Trăn trở trước vận mệnh nước nhà, lớp thanh niên đầy nhiệt huyết bấy giờ với tài năng, đức độ của mỗi người đã sớm trở thành những người bạn lớn và như những người anh em ruột thịt.

Tháng 4-1927, ở Huế nổ ra cuộc bãi khóa lớn. Nhà hội Quảng Nam trở thành trung tâm lãnh đạo phong trào bãi khóa. Phan Bôi cùng với Võ Nguyên Giáp là một trong những người chủ chốt tham gia lãnh đạo phong trào. Sau sự kiện đó, cả hai bị đuổi học. Võ Nguyên Giáp vào Quảng Nam và có lẽ đây là lần đầu tiên ông đặt chân lên mảnh đất mà ông rất mến mộ. Ông lên Trà Kiệu, Thu Bồn, về Bảo An, quê hương của Phan Bôi.

Sau đó hai người chia tay. Phan Bôi ra Hà Nội làm việc tại Nhà in Ngô Tử Hạ, tiếp tục hoạt động trong phong trào thanh niên, học sinh, rồi vào hoạt động tại Sài Gòn. Đồng chí Phan Bôi thời gian sau bị bắt và đày ra Côn Đảo. Còn Võ Nguyên Giáp vẫn ở lại Huế và được cụ Huỳnh Thúc Kháng bảo lãnh, nhận làm biên tập Báo Tiếng Dân.

Năm 1930, Võ Nguyên Giáp bị bắt, kết án 2 năm tù. Khi ra tù, đồng chí sau đó ra Hà Nội tham gia hoạt động cách mạng và dạy học ở trường Thăng Long, nơi dạy của vợ chồng Lê Thị Xuyến-Phan Thanh (anh ruột Phan Bôi). Đến năm 1936, Phan Bôi được thả. Ông hoạt động trong phong trào mặt trận dân chủ ở quê hương một thời gian rồi cũng ra Hà Nội ở với người anh ruột và gặp lại người bạn thân thiết. Võ Nguyên Giáp và Phan Bôi đều tham gia viết bài, biên tập cho các báo của Đảng và của mặt trận dân chủ, như: Hồn trẻ, Lao động, Tiếng nói của chúng ta... Được cộng tác và làm việc với Phan Thanh, khâm phục tài năng của Phan Thanh, sau này Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận xét: “Ở tuổi 30 mà Phan Thanh đã xuất hiện trong báo trường như một cây bút lành nghề và lão luyện, trên nghị trường như một chính khách sắc sảo và hùng biện, trên bục giảng ở nhà trường như một ông thầy chững chạc và mực thước...”.

leftcenterrightdel
Bức ảnh nụ cười chiến thắng. Từ trái qua phải: Đồng chí Lê Duẩn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đồng chí Hồ Nghinh. Ảnh tư liệu

Ngày 1-5-1939, sau khi Phan Thanh, đại biểu của Viện Dân biểu Trung kỳ qua đời, Đảng ta quyết định đưa đồng chí Đặng Thai Mai (quê làng Lương Điền, xã Thanh Xuân, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) ra tranh cử với ứng cử viên của Diệm-Khôi. Đặng Thai Mai là nhà giáo có uy tín, từng dạy học ở trường Thăng Long, Hà Nội và tham gia sáng lập Hội truyền bá Quốc ngữ cùng với Phan Thanh. Trong đợt tuyển cử lần này, Diệm-Khôi chống đối ra mặt và có nhiều âm mưu, thủ đoạn xảo quyệt hơn. Chúng cho tay chân tuyên truyền với cử tri: “Quảng Nam có tiếng là đất văn vật lại không tìm được người nào ra ứng cử mà phải chọn dân Nghệ Tĩnh ra ứng cử”.

