QĐND - Đã từ rất lâu, ca khúc “Lời Bác dặn trước lúc đi xa” của cố nhạc sĩ Trần Hoàn được đông đảo nhân dân và bạn bè quốc tế biết đến. Bởi bài hát không chỉ có giai điệu và ca từ trữ tình, sâu lắng mà còn tràn đầy hình ảnh xúc động. Nhất là hình ảnh “em gái nhỏ” bước vào và hát cho Bác nghe khúc hát quê nhà trước lúc Bác về cõi mênh mông giữa không gian bốn bề lặng lẽ... Nguyên mẫu em gái nhỏ trong ca khúc năm nào nay đã sắp bước sang tuổi 70, nhưng kỷ niệm của những ngày đặc biệt ấy vẫn vẹn nguyên trong trí nhớ của bà. Bà là Thiếu tá Ngô Thị Oanh, nguyên điều dưỡng viên Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Nhiệm vụ đặc biệt

Bà Ngô Thị Oanh. Ảnh: Tuấn Tú

Năm 1966, 17 tuổi, tôi rời quê hương Yên Lạc (Vĩnh Phúc) lên đường nhập ngũ và được cử đi học lớp quân y sơ cấp. Sau 6 tháng học tập chuyên môn, tôi về nhận công tác tại phòng mổ, thuộc Khoa Hồi sức-Cấp cứu của Viện Quân y 108 (nay là Bệnh viện Trung ương Quân đội 108). Lúc này là giai đoạn cuộc kháng chiến chống Mỹ diễn ra ác liệt nhất, các khoa phòng của bệnh viện luôn kín bệnh nhân. Nhất là Khoa Hồi sức-Cấp cứu chúng tôi vô cùng vất vả vì phải trực luân phiên suốt ngày đêm.

Cũng thời gian này, theo quyết định của Cục Quân y, Tổng cục Hậu cần, Viện Quân y 108 nhận lại nhiệm vụ tuyến cuối sau một thời gian chuyển về Viện 103. Đồng thời, Bộ Quốc phòng giao cho viện thêm nhiệm vụ quản lý sức khỏe cho các thủ trưởng Bộ. Cũng không biết có phải là duyên số hay không mà ngày đầu tiên nhận ca trực tại bệnh viện, ngày 6-7-1967, tôi đón ca cấp cứu cho Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Từ lần đầu tiên đó, hàng chục năm sau tôi có cơ hội được phục vụ, chăm sóc sức khỏe cho rất nhiều tướng lĩnh, lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước và Quân đội ta như: Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Phó chủ tịch Nguyễn Lương Bằng, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp... Và đặc biệt là Bác Hồ muôn vàn kính yêu. Bây giờ mỗi khi nhớ lại khoảng thời gian cùng các y sĩ, bác sĩ của Viện Quân y 108  trực tiếp phục vụ, chăm sóc Bác những ngày cuối cùng ấy tôi vẫn không ngăn nổi xúc động...

Đó là vào một buổi chiều hạ tuần tháng 8-1969, tôi đang làm việc tại khoa thì đồng chí Chính ủy Lê Đình Lý gọi lên giao nhiệm vụ: “Đồng chí về chuẩn bị ngày mai đi nhận nhiệm vụ đặc biệt”.

“Quân lệnh như sơn”, vậy là tôi nhanh chóng chuẩn bị đồ đạc mà không thắc mắc gì. Chiều hôm sau, tôi nhớ là ngày 23-8-1969, tổ công tác gồm 4 người là bác sĩ Bính (Chủ nhiệm Khoa Gây mê hồi sức), bác sĩ Phúc, y tá Trần Thị Quý và tôi có mặt tại điểm tập kết. Vì nguyên tắc của ngành, tất cả mọi người trong tổ không ai biết sẽ đi nhận nhiệm vụ ở đâu. Xe ô tô chở dụng cụ, phương tiện kỹ thuật sau khi được kiểm tra chuyên môn và an ninh kỹ lưỡng đưa tổ công tác chúng tôi rời bệnh viện vào lúc 3 giờ chiều. Qua một số đường phố Hà Nội, xe rẽ vào cổng Phủ Chủ tịch tại số 1A Hoàng Hoa Thám (cổng này thường gọi là Cổng Đỏ)-theo lời giới thiệu của bác sĩ Bính, người Hà Nội, chúng tôi mới được biết thông tin này.

