêm, cho biết: Nguyện vọng của gia đình là các cơ quan chức năng bổ sung tên chú tôi vào bức tường ghi danh liệt sĩ Điện Biên của các tỉnh, thành phố trong cả nước ở Nghĩa trang Liệt sĩ đồi A1 Điện Biên Phủ và trong lịch sử đơn vị. Điều đó vừa góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống và cũng để gia đình đỡ tủi thân. Năm 2016, theo yêu cầu của cơ quan chính sách Sư đoàn 312, gia đình đã gửi bản sao các hồ sơ gồm: Bằng Tổ quốc ghi công, giấy báo tử, các giấy tờ liên quan khác của liệt sĩ Thiêm cho đơn vị. Nhưng đến nay, chúng tôi vẫn chưa nhận được hồi âm, không biết cơ quan chức năng đã giải quyết đến đâu rồi...

Thiết nghĩ, trường hợp hy sinh của liệt sĩ Hoàng Đạt Thiêm phải được ghi nhận và vinh danh xứng đáng. Trước mắt, Sư đoàn 312 cần nhanh chóng xác minh và bổ sung vào lịch sử, cũng như các tài liệu giáo dục, tuyên truyền của đơn vị về trường hợp hy sinh của liệt sĩ Thiêm, đồng thời đề nghị cơ quan chức năng ghi danh liệt sĩ trên Nghĩa trang Liệt sĩ đồi A1 Điện Biên Phủ như nguyện vọng của gia đình...

HOÀNG HẢI