QĐND - Thiếu tướng, Viện sĩ, Giáo sư Trần Đại Nghĩa tên thật là Phạm Quang Lễ (1913-1997), là nhà khoa học ưu tú, nhà quản lý khoa học kỹ thuật cấp cao, một tên tuổi lớn trong lĩnh vực chế tạo vũ khí Việt Nam, gắn liền với những sản phẩm nổi tiếng như súng Ba-dô-ca, SKZ hay loại bom bay có sức công phá mạnh, góp phần quan trọng vào chiến thắng của quân và dân ta trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng xin giới thiệu bài viết của Đại tá pháo binh Đỗ Sâm về ông trong giai đoạn toàn dân ta đứng lên đánh thực dân Pháp xâm lược lần thứ hai.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Giáo sư Trần Đại Nghĩa.
Sau khi cùng kỹ sư Võ Quý Huân, bác sĩ Trần Hữu Tước theo Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước, ngày 5-12-1946, kỹ sư Phạm Quang Lễ được mời lên gặp Bác. Bác giao nhiệm vụ cho ông làm Cục trưởng Cục Quân giới rồi phân công ông lên Xưởng Quân giới tại Chiến khu Việt Bắc nghiên cứu chế tạo một số loại vũ khí cần thiết cho cuộc chiến có khả năng sẽ xảy ra trong thời gian không xa. Sau khi trao nhiệm vụ cho ông, Bác nói:
- Chú đã làm được một việc “đại nghĩa” là theo Bác về nước xây dựng Tổ quốc. Vì vậy, Bác muốn đặt cho chú một tên mới “Trần Đại Nghĩa”. Trần là họ của Tướng Trần Hưng Đạo ngày xưa đã có công đánh thắng quân xâm lược Nguyên Mông.
Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa (thứ ba, từ phải sang) cùng cán bộ quân giới xem một số loại vũ khí do một nhà máy quốc phòng chế tạo. Ảnh tư liệu
Cái tên Trần Đại Nghĩa gắn bó với ông suốt đời từ đó. Sau đó, ông lên Xưởng Quân giới Thái Nguyên nghiên cứu chế tạo loại vũ khí chống tăng mới có tên gọi Ba-dô-ca.
Trong những ngày đầu của Toàn quốc kháng chiến, để chống lại xe tăng của thực dân Pháp, các chiến sĩ “Quyết tử quân” của ta phải dùng bom ba càng, một loại vũ khí của Nhật để lại, để lao vào xe tăng giặc và chấp nhận hy sinh. Do vậy, việc chế tạo Ba-dô-ca cấp thiết hơn bao giờ hết. Cùng với các cộng sự, Trần Đại Nghĩa say mê làm việc đến quên ăn quên ngủ. Những ngày ấy, trong phòng làm việc của kỹ sư Trần Đại Nghĩa chứa đầy thuốc nổ đủ loại. Trên mặt bàn làm việc xếp đầy các loại đạn Ba-dô-ca đang được ông nghiên cứu. Song công việc không hề dễ dàng. Ông chỉ đạo Xưởng Quân giới sản xuất thành công một khẩu súng Ba-dô-ca 60mm và 50 quả đạn. Khi bắn thử, đạn nổ nhưng chưa xuyên.
Đạn Ba-dô-ca của Mỹ được nhồi bằng thuốc phóng, còn ta thì chỉ có loại thuốc súng lấy được từ bom đạn của Pháp. Tất cả đều phải tính toán lại từ đầu và phải hiểu được những nguyên lý cơ bản về thuốc phóng, thuốc nổ. Những kiến thức sách vở 11 năm học và làm việc ở Pháp, Đức bắt đầu phát huy tác dụng. Bằng trí nhớ của mình, ông kết nối lại những kiến thức để tính toán. Hình ảnh người kỹ sư miệt mài tính toán tốc độ cháy, đốt thử các loại thuốc súng, ngày đêm với cây thước tính trong tay đã trở thành quen thuộc với cán bộ, chiến sĩ ở Xưởng Quân giới.
