11 lần bị địch bắt
Quê hương Nguyễn Thị Tuyết là xã Văn Tự (trước đây là xã Tô Hiệu) nằm trong vành đai đô thị có trục đường 1A chạy qua. Đầu năm 1947, địch âm mưu mở rộng vùng chiếm đóng ra khu vực vành đai và các trục đường giao thông lớn. Tô Hiệu là địa bàn quan trọng, địch lập nhiều đồn bốt và tăng cường càn quét làm bàn đạp để tiến vào khu du kích của ta. Khi đó, Nguyễn Thị Tuyết đã tham gia đội du kích và Hội Phụ nữ cứu quốc địa phương. Chị đào hầm ngay trong nhà mình nuôi giấu cán bộ.
    |
 |
Di ảnh anh hùng, liệt sĩ Nguyễn Thị Tuyết. |
Ông Nguyễn Văn Hoàn (em thứ ba của chị Tuyết) nhớ lại: “Bố mẹ tôi mất trong nạn đói năm 1945. Một mình chị Tuyết phải nuôi 5 em nhỏ, em út khi ấy mới 18 tháng tuổi. Những lúc đi hoạt động, chị tôi phải nhờ cậy ông bác ruột trông nom giúp. Có lần mang truyền đơn về nhà, chị giấu vào đống rơm trên nóc chuồng trâu. Nhưng không may trâu kéo rơm xuống làm rơi tập tài liệu. Bọn lính bốt Chằm có tên chỉ điểm đã ập đến nhà bắt chị. Khi đó, chị vẫn bình tĩnh mà trả lời rằng: “Do đống rơm đánh ở ngoài ngõ, người qua đường giúi vào nên nhà không biết mới rút vào cho trâu ăn”. Trước sự trả lời khôn khéo của chị, giặc mới tạm tha nhưng chúng luôn cảnh giác theo dõi chị tôi”.
Tháng 12-1947, đội du kích của chị cùng với bộ đội tỉnh Hà Đông chống càn 4 trận, phục kích đánh mìn 2 trận, diệt 2 toán hương dũng, cảm hóa 16 tên tề ngụy ra đầu hàng. Bị tổn thất, địch củng cố lực lượng tiến hành càn quét mạnh. Nhiệm vụ của chị vì thế thêm phần khó khăn. Ông Phạm Thế Nhương (83 tuổi) là du kích xã kể lại: “Có lần chị Tuyết mang tài liệu từ khu Cháy ra ngoài Thường Tín. Khi đến cánh đồng làng An Lãng, chị thấy có một tốp lính đang tiến lại. Lúc ấy, chị nhanh chóng lội xuống ruộng cấy cùng bà con và thủ tiêu tài liệu. Tốp lính lao xuống ruộng và phát hiện ra đúng “người du kích đỏ”. Chúng bắt chị đưa về bốt. Bị tra tấn bằng đủ cực hình, chị vẫn không hề khai ra cơ sở cách mạng. Tinh thần chị luôn vững vàng, sáng suốt, lợi dụng lúc địch sơ hở, chị tìm cách trốn thoát”.
Ngày 20-4-1950, giặc Pháp dựng lên chi khu quân sự Tía, bên cạnh đó còn có cả một ủy ban chống cộng khét tiếng gian ác. Thế là ngay trên xã của chị có đến 11 đồn tổng, xung quanh là 4 bốt vệ tinh. Địch tăng cường hoạt động càn quét, cơ sở kháng chiến của ta bị tổn thất nặng nề. Giặc bắt được du kích đem bêu đầu ở ngã tư chợ Tía, thủ tiêu cán bộ ta ở bến Dấp, nếu không có chứng cứ thì chúng đưa đi tù giam. Người yêu của chị là đồng chí Phạm Ngọc Thiều, Xã đội trưởng cũng bị địch đánh đắm đò khi đưa đoàn cán bộ qua sông Hồng sang Khoái Châu học tập chính trị. Nén đau thương, chị Tuyết tích cực hoạt động. Chị bảo đảm tốt đường dây liên lạc từ xã Tô Hiệu lên Huyện ủy Thường Tín và vào khu Cháy (Ứng Hòa). Hai năm liền, chị cùng em gái đào hầm bí mật nuôi giấu 40 lượt cán bộ. Cuối năm 1952, chị Tuyết cùng bộ đội địa phương đánh địch ở bốt Tía, riêng chị diệt 3 tên tề ngụy khét tiếng gian ác, làm bị thương 6 tên khác.
