Người cha trong nỗi nhớ...

Trước dịp 70 năm Ngày mất của nhà thơ, nhà báo Thâm Tâm (tên thật là Nguyễn Tuấn Trình, 18-8-1950 / 18-8-2020), tác giả bài viết liên hệ với ông Nguyễn Tuấn Khoa-con trai của nhà thơ để được đến nhà thắp nén hương tưởng nhớ nhà thơ. Nhắc nhớ về người cha, ông Khoa xúc động rồi khệ nệ mang từ trong thư phòng ra một bọc to những hình ảnh, tư liệu và nói: “Khoe với nhà báo, gia tài về cha tôi đấy! Nhưng trước hết, giới thiệu với nhà báo về cháu Mỹ Trang; hằng ngày, cháu chăm chỉ đi gần 10km để đón đọc và mua Báo QĐND".

Dừng lại ở bài viết “Người đi có trở lại” trong tập san Hương đầu mùa, số tháng 2-1995, đề tên tác giả Nguyễn Mỹ Trang (11B, chuyên Hóa, Đại học Tổng hợp Hà Nội), ông Khoa kể về cháu gái bình thơ của ông nội, giành giải ba cuộc thi bình thơ với bài “Tống biệt hành” của Thâm Tâm. Ngồi bên cạnh, chị Nguyễn Mỹ Trang xúc động: “Mỗi lần nhắc đến ông nội, tôi tự hào lắm. Hồi đi học, thầy cô, bạn bè đọc thơ của ông là thấy hãnh diện. Nhớ ông, chúng tôi luôn tìm đọc Báo QĐND để như luôn thấy ông, thấy sự tiếp nối hào hùng của những người làm báo quân đội”.

leftcenterrightdel

Nhà thơ Thâm Tâm (hàng đầu tiên, bên phải) cùng các đồng đội ở Báo Vệ Quốc quân tại Chiến khu Việt Bắc. Ảnh do gia đình nhà thơ cung cấp

Trong ký ức của ông Khoa, kỷ niệm với nhà thơ Thâm Tâm không nhiều do không được sống gần cha. Ông Khoa sinh ra vào năm toàn quốc kháng chiến (1946), cũng là thời gian Thâm Tâm chuẩn bị lên đường đi kháng chiến. Ngày 19-12-1946, cả gia đình rời Hà Nội, về Hải Dương quê nhà, sau đó chuyển sang Thái Bình. Năm 1948, khi gia đình quay lại Hải Dương, nhà thơ Thâm Tâm về thăm nhà nhân chuyến công tác về vùng địch hậu Liên khu 3. Bài thơ “Chiều mưa Đường số 5” ra đời trong những ngày ấy.

Sau này lớn lên, ông Khoa mới biết bài thơ đó. Ông nhớ lại: “Lúc về thăm gia đình, cha tôi có mang theo một chiếc máy ảnh (lúc này, ông là thư ký tòa soạn Báo Vệ Quốc quân-một trong những tờ báo tiền thân của Báo QĐND) nên có chụp một vài kiểu. Đó là ảnh tôi ngồi với ông nội, ảnh chân dung tôi (năm ấy hơn 2 tuổi). Sau đó từ Việt Bắc, cha tôi gửi ảnh về. Đến bây giờ tôi vẫn còn giữ những bức ảnh ấy. Đó là lần duy nhất cha con tôi gặp nhau. Năm sau đó, gia đình tôi tản cư vào Thanh Hóa, thỉnh thoảng có nhận được thư của cha. Thư nào ông cũng hỏi thăm cặn kẽ, chu đáo về tình hình gia đình, các chị. Khi tôi 4 tuổi, chơi với bọn trẻ hàng xóm, đôi lúc chúng hỏi: "Bố mày đâu mà chẳng thấy về?". Tôi bảo: "Bố tao đi bộ đội, bao giờ hết giặc thì bố tao về!". Đấy là nhớ lời mẹ dặn, chứ tôi nào có biết gì. Chiến tranh đối với đứa trẻ như tôi chỉ là tiếng tàu bay Pháp ầm ầm trên đầu. Lâu sau đó chẳng có tin tức gì của cha...”.

Một chiều mưa cuối đông năm 1950, có hai chú bộ đội tìm đến gia đình Nguyễn Tuấn Khoa. Ông bà nội Khoa ngồi nói chuyện rất lâu với các chú. Một chú bế Khoa lên, căn dặn phải ngoan, hay ăn chóng lớn. Chú kia quay mặt đi chỗ khác, giấu những giọt nước mắt. Hai chú bộ đội đi rồi, ông bà nội Khoa cùng khóc. Mẹ Khoa ngày đó bị sốt thương hàn, mê man không biết gì. Đơn vị gửi cho gia đình một chiếc ba lô của nhà thơ; tấm giấy báo tử, người ký tên là Hoàng Xuân Tùy báo tin nhà thơ đã hy sinh ngày 18-8-1950, được an táng tại một bản nhỏ ở chân đèo Mã Phục, Cao Bằng; một bức thư của đại diện đơn vị chia buồn với gia đình; hai bộ quần áo cũ, một con dao nhíp đa năng của Pháp và 6 bức ảnh đám tang nhà thơ. Đó là tất cả gia tài người lính để lại cho vợ con.

