Thấy tôi đứng bần thần trước bức ảnh, anh cán bộ bảo tàng giới thiệu với tôi: “Đây là cụ Hồ Sĩ Triêm, quê ở xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu…”. Tôi đứng chôn chân trước bức ảnh, cố cảm quan bằng trực giác và linh giác. Có phải đây là bức ảnh bố tôi ngày bị tù ở nhà lao Vinh?
Quỳnh Đôi quê tôi là địa phương giàu truyền thống, có nhiều nhà cách mạng đã từng bị thực dân Pháp bắt, tù đày ở các nhà tù khắp cả nước. Trong lịch sử huyện Quỳnh Lưu cũng có một chiến sĩ cách mạng người làng tôi trùng họ tên với bố tôi. Sau khi đi tham quan bảo tàng, tôi trở lại gian trưng bày ảnh và nhờ nhà báo Thuận Thắng, lúc đó là phóng viên Báo Quân khu 4 chụp lại bức ảnh đó. Tôi cầm tấm ảnh về quê gặp lại chú tôi…
Những năm trước cách mạng, bố tôi đã có một người vợ, hai người có một con gái. Chú tôi kể lại, có con rồi nhưng bố tôi vẫn bí mật đi hoạt động cách mạng biền biệt không mấy khi ở nhà, bị thực dân Pháp bắt bỏ tù ở nhà lao Vinh và đày đi nhà tù Li Hi (thuộc miền tây tỉnh Thừa Thiên-Huế) đến 6 năm. Cảnh nhà cơ cực quá, bà vợ trước của bố tôi không chịu được khổ. Một đêm, bà đã bỏ nhà ra đi để lại chị gái tôi cho bà nội nuôi nấng. Sau khi thoát tù trở về, bố tôi mới cưới mẹ tôi. Tôi được sinh ra và lớn lên trong vòng tay lam lũ của mẹ. Gia đình tôi vẫn nghèo đói, bữa sắn, bữa khoai, bố vẫn biền biệt đi xa…
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, bố tôi được Đảng phân công làm các nhiệm vụ trên địa bàn ông vẫn thường hoạt động trước đó, một năm mới về nhà một vài lần. Bố tôi là người ít khi kể chuyện về mình. Những câu chuyện về bố, tôi thường được nghe chú kể lại. Những câu chuyện ấy cứ thấm dần vào tôi lúc nào không biết. Đến nỗi, tôi nhớ ngày chiến đấu trên chiến trường Thừa Thiên-Huế, tôi đã suýt bị rơi vào ổ phục kích của địch trong một lần đi tìm dấu vết của nhà tù Li Hi. Đó là một địa danh xuất hiện trong quyết tâm chiến đấu của Tiểu đoàn 1, Trung đoàn Phú Xuân của tôi khi chuẩn bị tiến công vào một cao điểm phòng ngự của địch ở khu vực huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Nhưng nhà tù Li Hi nơi tôi chiến đấu những năm cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước chỉ còn là tên gọi…
Ngày tôi được kết nạp Đảng, hơn 40 năm về trước, tôi được về nhà và báo tin vui với bố. Bố nhìn tôi, cái nhìn lấp lánh niềm vui nhưng lại pha chút lo lắng, như thể bố muốn nói với tôi rằng: “Đó là vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm nặng nề mà con phải gánh vác suốt đời, con ạ!”. Chợt bố vuốt đầu tôi, bảo: “Ngày ấy bố vào Đảng không như con bây giờ…”.
… Bố tôi đi theo Đảng, theo cách mạng ngày Đảng còn “trứng nước”. Ngày tôi làm lý lịch để chuẩn bị kết nạp Đảng, tôi hỏi bố vào Đảng năm nào, bố im lặng rất lâu sau đó mới kể. Đó là một đêm cuối năm 1930, ở một cánh đồng cách làng tôi không xa, bố tôi được kết nạp Đảng. Người được tổ chức phân công giới thiệu và trực tiếp kết nạp bố tôi vào Đảng là bác họ của tôi. Không văn bản, không giấy tờ, không cờ Đảng. Giữa đêm tối mênh mông, hai người anh em, hai người đồng chí nắm tay nhau hướng về một hướng. Chỉ có một lời thề trang nghiêm bởi trong trái tim mỗi người đã có Đảng. Sau cái đêm thiêng liêng ấy, bố tôi lại đi đốt than, đốn củi, ở đợ, làm thuê để kiếm ăn. Ngày đi kiếm ăn, đêm đi vận động quần chúng. Muốn vận động được quần chúng chỉ có cách hòa mình vào nhân dân lao động nghèo khổ, bần cực dưới roi vọt của địa chủ, thực dân. Giữa hàng nghìn nhân dân lam lũ, đói rách, làm sao có thể nhìn vào “màu quần, sắc áo” để phân biệt ai là đảng viên, ai là cán bộ của Đảng. Đảng viên khổ cực hơn nhân dân, tan vào nhân dân để sống, để hoạt động. Chỉ ít tháng sau khi bố tôi vào Đảng thì thực dân Pháp khủng bố, các cơ sở của Đảng bị tan rã. Bác họ tôi hy sinh, bố tôi bị thực dân Pháp bắt tù 6 năm ròng rã từ nhà tù Vinh rồi đày vào nhà tù Li Hi. Suốt gần 6 năm ở hai nhà tù, bố tôi không được sinh hoạt Đảng, chẳng còn một bằng chứng nào để nói rằng bố tôi đã là một đảng viên. Cho mãi đến năm 1936, bố tôi mới lại được kết nạp Đảng.
Ngày ấy, khi kể xong câu chuyện, bố tôi nói rằng: “Con thuyền cách mạng có khi thăng khi trầm, con người theo cách mạng cũng vậy. Không ai hiểu mình hơn chính mình cả, bố vào Đảng là ước mơ góp mình vào đội ngũ chứ thực ra trong bố đã có Đảng từ lâu rồi!”…
Trở lại chuyện tôi “gặp bố ở bảo tàng”. Tôi cầm bức ảnh chụp lại ở Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh về nhà hỏi chú tôi. Vừa nhìn thấy bức ảnh, chú tôi không kìm được nước mắt, chú nói rằng đó là bức ảnh bố tôi ngày mới ngoài 20 tuổi. Chú tôi là cán bộ về hưu đã hơn 70 tuổi rồi nhưng vẫn còn khỏe và thông tuệ. Trước năm 1945, ông tham gia các phong trào cách mạng của Đảng. Hòa bình lập lại, ông được phân công công tác ở các vùng dân tộc thiểu số thuộc miền tây Nghệ An cho đến khi về hưu. Cầm trên tay tấm ảnh bố tôi, chú vào trong phòng lấy ra một tờ giấy cuộn tròn bọc ni lông cẩn thận. Đó là tấm huân chương của Hội đồng Nhà nước truy tặng bố tôi, người có công trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Tôi run run đón tấm huân chương của bố. Chao ôi, giá như hôm nay bố tôi còn sống!...
Thiếu tướng HỒ ANH THẮNG