Đại tá Nguyễn Thanh Bàn sinh năm 1957, tại phường Võ Cường, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Tháng 2-1975, ông nhập ngũ tại Trung đoàn 48, Sư đoàn 320, Quân đoàn 1 (nay là Sư đoàn 390, Quân đoàn 12). Thời gian đầu, ông tham gia huấn luyện bộ binh, sau đó chuyển sang công binh. Tháng 3-1975, ông nhận nhiệm vụ hành quân vào miền Nam để chuẩn bị tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh trong đội hình Đại đội 17 của Trung đoàn 48.
Sau hơn một tháng, đơn vị của ông đã di chuyển đến địa phận tỉnh Bình Phước. Lúc này, để có thể hành quân tiếp vào chiến trường, Trung đoàn 48 buộc phải vượt sông Bé. Những người lính công binh như ông Bàn có nhiệm vụ làm bè nổi bằng tre để chở vũ khí, đồng thời nối dây mây hai bờ sông để đồng đội bám dây vượt sông. Chỉ trong vòng hai ngày, nhiệm vụ này được Đại đội 17 hoàn thành.
|
|
Đại tá Nguyễn Thanh Bàn (ngồi) và đồng đội kiểm tra mìn tại địa bàn tỉnh Hà Giang, tháng 7-2011. Ảnh do nhân vật cung cấp
|
Đến khu tập kết, Đại đội 17 tiếp tục làm nhiệm vụ rà phá bom, mìn để ô tô của ta đi vào chiến trường. Thời điểm đó, địch ném bom ở đâu, những người lính rà phá bom, mìn có mặt ở đó để tháo, phá những quả bom, mìn chưa nổ, bảo đảm cho tuyến đường xe qua được an toàn. Công việc phá bom có những nguyên tắc khắt khe, đòi hỏi người lính phải có sự gan dạ, nhanh trí. “Đối diện với bom, mìn, ai cũng sợ, nhưng vì nhiệm vụ, trách nhiệm nên những người lính phá bom, mìn như chúng tôi tự trấn tĩnh bản thân, chỉ mong sao những con đường hết bom, mìn, người và xe đi lại an toàn”, ông Bàn chia sẻ.
Lúc đó, phương tiện kỹ thuật còn rất thô sơ, công việc phá bom, mìn đòi hỏi sự cẩn trọng, nhanh chóng cũng như khéo léo của từng chiến sĩ. Mỗi loại bom, mìn có cách phá khác nhau. Vì vậy, ông Bàn cùng đồng đội ngày đêm nghĩ cách làm sao phá được nhiều bom, mìn nhất mà vẫn phải bảo đảm an toàn cho bản thân, đồng đội. Khi có bom đánh xuống, ông cùng đồng đội phải đi trinh sát, tìm hiểu để về lên phương án phá, dỡ đối với từng quả bom. Dù sử dụng phương pháp nào thì bước đầu tiên vẫn là xác định vị trí của quả mìn. Đôi khi nhiệm vụ này khó khăn hơn nhiều so với những bước còn lại.
Như lời giải thích của ông Bàn: “Thời điểm khó khăn nhất là lúc mìn vừa được rải xuống. Chúng tôi không biết có bao nhiêu quả hoặc loại mìn gì được thả. Bùn đất che phủ khiến cho mắt thường không thể thấy được các quả mìn được thả xuống đường, buộc phải dùng máy dò để dò mìn”. Khi xác định được vị trí của mìn rồi, ông Bàn và đồng đội tiến tới “hóa giải” chúng rồi đánh dấu vị trí nơi mìn đã được gỡ để xe ô tô của ta đi theo đúng hướng đã được đánh dấu.
Cứ như vậy, trên đường hành quân vào Sài Gòn, ông Bàn và đồng đội đã hóa giải nhiều loại bom, mìn để đoàn xe của ta tiến vào chiến trường, góp phần vào thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Kết thúc chiến dịch, ông Bàn được cử đi học sĩ quan chuyên ngành công trình, chuyên môn về phá nổ mìn và vật cản. Đến năm 1979, ông ra trường và về làm giáo viên tại Trường Sĩ quan Công binh cơ sở Bắc Ninh, giảng dạy môn phá nổ mìn và vật cản.
Từ năm 1985 đến 1988, ông làm nhiệm vụ trên đất bạn Campuchia trong đội hình của Sư đoàn 330, Quân khu 9. Hoàn thành nhiệm vụ tại Campuchia, ông lại trở về công tác tại Trường Sĩ quan Công binh cho đến năm 1995 thì chuyển về công ty Xây dựng Lũng Lô (nay là Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô) làm nhiệm vụ rà phá bom, mìn tại các công trình Công ty thi công xây dựng. Đến năm 2010, ông là Trưởng ban Bom mìn (Bộ Tham mưu Binh chủng Công binh); năm 2015, ông nghỉ hưu. Trên mỗi cương vị công tác, ông đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, được cấp trên tin tưởng và đồng đội quý mến.
QUANG DUY