Năm 16 tuổi, Suslov tham gia tổ chức nông dân nghèo giác ngộ cách mạng, rồi gia nhập Đoàn Thanh niên và Đảng Cộng sản Nga Bolshevik. Nhờ đó, ông được cử đi học ở lớp dành cho những người vô sản tại Moscow. Ông thi đỗ vào Trường Đại học Kinh tế quốc dân mang tên Plekhanov ở Moscow và tốt nghiệp trường này năm 1928. Sau đó, ông tham gia công tác đảng ở nhiều vị trí khác nhau.
Công tác tư tưởng của đảng được đặt ở vị trí số 1
Với năng lực dồi dào, lại rất chỉn chu trong công việc, tới năm 1939, Suslov đã là Bí thư thứ nhất Khu ủy Stavropol. Cuối năm 1944, Suslov được chuyển tới nước Cộng hòa Litva và giữ chức Chủ tịch Thường vụ Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Bolshevik nước Cộng hòa Litva. Tháng 3-1946, Suslov được điều trở về Moscow làm việc trong bộ máy Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Nhờ có vốn văn hóa và khả năng công việc, Suslov đã được Stalin rất yêu mến và tin tưởng. Năm 1947, Stalin đề cử Suslov là Ủy viên Ban Tổ chức thuộc Ban Chấp hành Trung ương và là Bí thư Trung ương Đảng (lúc đó Ban Bí thư chỉ có 6 người, kể cả Stalin).
|
|
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với Suslov (giữa) và Brezhnev trong lần Người thăm Liên Xô năm 1955. |
Ở cương vị này, Suslov được giao khá nhiều nhiệm vụ, như: Tổ chức hoạt động của các phương tiện thông tin đại chúng, là Tổng biên tập Báo Pravda (1949-1950); phụ trách mảng quan hệ đối ngoại với các đảng cộng sản và công nhân của các nước anh em. Tháng 10-1952, Stalin đưa Suslov vào Đoàn Chủ tịch mở rộng Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô. Tuy nhiên, tới tháng 3-1953, khi Stalin qua đời, vì những bất đồng với một số đồng chí tiền bối như Vyacheslav Molotov và Malenkov nên Suslov đã phải rời vị trí này. Tuy nhiên, người kế vị Stalin là Nikita Khrushchyov muốn tìm chỗ dựa chính ở đội ngũ cán bộ trẻ nên ông đã tìm cách đưa Suslov trở lại Đoàn Chủ tịch vào năm 1955.
Sau khi trở thành nhà tư tưởng chủ đạo của chế độ Xô viết, Suslov đã nhận về mình một khối lượng công việc khổng lồ. Ông giám sát hoạt động về văn hóa, tuyên truyền và cổ động, khoa học, giáo dục. Ông phụ trách Ban Thông tin Ban Chấp hành Trung ương, Ban Tổ chức thanh niên, Ban Quan hệ quốc tế, Tổng cục Chính trị quân đội Xô viết, Bộ Văn hóa, Ủy ban Quốc gia thuộc Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô về xuất bản, in ấn và thương mại sách. Ông phụ trách Ủy ban Quốc gia về điện ảnh, Ủy ban Phát thanh… Ông cũng theo dõi hoạt động của Hãng thông tấn TASS, các mối quan hệ của Liên Xô với đảng cộng sản và công nhân anh em, chính sách đối ngoại của Liên Xô…
Phong cách hành xử cương quyết và cứng rắn vốn có của Suslov đã khiến ông bị trách cứ về không ít quyết định liên quan tới số phận các tác phẩm văn học-nghệ thuật dưới thời Xô viết. Một mặt, ông rất tôn trọng các tài năng lớn, nhưng mặt khác, ông luôn luôn lo lắng cho sự tồn vong của chế độ, bởi những tư tưởng và cảm xúc mà ông cho là lệch lạc xuất hiện trong các tác phẩm của họ. Viện sĩ Aleksandr Yakovlev, cựu Đại sứ Liên Xô ở Canada, một cán bộ từng làm việc nhiều năm dưới quyền Suslov trong bộ máy tuyên huấn của Đảng Cộng sản Liên Xô, nhận xét: “Quyền lực của ông Suslov thực vô biên. Trong các buổi họp của Ban Bí thư thì Suslov có thể cắt lời bất kỳ ai dám phát biểu rời xa nội dung chính, dù chỉ một milimet. Trong trường hợp đó, ông yêu cầu: “Đồng chí báo cáo đúng bản chất đi!”. Ông Suslov rất độc lập trong việc thông qua các quyết định ở Ban Bí thư. Ông không tham khảo ý kiến của ai cả, tuyên bố: “Chúng ta sẽ giải quyết như thế!”. Khi một số người láu lỉnh nói rằng một quyết định khác đã được thông qua Tổng Bí thư Brezhnev rồi thì ông bảo luôn: “Tôi sẽ nói lại”.
