Người nông dân đặt cho Kim Ngọc cái tên dân dã, trìu mến: “Cha đẻ của khoán hộ”. Lịch sử của khoán hộ, “khoán 10” khá thú vị. Trên cơ sở thí điểm ở một vài địa phương, ngày 13-1-1981, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 100-CT/TW về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp. “Khoán 100” ra đời chính thức trở thành cơ chế quản lý mới trong nông nghiệp. Ngày 5-4-1988, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 10-NQ/TW về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh ký (khoán 10). Đây là bước ngoặt lịch sử, giao ruộng cho nông dân chủ động sản xuất và làm giàu. Cùng với những chủ trương, chính sách thúc đẩy đổi mới mạnh mẽ của Đảng, “khoán 10” đã đưa nông nghiệp vào một thời kỳ phát triển mới: Lần đầu tiên trong lịch sử, từ một nước thiếu lương thực, nghèo đói, năm 1989 (sau một năm thực hiện “khoán 10”), sản lượng lúa gạo cả nước đạt 21,5 triệu tấn. Cũng lần đầu tiên Việt Nam xuất khẩu 1,2 triệu tấn gạo. Cho đến hôm nay, Việt Nam là một trong số ít nước xuất khẩu gạo và nông sản thực phẩm hàng đầu thế giới. “Khoán 10” chính là viên gạch đầu tiên đặt nền móng cho ngôi nhà xuất khẩu lúa gạo, góp phần đưa Việt Nam vào trong số những quốc gia có vị thế, uy tín trên thế giới về lĩnh vực này.

leftcenterrightdel
Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc. Ảnh tư liệu 

Phải đặt vấn đề vào hoàn cảnh lịch sử đầu những năm 60 của thế kỷ trước, tình hình kinh tế miền Bắc nước ta hết sức khó khăn, trong nông nghiệp, chính sách “công điểm” (làm công lấy điểm) kìm hãm sản xuất nặng nề. Mỗi ngày nông dân làm ruộng theo cơ chế “hợp tác xã” chỉ được mấy lạng thóc. Buộc phải có thay đổi. Một số nơi “xé rào” giao khoán cho mỗi hộ một số diện tích ruộng, hợp tác xã điều hành một số khâu, xã viên nộp mức khoán sản phẩm, tức là “khoán chui”, trái với hình thức hợp tác hóa. Đau đáu với miếng ăn, hạnh phúc của nông dân cùng quan niệm “phải để nông dân làm chủ mảnh đất của mình”, từ năm 1965, Bí thư Kim Ngọc cho triển khai thí điểm “khoán hộ” ở một số huyện như Vĩnh Tường, Yên Lạc... Hẳn nhiên, vì mới lạ, lại khác với cái cố hữu thông thường, ban đầu “khoán hộ” bị phê phán “xa rời chủ nghĩa xã hội”, đưa nông dân theo “con đường tư hữu hóa”. Phải công bằng là “khoán hộ” không chỉ có ở Vĩnh Phúc mà còn có ở Hải Phòng (các huyện An Lão, Tiên Lãng, Kiến Thụy), nhưng dưới sự chỉ đạo của Kim Ngọc thì Vĩnh Phúc làm “bài bản” hơn. Tất nhiên, khi hành động vì dân, phù hợp với chân lý đời sống, “khoán hộ” của Kim Ngọc còn được tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc hết lòng ủng hộ.

Như luồng gió mới, “khoán 10” tạo ra hướng đi mới trong cách thức quản lý, gắn lợi ích với kết quả lao động. Ruộng đất là tư liệu sản xuất quý nhất nên khi được làm chủ mảnh ruộng của mình, người nông dân phấn khởi, tâm huyết, chăm chỉ, phát huy kinh nghiệm đã có từ ngàn đời. Những cánh đồng lúa trĩu hạt báo hiệu sự ấm no. Nông thôn miền Bắc “thay da đổi thịt”... “Khoán 10” ngày càng được khẳng định có những đóng góp quan trọng về lý luận và thực tiễn, là cơ sở quan trọng để đưa ra những chủ trương đổi mới quản lý trong nông nghiệp, rộng hơn là cả các ngành nghề khác. Đồng chí Kim Ngọc xứng đáng được coi là ngọn cờ tiên phong của đổi mới trong sản xuất nông nghiệp. Trong bối cảnh đất nước hôm nay đứng trước những vận hội mới cùng tiền đồ tươi sáng, nhìn về “hiện tượng Kim Ngọc” hôm qua, càng thấy tượng đài đổi mới ấy phát ra những ánh sáng rất đáng quý.

Phải thật sự vì dân, trăn trở với câu hỏi làm thế nào để mang lại cuộc sống tốt đẹp cho dân, Kim Ngọc mới có những quyết định táo bạo. Thời đó, người nông dân là xã viên hợp tác xã nông nghiệp rất khó khăn, nghèo khó, tù túng, bị kìm hãm bởi cơ chế “hợp tác xã”, làm ăn tập thể, nghe tiếng kẻng thì ra đồng... Ngày công rất rẻ, ruộng đất, hoa màu không phải của mình, không gắn với quyền lợi của mình nên làm theo kiểu “được chăng hay chớ”. Tất yếu dẫn đến hiệu quả kinh tế, năng suất lao động rất thấp, sản xuất ngày càng sa sút. Trong khi đó, miền Bắc còn phải chi viện cho miền Nam với khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Chiến tranh lại bắt đầu lan ra miền Bắc. Miền Nam bắt đầu những trận đánh Mỹ ác liệt. Là người lãnh đạo, Kim Ngọc càng thấy phải có trách nhiệm tìm ra hướng đi mới để tạo ra năng suất cao, để dân có bữa ăn no, có thêm cân thóc gửi vào chiến trường. Qua các bài viết, hồi ký của bạn bè, đồng chí, người thân cùng thời cho thấy Kim Ngọc nung nấu, trăn trở nhiều. Ông Nguyễn Thành Tô, thư ký của Bí thư Kim Ngọc kể: “Ông Ngọc vốn mắc bệnh đau dạ dày từ hồi ở Việt Bắc, trong thời gian phải suy nghĩ để có quyết định “khoán hộ”, đã có lần phải mổ cấp cứu. Đỡ bệnh, ông lại xuống với dân. Thấy cảnh đất hoang hóa còn nhiều mà dân thì đói, ý chí giao đất cho dân trong ông càng lớn. Có lần họp Thường vụ, ông nói trong đau đớn: “Nếu sợ tội mà không cho dân làm thì hàng chục nghìn héc-ta đất kia mãi mãi là đất hoang. Tôi đã quyết định thà chịu tội với trời còn hơn là mắc tội với đất”.

