Từ “nhóm thanh niên sông Bồ” đến “thủ lĩnh các trận tuyến”
Đồng chí Hoàng Anh sinh ra tại thôn Phò Ninh, xã Phong An, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế trong một gia đình nông dân nghèo, đông con. Do một vài biến cố mà ông chỉ học hết cấp 1 rồi nghỉ giữa chừng. Vừa tròn 15 tuổi, Hoàng Anh phải ở nhà lao động sản xuất trong khi bố mẹ già yếu, các món nợ ngày càng tăng lên. “Mặc dù phải làm ăn sinh sống, tôi vẫn cố gắng theo đuổi chí hướng của mình: Phải làm gì để góp phần cứu nước, không thể sống mãi như kiếp ngựa trâu”-ông viết trong hồi ký.
Và rồi, 6 người bạn gồm: Nguyễn Đắc, Trần Lựu, Đặng Thược, Hoàng Thái, Nguyễn Thái, Hoàng Anh lần hồi tự học, kiếm sống và thực hiện kế hoạch làm cách mạng. Ngoài những cố gắng không mệt mỏi đi tìm Đảng, trong thời gian này, nhóm đã hăng hái làm những việc có lợi cho bà con thôn xóm, như: Đấu tranh chống cường hào chiếm ruộng đất công, chống quản cấp điền thổ không công bằng, điều tra phát hiện tri huyện Phong Điền muốn biển thủ tiền cứu tế cho dân để kịp thời ngăn chặn, đấu tranh chống mê tín dị đoan... Mặc dù chỉ là những hành động mang tính nghĩa hiệp của thanh niên có chí khí nhưng họ rất được bà con trong vùng tin yêu, gọi thân mật là “nhóm thanh niên sông Bồ”.
|
|
Bí thư Trung ương Đảng Hoàng Anh báo cáo công tác với Bác Hồ, năm 1965. Ảnh tư liệu |
Đến năm 1936, đồng chí Hoàng Anh bắt được liên lạc với Đảng thông qua hoạt động của nhóm khi gặp gỡ với nhiều nhà cách mạng đang làm việc ở các tờ báo lớn, nghe họ diễn thuyết về Đảng và việc giải phóng đất nước. Đây cũng là lúc Phong trào Dân chủ Đông Dương (1936-1939) phát triển mạnh, đồng chí đã tích cực tham gia và trở thành một trong những hạt nhân tiêu biểu của Đảng trong phong trào mặt trận bình dân, chống thuế, đòi dân chủ ở Thừa Thiên-Huế. Năm 1937, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Chính trong khoảng thời gian này, đồng chí Hoàng Anh gặp được “người phụ nữ của đời mình”, cũng là một đồng chí kiên trung, tại đám cưới một người bạn hoạt động trong tổ chức cách mạng ở Quảng Trị và Thừa Thiên. Cuộc gặp ngắn ngủi nhưng tình cảm đã kịp nảy sinh nên dù ngay sau đó, Hoàng Anh bị kẻ địch giam cầm (từ năm 1938 đến 1945) ở những nhà lao khét tiếng tàn ác và khắc nghiệt thời đó như: Lao Bảo, Buôn Ma Thuột, Đăk Tô (Kon Tum)…, bà vẫn một lòng chờ đợi ông. Chị Hoàng Thị Lương Hòa, con gái lớn của đồng chí Hoàng Anh cho biết: “Năm bố tôi 35 tuổi mới kết hôn với mẹ, rồi hai người lên Chiến khu Hòa Mỹ bắt đầu cuộc kháng chiến gian khổ chống thực dân Pháp xâm lược trở lại. Những năm tháng ấy, ba mẹ đồng cam cộng khổ, sống cùng với bộ đội và các đồng chí, khi thì bị địch ném bom càn quét, lúc thì bệnh tật sốt rét và di chuyển liên tục. Tôi sinh ra ở Chiến khu Lương Miêu-Dương Hòa nên để ghi nhớ những ngày tháng gian khổ ấy, bố mẹ đã đặt tên tôi là Lương Hòa”.