Trước tình hình đó, từ Xứ ủy đến Tỉnh ủy dồn sức chỉ đạo vận động tuyển cử. Trung ương đã cử Võ Nguyên Giáp vào liên hệ với các đồng chí: Lê Văn Hiến, Nguyễn Sơn Trà tại hiệu sách Việt Quảng để theo dõi tình hình vận động cho Đặng Thai Mai. Lúc này, Đảng ta chủ trương muốn đánh bại luận điệu mị dân của Ngô Đình Khôi thì phải biết dùng thanh thế của Phan Thanh để cổ động cho Đặng Thai Mai và định hướng dư luận cử tri. Vè Phan Thanh được hiệu sách Việt Quảng in thành sách bỏ túi. Ảnh Phan Thanh cũng được in để bán. Để tuyên truyền vận động bầu cử, Võ Nguyên Giáp đến tận các làng thuộc Hòa Vang để vận động cử tri bầu cho Đặng Thai Mai. Với nhiều hình thức đấu tranh linh hoạt, cuộc bầu cử bổ sung Nghị viện, Viện Dân biểu Trung kỳ, Đặng Thai Mai đã đắc cử một cách vẻ vang.

Tháng 8-1945, tại Quốc dân đại hội Tân Trào, Võ Nguyên Giáp được bầu vào Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam. Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, Võ Nguyên Giáp được cử làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong chính phủ lâm thời; đến tháng 3-1946 là Chủ tịch Quân sự và Ủy viên trong Chính phủ Liên hiệp rồi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Còn Phan Bôi, sau Cách mạng Tháng Tám được cử làm Thứ trưởng Bộ Nội vụ (lúc này cụ Huỳnh Thúc Kháng làm Bộ trưởng). Từ đây, Phan Bôi và Võ Nguyên Giáp cùng hoạt động trong Chính phủ và đặc biệt được làm việc bên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, các cơ quan Chính phủ đều chuyển lên Việt Bắc. Tuy cơ quan xa cách nhưng hai người vẫn thường xuyên gặp nhau để bàn công việc, Phan Bôi thường chuyển những ý kiến chỉ đạo của Bác Hồ cho Võ Nguyên Giáp. Ngoài ra, trong thời gian này, Võ Nguyên Giáp và Phan Bôi thay mặt Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ đã ký chung nhiều văn bản phối hợp giữa hai bộ.

Ngày 24-4-1947, Phan Bôi không may bị tai nạn và hy sinh trên đường đi công tác. Tiếc thương người bạn, người đồng chí, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: “Anh Phan Bôi-Hoàng Hữu Nam đối với tôi là bạn đồng học và bạn đấu tranh cách mạng ngay từ thời niên thiếu. Anh Hoàng Hữu Nam là một cán bộ tốt của Đảng, có tinh thần hết lòng phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, lại có tài năng, gần gũi với bạn bè, đoàn kết với đồng chí. Anh ra đi đột ngột, để lại lòng tiếc thương vô hạn với chúng tôi”.

Năm 1965, Mỹ tiến hành "chiến tranh cục bộ", cuộc chiến của quân và dân miền Nam với quân Mỹ vô cùng ác liệt. Ở miền Bắc, Mỹ tiến hành ném bom đánh phá hậu phương của cách mạng miền Nam. Lúc này, trên địa bàn thị xã Tam Kỳ, đồng chí Đỗ Thế Chấp, Bí thư Thị ủy chỉ đạo cùng với Huyện đội tổ chức lực lượng đột nhập vào thị xã, tấn công tỉnh đường và kho xăng, loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm tên, đốt 2 triệu lít xăng. Ngay sáng hôm sau, chiến công này đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp biểu dương qua Đài Tiếng nói Việt Nam với nội dung: “Miền Bắc gọi, Tam Kỳ trả lời, một trận quyết chiến trả thù đúng lúc, kịp thời, làm cho cả nước vui lòng hả dạ”.

Sau ngày quê hương hoàn toàn giải phóng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhiều lần về thăm tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Đặc biệt, trong chuyến thăm từ ngày 7 đến 8-5-1975, cùng đồng chí Lê Duẩn, Đại tướng đã gặp lại đồng chí Hồ Nghinh-người bạn, người đồng chí thân thiết từ những ngày học tại Trường Quốc học Huế. Lần gặp gỡ này giữa đồng chí Lê Duẩn, Hồ Nghinh, Võ Nguyên Giáp đã để lại bức ảnh quý, được gọi là “Nụ cười chiến thắng”.

 LÊ NĂNG ĐÔNG