Đặc biệt với tôi còn may mắn khi được phục chế những kỷ vật của Bác Hồ bằng chính nghề lụa truyền thống quê hương”. Đó là tâm sự của nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm-chủ cơ sở dệt lụa Triệu Văn Mão (phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, TP Hà Nội).

Ngồi trong xưởng dệt của gia đình, chị Tâm kể về lần đầu dệt lại nguyên mẫu bức rèm cửa đã cũ. Dịp ấy là vào đầu năm 1990, có một vị khách lạ đem một bức rèm cửa đến nhờ chị phục chế lại. Cầm bức rèm đã cũ nát, chị rất băn khoăn không biết mình có làm được không? Sau khi xem xét kỹ lưỡng, chị khẳng định đây đúng là sản phẩm lụa Vạn Phúc và có thể làm lại được. Khi chị Tâm nhận lời thì người khách mang rèm đến lại bảo đây là hiện vật quý không thể để lại xưởng dệt được. “Nhìn thái độ trân trọng của vị khách, tôi nghĩ chắc đây là kỷ vật cá nhân có giá trị được chủ nhân nâng niu gìn giữ. Tuy nhiên, anh ấy lại yêu cầu rất cao, chỉ cho xem hiện vật chứ không trao tay giữ lại. Nếu tôi làm được thì tiền công bao nhiêu cũng trả. Khi đó tôi rất lo lắng, biết là sản phẩm lụa Vạn Phúc nhưng không có mẫu gốc thì rất khó khăn để phục chế nguyên bản. Khó khăn là vậy nhưng trước sự tin tưởng của vị khách ấy, tôi đã quyết tâm nhận làm”-chị Tâm kể.

leftcenterrightdel
Nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm bên khung dệt lụa

Sau khi trao đổi, chị Tâm đề nghị nếu không để lại hiện vật thì cho chị soi nguyên mẫu bức rèm để biết cách dệt. Nhớ được từng sợi dọc, sợi ngang, hoa văn họa tiết, chị làm ra 5 mẫu, mỗi mẫu cắt làm đôi, mỗi bên giữ một nửa. Sau khi vị khách lạ đưa lại mẫu giống nhất, chị miệt mài làm trong một tuần được chiếc rèm mới bằng chất liệu lụa tơ tằm. Cầm tấm rèm trên tay, người khách vui mừng, xúc động vì đã đi nhiều nơi, nhiều người nhận lời dệt lại nhưng không ai làm được giống như vậy. Cũng chính lúc ấy, chị mới được biết vị khách là cán bộ ở Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và tấm lụa là rèm cửa phòng khách của Bác Hồ. 

Đến năm 1995, như một cơ duyên, chị Tâm lại được phục chế kỷ vật của Bác. Khi ấy, cán bộ Bảo tàng Công an nhân dân mang đến nhà chị chiếc khăn mùi soa đề dòng chữ “Phụ nữ cứu quốc Hà Đông kính tặng Bác”. Đây là món quà của chính quê hương dành tặng Bác được lưu giữ cẩn thận nay lại được trở về đất Vạn Phúc. “Cầm chiếc khăn ố vàng, tay tôi run run vì xúc động. Lúc ấy, tôi nghĩ đây không chỉ là sản phẩm khăn lụa thông thường mà là tình cảm, sự kính trọng của nhân dân Vạn Phúc đối với Bác Hồ kính yêu. Và chính Người cũng nâng niu trân trọng tấm lòng của bà con quê lụa. Do vậy, tôi lại quyết dồn hết tâm sức để phục chế lại chiếc khăn Bác Hồ”-chị Tâm bồi hồi kể lại. Cũng như lần trước, đây là kỷ vật quý nên bảo tàng không để lại xưởng dệt. Cán bộ mang đến cho chị xem rồi lại mang về. Bằng kinh nghiệm và bàn tay tài hoa của người thợ dệt, chị cố gắng ghi nhớ từng chi tiết trên chiếc khăn tay. Chị đã cẩn thận sử dụng đúng loại tơ nguyên mẫu, chất lượng tốt nhất, cách thức dệt bằng tay truyền thống để tạo ra các hoa văn như cũ. Mỗi lần ngồi vào khung cửi, chị say sưa làm việc một cách nghiêm túc, cẩn trọng với tấm lòng tôn kính, nhớ ơn Bác Hồ. Khi xong sản phẩm, chị mới thấy lòng mình nhẹ nhõm vì đã hoàn thành nhiệm vụ quan trọng. Chị Tâm cẩn thận trao lại chiếc khăn lụa cho Bảo tàng Công an nhân dân trước sự thán phục của mọi người.

Hai lần được phục chế hiện vật của Bác, chị Tâm cảm thấy vô cùng xúc động, coi đó vừa là cơ duyên, vừa là niềm vinh dự của bản thân suốt một đời cần mẫn bên khung cửi của mình. Chính nhờ những dấu ấn ấy mà chị thêm yêu mảnh đất Vạn Phúc và càng tự hào hơn về nghề lụa quê hương đã góp phần lưu giữ chút kỷ niệm của vị Cha già dân tộc kính yêu.

Bài và ảnh: VŨ DUY