Sau Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945, với uy tín của mình, đồng chí Hoàng Anh được Đảng và nhân dân tin tưởng giao đảm nhiệm nhiều trọng trách khác nhau như: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến-Hành chính tỉnh Thừa Thiên; Thường vụ Liên khu ủy 4, Phó chủ tịch Ủy ban Kháng chiến-Hành chính Liên khu, được phân công phụ trách 3 tỉnh Bình-Trị-Thiên về mặt Đảng và chính quyền. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (năm 1951), đồng chí Hoàng Anh được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Sau Hiệp định Geneva năm 1954, đồng chí được phân công tham gia Quân ủy Trung ương, phụ trách công tác đình chiến, rồi được cử làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Sau đó, đồng chí còn kinh qua các chức vụ quan trọng khác như: Bộ trưởng Bộ Tài chính; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Chủ nhiệm Văn phòng Nông nghiệp Phủ Thủ tướng; Tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Bộ trưởng, Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Tài chính...
Trong ký ức đồng đội và người thân
Một điều đặc biệt ít người biết là đồng chí Hoàng Anh được Trung ương tin tưởng, nhiều lần “trở đi trở lại” quân đội. Giữ cương vị Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trong những năm gian khó của đất nước sau năm 1954, là Chủ tịch Ủy ban Liên hiệp đình chiến Trung ương đấu tranh trên các mặt trận buộc kẻ thù thực thi các quy định của Hiệp định Geneva. Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở vào giai đoạn ác liệt nhất, đồng chí trở lại làm Bí thư Khu ủy Trị Thiên-Huế kiêm Chính ủy Quân khu Trị Thiên.
Với phong cách của một chính ủy dày dạn kinh nghiệm, đồng chí Hoàng Anh vừa chân thành, vừa sâu sắc, điềm đạm phân tích từng điểm với cách xử lý công việc hợp lý trong mọi tình huống. Câu chuyện của Đại tá Nguyễn Hữu Tài, nguyên Phó cục trưởng Cục Quân huấn, Bộ Tổng Tham mưu xảy ra năm 1955, khi ông từ đơn vị cơ sở được điều về Phòng Bí thư, Văn phòng Tổng Quân ủy, Bộ Quốc phòng-Tổng Tư lệnh là một ví dụ.
Năm đó, khi tổng hợp văn bản thấy báo cáo của Đảng ủy Đại đoàn 304 về chủ trương phát động cuộc đấu tranh chống tư tưởng địa chủ trong đại đoàn, với cảm quan của mình, Nguyễn Hữu Tài cho rằng việc làm này là không cần thiết và có thể dẫn đến nhiều hệ lụy. Ông quyết định trình bày sự việc và suy nghĩ của mình với Thứ trưởng, Thường trực Tổng Quân ủy Hoàng Anh. Đồng chí Hoàng Anh ủng hộ và chỉ thị cho ông với tư cách là phái viên của bộ, trực tiếp xuống Đại đoàn 304 tìm hiểu kỹ. Đại tá Nguyễn Hữu Tài kể: “Sau khi thu thập được nhiều ý kiến, chứng cứ thực tế ở đơn vị, tôi xin gặp lãnh đạo đại đoàn. Trong buổi làm việc, chính ủy đại đoàn là một cán bộ lão thành cách mạng, có nhiều cống hiến và là một nhà lý luận của Quân đội ta thời đó đã bác bỏ mọi lập luận của tôi, kiên quyết bảo vệ quan điểm của mình và sự đúng đắn của cuộc vận động. Đồng chí tư lệnh đại đoàn là người chỉ huy anh dũng và có nhiều công lao, mặc dù tham dự từ đầu đến cuối nhưng không tham gia ý kiến vì hoàn cảnh xuất thân gia đình địa chủ rất khó nói cho khách quan khi ấy. Trở về, tôi viết một bản báo cáo bằng văn bản trình đồng chí Hoàng Anh và được yêu cầu gửi cho tất cả các đồng chí trong Tổng Quân ủy. Khoảng một tuần sau, tôi thấy đồng chí Chính ủy Đại đoàn 304 lên gặp Thứ trưởng Hoàng Anh, vẻ không vui. Tôi không được biết nội dung buổi làm việc đó và đồng chí Hoàng Anh đã nói sao, chỉ biết sau đó, đồng chí chính ủy đại đoàn ra về với nét mặt thân thiện, bắt tay tôi và nói gọn: “Cậu đúng”.
