Cùng với tên tuổi 195 nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ đã hy sinh trên chiến trường Liên khu 5 trong 30 năm chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, tên ông được khắc trang trọng trên tấm bia bằng đá đỏ, đặt tại Khu văn hóa Quân khu 5 ở giữa trung tâm TP Ðà Nẵng. Hội Nhà báo tỉnh Thanh Hóa đã lấy tên Trần Mai Ninh đặt cho giải thưởng cao quý nhất của hội. Tại Thanh Hóa còn có một trường trung học cơ sở mang tên ông. Ở quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh cũng có một con đường mang tên Trần Mai Ninh.

leftcenterrightdel

Nhà thơ Trần Mai Ninh.

Trong bài thơ “Tình sông núi”, Trần Mai Ninh khẳng định tình yêu Tổ quốc là tình yêu lớn nhất của con người. Đây là tư tưởng lớn trong thơ Trần Mai Ninh. Tổ quốc với ông, mà cụ thể ở đây là dải đất Nam Trung Bộ, là một giang sơn vô cùng đẹp tươi, cẩm tú:

Phú Phong rộng,

Phú Cát lỳ

An Khê cao vun vút

Giá lạnh-Rừng buồn

Mượn ai kín hộ nước nguồn về đây

Gặp sông Cầu khó rời tay!

Sông Cầu của đất nước này là duyên

Vũng Lấm dăm lá thuyền,

Nhiều dừa che ít mái tranh

Vừa đẹp-vừa lành…

Trong mắt, dưới ngòi bút Trần Mai Ninh, người dân của đất nước ấy là những người cần lao lam lũ và trĩu nặng tình yêu đất nước, quê hương:

... Dân tộc mồ hôi thấm đất

Bắp căng như đồng

Tay ghì cán cuốc

Tay ghì tay xe

Nhìn quanh là cả bốn bề cần lao...

Và nhà thơ khẳng định:

Có mối tình nào hơn thế nữa?

Ăn sâu lòng đất thấm lòng người

Đượm lều tranh, thơm dậy ngàn khơi

Khi vui non nước cùng cười,

Khi căm non nước với người đứng lên!

Có mối tình nào hơn thế nữa?

Nói bằng súng, bằng gươm sáng rền

Có mối tình nào hơn thế nữa?

Trộn hòa lao động với giang sơn

Có mối tình nào hơn Tổ quốc?

Trước tình cảnh đất nước lâm họa xâm lăng, nhà thơ-chiến sĩ đã bày tỏ khát vọng phải chiến đấu để trả món nợ non sông. Những nỗi giày vò đêm ngày vì vận nước, vì tình thương dân khiến nhà thơ không nguôi đau khổ. Trong bài thơ khác nhan đề “Tôi buồn” có đoạn ông viết:

... Tôi đã nghiến răng và xé mạnh

Mảnh tàn tự ái hãy còn vương

Sụp xuống đất bùn, sâu xuống nữa

Quỳ tròn gối gãy bởi đau thương!

Tình yêu Tổ quốc luôn thường trực trong lòng người chiến sĩ cách mạng Trần Mai Ninh. Đỉnh cao của tình yêu ấy thể hiện trong bài thơ “Nhớ máu” viết đêm 9-11-1946 khi ông vào chiến đấu trong chiến trường Nha Trang, Khánh Hòa. Lần đầu tiên thơ trữ tình cách mạng Việt Nam xuất hiện một giọng thơ rực lửa, hừng hực khí thế chiến đấu, trước vũ khí tối tân và sự tàn bạo của kẻ thù:

Còn mấy bước nữa tới Nha Trang

A, gần lắm!

Ta gần máu,

Ta gần người,

Ta gần quyết liệt...

Mắt ta căng lên

Cả mặt

Cả người,

Cả hồn ta sát tới...

Câu thơ nhanh, nhịp thơ hùng tráng biểu hiện sự dấn thân vì nghĩa cả, vì tình yêu Tổ quốc. Cùng với “Đèo cả” của Hữu Loan, “Nhớ máu” là một trong những bài thơ mang tính chiến đấu ra đời sớm nhất của thơ ca kháng chiến chống Pháp. Có thể nói từ đây, thơ Trần Mai Ninh và thơ của các đồng chí, đồng đội của ông đã đồng hành với cuộc kháng chiến lâu dài và gian khổ của nhân dân ta, dân tộc ta.

leftcenterrightdel

Bìa cuốn "Thơ văn Trần Mai Ninh". Ảnh chụp lại

Nhà thơ áo lính Trần Mai Ninh vì cách mạng, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc mà làm thơ. Và thơ ông là sự rọi chiếu, phản ánh ý chí, tâm hồn, lý tưởng cách mạng của một thanh niên thời đại, một trái tim tráng sĩ mang bầu máu nhiệt huyết tuổi trẻ, nguyện hiến dâng tuổi thanh xuân cho Tổ quốc:

Máu chan hòa trên góc cạnh kim cương

Các anh hùng tay hạ súng trường

Rồi khẽ vuốt mồ hôi và máu

Cười vang rung lớp lớp tinh cầu...

