Động viên vợ con làm cách mạng
Năm 1943, ông Huỳnh Tấn Phát gặp bà Bùi Thị Nga tại Đà Lạt, đến năm 1945 thì tổ chức lễ cưới. Bằng uy tín của mình, từng bước ông đưa bà đến với cách mạng.
Thời gian vợ chồng ở bên nhau không lâu thì ông bị bắt. Chính những ngày vào khám thăm nuôi chồng, bà đã được ông giúp tìm hiểu cách thức đấu tranh với kẻ thù và bí mật liên hệ với các cơ sở cách mạng. Ông bồi dưỡng cho bà-một cô giáo giỏi tiếng Pháp, những kinh nghiệm trong công tác trí vận. Sau này bà cũng bị bắt giam hơn 5 năm, qua các nhà tù, đến năm 1964 mới được thả. Bà Nga kể:
- Cuối năm 1957, biết tin anh Năm Hai (bí danh của đồng chí Trần Quốc Thảo, Bí thư Khu ủy Sài Gòn-Chợ Lớn bấy giờ) bị địch đánh đến chết khi tra tấn hỏi cung, tôi khóc nhiều, thương anh quá. Anh Tám (Huỳnh Tấn Phát) động viên và cũng là giáo huấn tôi: “Em đừng buồn mà phải hãnh diện về người lãnh đạo của mình và học thuộc lòng bài học khí tiết của anh Năm Hai!”. Anh biết công việc trí vận của tôi trong nội thành có thể bị bắt, vì thương con còn nhỏ, năm 1958, anh khuyên: “Em nên gửi bé Xuân Thảo cho bà nội”. Mặc dù một nách hai con nhỏ song tôi không chịu xa con. Cuối cùng, anh nói thật: “Bé Thảo còn quá nhỏ, nếu nhỡ em bị bắt, con sẽ chứng kiến cảnh tra tấn dã man. Hình ảnh ấy sẽ để lại nhiều hậu quả cho trí óc non nớt của con...”.
Với KTS Huỳnh Tấn Phát, tình nghĩa vợ chồng và tình đồng chí, đồng nghiệp quyện chặt với nhau. Bà Bùi Thị Nga kể tiếp:
“Đầu năm 1959, sau những ngày hoạt động kín, đột ngột anh ghé qua nhà. Anh bảo tôi:
- Em à, anh sắp ra khu. Kỳ này rất khó trở về. Em với các con ở lại, anh lo quá!
- Anh không ăn Tết à?
- Đi trước Tết thuận hơn. Giao liên đã sắp xếp rồi. Tình hình tuy khó nhưng bộ phận mình còn êm. Anh Hai Trúc (tức Võ Văn Tuấn, lúc ấy là Thường vụ Khu ủy) sẽ móc nối với em khi cần. Em cố giữ liên lạc với anh Hoàng Quốc Tân. Anh ấy có điều kiện nắm nhiều trong ngụy quyền.
Nói rồi anh bế bé Dũng nhảy một điệu valse nhẹ. Từ hôm ấy anh đi mãi, đến cuối năm 1964, khi tôi ở tù ra mới gặp lại anh trên R-vùng căn cứ Tây Ninh”.
Đại tá Huỳnh Thiện Hùng, nguyên Chính ủy Binh đoàn 16, nguyên Chánh án Tòa án Quân sự Quân khu 7, là con trai của KTS Huỳnh Tấn Phát, kể: “Tôi, tên thường gọi là Hai Hùng, là con trưởng trong gia đình có 6 anh em. Mẹ mang bầu tôi khi ba bị giặc bắt vào tù. Lúc 8 tuổi, ba đã ném tôi xuống kênh để tập bơi. Tôi chìm nghỉm, cố đạp chân khua tay vùng vẫy. Ông túm cổ kéo lên hỏi:
- Uống nước chưa con?
- Phải uống nước mới biết lội chứ ba!-Thấy tôi trả lời tỉnh bơ, không hề sợ hãi, ba vui lắm. Thế là ba tập cho tôi bơi hàng giờ trên dòng kênh.
Tháng 5-1954, cấp trên muốn đưa tôi ra miền Bắc học. Ba tôi tranh thủ chèo thuyền chở tôi đi trò chuyện, dạy tôi hát các câu hát như: “Bao chiến sĩ anh hùng, lạnh lùng vung gươm ra sa trường...” và “Phải chi em lớn, em như mấy chú bây giờ, em cũng đi đánh Tây...”. Sau đó, tôi không gặp ba nữa. Má bảo ba đi tập kết miền Bắc nhưng sau này mới biết là ba đột nhập vào thành hoạt động.