Ông Khoa kể: "Sau trận ốm thập tử nhất sinh ấy, mẹ tôi dần hồi phục. Gia đình theo hướng dẫn của đơn vị cha tôi, lên Thái Nguyên, ở An toàn khu cho đến ngày hòa bình lập lại mới trở về Hà Nội. Một tay mẹ đã nuôi chúng tôi khôn lớn, trưởng thành!”.

"Ngày về"

Lật giở những tập ảnh kỷ niệm của gia đình, ông Khoa xúc động rưng rưng: "Đã có thời gian gia đình tôi tưởng như vô vọng trong việc tìm kiếm phần mộ cha. Nhưng rất may, nhiều đồng đội cũ của ông như: Bác Trúc Kỳ, chú Vũ Cao, nhà văn Thanh Châu, các bác, các cô chú trong Hội Nhà văn tỉnh Cao Bằng, nhà văn Hoàng Quảng Uyên... đã liên hệ với gia đình để tìm kiếm phần mộ ông. Đến hôm nay, gia đình cũng luôn nhận được sự quan tâm của Báo QĐND, khiến chúng tôi cảm nhận được tình cảm chân thành, ấm áp từ những đồng đội, đồng nghiệp của cha".

Kể lại hành trình cho sự "trở về" của nhà thơ Thâm Tâm, ông Khoa bảo không nhớ hết bao nhiêu chuyến đi vất vả suốt dọc các bản làng heo hút hai bên đèo Mã Phục, huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng. Chẳng ai ngờ cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 nổ ra, hồ sơ giấy tờ hành chính của các cơ quan Việt Nam, hồ sơ về mộ liệt sĩ đều bị thất lạc cả. “Tôi vẫn nhớ lần gặp nhà văn Vũ Cao, ông kể cha tôi mất ở một nhà sàn gần biên giới, trước Chiến dịch Biên Giới”-ông Nguyễn Tuấn Khoa nói.

leftcenterrightdel
 Cán bộ, phóng viên Báo Quân đội nhân dân tới thăm, tri ân gia đình nhà thơ Thâm Tâm nhân kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7-2020). Ảnh: CHÂU XUYÊN

Giữa lúc tưởng chừng vô vọng thì điều may mắn đã xảy ra, và như lời ông Khoa nói là nhờ những bức ảnh Thâm Tâm để lại cho vợ con. Chuyện là, một người lính trẻ, quê xã Phi Hải, huyện Quảng Uyên, đóng quân ở Phú Thọ nhận được quà từ gia đình, gói trong tờ báo Cao Bằng có bài báo và các bức ảnh đám tang nhà thơ Thâm Tâm. Anh chợt nhận ra chái nhà sàn ghép bằng 9 ống bương nơi đưa quan tài nhà thơ xuống cầu thang thật giống với một nhà sàn trong bản Pò Noa quê anh. Anh gọi điện ngay về nhà. Người cháu của chủ nhà xem lại tờ báo, so sánh với nhà mình và thông báo cho chương trình "Nhắn tìm đồng đội" của Đài Tiếng nói Việt Nam và Báo Cao Bằng. Gần 50 năm đã qua, vật đổi sao dời, mà sao chái nhà ghép bằng 9 ống bương ấy vẫn còn. Quả là điều kỳ diệu! Đây chính là nơi nhà thơ Thâm Tâm nằm lại khi ra đi. Ông chủ nhà làm nghề thợ mộc đã tháo ván cửa đóng quan tài ngay trong đêm, để sáng hôm sau đưa Thâm Tâm ra sườn núi rìa bản mai táng.

Đúng 50 năm sau ngày nhà thơ Thâm Tâm hy sinh, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức đoàn làm phim tài liệu “Nhớ Thâm Tâm”, nhân dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Biên Giới. Gia đình nhà thơ Thâm Tâm và nhà báo Trúc Kỳ, nhân chứng duy nhất trong tang lễ của nhà thơ, cùng đi với đoàn làm phim lên Cao Bằng. Sáng 18-8-2000, trên đường về bản Pò Noa, xã Phi Hải, trời mưa tầm tã, máy quay phim bọc trong vải mưa. Đoàn người lo lắng, thắp hương cho nhà thơ bằng cách nào đây?... May sao, lúc tới nơi thì mưa tạnh. Nắng lên. Cả một vùng núi non Cao Bằng ngập tràn ánh nắng vàng. Không khí trong lành sau cơn mưa thoảng mùi hoa rừng và mùi hương trầm cắm trên ngôi mộ nhà thơ Thâm Tâm.

"Cha tôi đã về thăm nhà trong một “Chiều mưa Đường số 5”, trong chiếc ba lô bộ đội với những bức ảnh mách bảo kỳ diệu để cho chúng tôi tới được bên ông. 50 năm sau, ông đã trở về! Lần này, ông đã thực sự trở về với mẹ tôi, với vợ chồng tôi và các cháu chắt của ông. Khi chúng tôi nâng nắm đất nơi ông nằm xuống, gói bằng tấm vải màu cờ đỏ, màu đỏ ấy cháy lên như lửa trong nắng thu vàng. "Ngày về" của cha tôi giản dị như thế đó!”-ông Nguyễn Tuấn Khoa xúc động kể.

VƯƠNG HÀ