Chính Suslov đã đưa công tác tư tưởng lên vị trí trọng tâm trong mọi hoạt động xã hội dưới thời Xô viết. Trong những năm học đầu tại các trường đại học dưới thời Xô viết, mọi sinh viên đều phải nghiên cứu lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô, rồi triết học Mác-Lênin và ở những năm học cuối còn phải học chủ nghĩa cộng sản khoa học. Cũng chính Suslov đã lập ra hệ thống mà trong đó không chấp nhận bất cứ sự can thiệp nào từ bên ngoài vào hoạt động lãnh đạo công tác tư tưởng của Ban Chấp hành Trung ương, kể cả của ngành an ninh.
Giản dị và liêm khiết
Suslov bị mọi người đặt cho biệt danh gọi ở sau lưng là “hồng y áo xám”. Bởi lẽ, ông luôn luôn hành xử một cách thận trọng và kín đáo, không bao giờ có những hành động mang tính khoa trương. Chỉ sau khi ông qua đời vào giữa năm 1982, người ta mới xuất bản được bộ sách gồm 3 tập nói về ông. Sự kiệm lời, nói ít làm nhiều của Suslov đã tạo nên không chỉ một giai thoại. Người ta kể rằng, một lần ông bị đau răng, xuống bệnh xá đặc biệt trong Điện Kremli để khám. Khi bác sĩ nói: “Ông hãy há to miệng ra nhé!” thì ông bảo: “Liệu có thể vẫn khám được răng mà không phải làm động tác này không?”. Với ông, càng ít phải mở miệng càng tốt…
Thượng tướng Yuri Churbanov, con rể của Tổng Bí thư Leonid Brezhnev, đã có nhiều năm sống chung trong một tòa nhà với Suslov, khi tiếp xúc với nhà báo Bogomolov đã có nhận xét Suslov là một trong những chính trị gia tinh khéo nhất của thời Xô viết. Phần lớn công việc của ông chỉ được một số ít nhà lãnh đạo cao cấp của đất nước biết đến. Mặc dù khi lãnh tụ Stalin còn sống, Suslov không ở cương vị bộ trưởng như Kosygin nhưng ông vẫn có quan hệ gần gũi với Stalin, rồi ông cũng có vị trí khó thay thế khi nhà lãnh đạo Khrushchyov cầm quyền.
Tướng Churbanov kể: “Bố vợ tôi rất kính trọng ông ấy, thậm chí còn hơi vì nể nữa… Làm việc với Suslov không bao giờ đơn giản cả”. Suslov chính thức trở thành “nhà tư tưởng chủ đạo” của Liên Xô sau khi Nikita Khrushchyov bị truất quyền tháng 10-1964. Dưới thời Brezhnev, Suslov trở thành nhà tư tưởng chính của đất nước. Uy tín chính trị của ông rất lớn. Đồng thời, Mikhail Suslov cực kỳ khiêm tốn trong cuộc sống hằng ngày. Những người gần gũi ông đều nhớ lại rằng, ông thường xuyên mặc những chiếc áo đơn giản và trong nhiều thập kỷ, ông không thay đổi chiếc áo khoác duy nhất đã quá cũ.