Khi ra Bắc rồi không tìm thấy ba, tôi rất buồn. Năm 1964, đang học lớp 9, tôi đã muốn vào Nam chiến đấu. Tôi tìm gặp bác Phạm Ngọc Thạch, đang là Bộ trưởng Bộ Y tế, bác coi tôi như con. Bác khuyên tôi học tiếp nhưng tôi không chịu. Tôi muốn tự mình làm công việc, nuôi sống mình nên đi học nghề sửa chữa xe máy. Học xong, bác Thạch cho tôi về làm việc ở bệnh viện. Tôi xin bác cho vào bộ đội. Năm 1966, tôi vào Tiểu đoàn Công binh thủy lôi 738. Suốt 6 tháng mang vác nặng đi bộ từ Phủ Lý vào đến Tây Nguyên, không thể kể hết khó khăn gian khổ. Có 11 đồng đội chết vì sốt rét, kiết lỵ. Năm 1967, tôi đang nằm bệnh viện dã chiến vì sốt rét, kiệt sức ở Mondulkiri (Campuchia) thì được tin có ba, ông Võ Văn Kiệt và một số cán bộ đến thăm bệnh viện. Tôi đi qua cầu khỉ sang gặp ba, hai ba con ôm nhau khóc. Tôi nghĩ ba khóc vì thương tôi ốm yếu, vất vả. Câu chuyện mà ba tâm sự với tôi sau 13 năm xa cách vẫn chỉ là động viên tôi tiếp tục rèn luyện, vượt qua nguy hiểm, gian nan để hoàn thành nhiệm vụ. Đến năm 1968, chú Ung Răng, lãnh đạo công binh miền (sau này là Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Công binh) biết tôi là con Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời, đã có ý chuyển tôi lên công tác ở cơ quan. Tôi nói ngay: Chú cứ để cháu ở đơn vị chiến đấu. Sau ngày giải phóng miền Nam, tôi gặp ba. Ông tiếp tục động viên tôi trong hoàn cảnh nào cũng phải quyết tâm nêu cao ý thức trách nhiệm.
Thuở nhỏ, tôi cùng em gái là Huỳnh Lan Khanh (sinh năm 1948, tại Sài Gòn) đều được gửi cho bà ngoại và các dì nuôi ở khu Đa Kao vì ba má lo việc kháng chiến. Một lần bí mật ra căn cứ thăm ba má, Huỳnh Lan Khanh đã xin được ở lại tham gia công tác”.
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Lan Khanh thức khuya đánh máy cho xong để sáng sớm đi tải gạo cùng đồng đội. Hôm ấy, ngày 4-1-1968, đoàn tải lương không may lọt vào ổ phục kích của lính Mỹ. Có 3 người trong đoàn chạy thoát, hai anh Thắng và Giỏi bị địch sát hại. Lan Khanh bị thương vào đùi, cặp kính cận bị văng mất nên không thấy đường chạy. Chúng bắt Lan Khanh lên máy bay trực thăng. Cô chống cự ngoan cường rồi từ trên máy bay nhảy xuống cánh rừng, anh dũng hy sinh. Liệt sĩ, Anh hùng LLVT nhân dân Huỳnh Lan Khanh được đặt tên cho con đường ngay cổng vào sân bay Tân Sơn Nhất, thuộc phường 2, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh.
Tận tâm với công tác mặt trận
Những người cùng thời với KTS Huỳnh Tấn Phát kể rằng: Từ năm 1933, Huỳnh Tấn Phát học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Khi thấy viên giám thị hành hung một người bạn của mình, ông đã hô hào, vận động sinh viên các khoa tập trung tại sân trường phản kháng quyết liệt. GS, bác sĩ Trần Bửu Kiếm, nguyên cán bộ trí vận, nguyên Bí thư Đảng Dân chủ Sài Gòn-Chợ Lớn, kể: Anh Tám Chí sớm có kinh nghiệm quý trong công tác tập hợp, đoàn kết các tầng lớp trí thức. Anh phân tích tình hình dân chúng Sài Gòn những năm 60, phong trào đấu tranh của các giới. Anh bảo: Với trí thức, cần tìm hiểu rõ từng người, kể cả những người ra mặt chống Việt Minh. Họ có cách yêu nước của họ, cần biết tôn trọng và khai thác. Ngày đầu kháng chiến, ta có một số sai lầm với trí thức khiến họ ngán theo Việt Minh nhưng họ cũng không muốn quay lại với giặc Pháp. Nhìn chung phần đông trí thức có tấm lòng yêu nước, cần biết cách lôi kéo, động viên tài năng của họ...
Khi thống nhất hai miền Nam-Bắc, Huỳnh Tấn Phát phân tích: Đội ngũ trí thức, khoa học miền Nam được đào tạo từ nhiều nước tư bản, rất đa dạng, là vốn quý. Đội ngũ thợ lành nghề có tác phong công nghiệp. Tầng lớp nông dân nhạy bén với khoa học kỹ thuật, lúa đã là hàng hóa từ lâu. Về tôn giáo, Sài Gòn hội tụ nhiều tôn giáo, nhiều tổ chức xã hội mang màu sắc chính trị nên công tác mặt trận phải nghiên cứu kỹ từng đối tượng, với nhiều cách làm tinh tế, sáng tạo mới thành công... Ông luôn nhắc nhở cán bộ mặt trận các cấp: Mặt trận không phải là tổ chức hiếu hỷ, đó là một tổ chức chính trị-xã hội, là một trong những nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng. Ông đặc biệt hoan nghênh chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm.
Năm 1983, tôi may mắn được dự một hội nghị của mặt trận tại Hội trường Thống Nhất, được nghe ông nói chuyện. Dù giữ chức vụ nào, ông cũng luôn có tác phong giản dị, nếp sống thanh bạch. Ông sống trong một căn nhà nhỏ hơn rất nhiều so với tiêu chuẩn chức vụ.
Ông Trần Bạch Đằng đã từng viết về ông: “Anh không cầm súng, chưa bao giờ là chỉ huy quân sự, song lại cáng đáng một trận địa mà có lẽ không dễ có người thay: Huy động lực lượng trí thức vào hàng ngũ đấu tranh...”.
ĐÀO VĂN SỬ