Hằng ngày, ông vẫn tham gia mổ, chỉ đạo xử lý hàng chục ca hiếm muộn và giảng dạy ở các cơ sở y tế trong, ngoài nước. “Học Bác Hồ là phải học cả đời và lúc nào cũng cần thiết. Với ngành y chúng tôi, tình cảm và những lời dạy của Bác, đặc biệt là bức thư Người gửi Hội nghị cán bộ y tế ngày 27-2-1955 luôn là động lực và kim chỉ nam trong hành trình phát triển, đi lên”-“ông thứ trưởng” mở đầu cuộc trò chuyện chỉ trong khoảng một giờ đồng hồ với chúng tôi…

Nhắc lại bức thư của Bác, GS, TS Nguyễn Viết Tiến tâm đắc: “Anh xem, chỉ với 368 từ mà Bác nói rất đầy đủ. Bác nói phải đoàn kết: “Đoàn kết giữa tất cả những người trong ngành y tế, từ các bộ trưởng, thứ trưởng, bác sĩ, dược sĩ cho đến các anh chị em giúp việc”. Bác cũng nói rất sâu sắc về việc “Lương y phải như từ mẫu”: “Cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn”. Bác còn đề ra định hướng chiến lược trong xây dựng nền y học của ta: “Y học càng phải dựa trên nguyên tắc: Khoa học, dân tộc và đại chúng... chú trọng nghiên cứu và phối hợp thuốc “đông” và thuốc “tây”…

leftcenterrightdel
GS, TS Nguyễn Viết Tiến. Ảnh: PHẠM KIÊN.

Theo lời Bác dạy và từ tấm gương của Người, GS, TS Nguyễn Viết Tiến đã luôn nỗ lực, hết mình vì công việc và đã có nhiều đóng góp cho nền y học nước nhà. “Học Bác phải từ những việc cụ thể, phải đam mê và mang lại hiệu quả thực sự. Với tôi, nói một cách ngắn gọn, chỉ là hai từ: Học và hành”-ông tâm sự.

Ngược thời gian hơn 40 năm về trước, từ làng quê Cẩm Thạch, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, cậu học trò Nguyễn Viết Tiến trúng tuyển vào Trường Đại học Y Hà Nội, đặt chân vào môi trường mơ ước. Tốt nghiệp đại học, ông tiếp tục thi đậu vào học nội trú 3 năm và theo chuyên ngành sản khoa. Lúc đó, người ta thường trêu đùa rằng “giỏi đi nhi, ngu si đi sản” nhưng ông nghĩ, nghề gì cũng cần tâm huyết. Sản khoa đâu chỉ là đỡ đẻ như người ta vẫn nghĩ. Sau này, ra trường về công tác tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, với “đôi bàn tay vàng”, ông đã trực tiếp mổ cho hàng nghìn bệnh nhân, được giới chuyên môn trong và ngoài nước biết đến và nể phục.

GS, TS Nguyễn Viết Tiến không chỉ có tiếng giỏi trong phẫu thuật sản khoa mà còn nổi tiếng ở chuyên môn thụ tinh trong ống nghiệm. Cơ duyên đến với ông trong lĩnh vực này từ một lần làm phiên dịch cho GS người Mỹ Jame.R.Hine sang Việt Nam chuyển giao công nghệ mổ nội soi sản khoa cách đây hơn 20 năm. Khi làm việc, thấy ông Tiến rất quan tâm và hào hứng với chuyên môn của mình, vị GS người Mỹ hỏi: “Ông có thích học kỹ thuật mổ nội soi không?”. Ông Tiến trả lời ngay: “Rất thích!”. Ít lâu sau, ông được giáo sư mời tham gia đào tạo ở Mỹ. Bấy giờ ở Việt Nam, bệnh vô sinh, hiếm muộn xuất hiện rất nhiều nhưng chưa có phương pháp chữa trị tiến bộ. Ông bày tỏ nguyện vọng và được GS Jame chấp thuận dạy thêm kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm.

Năm 1999, bác sĩ Tiến hoàn thành chương trình đào tạo, chuyển giao kỹ thuật phẫu thuật nội soi sản khoa và kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm tại Mỹ. Trở về Việt Nam, ông bắt tay vào việc triển khai phục vụ bệnh nhân hiếm muộn tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng ông và đồng nghiệp đã tiến hành 32 ca thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên thành công với tỷ lệ cao trong niềm vui vô bờ bến của các cặp hiếm muộn.

Từ đó đến nay, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản quốc gia do ông làm Giám đốc đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Ngày 27-10-2000, trung tâm đã thực hiện ca chọc hút noãn đầu tiên. Ngày 29-10-2000, trung tâm có ca chuyển phôi đầu tiên. Sau đó, trung tâm áp dụng thành công kỹ thuật giảm phôi chọn lọc vào năm 2001, tiếp đến, nhiều kỹ thuật cũng được áp dụng thành công như: Xin noãn, kỹ thuật ICSI, đông tinh, đông lạnh/rã đông phôi, noãn, lấy tinh trùng từ mào tinh (PESA/ICSI), chuyển phôi nang (Blastocyst), tinh trùng đông lạnh chuyển về từ nước ngoài, kỹ thuật phôi thoát màng...

