Trong căn nhà kiểu Pháp cổ nằm trên phố Hàng Chuối, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội, vợ chồng Đại tá Trần Dũng Trí, con trai cả của đồng chí Trần Đại Nghĩa cho chúng tôi xem nhiều tài liệu, hiện vật gia đình vừa mới sưu tầm. Vốn là cán bộ từng công tác tại Bảo tàng Hồ Chí Minh nên chỉ cần chúng tôi đề xuất nội dung, cô con dâu Nguyễn Thị Quang đã tìm được tài liệu ngay. Gia đình cho biết, sau khi hệ thống xong, tất cả sẽ được chuyển về trưng bày tại Khu tưởng niệm Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa tại quê hương ông (xã Tường Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long). Bên tách trà nóng, cùng với những hiện vật quý, câu chuyện về “ông Phật làm súng” qua lời kể của những người thân trong gia đình ông thật nhẹ nhàng, dung dị...
Nên duyên nhờ tổ chức
“Tôi sinh năm 1951. Vì vậy, thời ở chiến khu tôi còn nhỏ nên nhiều chuyện không thể nhớ rõ. Chỉ biết có thời gian nhà tôi được bố trí ở gần khu đóng quân của Cục Quân giới, nơi cha tôi và các cộng sự nghiên cứu sản xuất vũ khí. Vậy mà chẳng mấy khi ông về thăm nhà. Nhiều hôm vì quá mong cha, tôi chạy sang tìm nhưng thấy nơi ông làm việc vẫn sáng đèn. Bóng ông đi lại trong phòng khiến tôi chùn bước”, ông Trần Dũng Trí bắt đầu câu chuyện.
Sau ngày hòa bình lập lại, năm 1955, gia đình đồng chí Trần Đại Nghĩa mới rời Thủ đô kháng chiến về Hà Nội. Ban đầu, gia đình được Nhà nước bố trí ở trong một biệt thự cũ của viên sĩ quan Pháp trên phố Phan Chu Trinh, sau mới chuyển về ngôi nhà hiện nay. Ở đâu ông cũng dặn dò người nhà không sửa chữa, đòi hỏi gì Nhà nước, “có gì dùng nấy”. Đến năm 1991, sức khỏe của Giáo sư Trần Đại Nghĩa có phần yếu hơn nên ông bà quyết định chuyển vào TP Hồ Chí Minh sinh sống cùng gia đình con trai út. Còn ngôi nhà tại quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội, ông giao cho vợ chồng người con trai cả Trần Dũng Trí trông nom. Nơi đây vẫn được giữ hầu như nguyên vẹn như hồi ông còn sống.
Những chuyện về cha, ông Trí cùng các em chủ yếu được nghe mẹ và các đồng nghiệp của ông kể lại. Nhiều người bảo rằng, họ rất sợ khi đi qua phòng Cục trưởng Trần Đại Nghĩa vì đó là nơi rất nguy hiểm. Trong căn phòng chứa đủ loại thuốc nổ, các quả đạn đang nghiên cứu, quả thì đã nhồi thuốc, quả thì chưa.
Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Trí cho hay: Hồi trẻ, bà Nguyễn Thị Khánh là y tá, làm công tác quân y tại Cục Quân giới do “cụ Nghĩa” làm Cục trưởng. Sau này bà từng kể với các con, những ngày mới về đơn vị công tác, mặc dù được nghe nhiều về tài năng của thủ trưởng mình nhưng mấy lần gặp thấy “người ấy” lớn hơn mình những 14 tuổi mà quần áo thì lôi thôi, úi xùi, tóc chẳng mấy khi chải với cặp kính dày cộp trên mặt; đã thế ông lại rất kiệm lời nên bà thấy “khó ưa”. Nhiều khi xuống đến bếp ăn nhưng nét mặt ông vẫn cứ đăm chiêu. Có lúc ông ngồi trầm tư trước bàn ăn và liên tục hút thuốc... Bắt đầu từ sự “khó ưa” nên bà Khánh hay để ý đến ông. Cứ quan sát, theo dõi những việc làm của thủ trưởng, sự cảm phục lớn dần trong bà rồi tình yêu đến lúc nào không hay. Hiềm một nỗi, lúc đó dù đã lớn tuổi nhưng do mải mê nghiên cứu nên kỹ sư Trần Đại Nghĩa vẫn không để tâm đến chuyện hôn nhân đại sự. Vì vậy, tổ chức quyết định cử đồng chí Tổng cục trưởng Tổng cục Cung cấp Trần Đăng Ninh làm "ông mối" để giới thiệu kỹ sư Trần Đại Nghĩa với y tá Nguyễn Thị Khánh. Khi ấy chàng kỹ sư mới có động thái. “Hai hôm liền cha đến chỗ mẹ làm việc. Mẹ tôi thì chỉ chờ ông mở lời là gật đầu đồng ý. Ai ngờ cha đến chỉ ngồi trên ghế mà chẳng nói gì. Cuối cùng không nhịn được, mẹ tôi phải chủ động nói, nếu anh đã có ý, chúng ta đi báo cáo tổ chức. Thế là hai người nên duyên vợ chồng!”, ông Trí kể.