Biết chị Tuyết hoạt động cách mạng tích cực, địch đã theo dõi chặt chẽ, không bắt được quả tang nhưng hễ nghi ngờ là chúng lại bắt bớ đánh đập chị dã man. Từ khi hoạt động cách mạng đến năm 1952, chị đã bị bắt 10 lần, nhưng cả 10 lần ấy chị đều xử trí rất khôn khéo và một mực không khai cơ sở cách mạng. Do không có chứng cứ, địch lại phải thả chị ra. Ngày 19-2-1953, chị bị bắt lần thứ 11. Địch đưa chị về giam ở Nhà Tiền (Hà Nội), dùng mọi biện pháp hỏi cung, tra tấn dã man, nhưng không làm chị nao núng. Một tháng sau, nhằm lúc lính gác sơ hở, chị trốn thoát về khu Cháy rồi trở về địa phương tiếp tục hoạt động.
Ngời sáng tinh thần bất khuất, kiên trung
Trở về hoạt động bí mật, dựa vào nhân dân, chị vận động khôi phục được tổ du kích nam ở Minh Nga, tổ chức các tổ nữ sống hợp pháp ở các thôn ven đê, hướng dẫn phương pháp nắm tình hình và đấu tranh với địch. Nắm chắc nhân mối, chị đưa lực lượng du kích địa phương phối hợp với bộ đội diệt gọn bọn hương dũng ở các thôn: Hoàng Xá, Phúc Trạch, An Định, đánh phục kích ngay tại đầu làng và cạnh bốt Tía, giải quyết gọn đồn An Lãng.
Tháng 7-1953, trong lần nhận nhiệm vụ đưa đồng chí Trần Quân, Huyện đội trưởng Thường Tín về An Lãng, chị Tuyết lọt vào ổ phục kích của địch. Chúng đưa chị về bốt Tía-một trong những “địa ngục trần gian” lúc bấy giờ. Ban đầu địch dùng lời ngon ngọt nhằm lôi kéo, mua chuộc chị. Thấy chị Tuyết là người có nhan sắc, mái tóc dài bồng bềnh như mây, tên Thọ là sếp bốt Tía dụ dỗ nếu chị khai ra cơ sở cách mạng và đồng ý lấy tên quan hai Pháp thì được đưa về Hà Nội ngay trong đêm. Chỉ một cái gật đầu là chị trở thành quan bà nhưng đáp lại lời đường mật của kẻ thù, chị Tuyết đã nhổ thẳng vào mặt tên Thọ cùng ánh mắt đầy căm hờn. Điên cuồng trước thái độ khinh bỉ của chị, chúng đã dùng mọi thủ đoạn hèn hạ tra tấn. Cụ Đinh Văn Phùng bị bắt đi phu lúc đó cách nơi chị Tuyết bị hỏi cung một bức tường cao 2m vẫn còn nghe rõ tên Thọ thét lên: “Ái à, mày lại quay đi không thèm nghe tao hả? Nếu chống lại, tao sẽ giết mày”. Suốt 8 ngày sau đó, chúng tra khảo khiến chị chết đi sống lại nhiều lần, nhưng trước sau như một, chị vẫn giữ tấm lòng kiên trung với cách mạng. Thất bại trước ý chí sắt đá của người con gái mảnh mai xinh đẹp, kẻ địch hèn hạ đã chôn sống chị.
    |
 |
Gia đình, đồng đội kể chuyện về anh hùng, liệt sĩ Nguyễn Thị Tuyết. Ảnh: DUY VŨ |
Các cụ già trong làng Minh Nga kể lại rằng: Chiều 1-8-1953, kẻ địch dẫn chị đi tắm. Ngang qua làng, chúng vẫn dụ dỗ chị muốn nhắn gửi gì không nhưng chị vẫn một mực không nói một lời. Tối đó, vào khoảng 20 giờ, sau những trận đòn tra tấn tàn bạo, kẻ thù đẩy chị xuống một cái hố sâu ngang cổ cạnh bốt Tía...
Ngày 11-6-1999, chị Nguyễn Thị Tuyết đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Di cốt của chị được đưa vào nghĩa trang liệt sĩ xã. Nơi giặc chôn sống chị nay thuộc gia đình ông Đặng Đình Vĩ, cây cối đã xanh um, có một điện thờ quanh năm nhang khói. Đây là nơi bà con nhân dân trong vùng đến dâng hương tưởng nhớ anh hùng Nguyễn Thị Tuyết. Gương sáng hy sinh của chị được nhiều người truyền tụng. Sau này, soạn giả Xuân Cung đã lấy nguyên mẫu chị Tuyết-một thiếu nữ duyên dáng với mái tóc dài óng ả để sáng tác vở cải lương “Cô gái tóc mây” vô cùng xúc động. Cùng với đó, các trường học trên địa bàn huyện thường xuyên giáo dục về tấm gương hy sinh của anh hùng Nguyễn Thị Tuyết để chị mãi sống trong lòng quê hương Thường Tín.
VŨ DUY