Năm nay Đại võ sư Phi Long 76 tuổi nhưng vẫn tráng kiện, tinh nhanh khác người. Ông tên thật là Trần Quốc Long, sinh ra và lớn lên tại xã Tây Giang, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Từ cụ cố nội đến ông nội Trần Chư và cha của ông là Trần Nghĩa Sỹ đều là những võ sư danh tiếng đất Tây Sơn. Ông được cha, chú, bác truyền dạy võ nghệ Bình Định từ nhỏ. Thành tích võ trường của ông thật đặc biệt: Thượng đài 87 trận ở trong và ngoài nước thì có đến 68 trận thắng knock-out và 19 trận thắng điểm hoặc hòa.

leftcenterrightdel
Một đòn thế đặc trưng  của Tây Sơn Võ thuật đạo.

Người Bình Định có truyền thống võ thuật lâu đời. Từ thời Tây Sơn đến nay, võ Bình Định phát triển thành nhiều môn phái và các hình thức võ thuật do các gia tộc, các nhà sư truyền dạy, như: Tây Sơn Nhạn, Thanh Long võ đạo, Bình Định Sa Long Cương, Võ trận Bình Định, Tân Sơn Bạch Long, Tây Sơn Thiếu Lâm, Bình Định gia, Võ Việt Đạo và Tây Sơn Võ thuật đạo. Tây Sơn Võ thuật đạo chính là môn phái của Đại võ sư Phi Long.

Từ rất nhỏ, Trần Quốc Long đã được luyện võ, đi quyền. Lên 5 tuổi cậu bé Long đã được cha dạy võ. Ông Trần Nghĩa Sỹ lần lượt mời những võ sư nổi tiếng như Nguyễn Thái Sơn (Hoài Ân, Bình Định), Trịnh Thiếu Anh (Hoài Nhơn, Bình Định) về nhà dạy võ cho các con. Đại võ sư Phi Long kể: “Mỗi ngày tôi luyện võ với thầy hai buổi, được gia đình quan tâm chu cấp mọi mặt nên tôi tiến bộ rất nhanh. Học với thầy Trịnh Thiếu Anh một năm thì xảy ra chiến tranh, thầy về quê nhà nên việc học võ của tôi bị dang dở. Chưa hài lòng với khả năng võ nghệ của mình, tôi tự tìm thầy võ nổi tiếng để học tiếp”.

Từ sau năm 1975, với trách nhiệm Chủ tịch Hội Võ thuật huyện Tây Sơn và nhiều năm sau đó làm huấn luyện viên đội tuyển võ thuật cổ truyền tỉnh Bình Định, dạy võ thuật ở Bảo tàng Quang Trung, Đại võ sư Phi Long lập chương trình đào tạo rất bài bản, tổ chức dạy ở nhiều nơi. Vừa dạy, Đại võ sư vừa phát hiện tài năng để bồi dưỡng nâng cao, tạo nên những võ sư nòng cốt lập các lò luyện và đi truyền dạy võ đạo ở trong, ngoài tỉnh. Đến nay, ông đã dạy và tạo lập Trung tâm Tây Sơn Võ thuật đạo ở 37 tỉnh, thành phố với hàng nghìn học trò, rất nhiều người thành danh.

Trước thềm năm mới, tôi gặp ông tại Bình Dương và TP Hồ Chí Minh. Doanh nhân, CCB Nguyễn Chính Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hiệp hội Doanh nhân CCB Việt Nam, Chủ tịch Hội Doanh nhân CCB tỉnh Bình Dương là học trò của ông. Anh Hải tâm sự: “Tôi đã học thầy nhiều năm, mỗi lần gặp, thầy lại bổ túc thêm các kỹ năng. Cách đánh của thầy là tạo thế tấn công, tấn công dồn dập như vũ bão”…

Đại võ sư Phi Long đã sang Mỹ, Canada… theo lời mời của học trò để chỉ dẫn, nghiên cứu, mở rộng quy mô truyền dạy võ.

Tết này, Đại võ sư Phi Long lại cùng các học trò đón Tết, vui xuân tại lưng chừng đèo An Khê. Gần 20 năm nay, thầy Long dựng nhà tại đây, sống một mình, còn các con thì ở TP Quy Nhơn. Ông nói: “Nơi đây nằm giữa Tây Sơn Hạ và Tây Sơn Thượng, cách nơi vua Quang Trung năm xưa dấy binh gần 20km. Học trò mang các sản vật đến vui Tết tại căn nhà cấp 4 rộng thênh thang. Thầy trò tôi đón Tết ở ngôi nhà này, giống như “khách sạn ngàn sao”, lộng gió đèo. Mọi người gọi tôi là “Hắc Long quy ẩn”. Tôi luôn hài lòng vì nơi này đúng với triết lý võ học. Đỉnh cao của võ học là 5 không: Không oán, không thù, không giận, không buồn phiền, không ham muốn. Cái gì đến tự nó đến, cái gì đi thì tự đi. Tết ở lưng chừng đèo hằng năm đón Giao thừa rất vui, rất lạ. Thầy trò tôi luyện võ ngay trước, trong và sau Giao thừa. Nhiều em từ xa đến ở cả tuần. Tôi luôn nhắc các em: Võ thuật phải thể hiện tinh thần dân tộc. Người học không chỉ đơn thuần rèn luyện võ thuật và sức khỏe mà còn xây dựng nếp sống văn hóa, tinh thần thượng võ, trọng pháp luật, tôn sư trọng đạo, phải biết coi trọng võ đức, hiểu công lý. Rằm tháng Giêng năm nay, tôi sẽ cho khởi công xây cổng lớn của Trung tâm Tây Sơn Võ thuật đạo ngay trên đèo An Khê chào mừng 230 năm vua Quang Trung đại phá quân Thanh. 

Bài và ảnh: ĐÀO VĂN SỬ