Lặng ngắm nhìn ông, trong tôi lại ùa về bao ký ức tuổi thơ và những tình cảm thân thương, gắn bó của tôi với các cựu TNDK Đình Bảng, với đất và người Đình Bảng mà tôi yêu dấu như chính quê hương ruột thịt của mình. Ngày mới vào học cấp 3 trường làng, thầy giáo dạy Văn Trần Quang Ruyến đã khuyến khích chúng tôi góp tiền mua sách để xây dựng “Tủ sách văn học”. Thế là chúng tôi hào hứng, chuyền tay nhau đọc các tác phẩm văn học Việt Nam và nước ngoài. Nhiều tác phẩm do Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành đã in sâu trong ký ức lứa tuổi học trò thuở đó, như: “Khẩu súng người ông”, “Mặt trời quê hương”, “Thắng vược”, “Phía núi bên kia”... và đặc biệt cuốn truyện “Đội Thiếu niên du kích Đình Bảng” của nhà văn Xuân Sách được chúng tôi đọc đi đọc lại gần như thuộc lòng. Câu chuyện như những thước phim về quê hương Đình Bảng, tên các nhân vật với sự mưu trí và lòng dũng cảm tham gia đánh giặc của những thiếu niên anh hùng. Có đêm tôi nằm thao thức, say sưa tưởng tượng về làng Đình Bảng xa mãi tận Từ Sơn mà chúng tôi chưa một lần được đến nhưng vẫn như hiện ra gần gũi, thân thiết như ở ngay làng quê của mình. Một trong những ước muốn của chúng tôi là có ngày được đến làng Đình Bảng gặp những người TNDK Đình Bảng đã đi vào tiềm thức của tuổi thơ, đã truyền cho mình lòng yêu nước, quê hương và ý chí căm thù giặc khi Tổ quốc bị xâm lăng...
|
|
PGS, TS Phạm Tiến Luật (giữa) trong một lần gặp mặt các cựu thiếu niên du kích Đình Bảng. Ảnh chụp lại. |
Năm 1971 đang học dở cấp 3, tôi xung phong nhập ngũ, vẫn ước mơ có ngày mình sẽ được về Đình Bảng. Sau khi từ chiến trường Quảng Trị ra Bắc, tôi đã hai lần cùng đồng đội tranh thủ ngày nghỉ tìm về Đình Bảng nhưng chúng tôi chỉ đến thăm được đình làng và vào thăm viếng nghĩa trang liệt sĩ. Cho đến một ngày về công tác tại Lữ đoàn Công binh 513, Quân khu 3, tôi đọc Báo Tiền Phong chủ nhật biết được dân làng Đình Bảng đã trùng tu lại Đền Đô thờ Lý bát đế và người trông coi, bảo vệ đền chính là nguyên Đội trưởng TNDK Đình Bảng. Trong một lần công tác ở Hà Nội, tôi dành hẳn một ngày để về Đình Bảng và thật may mắn tại Đền Đô, tôi đã lần đầu gặp ông Nguyễn Thạc Hoàn (chính là Hoan, Đội trưởng TNDK Đình Bảng năm xưa). Ông đã có tuổi, dong dỏng cao, dáng người hơi gầy, hiền lành, mắt linh lợi rất sáng. Ông dẫn tôi về thăm nhà và tới thăm thầy giáo Nguyễn Đức Thìn (hôm đó thầy Thìn vừa tiếp chuyện nhạc sĩ Phong Nhã). Ở nhà thầy Thìn, tôi được nghe hai ông kể về những chiến công và hành động anh hùng của các đội viên TNDK Đình Bảng. Tôi xúc động lắm và như muốn reo lên với các thầy, các bạn ở quê: “Tôi đã được đến Đình Bảng, đã gặp những người anh hùng trong sách ngày còn đi học đây rồi!”.
Từ đó, với tôi, quê hương Đình Bảng càng trở lên gần gũi, thân thiết. Tôi đã báo cáo lãnh đạo, chỉ huy đơn vị mời các đại biểu Ban liên lạc TNDK Đình Bảng về thăm đơn vị. Những người con anh hùng của quê hương Đình Bảng và cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 513 anh hùng ngay lần đầu gặp nhau đã đồng cảm, tâm đầu ý hợp, đồng lòng tổ chức kết nghĩa như anh em một nhà. Nhiều lần đơn vị đón ban liên lạc và lãnh đạo địa phương về thăm đơn vị. Cũng thật có duyên trong đoàn khách quý ấy có ông Nguyễn Thạc Tam, một Đội trưởng TNDK Đình Bảng chính là chiến sĩ lái xe Đại đội 2 đã đoạt danh hiệu “Cờ ba nhất” toàn quân của đơn vị. Tại lữ đoàn, nhiều dịp, đông đảo bộ đội đã lắng nghe thầy giáo Thìn nói chuyện về quê hương, đất và người Đình Bảng, về công ơn các đời vua nhà Lý, những chiến công oanh liệt của con cháu đã dũng cảm trong chiến đấu, giải phóng quê hương.
Cũng từ khi ấy, lãnh đạo, chỉ huy Lữ đoàn Công binh 513 đã nhiều lần tổ chức các đoàn về thăm quê hương Đình Bảng, gặp những TNDK anh hùng xưa, gặp Anh hùng Lao động, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Đức Thìn, người thầy của Phong trào “Nghìn việc tốt”, người Bí thư Trung ương Đoàn năm xưa...
Năm 2019, tỉnh Bắc Ninh long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Đội TNDK Đình Bảng anh hùng. Hôm ấy, trong số 23 cựu đội viên còn sống có 18 người đi dự lễ, 5 người không đi được vì sức khỏe yếu. Những nhân chứng còn sống hay đã hy sinh, đã mất vẫn còn mãi trong ký ức một thời hào hùng và niềm tự hào trong trang sử truyền thống của quê hương.
Hằng năm cứ đến ngày gặp mặt Ban liên lạc TNDK Đình Bảng, các ông luôn nhắn mời tôi đến dự. Từ nay, trong các lần gặp mặt sẽ vắng bóng ông Nguyễn Thạc Hoàn (ông vừa mất vào ngày 29-4-2020). Tôi viết những dòng này thay nén hương thơm tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ, những cựu đội viên TNDK Đình Bảng và ông Nguyễn Thạc Hoàn, người đội trưởng thứ hai đã thay mặt các đội viên dự Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ nhất, năm 1952, tại Chiến khu Việt Bắc vừa về cõi người hiền...
Hà Nội, tháng 5-2020
Thiếu tướng, PGS, TS PHẠM TIẾN LUẬT