Theo Đại tá Nguyễn Hữu Tài, sự việc trên tuy nhỏ nhưng là kỷ niệm sâu sắc của ông về cách làm việc và thể hiện một phong cách lớn của đồng chí Hoàng Anh. Đồng chí đã thuyết phục được Chính ủy Đại đoàn 304 tự giác nhận ra khuyết điểm một cách tâm phục khẩu phục, kịp thời hạn chế những hậu quả khó lường từ một chủ trương sai lầm.
Giữa năm 1968, đồng chí Hoàng Anh được cử vào làm Bí thư Khu ủy kiêm Chính ủy Quân khu Trị Thiên. Từ Quảng Bình, đoàn của ông đã đi bộ nhiều ngày theo đường Trường Sơn. Nhiều người trong đoàn không đủ sức để đi xuyên rừng, băng đèo, lội suối, buộc phải nhờ bộ đội, thanh niên xung phong gánh, cõng. Riêng ông lúc ấy đã 56 tuổi không cần ai giúp vẫn đi phăm phăm. Ông kể trong hồi ký: “Lần ấy, khi thấy từng đoàn bộ đội hành quân đi ngược chiều với mình, ngửi thấy mùi thuốc lá, anh em chiến sĩ dừng lại hít lấy hít để có vẻ rất thèm thuồng. Tôi bèn bảo cần vụ đem phần thuốc lá mang theo của mình ra chia hết cho anh em chiến sĩ và tự mình bỏ không hút nữa”.
|
|
Các con của đồng chí Hoàng Anh nhớ lại những kỷ niệm về cha. Ảnh: TUẤN TÚ |
Vợ chồng đồng chí Hoàng Anh có 8 người con. Mặc dù ông rất bận rộn với công việc nhà nước nhưng khi rảnh rỗi, ông luôn dành thời gian bên vợ con. Điều đáng ngạc nhiên là ông cũng thành thạo cả những việc “nữ công gia chánh”. Khi các con gái còn nhỏ, mùa đông thường diện những đôi giày nhung màu tím than may theo kiểu giày Tàu, trên mũi thêu những bông hoa cúc đỏ, vàng bằng len do chính đồng chí Hoàng Anh tự cắt may. Có lần thấy vợ đang dạy con may và thêu, ông đã đề nghị may thi xem ai may nhanh hơn, đường kim mũi chỉ thẳng hơn. Lần đó ông thắng, đường kim mũi chỉ của ông đều tăm tắp, rất nhỏ và thẳng.
Đồng chí Hoàng Anh có 3 người con trai, trong đó, con trai lớn Hoàng Tam Hùng là phi công quân sự, con trai thứ Hoàng Tam Châu là lính lái xe tăng. Ngày 28-12-1972, phi công Tam Hùng sau khi bắn rơi hai máy bay địch, bằng quả tên lửa cuối cùng, anh đã bắn tiếp chiếc máy bay trinh sát RA-5C-là chiếc duy nhất loại này của địch mà ta tiêu diệt. Sau đó không còn vũ khí, mặc dù đã bình tĩnh, khôn khéo tránh được 4 quả tên lửa của địch, nhưng do bị một tốp F-4 của địch tấn công, phi công Tam Hùng đã anh dũng hy sinh ở xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây (nay là TP Hà Nội) ở tuổi 25. Sau này, liệt sĩ, phi công Hoàng Tam Hùng đã được Đảng, Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Năm ấy, báo tin dữ cho vợ, dù rất đau đớn nhưng đồng chí Hoàng Anh đã nói: “Xin em hãy yên lòng đón nhận nỗi đau này vì con chúng ta đã hoàn thành sứ mệnh của một người lính khi Tổ quốc cần!”.
BÍCH TRANG