Từ năm 1972 cho đến khi giải phóng miền Nam, ông chuyển sang làm nhiệm vụ tại Sư đoàn 304, chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị và nhiều chiến trường khác. Khi gợi lại kỷ niệm thời gian ở chiến trường, đôi mắt ông như sáng lên, giọng nói của ông cũng linh hoạt, sôi nổi, nhưng có lúc đôi mắt ấy cũng hướng về miền xa xăm, chứa đựng nhiều tâm tư, hoài niệm.
Ông tâm tình, đến bây giờ vẫn không thể quên được buổi lễ kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22-12-1969 tại xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Trước đó, vào cuối năm 1967, đầu năm 1968, đơn vị của ông hoạt động nhỏ lẻ, phân tán cùng du kích địa phương của huyện Hải Lăng (Quảng Trị) và một phần các xã thuộc Thừa Thiên-Huế nên việc tổ chức kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân không thể thực hiện được. Từ 7 giờ sáng hôm ấy, khi đất trời còn mờ hơi sương, gần 250 cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 2, Sư đoàn 324 đã tề tựu đông đủ, hàng ngũ thẳng tắp. Cờ đỏ sao vàng bay phấp phới, khẩu hiệu giăng đỏ hai bên cánh gà của khán đài làm cho không khí thêm tưng bừng. Rất đông người dân địa phương đứng bên ngoài chờ xem bộ đội “duyệt binh”. Sau nghi thức chào cờ, đồng chí chính trị viên tiểu đoàn đọc diễn văn, ôn lại truyền thống anh hùng của quân đội từ khi thành lập với lời lẽ hết sức hùng tráng. Cuối buổi lễ, ông Ương và đồng đội siết chặt đội hình, duyệt đội ngũ qua lễ đài. Buổi lễ đặc biệt ấy tiếp thêm cho ông và đồng đội tinh thần, khí thế mới bước vào chiến trường chiến đấu.
    |
 |
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Ương kể lại trận chiến đấu ngày 18-10-1972. |
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ông đã cùng đồng đội tham gia nhiều trận đánh, nhưng trận đánh giữ chốt tiền duyên Điểm cao 367 tại khu vực miền núi huyện Hải Lăng ngày 18-10-1972 là đáng nhớ hơn cả. Chỉ với vũ khí trong biên chế, ông đã chỉ huy bộ đội đẩy lùi 7 đợt tiến công của địch.
CCB Nguyễn Văn Ương kể, sau chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972, đơn vị của ông rút lên vùng miền núi. Lúc này, địch tăng cường lực lượng, phương tiện tiến lên phía tây Quảng Trị hòng đẩy đuổi chủ lực của ta, quyết chiếm đất, lấy lại vùng ta đã giải phóng. Để bảo vệ Điểm cao 367, trên tổ chức lực lượng do Đại đội trưởng Nguyễn Văn Ương chốt giữ ở hai mỏm đồi cách đó khoảng 3km. Giữa hai mỏm đồi này có một con đường quân sự do địch làm từ trước khá rộng, xe tăng, thiết giáp có thể cơ động được. Muốn tấn công Điểm cao 367, địch buộc phải đi qua hai mỏm đồi này. Lúc đó, Đại đội trưởng Nguyễn Văn Ương cùng 4 cán bộ, chiến sĩ chốt ở đồi phía bắc.
Khoảng 9 giờ ngày 18-10-1972, trên cho biết, địch tổ chức lực lượng đang hành quân về hướng chốt. Đến gần 10 giờ, trinh sát trận địa xác định có khoảng 10 tên địch đang tiến lên phía mỏm đồi, vị trí chốt của ta. Khi địch vào gần, Đại đội trưởng Nguyễn Văn Ương lệnh nổ 2 quả mìn định hướng. Địch bị hất xuống chân đồi. Vài phút sau, pháo địch oanh tạc dữ dội vào trận địa. Đến hơn 11 giờ, địch tổ chức 2 mũi đánh thốc lên vị trí chốt. Nhưng cũng như lần trước, chúng lại bị 5 cán bộ, chiến sĩ của ta phối hợp ngăn chặn, tiêu diệt, buộc phải tháo lui. Địch tiếp tục gọi pháo oanh tạc vào trận địa. Đến gần 14 giờ, địch tấn công nhưng bị đẩy lui. Sau những lần oanh tạc của phi pháo địch, 2 đồng chí bị thương. Đại đội trưởng Nguyễn Văn Ương lệnh cho 2 đồng chí bị thương rút về tuyến sau. Vậy là thực lực chiến đấu của bộ phận chốt phía bắc chỉ còn đúng 3 người. Hơn 14 giờ, địch tổ chức ba mũi trên ba hướng khác nhau, tấn công lần thứ tư. Đại đội trưởng Nguyễn Văn Ương gọi pháo của trung đoàn yểm trợ và trực tiếp chỉnh bắn qua liên lạc vô tuyến. Cứ như vậy đến 21 giờ cùng ngày, sau mỗi lần tấn công lên chốt thất bại, địch lại gọi pháo bắn vào trận địa, sau đó tổ chức lực lượng đánh chiếm. Đại đội trưởng Nguyễn Văn Ương và 2 đồng đội còn lại dùng B40, trung liên đánh trả và quyết liệt bám trụ.
Bài và ảnh: TÂM ĐỨC