Ông đồng thời là nhân vật trong bức ảnh nổi tiếng vuốt râu Bác Hồ khi cùng đoàn dũng sĩ thiếu niên miền Nam ra thăm Bác. Ít ai biết rằng, ông có em trai là liệt sĩ Huỳnh Sáu cũng dũng cảm không kém, từng đi vào nhật ký của nhà văn Chu Cẩm Phong.

Ở vùng đất lửa - xóm nhỏ Vinh Cường (nay là tổ 14, thôn Phú Nhuận 3, xã Duy Tân) có đến 2 Anh hùng LLVT nhân dân, 70 liệt sĩ, 39 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 27 tù yêu nước, 6 xã đội trưởng, 5 bí thư Đảng ủy trong những năm chiến đấu. Lớn lên ở vùng đất lửa, hai anh em Huỳnh Thúc Bá, Huỳnh Sáu (tức Huỳnh Văn Long-tên đi hoạt động du kích) đánh giặc từ thuở mười lăm.

leftcenterrightdel
Anh hùng LLVT nhân dân Huỳnh Thúc bá (người vuốt râu Bác Hồ) và các anh hùng, dũng sĩ miền Nam (năm 1969). Ảnh tư liệu. 

Hôm chúng tôi đến, Đại tá Huỳnh Thúc Bá từ Đà Nẵng về quê chăm sóc mẹ. Người mẹ tròn 100 tuổi của ông từ Tết đến giờ yếu hơn trước. Chồng mất sớm khi đứa con út mới sinh ra, một tay bà vừa nuôi 4 người con vừa tham gia cách mạng. Rồi cậu út cũng bị Mỹ bắn chết. Lòng căm thù giặc khiến Huỳnh Thúc Bá mới 12 tuổi đã tham gia du kích rồi làm lính chủ lực. Nối gót anh trai, Huỳnh Sáu cũng hoạt động tại địa phương, sau này là chính trị viên xã đội. Những ngày về công tác ở Vinh Cường, nhà văn Chu Cẩm Phong đã rất cảm phục chàng trai đặc biệt này. Ông viết trong nhật ký của mình ngày 25-4-1971: “Huỳnh Văn Long là em Huỳnh Thúc Bá, Anh hùng LLVT nhân dân. Long 21 tuổi, một dũng sĩ diệt mấy trăm tên giặc. Mình đã được biết tên và nghe kể thành tích, không ngờ hôm nay gặp sau khi cậu ta đi đánh tập kích về xin cơm nguội ăn. Long trả lời mình: Tôi không biết kể đâu, chỉ biết đánh giặc. Có gì anh hỏi anh Bá tôi với…”. Trong nhật ký của Chu Cẩm Phong còn viết rất dài về nhân vật này. Chuyện Long được huyện bố trí vào Huyện ủy nhưng thoái thác, nhường cho người khác để ở lại xã bám trụ cùng anh em. Long có thể kể say sưa về các du kích của mình một cách rành rọt, nhưng tuyệt nhiên không nói chút gì về bản thân. 5 ngày sau khi viết về Long, nhà văn Chu Cẩm Phong đã hy sinh ngay tại Vinh Cường. Đây là một trong những trang cuối cùng của ông. Cuốn nhật ký sau khi in thành sách, người anh trai đã cắt ra những trang viết về Long và lồng vào khung kính treo trên tường. Người mẹ già cứ thi thoảng lại sờ lên những dòng chữ như sờ vào gương mặt con trai mình.

Đại tá Huỳnh Thúc Bá miên man trong nỗi nhớ em trai: “Chị Hai bận rộn chuyện hoạt động phụ nữ rồi phụ với mẹ vườn tược nên hai anh em được đi học, gắn bó với nhau lắm. Năm 1965, tôi từ chiến khu đi bộ xuyên núi một ngày về thăm gia đình. Lúc đó, Vinh Cường đã vùng lên phá kìm. Sau 3 năm xa cách, Long lúc này đã 16 tuổi, lớn vổng lên. Cậu ta cứ săm se cây súng cạc-bin tôi mang về, ra chiều thích thú”. Gương mặt của người anh hùng như dãn ra khi nhớ về người em hiếu động. Nhớ lúc Sáu lấy súng bắn 2 phát rớt 2 con chim sẻ bị anh mắng vì tốn đạn. Không ngờ tài bắn tỉa thiện xạ của Sáu sau này khiến kẻ thù khiếp sợ. Lấy của địch đánh địch, những thủ pháo, lựu đạn ít khi thiếu vắng bên người chính trị viên này. Trong một trận chiến đấu, Sáu bị thương vào ruột, cấp trên cho chuyển ra Bắc chữa trị và học tập, nhưng đi được nửa đường thì Sáu nằng nặc xin quay lại, vào bệnh xá điều trị, nằm chục ngày thì “dọt”. Có lần được cơ sở chiêu đãi món mì Quảng ngon, sau bao ngày ăn uống kham khổ, Sáu ăn nhiều, lại bơi ngay qua sông, thế là bục ruột phải mổ ra khâu lại, đau đớn vô cùng.

Năm 1968, Huỳnh Thúc Bá sau khi được tuyên dương là một trong 9 ngọn cờ đầu của Quân khu 5 và được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân đã được ra Bắc học tập. Tại Hà Nội, ông vinh dự ba lần được gặp Bác Hồ. Tấm gương Huỳnh Thúc Bá bay về Vinh Cường làm nức lòng cậu em trai. Bức thư Sáu viết theo đường dây gửi ra cho anh đầy xúc động, hứa sẽ học tập theo anh, chiến đấu kiên cường giải phóng quê hương. Bức thư ấy sau này ông Bá vẫn còn giữ mãi như lưu lại tất cả tình cảm thân thương nhất của em mình.

Năm 1971, chỉ vài tháng sau khi nhà văn Chu Cẩm Phong hy sinh, Huỳnh Sáu cũng ngã xuống khi địch nã pháo vào giữa cuộc họp. Lúc này, anh đã nhận quyết định làm Huyện đội phó Duy Xuyên khi mới 23 tuổi. Anh bị giập chân nhưng không cho tiêm thuốc mà nói rằng mình không qua khỏi, để thuốc cứu chữa thương binh nhẹ hơn. Người mẹ sau khi chôn cất con trai đã nén đau thương, vượt Trường Sơn hàng tháng trời ra Bắc chăm cháu nội bị bệnh tật và đỡ đần con dâu để Huỳnh Thúc Bá lúc này đã về lại quê hương, toàn tâm cầm súng chiến đấu.

Đại tá Huỳnh Thúc Bá nói rằng, nhiều người khuyên ông nên làm hồ sơ để đề nghị Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho Huỳnh Sáu nhưng ông và mẹ lại không muốn vậy. Em trai ông khi còn sống đã không bao giờ nói về mình, kể cả với người rất thân thiết là nhà văn Chu Cẩm Phong thì bây giờ cứ để như vậy. Mảnh đất Vinh Cường này, ai mà chẳng anh hùng như thế...

HÀ MY