GS Phong Lê, nguyên Viện trưởng Viện Văn học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Chủ tịch Hội Kiều học Việt Nam: Vinh dự được là công dân Thủ đô

leftcenterrightdel

Giáo sư Phong Lê. Ảnh: THU THUỶ

Không có địa danh nào trên đất nước Việt Nam in được dấu ấn đậm nét và bền lâu trong tâm linh, trong ký ức con người qua văn chương, nghệ thuật như Thăng Long-Hà Nội. Gần như tất cả những tên tuổi của văn chương, học thuật, nghệ thuật dân tộc đều sống và viết ở Hà Nội.

Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Tĩnh. Năm tôi 18 tuổi, tôi được ra Hà Nội học tập và lập nghiệp. Thời điểm này, Hà Nội đã giải phóng được gần hai năm. Và tôi vẫn sống ở Hà Nội cho đến tận bây giờ. Ngẫm lại, nếu không có ngày 10-10-1954 sẽ chẳng bao giờ tôi có được niềm vinh dự là công dân Hà Nội. Nhân dịp 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, tôi không khỏi xúc động nghĩ: “Nếu mình không ở Hà Nội, không gặp những tên tuổi mình từng quý mến, ngưỡng mộ sống và viết ở Hà Nội, không có thầy và bạn ở Hà Nội, không có môi trường văn hóa và bầu không khí Hà Nội, không có những đam mê và quyến rũ ở Hà Nội, sẽ không có những trang viết nói hộ cho tôi biết bao điều trong một công việc tôi đã chung thủy với nó ngót 60 năm đã qua. Đó là nghề viết.

Trung tá, nhà báo Hồng Phương, nguyên Phó chủ tịch Hội Nhà báo TP Hồ Chí Minh: Hào khí ấy vẫn trào dâng trong tim tôi

leftcenterrightdel

Trung tá, nhà báo Hồng Phương. Ảnh: KIM TÙNG

Mới 16 tuổi rưỡi, tôi đã xin cha mẹ được tình nguyện nhập ngũ, rời quê hương Nghệ An gia nhập Trung đoàn 57, Đại đoàn 304. Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, đơn vị tôi được phối thuộc vào Đại đoàn 308 về tiếp quản Thủ đô. Ngày 9-10-1954, chúng tôi về đến Hà Nội, hành quân theo hướng Ngã Tư Sở vào sân bay Bạch Mai. Có mặt trong đoàn quân chiến thắng trở về, đi giữa rừng cờ hoa và khí thế hào hùng ngút trời của quân, dân Thủ đô, trong tôi dậy lên niềm tự hào vô cùng lớn lao. Miệng cười tươi, tay ôm súng vẫy chào mà nước mắt cứ trào ra, chảy ướt đẫm cả ve áo.

Tôi cảm thấy “sướng run người” khi bắt gặp lính Pháp vừa mới hôm nào hăng máu với dã tâm biến Việt Nam thành thuộc địa, nay dàn quân và xe bọc thép bên đường đứng chào bộ đội ta. Sáng 10-10-1954, chúng tôi được đội hình xe mô tô chở từ Bạch Mai vào tiếp quản các khu vực cửa ô, đầu cầu. 65 năm đã trôi qua, nhưng hào khí ấy vẫn trào dâng trong tim tôi.

Đại tá Nguyễn Văn Tính, 96 tuổi, Khu tập thể D3, Nguyễn Công Trứ, TP Hà Nội: 10 năm, ước hẹn thành hiện thực

leftcenterrightdel
Đại tá Nguyễn Văn Tính. Ảnh: PHẠM KIÊN

Năm 1944, tôi tham gia Việt Minh rồi biên chế về Trung đoàn 18, Sư đoàn 325 lên đường vào chiến đấu ở Mặt trận Bình Trị Thiên. Trước lúc lên đường, tôi nói với mẹ: “Con đi chuyến này nguyện một lòng vì dân, vì nước. Bao giờ Thủ đô giải phóng con sẽ về”. Tôi tham gia chiến đấu, suốt 10 năm trời không về nhà. Ở nhà, mẹ và anh chị không có tin tức, tưởng tôi đã hy sinh. Thật bất ngờ, cuối năm 1954, khi Thủ đô vừa mới được giải phóng, từ Thanh Hóa tôi được phân công về Cơ quan Văn phòng thuộc Tổng cục Chính trị Quân đội nhân  dân Việt Nam. Giây phút đoàn tụ, gặp lại mẹ và anh chị em vui sướng khôn xiết. Ngày tôi đi, Thủ đô còn xơ xác, không khí lúc nào cũng căng thẳng bởi sự ép quản của kẻ thù xâm lược. Ngày tôi trở về, Hà Nội rực rỡ, phố xá lung linh, tâm hồn con người phơi phới, các công trình, nhà máy đang được tu bổ và xây dựng khang trang. Thật tự hào!

Bà Nguyễn Thị Hồng, nguyên đại biểu Quốc hội khóa II và khóa III: Những ngày tiếp quản Thủ đô vui như hội

leftcenterrightdel
Bà Nguyễn Thị Hồng. Ảnh: VIỆT HÀ

Trước Ngày Giải phóng Thủ đô, tôi là Trung đội trưởng du kích kiêm Chủ tịch hội phụ nữ xã. Lực lượng du kích chúng tôi thường xuyên tổ chức và phối hợp chặt chẽ với bộ đội để đánh giặc ngay trong lòng Hà Nội. Trước ngày tiếp quản Thủ đô, xã tôi vui như hội. Hội phụ nữ và nhân dân địa phương chuẩn bị cờ hoa để đón các đoàn quân tiếp quản Thủ đô. Tối tối, tại sân đình, đèn đuốc được thắp sáng trưng suốt đêm. Chị em người may, người cắt, người dán làm cờ Tổ quốc đủ kích cỡ. Ngày 10-10-1954, toàn thể chính quyền và nhân dân xã Nhân Chính (nay là phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) náo nức hòa vào dòng người đón đoàn quân chiến thắng trở về. Cờ hoa trên tay tung bay. Niềm vui vỡ òa vì những cống hiến, hy sinh của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã kết trái ngọt. Hà Nội đã giải phóng.

Phạm Dương Linh, du học sinh Đại học Khoa học ứng dụng Dortmund, CHLB Đức:Khát vọng trở về góp sức xây dựng Thủ đô

leftcenterrightdel
Chị Phạm Dương Linh. Ảnh: PHẠM KIÊN

Tôi rất tự hào và may mắn vì mình là một người con được sinh ra và lớn lên ở Thủ đô Hà Nội, mảnh đất ngàn năm văn hiến khi đất nước đã hòa bình. Được nghe ông bà tôi kể lại và những tư liệu lịch sử về Hà Nội đọc được qua sách báo, tư liệu, tôi rất đỗi khâm phục, tự hào. Hiện nay, tôi đang là du học sinh năm thứ ba tại Đại học Khoa học ứng dụng Dortmund, Cộng hòa Liên bang Đức. Lớp tôi học có rất nhiều sinh viên đến từ các quốc gia. Họ thường rất thích nghe tôi kể chuyện về lịch sử, văn hóa, con người Thủ đô Hà Nội. Dù đã kể nhiều lần trước các bạn, nhưng không lần nào tôi ngăn được cảm xúc của mình. Mong muốn của tôi là sau khi tốt nghiệp sẽ trở về nước, mang tri thức nhỏ bé của mình để phục vụ quê hương, nhất là với Thủ đô yêu quý của chúng ta.

Nhóm phóng viên (thực hiện)