Cuộc đời chiến đấu của Trần Mai Ninh cũng như trường hợp hy sinh của ông đã được nhiều nhân chứng, nhiều đồng chí, đồng đội, nhiều nhà nghiên cứu, nhà thơ, nhà văn cùng thời, trong đó có những đồng chí là cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, là tướng lĩnh quân đội khẳng định qua những bài viết, lời kể in trên nhiều sách báo cả mấy chục năm qua. Nhưng vì nhiều lý do, trong đó có sự mai một của thời gian, sự cách trở do chiến tranh kéo dài nên phải hơn 50 năm sau ngày Trần Mai Ninh hy sinh, ông mới được truy phong liệt sĩ ngày 31-8-1999. Dẫu có trắc trở và muộn mằn như vậy nhưng tên tuổi và sự nghiệp của Trần Mai Ninh đã và sẽ còn mãi với sông núi và bạn đọc. Nhớ về ông, người đời nay nhớ về một chiến sĩ kiên cường; một nhà báo, nhà văn-chiến sĩ tài ba, dù rằng sinh thời ông luôn luôn tự răn mình “sống đã… rồi hãy viết văn”.

Trần Mai Ninh tên thật là Nguyễn Thường Khanh, sinh ngày 28-7-1917, quê quán ở làng Động Giã, huyện Thanh Oai, tỉnh Sơn Tây (nay là TP Hà Nội), lớn lên và trú quán tại TP Thanh Hóa. Thân phụ ông là cụ Nguyễn Xuân Tuyển-một viên chức nhỏ và thân mẫu ông là cụ Công Tôn Nữ Thuyền Duyệt. Lúc thiếu thời, Trần Mai Ninh học thành chung ở Thanh Hóa, sau ra Hà Nội học tiếp tú tài. Ngay từ thời còn đi học, Trần Mai Ninh đã cùng một số bạn bè ra tờ báo có tên “Con sáo” để phê phán nền giáo dục thực dân và nói lên lý tưởng của tuổi trẻ học đường. Sau đó, ông tiếp tục viết bài và trực tiếp tham gia biên tập các tờ báo của Đảng xuất bản trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ (1936-1939) như: Bạn dân, Thời thế (1937), Tin tức, Thế giới, Người mới (1938) và Bạn đường, Tự do ở Thanh Hóa… Ông không những là một ngòi bút sắc sảo, xông xáo, nhiệt huyết mà còn là một người vẽ tranh minh họa và trình bày báo có tài. Nói về Trần Mai Ninh, nhà báo, nhà phê bình văn học Như Phong, bạn cùng thời viết: “Nguyễn Thường Khanh đã là một nhà báo, trong đội ngũ những nhà báo mới do Đảng đào tạo, mà lập trường đường lối của Đảng và phương pháp nhận thức của Chủ nghĩa Mác-Lênin đã tạo cho một chỗ đứng và một cách nhìn vững chắc để xem xét và giải quyết mọi vấn đề một cách vừa khoa học, vừa cách mạng”.

Năm 1939, Trần Mai Ninh trở về bí mật hoạt động ở Thanh Hóa. Năm 1940, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và tham gia chiến đấu ở Chiến khu Ngọc Trạo (Thanh Hóa). Ngày 19-10-1941, thực dân Pháp tấn công lên Ngọc Trạo, ông và nhiều du kích khác bị bắt và bị kết án 10 năm tù cầm cố ở nhà lao Thanh Hóa rồi chuyển về nhà lao Buôn Ma Thuột. Nhật đảo chính Pháp (ngày 9-3-1945), Trần Mai Ninh thoát khỏi nhà tù và tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở Phú Yên. Tháng 5-1946, ông tham gia quân đội và là Trưởng ban Tuyên truyền Đại đoàn 27 (sau đổi là Khu 6). Cuối năm 1947, theo yêu cầu của công tác vùng địch hậu, ông được cử vào cực Nam Trung Bộ hoạt động. Trên một chuyến công tác ở vùng ven biển Nha Trang, ông bị địch bắt. Bị chúng tra tấn dã man nhưng ông vẫn giữ vững khí tiết của người cộng sản. Ngày 27-7-1947, ông hy sinh sau những trận đòn ác hiểm của quân thù.

Sinh thời, văn phẩm của Trần Mai Ninh để lại không nhiều, lại bị thất lạc ở nhiều chỗ, nhiều nơi, nhiều thời điểm. Nhưng chỉ bằng gần năm chục bài thơ, một tiểu luận, một truyện ngắn, hai truyện dài mà hôm nay chúng ta có trên tay, vẫn có thể nhận ra một nét riêng, thật riêng trong sáng tác của Trần Mai Ninh. Ấy là những trang viết đầy nhiệt huyết với cuộc đời, với nhân dân và với Tổ quốc. Ấy là một giọng văn cường tráng và khỏe khoắn như chính cuộc đời chiến đấu của ông: “Ơ cái gió Tuy Hòa.../ Cái gió chuyên cần/ Và phóng túng”; “Cái gió Tuy Hòa” trong “Nhớ máu” ông viết đêm 9-11-1946 tại Mặt trận Tuy Hòa ấy, hơn nửa thế kỷ qua rồi còn thổi, thổi tới hôm nay. Ấy là tình sông núi, là tấm lòng của một tuổi trẻ yêu nước, vì nước không quản hy sinh.

Thập Tam trại, đầu mùa đông năm 2019 

NGÔ VĨNH BÌNH