Đầu tháng 2-1971, tôi được điều động về Trung đoàn 963, Bộ tư lệnh Trường Sơn để huấn luyện bổ túc tay lái trước khi vào chiến trường. Những ngày đầu, chúng tôi được huấn luyện chạy xe lên đèo Đá Đẽo (Quảng Bình). Trong thời gian huấn luyện, chúng tôi có một tối giao lưu với đoàn văn nghệ sĩ Quân đội. Hôm ấy, các nhà thơ, ca sĩ giới thiệu những sáng tác mới và ca khúc viết về chiến trường, về người lính lái xe trên đường Trường Sơn...
Sáng hôm sau, tôi bất ngờ được đồng chí cán bộ đại đội mời lên gặp nhà thơ Phạm Tiến Duật. Vì qua giới thiệu, biết tôi quê ở Hà Tĩnh nên khi gặp tôi, anh hỏi: “Cậu có biết “Thạch Nhọn” Thạch Kim ở đâu không?”. Tôi trả lời: “Thạch Kim là một xã thuộc huyện Thạch Hà (nay là huyện Lộc Hà), cách quê tôi 12km”. Thấy vậy, nhà thơ rất vui và đọc luôn bài thơ “Gửi em, cô thanh niên xung phong”, trong đó có đoạn: ... Ơi em gái chưa một lần rõ mặt/ Có lẽ nào anh lại mê em/ Từ cái đêm Thạch Nhọn Thạch Kim/ Tên em đã thành tên chung anh gọi:/ Em là cô thanh niên xung phong. Rồi anh nhờ tôi: “Lúc nào có dịp về quê, cậu cố gắng tìm cô gái “Thạch Nhọn” hộ anh nhé!”. Và tôi đã vui vẻ nhận lời anh.
    |
 |
Bà Lê Thị Nhị (thứ ba, từ trái sang) cùng các cựu thanh niên xung phong dâng hương tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc. Ảnh: THIÊN VỸ |
Kết thúc huấn luyện bổ túc tay lái, tôi được bổ sung về Đại đội 2, Tiểu đoàn 62, Sư đoàn 473, Bộ tư lệnh Trường Sơn. Tháng 4-1973, tôi bị thương bên bờ sông Sê Pôn trong một chuyến vận tải phía Tây đường Trường Sơn. Một tháng sau, tôi được chuyển ra Bắc điều trị và điều dưỡng. Tuy bị thương nặng, mất đi một cánh tay nhưng sức khỏe tôi hồi phục tốt và tiếp tục theo học tại Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn-Đại học Quốc gia Hà Nội). Năm 1978, tốt nghiệp ra trường, tôi được điều về công tác tại Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh.
Đầu tháng 5-1993, tôi là Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh, đi gặp những nhân chứng lịch sử, nghiên cứu và sưu tầm các hiện vật, tài liệu chiến tranh ở xã Thạch Kim. Nhớ lời nhà thơ Phạm Tiến Duật dặn, tôi đã tìm cô gái trong bài thơ “Gửi em, cô thanh niên xung phong”. Đó là chị Lê Thị Nhị (thường gọi là o Nhị), sinh năm 1946, ở thôn Xuân Phượng, xã Thạch Kim. Năm 1967, o Nhị đi thanh niên xung phong, biên chế vào Đại đội 4 thuộc Tổng đội 55 Thanh niên xung phong tỉnh Hà Tĩnh. Hôm đó, khoảng 9 giờ, theo chỉ dẫn của đồng chí Xã đội trưởng Thạch Kim, tôi ra cảng cá Cửa Sót thuộc xã Thạch Kim để gặp o Nhị. Khi tôi nhắc tới bài thơ “Gửi em, cô thanh niên xung phong” của nhà thơ Phạm Tiến Duật, o Nhị xúc động không nói nên lời... Ngay sau đó, tôi tìm cách liên lạc với nhà thơ Phạm Tiến Duật để thông báo đã tìm được cô gái “Thạch Nhọn”. Bên kia đường dây, tôi nghe được tiếng anh Duật reo lên mừng rỡ.
    |
 |
Các đại biểu thực hiện nghi thức gắn biển tuyến phố Phạm Tiến Duật (Hà Nội). Ảnh: PHẠM CƯỜNG |
Do công việc, tôi thường ra Hà Nội công tác và mỗi lần đều tới thăm nhà thơ Phạm Tiến Duật. Chúng tôi thường kể về kỷ niệm những năm tháng ở Trường Sơn và những đổi thay ở Ngã ba Đồng Lộc. Riêng chuyện o Nhị ở Thạch Kim, tôi không dám nhắc nhiều bởi anh Duật hay xúc động...
Những ngày cuối tháng 11-2007, biết bệnh mình khó qua khỏi, anh Duật tâm nguyện được gặp o Nhị. Và một buổi chiều cuối tháng 11, đồng đội của anh Duật đã đưa o Nhị vào Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thăm anh. Lúc đó, anh Duật đã rất yếu. Nhà thơ Phạm Tiến Duật và o Nhị nắm tay nhau trong niềm xúc động của mọi người... Chỉ gần một tuần sau đó, vào khoảng 9 giờ ngày 4-12-2007, nhà thơ Phạm Tiến Duật đã trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Ngày 21-10-2023, UBND quận Bắc Từ Liêm tổ chức lễ công bố quyết định của UBND TP Hà Nội và gắn biển tên 4 tuyến phố mới trên địa bàn quận năm 2023, trong đó có phố Phạm Tiến Duật thuộc phường Cổ Nhuế 2. Việc làm này thật ý nghĩa, như nén tâm hương tưởng nhớ 16 năm nhà thơ Trường Sơn-Phạm Tiến Duật về cõi vĩnh hằng (4-12-2007 / 4-12-2023).
XUÂN BÁCH