Cuối tháng 5 vừa qua, ông được tín nhiệm bầu làm ủy viên tổ bầu cử của địa phương. Có lẽ chính bởi đức tính khiêm tốn, không muốn nói về cá nhân mình nên phải sau nhiều lần ông "viện" lý do rất “chính đáng” là đang bận làm công tác chuẩn bị cho “ngày hội non sông”, chúng tôi mới thuyết phục được ông đồng ý kể về những năm tháng quân ngũ của mình, nhất là khoảng thời gian học tập, công tác tại Học viện Hậu cần.
Đồng chí Phan Văn Thắng sinh năm 1956, tại xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Nhập ngũ tháng 5-1974, sau một thời gian huấn luyện và trải qua thử thách, ông được điều về làm nhân viên hậu cần rồi trợ lý quân nhu Hải đoàn 2, Hạm đội 171 (nay là Lữ đoàn 171), Quân chủng Hải quân. Quá trình công tác, ông luôn hoàn thành nhiệm vụ nên được cấp trên lựa chọn, cử đi đào tạo chỉ huy tham mưu hậu cần tại Học viện Hậu cần. “Tháng 12-1978, tôi là một trong 274 học viên năm cuối của học viện đi thực tập tại các đơn vị đóng quân trên 6 tỉnh biên giới phía Bắc. Tôi nhớ mãi hôm làm lễ xuất quân, lãnh đạo, chỉ huy học viện xác định và giao nhiệm vụ cho chúng tôi thực hiện tốt kế hoạch thực tập, sẵn sàng tham gia phục vụ chiến đấu và chiến đấu”, Đại tá Phan Văn Thắng kể.
Tổ thực tập của Phan Văn Thắng được về Sư đoàn 3-Sao Vàng, sư đoàn chủ lực của Quân khu 1. Cá nhân ông được phân công đảm nhiệm cương vị trợ lý hậu cần ở Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 12, đóng quân ở khu vực Đồng Đăng, Lạng Sơn. Theo kế hoạch, ngày 17-2-1979, tổ học viên sẽ hết thời hạn thực tập ở đơn vị để về Hà Nội tiếp tục học tập và thi tốt nghiệp thì diễn ra cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Ông tình nguyện ở lại cùng đơn vị chiến đấu và được Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Xuân Thu giao nhiệm vụ cảnh giới, bảo vệ để sở chỉ huy của tiểu đoàn ở điểm cao 423 di chuyển theo phương án đã chuẩn bị trước.
Sau khi sở chỉ huy đơn vị đến vị trí mới an toàn, Phan Văn Thắng hoàn thành nhiệm vụ và cũng nhanh chóng di chuyển đến trận địa để tham gia chiến đấu cùng đồng đội. Khi Trung úy Nguyễn Hữu Toàn, Đại đội trưởng Đại đội 2 hy sinh, học viên Phan Văn Thắng được giao nhiệm vụ cùng ban chỉ huy đại đội chỉ huy đơn vị kiên cường chiến đấu. Liên tục trong những ngày sau đó, ông cùng đồng đội đã đẩy lui nhiều đợt tiến công của đối phương. Trận địa phòng ngự của Đại đội 2 vẫn vững vàng trên tuyến đầu Tổ quốc. Ghi nhận tấm gương chiến đấu dũng cảm của ông và đồng đội, ngày 20-12-1979, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng đã ký Lệnh số 187-LCT phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho tập thể Đại đội 2 và Thượng sĩ Phan Văn Thắng vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu.
Kết thúc chuyến thực tập với kỷ niệm không thể nào quên, Phan Văn Thắng trở lại Học viện Hậu cần hoàn thành chương trình đào tạo còn dang dở. Ông tâm sự: “Những kinh nghiệm từ lần đi thực tế năm ấy rất có ý nghĩa với tôi cũng như những cán bộ hậu cần quân đội. Vì vậy, sau khi tốt nghiệp, được giữ lại học viện, tôi luôn vận dụng vào quá trình công tác. Nhất là khi được giao nhiệm vụ quản lý học viên, tôi cùng anh em trong đơn vị luôn chú trọng quản lý, rèn luyện học viên cả về chuyên môn nghiệp vụ và những kiến thức chung của các môn chính trị, quân sự...”. Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, Đại tá Phan Văn Thắng không giấu nổi niềm vui và tự hào khi từng là một cán bộ của Học viện Hậu cần, góp phần cùng nhà trường đào tạo các thế hệ học viên trở thành những cán bộ hậu cần đủ phẩm chất, năng lực hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Sau hơn 40 năm quân ngũ, năm 2017, anh hùng Phan Văn Thắng chính thức trở về với cuộc sống đời thường nhưng vẫn được chi bộ tín nhiệm bầu làm bí thư, trưởng ban công tác mặt trận tổ 19, phường Nghĩa Tân. Ông tích cực cùng nhân dân địa phương tham gia các hoạt động xây dựng khu phố. Ông bảo, dù ở đâu, nơi nào đi nữa, ông vẫn luôn sống và cố gắng làm việc không ngưng nghỉ theo tinh thần Bộ đội Cụ Hồ. Còn chúng tôi, được gặp và trò chuyện cùng ông thì cảm nhận, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ được ông gìn giữ, trao truyền theo một cách rất riêng của mình, nhẹ nhàng, không phô trương mà đầy sức lan tỏa.
PHAN TRANG