Chuyện đời thường của “cụ Nghĩa nhà ta”
“Cụ Nghĩa nhà ta" từ ngày gặp Bác Hồ luôn nói rằng tài năng, đức độ của Bác đã cảm hóa và ảnh hưởng rất lớn đến những nhân sĩ yêu nước, trong đó có ông. Dù ở đâu, làm gì, "cụ Nghĩa nhà ta" luôn nhớ đến Bác, các con cũng vậy nhé!”, lời dặn của mẹ mỗi lần gia đình quây quần, đến giờ ông Trần Dũng Trí vẫn ghi nhớ. Ông nói với chúng tôi, hồi ở chiến khu, bà Khánh từng trực tiếp được nghe Bác Hồ dặn cơ quan hậu cần của Cục Quân giới: "Chú Nghĩa làm việc suốt ngày đêm không cần gì đâu. Nếu được, mỗi tháng cấp thêm cho chú ấy mấy cây thuốc!".
Đằng sau những câu chuyện mà bà Khánh truyền cho các con luôn là sự đồng cảm, sẻ chia với nhiệm vụ của chồng bằng hình ảnh người kỹ sư ngày đêm miệt mài, cẩn thận tính toán từng số liệu, chi tiết kỹ thuật vì chỉ cần để xảy ra một sai sót nhỏ, tương lai sẽ phải trả giá bằng xương máu của chiến sĩ nơi trận mạc. Đây là một cách rất riêng để bà giúp chồng giải thích với các con việc ông thường xuyên vắng nhà, bởi ông đang mang trên vai trách nhiệm rất nặng nề.
Còn trong cảm nhận của ông Trần Dũng Trí, cha làm công tác nghiên cứu, phải đi nhiều, hay về muộn và là người nghiêm khắc nhưng không theo kiểu gia trưởng, ông thường đưa ra định hướng để các con tự lựa chọn. Có lần tranh thủ khi chồng ở nhà, bà Khánh dặn ông trông con để mình đi công việc. Khi về thấy con nhem nhuốc, bà hỏi sao trông con thế này thì ông chỉ cười trừ và bảo đấy là "tự do sáng tạo"...
Những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, hưởng ứng phong trào toàn dân đánh giặc, nhất là lớp thanh niên cần phải đóng góp cho cách mạng, Trần Dũng Trí tình nguyện đăng ký đi bộ đội. Ngày ấy, cán bộ nhận quân biết đồng chí Trần Đại Nghĩa có con trai nhập ngũ nên có ý hỏi ông có thể lựa chọn đơn vị cho con. Thiếu tướng đã trả lời ngay: "Về đơn vị nào cũng được, miễn là để bảo vệ Tổ quốc".
Thế là bắt đầu từ năm 1968, mới 17 tuổi, Trần Dũng Trí vào huấn luyện chiến sĩ mới ở Quân khu Tả Ngạn (nay là Quân khu 3), sau đó về học lục quân rồi nhận công tác ở đơn vị... Ông Trí nhớ lại: “Ở đơn vị, nhớ lời cha dặn, tôi không tiết lộ thông tin cá nhân. Thời gian tôi làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, có một lần cha đi công tác ghé thăm. Lúc bấy giờ, cán bộ của đơn vị mới biết cụ thể gia đình tôi nên có nhã ý chuyển tôi đến vị trí tốt hơn. Cha tôi liền nói: "Quân đội bảo đi đâu thì đi đấy, không cần bố trí”...
Tiếp lời chồng, cô con dâu Nguyễn Thị Quang không sao quên được khoảng thời gian hơn 10 năm sống với bố mẹ chồng: “Ông cụ hiền lành, ít nói và chỉ thích làm việc. Chuyện ăn uống cũng rất đơn giản, ông không đòi hỏi cầu kỳ. Biết ông thích đồ ngọt nên dịp Tết, mẹ thường gói riêng cho bố 10 cái bánh chưng nhân đường. Tôi nhớ, khi cùng mẹ dọn phòng cho ông thấy rất nhiều giấy bạc bọc thuốc lá được ông vuốt phẳng, tận dụng mặt sau để viết”.
Tròn 24 năm kể từ ngày Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa về với thế giới người hiền, nhưng trong ký ức của người thân, bạn bè, đồng đội, câu chuyện về ông vẫn vẹn nguyên, tươi mới...
NGUYỄN VĂN TÁM