Ngăn cản con trai vào bộ máy Ủy ban Trung ương Đảng
Chủ tịch Ủy ban An ninh quốc gia Liên Xô, Đại tướng Vladimir Aleksandrovich Kryuchkov khẳng định chính Suslov-người có uy tín cao, đã ngăn cản con trai làm việc trong cơ quan lãnh đạo cao nhất của đất nước. Chủ tịch KGB Kryuchkov nhớ lại: “Tôi nhớ trường hợp khi con trai của đồng chí Suslov được lựa chọn vào bộ máy của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô. Anh ấy đã vượt qua một cuộc phỏng vấn, qua một cuộc kiểm tra thích hợp và căn cứ vào tất cả các kết quả, anh đủ tiêu chuẩn làm việc trong bộ máy Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô. Và trong trường hợp nếu con trai đồng chí Suslov làm việc ở đó thì đây là một thành quả tốt”.
|
|
Suslov (bên trái) và Tổng Bí thư Brezhnev. |
Đại tướng kể tiếp: “Trình tự tuyển chọn như sau: Trước khi tuyển dụng vào làm việc, vấn đề đã được thảo luận trong Bộ Chính trị hoặc trong Ban Bí thư (tùy theo vị trí công tác). Có nghĩa là đã có một cuộc bỏ phiếu công khai. Các ủy viên Bộ Chính trị hoặc Ban Bí thư Trung ương đã ký vào lá phiếu họ đồng ý tuyển dụng vào làm việc.
Con trai của đồng chí Suslov đã vượt qua tất cả các cấp, mọi người đã bỏ phiếu ủng hộ nhưng khi hồ sơ đến với Mikhail Suslov, ông rất ngạc nhiên khi vấn đề được giải quyết mà không có sự đồng ý của ông. Ông đã gạch tên con trai mình vào làm việc trong bộ máy Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô. Mặc dù những người trong Ban Tổ chức đề nghị Mikhail Suslov cho một ngoại lệ là ông không phải bỏ phiếu và vấn đề này được quyết định không có sự tham gia của ông, song ông Suslov dứt khoát và khăng khăng giữ quan điểm của mình. Đây là một trường hợp kỳ lạ đã xảy ra vào thời điểm không lâu trước thời gian Mikhail Suslov về cõi vĩnh hằng”.
Những thông tin trên đã được Đại tướng Vladimir Aleksandrovich Kryuchkov ghi lại trong cuốn sách của ông có tên gọi: “Con người và quyền lực”. Đại tướng Kryuchkov đã giữ các vị trí lãnh đạo trong các cơ quan an ninh quốc gia hơn 20 năm. Ông quen biết nhiều chính khách cao cấp và là một trong những người bạn tốt nhất của Yuri Vladimirovich Andropov ngay từ khi Yuri Andropov chưa là người đứng đầu Đảng Cộng sản Liên Xô.
Con trai của Mikhail Suslov không biết về việc cha mình, người đứng vị trí thứ hai sau Tổng Bí thư Brezhnev đã khăng khăng “gạt bỏ” kết quả bỏ phiếu nhận anh vào làm việc trong ban lãnh đạo cao nhất của đất nước.
Mikhail Suslov qua đời ngày 25-1-1982 tại Moscow, chỉ vài tháng trước khi Brezhnev mất. Vai trò quan trọng của ông trong đời sống chính trị nội bộ và tư tưởng được đánh giá bằng việc ông được mai táng trong một ngôi mộ riêng bên cạnh mộ của một số ít nhà lãnh đạo Đảng như Kalinin, Zhdanov, Stalin, Voroshilov trong khu mộ bên tường Điện Kremli. Lễ truy điệu ông được tổ chức vào ngày 29-1-1982, được truyền hình trực tiếp khắp lãnh thổ Liên Xô. Cả nước đã để tang ông trong 3 ngày.
NINH CÔNG KHOÁT (tổng hợp từ báo chí Nga)