Đội ngũ nhà văn Quân đội mà nòng cốt ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội các thời kỳ đều được thủ trưởng Tổng cục Chính trị rất quan tâm. Ngôi nhà số 4, trụ sở của cơ quan do Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, khi đó là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, chỉ đạo cơ quan chức năng giao cho Văn nghệ Quân đội sử dụng. Ngôi nhà như một ngôi đền thiêng về văn học, cũng là nơi các nhà văn từ đó vào chiến trường cầm súng và cầm bút, có người là liệt sĩ như nhà văn Nguyễn Thi với tác phẩm “Người mẹ cầm súng” lừng danh. Những năm chiến tranh chống đế quốc Mỹ, mỗi đêm giao thừa, các nhà văn xa quê như: Thanh Tịnh, Thu Bồn, Lưu Trùng Dương... ai cũng bồn chồn hướng về miền Nam ruột thịt. Có đêm, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đến thăm và nằm xuống sàn gỗ trò chuyện với nhà thơ Thanh Tịnh là đồng hương xứ Huế. Có đêm giao thừa, Đại tướng Võ Nguyên Giáp bộ hành vào Nhà số 4 lắng nghe tiếng đàn của anh em văn nghệ sĩ miền Nam chuẩn bị đón xuân sang. Các vị tướng đối với văn nghệ sĩ Quân đội trong ngôi Nhà số 4 vô cùng thân thương và gần gũi.
Nối tiếp truyền thống ấy, các thủ trưởng Tổng cục Chính trị thời kỳ sau này đều rất quý trọng các nhà văn Quân đội. Khi về nhận trọng trách Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị ngày 5-9-1998, Trung tướng Phùng Khắc Đăng đã sớm thu xếp thời gian đến gặp gỡ các nhà văn Tạp chí Văn nghệ Quân đội để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của họ. Cuộc gặp mặt diễn ra chân tình, ấm áp, bình dị nhưng đã đặt ra một việc rất có ý nghĩa. Đó là từ nguyện vọng của các nhà văn Quân đội, Tổng cục Chính trị đồng ý để Chi hội Nhà văn Quân đội thực hiện bộ “Tổng tập nhà văn Quân đội-Kỷ yếu và tác phẩm”. Đích thân Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Phùng Khắc Đăng trực tiếp cùng các nhà văn Nam Hà, Dương Duy Ngữ báo cáo với Bộ trưởng Phạm Văn Trà. Đây là một dấu mốc lớn, một thành tựu văn học về LLVT và chiến tranh cách mạng trong sự trưởng thành của Quân đội ta, đất nước ta.
Được sự đồng ý của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và thủ trưởng Tổng cục Chính trị, mà người chỉ đạo trực tiếp là Trung tướng Phùng Khắc Đăng, Ban thư ký Chi hội Nhà văn Quân đội khi đó do Đại tá, nhà văn Nam Hà làm Trưởng ban; các ủy viên gồm: Thượng tá, nhà văn Dương Duy Ngữ; Thượng tá, nhà văn Phạm Hoa; Trung tá, nhà văn Nguyễn Thị Như Trang; Thiếu tá, nhà thơ Trần Đăng Khoa. Ban thư ký thành lập Ban biên soạn (có thêm nhà văn Ngô Vĩnh Bình) để thực hiện bộ sách. Ban biên soạn xác định, trong hành trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành vẻ vang của Quân đội ta, Quân đội đã đào tạo, rèn luyện những thế hệ văn nghệ sĩ tài năng, tâm huyết, đã có đóng góp bằng tác phẩm để góp phần tạo nên hình tượng Bộ đội Cụ Hồ. Chính văn học-nghệ thuật đã có những đóng góp xuất sắc trong các cuộc chiến tranh, để người lính có thêm niềm tin mạnh mẽ trong chiến đấu và chiến thắng.