Cuối tháng 2-1947, cuộc thử nghiệm Ba-dô-ca thành công. Tầm bắn của nó xa tới 600m, mức xuyên đạt 75cm trên tường gạch, tương đương với sức nổ xuyên của đạn Ba-dô-ca do Mỹ chế tạo ở Chiến tranh thế giới thứ hai.
Đêm 2-3-1947, Chánh văn phòng Bộ Quốc phòng Phan Mỹ truyền đạt chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho Cục Quân giới: “Sản xuất cấp tốc đạn Ba-dô-ca để cản phá cuộc hành quân của Pháp có khả năng tiến ra mặt trận Cầu Mới - Hà Đông sáng 3-3-1947”. Tất cả anh em trong cục được huy động để nhồi lắp đạn. Cật lực suốt đêm, đến 3 giờ sáng thì tổ nghiên cứu của Trần Đại Nghĩa cùng anh em trong cơ quan Cục Quân giới nhồi lắp được 5 quả đạn xuyên, kèm 1 quả đạn khói đưa ra mặt trận.
Sáng 3-3-1947, máy bay giặc Pháp yểm trợ cho xe tăng, cơ giới của địch đánh từ Hà Nội ra. Tại chùa Trầm, quân Pháp sử dụng 4 chiếc xe tăng mở đường, bên ta chỉ có đúng 5 viên đạn Ba-dô-ca. Viên đầu tiên bắn ra, chiếc xe tăng đi đầu bốc cháy, chiếc thứ hai cũng bị đạn bắn hỏng. Cả đoàn xe địch dừng lại rồi rút chạy về Hà Nội. Ngày 3-3-1947 đã trở thành một mốc son sáng chói của ngành Quân giới Việt Nam trong việc chế tạo khí tài, súng đạn.
Sau việc sản xuất đạn Ba-dô-ca thành công, Cục Quân giới tiếp tục sản xuất hàng loạt đạn này. Vũ khí của ta lúc này rất hiếm, riêng Ba-dô-ca là loại vũ khí quý. Ba-dô-ca xuất hiện lần đầu tiên trên thế giới vào năm 1943 thì năm 1947 ở
Việt Nam đã trở thành vũ khí đáng sợ đối với quân viễn chinh Pháp.
Năm 1948, Cục trưởng Trần Đại Nghĩa được phong quân hàm Thiếu tướng trong đợt phong tướng đầu tiên của Quân đội ta.
Tiếp theo Ba-dô-ca, kỹ sư Trần Đại Nghĩa lại nghiên cứu, sáng chế loại súng không giật SKZ, mạnh hơn Ba-dô-ca nhưng nhẹ hơn, đầu đạn lõm 160mm, có thể xuyên thủng các lô cốt bê-tông dày từ 600 đến 1.000mm.
Trung đoàn Thủ Đô, Đại đoàn 308 là đơn vị đầu tiên được trang bị SKZ trong Chiến dịch Lê Hồng Phong I tháng 12-1950 hủy diệt nhiều lô cốt kiên cố của giặc Pháp. Sau chiến dịch, anh em quân báo ta bắt được điện của Sở chỉ huy Pháp ở Lào Cai gửi về Hà Nội: “Chúng ta đã thất thủ. Điều ấy chứng tỏ Việt Minh đã có những đơn vị chủ lực hùng hậu với những vũ khí khác hẳn trước đây. Đó là một điều đáng lo ngại”.
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Cục Quân giới chuyển ra chiến trường 10 khẩu SKZ và 100 quả đạn. Số súng đạn này đã góp phần giúp bộ đội ta hạ nhiều đồn bốt địch. Tiếp theo, Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa và Cục Quân giới chế tạo thành công ĐKZ rồi bom bay.
ĐỖ SÂM