Càng xuống với dân, càng thấy sản xuất ngày một trì trệ, đời sống ngày một khó khăn, quản lý theo lối “công điểm” thì theo kiểu “sáng vác cày cuốc đi, trưa vác về”, tất nhiên là đói kém, ông càng quyết tâm tìm hướng ra. Chỉ có từ thực tiễn ấy, ông mới tìm ra “điểm nghẽn” là phải thay đổi cơ chế quản lý. Theo cơ chế “hợp tác xã” thì chỉ phù hợp với thời kháng chiến, nay hòa bình, tư tưởng, suy nghĩ của người nông dân đã khác. Chắc chắn phải lao tâm khổ tứ, phải lăn lộn cùng đồng ruộng, phải sống trong dân, suy nghĩ theo quan niệm, cái nhìn của dân, ông mới nghĩ ra được cách giao ruộng cho nông dân để họ tự chủ, tập trung đầu tư, canh tác có trách nhiệm cao. Cây lúa cũng như con vật nuôi vậy, được chăm sóc, nâng niu sẽ không phụ người... Còn phải thay đổi cơ chế “cào bằng”. Thời đó còn có chế độ “định suất”, tức không ra đồng làm ruộng nhưng vẫn được hợp tác xã bao cấp tối thiểu, thế là “không làm mà vẫn có ăn”. Phải có chế độ khác, vẫn giữ cái gốc nhân văn nhưng làm nhiều hưởng nhiều, sẽ kích thích quá trình sản xuất.

leftcenterrightdel

Ngôi trường trung học phổ thông mang tên Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc ở TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: NGUYÊN PHONG 

Phải đặt di sản Kim Ngọc vào thời ấy mới thấy cách làm của ông thật sự khoa học, nhân văn, vì con người. Chỉ có thấu hiểu thực tế, thấu cảm lòng dân, người lãnh đạo mới đưa ra được hướng đi phù hợp. Lịch sử tư tưởng thế giới cho thấy, cái khó nhất là thay đổi quan niệm của xã hội, để làm được điều đó, phải là cả một cuộc cách mạng. Vì đã ăn sâu vào ý thức hệ, trở thành tập quán nên rất bền vững, dai dẳng. Thay đổi cơ chế từ “hợp tác xã” sang “giao khoán” là việc “tày đình”, là chuyện “sai đường”, “lạc hướng”... Nhưng tư duy Kim Ngọc đã thoát ra khỏi sự rập khuôn, công thức, quyết không theo lối cũ không hiệu quả, không tương lai. Lại phải thấy rằng Kim Ngọc đã có 5, 6 năm lăn lộn với quá trình hợp tác hóa nông nghiệp mới đủ thấu hiểu thực tiễn để thay đổi cách làm. Thì ra ngôi nhà tư duy phải xây dựng trên nền móng tình yêu dân, yêu nước và nắm bắt sâu sắc bản chất thực tiễn. Tư duy đổi mới của Kim Ngọc rất tiêu biểu cho mô hình ấy và sẽ sống mãi vì dựa trên nguyên lý: Lấy hiệu quả kinh tế làm thước đo chân lý của những chủ trương, chính sách. Giao khoán ruộng đất cho nông dân là quyết định táo bạo, cực kỳ dũng cảm vì nó vượt khỏi tư duy, quan điểm thông thường, nhưng không sai đường lối của Đảng, vì chủ trương “khoán hộ” là vì mục đích xây dựng hợp tác xã vững mạnh hơn, xã viên no đủ hơn. Bà Lê Thị Liên, phu nhân đồng chí Kim Ngọc kể đã từng được theo chồng về Hà Nội, vào gặp đồng chí Trường Chinh để thuyết phục, khẳng định sự đúng đắn của “khoán hộ”... Ý chí, tâm huyết, tình yêu, trách nhiệm của Kim Ngọc, nhất là thực tiễn đã thuyết phục được các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng!

Cần phải thấy rõ thêm, với cương vị Bí thư Tỉnh ủy, nếu Kim Ngọc chỉ đạo theo chỉ thị, chính sách thì cuộc sống sẽ an nhàn hơn rất nhiều. Nhưng trách nhiệm đảng viên, trách nhiệm lãnh đạo không cho phép ông như thế. Ông đã hành động theo lương tâm của một người hết lòng yêu Đảng, yêu nước, yêu dân, biểu hiện cụ thể ở tinh thần trách nhiệm đổi mới, dũng cảm để cái mới đi vào thực tiễn.

Kim Ngọc thanh thản ra đi ngày 26-5-1979, để lại di sản tỏa sáng đến hôm nay. Công cuộc đổi mới ghi ơn ông. Tại quê hương Vĩnh Phúc có những trường học, đường phố mang tên Kim Ngọc. Ông được Nhà nước truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều huân chương, huy chương cao quý khác!

NGUYÊN THANH