Thiếu tá Ngô Thị Oanh được nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tặng quà trong một lần đến thăm Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Ảnh do nhân vật cung cấp

Đi vào Phủ Chủ tịch, tổ công tác được bố trí nghỉ tạm ở phòng khách. Lần đầu tiên được vào cơ quan Trung ương, chúng tôi thấy mọi thứ đều rất lạ lẫm. Đến khoảng 8 giờ tối, đang sắp xếp đồ đạc thì có một người mặc quần áo nâu đi guốc đến gặp chúng tôi. Nghe giới thiệu chúng tôi mới biết đó là đồng chí Vũ Kỳ, Thư ký của Bác Hồ. Bác Vũ Kỳ nói: “Mấy hôm nay Bác mệt, cấp trên muốn các cô, các chú đến chăm sóc sức khỏe Bác”.

Nghe đồng chí Vũ Kỳ nói về nhiệm vụ đặc biệt mà cấp trên giao là chăm sóc sức khỏe Bác Hồ, chúng tôi ai nấy đều quá bất ngờ, phần thì lo lắng cho sức khỏe của Bác, phần thì vô cùng hạnh phúc vì được gần bên Người. Đêm đầu tiên tại Phủ Chủ tịch, mọi người không ai ngủ được. Sáng hôm sau, chúng tôi được đồng chí Vũ Kỳ đưa lên phòng Bác nghỉ và báo cáo với Bác về nhiệm vụ của tổ quân y do Viện Quân y 108 cử đến. Nghe xong, Bác xua tay: “Bác có ốm mệt nhưng không đến mức phải cử cả một tổ chăm sóc thế này, các cháu nên về viện chăm sóc bộ đội và bệnh nhân, không cần ngày đêm ở đây vất vả vì Bác”.

Ôi! Bác Hồ, khi nào Người cũng chỉ lo cho dân, cho nước. Nghe Bác nói, tất cả chúng tôi đều rưng rưng. Kính phục Người bao nhiêu, chúng tôi càng lo lắng vì sợ không được ở lại phục vụ Người bấy nhiêu. Và thật may mắn, đồng chí Vũ Kỳ và các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước vẫn cố gắng động viên, thuyết phục Bác đồng ý để tổ công tác ở lại.

Ca sĩ “bất đắc dĩ”

Những ngày ở bên Bác, công việc của chúng tôi chủ yếu hộ lý là chính, thuốc men đã có hội đồng y khoa. Tôi và y tá Trần Thị Quý hằng ngày túc trực bên giường chuyện trò, mời Bác uống thuốc và bảo đảm các bữa ăn cho Bác đúng giờ. Cứ ba tiếng, Bác lại dùng bữa một lần. Phần lớn là ăn nhẹ như cháo, súp.

Ấn tượng mạnh mẽ nhất của tôi trong những ngày phục vụ Bác chính là sự giản dị của Người. Với chúng tôi, Bác gần gũi như một người cha. Tôi nhớ, có lần chuyện trò vui vẻ, Bác hỏi thăm quê quán. Khi biết quê tôi ở Yên Lạc, Vĩnh Phúc, Người nói vui rất tự nhiên: “Ôi cái dân nhiều ruồi!”. Tôi nghe mà bất ngờ đến cảm động. Bác tường tận cả chuyện nhỏ của quê hương tôi: Yên Lạc, vùng đất bãi chủ yếu trồng ngô, khoai, mía... toàn đồ ngọt làm mồi cho ruồi. Sau khi hỏi chuyện về quê hương, gia đình, đơn vị và cuộc sống, Bác dặn: “Làm nghề y phải chăm sóc bệnh nhân như người thân của mình”.

Một lần khác, khi Bác đang hỏi chuyện thì đồng chí Vũ Kỳ đi vào. Là người giúp việc Bác từ những ngày đầu cách mạng nên đồng chí Vũ Kỳ hiểu được tâm nguyện của Bác lúc này. Ông nói với chúng tôi:

- Các cô có biết hát không, hát

Bác nghe!