Trong quá trình thực hiện bộ sách, Ban biên soạn đã báo cáo và xin ý kiến Trung tướng Phùng Khắc Đăng về tiến độ, biên độ tác phẩm, số lượng các tập thơ và văn xuôi, trích ngang và ảnh các nhà văn có mặt trong bộ tổng tập. Ở thời điểm năm 1999-2000, để thực hiện quy hoạch về lý lịch tác giả và chọn lựa tác phẩm với 303 nhà văn, nhà thơ Quân đội không phải là công việc dễ dàng. Thủ trưởng Tổng cục khi giao nhiệm vụ đã khẳng định, đội ngũ văn nghệ sĩ trong Quân đội chính là binh đoàn đặc biệt với các loại hình nghệ thuật, mà chủ lực là văn học, đã góp phần làm nên sức mạnh tinh thần trong các cuộc chiến tranh. Giữa chiến trường ác liệt, để vượt qua hiểm nguy và nắm chắc tay súng, nhiều người lính đã tựa vào những câu thơ, áng văn để vượt qua thử thách hiểm nghèo tưởng chừng không vượt qua được. Văn học-nghệ thuật đã trở thành đời sống tinh thần của nhân dân và người chiến sĩ. Những tác phẩm như thế, nếu được tập hợp lại, chúng ta sẽ có một khối lượng đồ sộ, phong phú và đa dạng, bao gồm tiểu thuyết, hồi ký, truyện ký, truyện ngắn, bút ký, trường ca và thơ ca. Trong số những tác phẩm đó, có nhiều tác phẩm lớn của các tác giả lớn mà tên tuổi của họ đã ăn sâu bám rễ trong đời sống văn học và đời sống nhân dân. Việc thực hiện bộ “Tổng tập nhà văn Quân đội-Kỷ yếu và tác phẩm” là hết sức cần thiết.
Ban thư ký Chi hội Nhà văn Quân đội đã làm việc hết sức khẩn trương, quyết liệt. Nhà văn Nam Hà-người lính chiến ngày ở chiến trường từng viết câu thơ nổi tiếng “Chúng con chiến đấu cho người sống mãi Việt Nam ơi!”-cùng các đồng nghiệp không kể ngày đêm miệt mài biên tập từng trang bản thảo. Có những trang bản thảo đã ố vàng hằn nước thời gian. Có trang bản thảo lỗ chỗ vết đạn như của các nhà thơ, nhà văn: Lê Anh Xuân, Dương Thị Xuân Quý, Nguyễn Thi... đều được cẩn thận đưa vào từng tập sách. Sau này, tháng 11-2024, khi chúng tôi thực hiện công tác thống kê, chỉ tính riêng Văn nghệ Quân đội, đã có nhiều tên tuổi nhà văn, nhà thơ được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học-nghệ thuật, đều có mặt trong tập sách.
Bộ sách “Tổng tập nhà văn Quân đội-Kỷ yếu và tác phẩm” xuất bản năm 2000 tại Nhà xuất bản Quân đội nhân dân chính là một cuộc tổng duyệt về tác giả và tác phẩm của các nhà văn Quân đội. Bộ sách khi ra đời đã được đông đảo bạn đọc trong và ngoài Quân đội đón nhận nồng nhiệt. Ngoài giá trị nghệ thuật với tư cách tác phẩm văn học, đây còn là biên niên sử về một chặng đường đấu tranh cách mạng của Quân đội ta, nhân dân ta, là nguồn tài liệu quý cho các nhà nghiên cứu, học sinh và sinh viên quan tâm tới mảng đề tài văn học chiến tranh cách mạng và người chiến sĩ trong hơn nửa thế kỷ.
Suốt trong quá trình thực hiện bộ sách, nhất là khi bộ sách ra đời, Chi hội Nhà văn Quân đội luôn nhận được sự quan tâm sâu sắc của các thủ trưởng Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, đặc biệt là Trung tướng Phùng Khắc Đăng. Cho đến hôm nay, các nhà văn Quân đội vẫn quý trọng sâu sắc Trung tướng Phùng Khắc Đăng, dù ông đã nghỉ hưu. Thỉnh thoảng, Trung tướng Phùng Khắc Đăng còn mời các nhà văn Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Bảo, Chu Lai, Khuất Quang Thụy, Trung Trung Đỉnh, Ngô Vĩnh Bình, Nguyễn Đức Mậu, Vương Trọng... và lứa nhà văn thế hệ sau về thăm quê ông tại Phùng Xá (Thạch Thất, Hà Nội), chiêu đãi các đặc sản vùng quê xứ Đoài. Bên chén rượu thơm bồng mắt thỏ, các nhà văn và vị tướng đầu đã bạc trắng chen mái đầu xanh tuổi trẻ thế hệ tiếp nối nói cười vui vẻ trong sắc nắng mùa thu trên quê hương đất Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan đang thay da đổi thịt. Vị tướng trận mạc một thời nay vẫn còn sức vóc khi nghe các nhà văn nhắc lại ngày làm bộ sách “Tổng tập nhà văn Quân đội-Kỷ yếu và tác phẩm”, ai nấy đều xúc động mãi không thôi.
Nhà văn PHÙNG VĂN KHAI