Đặc biệt, năm 2014, trung tâm đã áp dụng thành công kỹ thuật chẩn đoán di truyền tiền làm tổ (PGD), sàng lọc lệch bội nhiễm sắc thể bố mẹ và sàng lọc 24 cặp nhiễm sắc thể. Mỗi năm, tại đây thường có 2.000-3.000 ca thụ tinh trong ống nghiệm. Nếu đầu những năm 2000, tỷ lệ thành công trong thụ tinh ống nghiệm chỉ khoảng 30-35% thì đến nay, tỷ lệ này đã tăng lên 50-60%. Năm 2016, GS, TS Nguyễn Viết Tiến thực hiện thành công kỹ thuật mới nong vòi tử cung, kết quả là sản phụ có thai và đã sinh con vào năm 2017.

Năm 2009, GS, TS Nguyễn Viết Tiến vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Với giá trị khoa học, ứng dụng thực tiễn và đóng góp xuất sắc trong lĩnh vực y dược, năm 2013, ông đã được nhận Giải thưởng Nhân tài đất Việt, thành tựu y học trọn đời lĩnh vực y dược.

Mỗi năm, từ Trung tâm Hỗ trợ sinh sản quốc gia, từ tay người Anh hùng Lao động, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Viết Tiến, có 1.000-2.000 đứa trẻ chào đời theo cách thụ tinh trong ống nghiệm và nong vòi tử cung, mang lại niềm hạnh phúc lớn lao cho bao cặp gia đình hiếm muộn. Đó cũng là niềm vui của người bác sĩ có “đôi bàn tay vàng” mà mỗi lúc gặp gỡ, trò chuyện, ông lại tự hào nói với mọi người: “Tôi có rất nhiều con”...

leftcenterrightdel
GS, TS Nguyễn Viết Tiến (ngoài cùng, bên trái) cùng GS Edward (ngoài cùng, bên phải)-người Anh đầu tiên thực hiện thành công kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, tại Hội nghị hỗ trợ sinh sản châu Âu, Geneva, Thụy Sĩ. Ảnh: TẤN CƯỜNG.

Trong xử lý các ca hiếm muộn, ông Tiến bảo phải đồng cảm, chia sẻ với bệnh nhân, đồng thời phải kiên trì và tâm huyết. Có những cặp vợ chồng 21 năm chưa có con, đã nhiều năm thụ tinh trong ống nghiệm nhưng chưa có kết quả, ông Tiến động viên họ không nản và đã thành công. Lại có ca khó, trăn trở, mày mò kỹ thuật trong nước không được, ông sang nước ngoài trao đổi, nghiên cứu cùng đồng nghiệp và tìm ra phương pháp mới. Quá vui mừng, vừa về đến sân bay Nội Bài, GS, TS Nguyễn Viết Tiến gọi điện ngay cho cặp vợ chồng hiếm muộn đến viện để ông áp dụng hướng nghiên cứu mới. Không lâu sau, ca thụ tinh trong ống nghiệm này có kết quả trong niềm vui khôn tả của gia đình và các bác sĩ...

Câu chuyện của chúng tôi với GS, TS Nguyễn Viết Tiến thỉnh thoảng bị gián đoạn bởi điện thoại, bởi người đến xin gặp, rồi cán bộ, đồng nghiệp đến trao đổi chuyên môn và chúng tôi hiểu còn biết bao công việc của một lãnh đạo bộ, của những ca mổ đang chờ người bác sĩ có “đôi bàn tay vàng”... Lạ thay, ông vẫn nhẹ nhàng, điềm tĩnh, xử lý nhanh gọn, rõ ràng mọi việc. Tôi thắc mắc, vừa làm quản lý, vừa làm chuyên môn, ông làm thế nào để sắp xếp công việc cho hợp lý. Ông cười: “Thì phải sắp xếp khoa học, làm việc có kế hoạch, coi trọng hiệu quả, hạn chế rườm rà. Tôi mà chủ trì họp thì thời gian thường ngắn mà vẫn chất lượng. Trong công việc, phải cố gắng giỏi nhất so với khả năng của chính mình, khi chuyên môn vững vàng, am hiểu sâu thì làm việc nhẹ nhàng như... đánh đàn. Đồng thời, mình phải biết chia sẻ với đồng nghiệp, với bệnh nhân để cùng hợp tác đi đến thành công”.

Thời gian trò chuyện với “ông thứ trưởng” trôi qua nhanh. Trong cái bắt tay ấm áp tiễn chúng tôi, vẫn giọng từ tốn, nhỏ nhẹ, ông bảo: Mỗi người chúng ta đều có nhu cầu, có cách riêng để học và làm theo tấm gương của Bác, vì chúng ta là con cháu Bác Hồ, đang đi trên con đường mà Bác đã vạch ra. Và, như nhà thơ Tố Hữu đã nói rồi: Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn...

TIÊN HOÀNG - QUANG KIÊN