Tôi và chị Quý xấu hổ, cứ ngại ngùng đùn đẩy nhau. Cuối cùng, tôi mạnh dạn hát cho Bác nghe. Tuy thỉnh thoảng tôi có tham gia đội văn nghệ quần chúng ở đơn vị nhưng chưa bao giờ hát đơn ca, nên tôi cũng khá run. Thấy vậy, đồng chí Vũ Kỳ động viên: Cô cứ mạnh dạn lên! Vậy là tôi hát bài “Quân y đón thư Bác”-một sáng tác của đồng chí Đỗ Niệm, nguyên là cán bộ chính trị của Viện Quân y 108 mà tôi đã từng diễn tập thể trong một dịp liên hoan văn nghệ tại đơn vị. Hát xong, đồng chí Vũ Kỳ lại hỏi: Thế cô có biết hát dân ca không?

 Lần này mạnh dạn hơn, tôi hát bài dân ca quan họ Bắc Ninh “Người ơi, người ở đừng về”. Vì tôi run nên cũng không hát được trọn vẹn bài hát và đúng giai điệu cho lắm. Nhìn nét mặt Bác có vẻ hài lòng, chúng tôi ai cũng phấn khởi...

Chiều 30-8, đồng chí Phạm Văn Đồng vào thăm Bác, Người còn hỏi: “Các chú chuẩn bị lễ kỷ niệm mừng Quốc khánh đến đâu rồi?”. Nghe đồng chí Phạm Văn Đồng báo cáo, Bác dặn: “Các chú nhớ phải bắn pháo hoa mừng chiến thắng để động viên tinh thần chiến đấu của nhân dân”.

Nhưng Bác đang bệnh, tâm trạng lo lắng thế này làm sao có thể cho bắn pháo hoa được. Ngày hôm sau, đến giờ tôi mời Bác ăn cháo. Thấy Bác ăn hết bát cháo, ai cũng mừng. Nhưng tối hôm đó, lễ kỷ niệm 24 năm Ngày Quốc khánh tại hội trường Ba Đình, không khí đầy lo âu trên nét mặt các đồng chí trong Bộ Chính trị và các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước. Dường như mọi người đang hướng về Phủ Chủ tịch và thầm nguyện cầu sức khỏe Bác được bình phục.

Nhưng tâm nguyện ấy không thể trở thành hiện thực. Buổi sáng 2-9, bữa ăn lúc 9 giờ, tôi ghé lại bên giường hỏi Bác ăn súp nhé, Bác gật nhẹ. Tôi liền quay ra bảo anh Cần công vụ chuẩn bị mang vào cho Bác thì đằng sau Bác cứ dần lịm đi... Chúng tôi dốc toàn lực cứu chữa, mong Bác tỉnh lại. Nhưng 40 phút cấp cứu trôi qua, trên màn hình nhịp tim lúc nhảy, lúc ngắt. Giây phút không ai muốn đã đến. 9 giờ 47 phút ngày 2-9, căn phòng Bác nằm lặng đi. Đồng chí Vũ Kỳ dừng tay quạt, gục đầu vào Bác. Mọi người xung quanh đều bật khóc nghẹn ngào...

Thật không ngờ! Nhiệm vụ đặc biệt của tôi và tổ công tác lại chỉ kéo dài 12 ngày. Khoảng thời gian được ở bên phục vụ Bác tuy ngắn ngủi, nhưng tất cả những lời Bác dặn đã khắc sâu vào tâm trí và đi suốt cuộc đời của chúng tôi, là động lực giúp tôi vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để đạt được nhiều thành công trong sự nghiệp. Khi cố nhạc sĩ Trần Hoàn sáng tác ca khúc “Lời Bác dặn trước lúc đi xa”, tôi cũng không hề biết mình chính là “em gái nhỏ” được nhắc đến trong ca khúc. Mãi sau này, nhạc sĩ có chủ động tìm tôi và kể rằng, ông biết câu chuyện tôi hát cho Bác nghe qua Thư ký Vũ Kỳ. Sau khi nghe xong ông mới nảy ra ý tưởng viết ca khúc ý nghĩa này.

SONG THANH