Cụ Phạm Văn Chiêu (bí danh Bảy Hổ, Bảy Chiêu), sinh năm 1907 tại huyện Thủ Đức, tỉnh Gia Định (nay thuộc quận 9, TP Hồ Chí Minh). Được các bậc cán bộ đàn anh dẫn dắt đi theo cách mạng từ nhỏ, với khí chất thông minh, gan dạ, giàu bản lĩnh, Phạm Văn Chiêu dần trở thành cán bộ cốt cán của Đảng trong phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp ở quê hương.

Trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy Gia Định, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh Gia Định và Gia Định Ninh từ Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 đến những năm cuối kháng chiến chống thực dân Pháp, Phạm Văn Chiêu là linh hồn, là ngọn cờ tiên phong tập hợp sức mạnh toàn dân thành một khối, tiến hành cuộc đấu tranh anh dũng của đồng bào Gia Định chống thực dân Pháp.

leftcenterrightdel
 Nhà cách mạng tiền bối Phạm Văn Chiêu (1907-1991). Ảnh tư liệu.

Rất may mắn, tại cuộc tọa đàm khoa học nêu trên, chúng tôi đã gặp được nhiều nhân chứng, từng là học trò của nhà cách mạng tiền bối Phạm Văn Chiêu, được cụ Chiêu dẫn dắt đi theo kháng chiến, sau này nhiều người trở thành cán bộ ưu tú của Đảng. Cụ Võ Anh Tuấn, nguyên Phó giám đốc Sở Giáo dục Nam Bộ, nhớ mãi những dấu ấn sâu sắc về cụ Bảy Chiêu:

- Ngày 28-9-1945, lực lượng du kích Sài Gòn-Gia Định dưới sự chỉ huy của anh Bảy Chiêu, đã chặn đánh, tiêu diệt chiếc xe Jeep chở viên sĩ quan cao cấp của Pháp, chạy từ vòng vây Cầu Kiệu về Gò Vấp. Ngày hôm sau, báo chí Sài Gòn đồng loạt đăng trên trang nhất: Đại tá Đờ-uây (Dewey), con trai Thống tướng Mỹ, mất tích ở ngoại ô Sài Gòn cùng lái xe và chiếc xe Jeep. Lúc đó ta mới biết, hắn là cố vấn tình báo Mỹ giúp việc cho quân Pháp và đồng minh tại Sài Gòn. Quá sốc, vợ hắn lập tức bay đến Sài Gòn treo thưởng 50.000USD cho ai tìm được xác chồng...

Từ kinh nghiệm và những thành công của lối đánh du kích, Bảy Chiêu khởi xướng chủ trương thành lập căn cứ kháng chiến vùng ngoại ô, thực hiện phương châm bám đất, bám dân làm chiến tranh du kích, phát triển chiến tranh nhân dân. Cuối năm 1945, Chiến khu An Phú Đông, gồm hai xã An Phú Đông và Thạnh Lộc (nay thuộc quận 12, TP Hồ Chí Minh) ra đời. Đây là chiến khu đầu tiên ở Nam Bộ, tổ chức phát triển chiến tranh nhân dân, xây dựng lực lượng tấn công đánh địch trên các mặt trận.

Mưu trí, dũng cảm, sáng tạo, bản lĩnh, có tài thu phục lòng người, tập hợp quần chúng nhưng trong cuộc sống, Bảy Chiêu là người rất giản dị. Cụ Nguyễn Thọ Chân, nguyên Phó bí thư Thành ủy Sài Gòn-Chợ Lớn năm 1946, kể: “Ủy ban Kháng chiến Hành chính do anh Bảy Chiêu làm Chủ tịch làm việc ở một ngôi nhà gỗ bỏ trống, có bộ ván làm bàn, kê vài cái ghế dài và cái máy đánh chữ. Nhân sự ngoài anh Bảy còn có thêm một ủy viên là anh Triệu. Mỗi lần tôi đến ủy ban đều được anh Bảy dành tình cảm thân tình. Anh trao đổi với chúng tôi về tình hình địch-ta. Pháp đã đưa quân ra Thủ Đức, Hóc Môn, mở rộng vùng kiểm soát. Ta tuy súng ống sơ sài nhưng đánh địch rất hăng…”.

Tiếp sau Tổng khởi nghĩa giành chính quyền Tháng Tám năm 1945, đồng bào Sài Gòn-Gia Định và Nam Bộ bước vào trang sử mới của cuộc kháng chiến chống Pháp bằng sự kiện Nam Bộ kháng chiến, nổ ra ngày 23-9-1945. Trong hồi ký, cụ Bảy Chiêu ghi rằng, trước khi khởi nghĩa, Ủy ban Khởi nghĩa chỉ có 11 khẩu súng trường, một số súng lục và súng lửa. Lực lượng Thanh niên Tiền phong chỉ được trang bị tầm vông vạt nhọn, dao găm tự rèn. Để tăng thêm sức mạnh vũ khí, chỉ còn hai cách, mua và cướp súng của Nhật. Ngày khởi nghĩa 23-9-1945, chúng ta có thêm một số súng trường trang bị cho một phân đội, đến năm 1946 phát triển thành Chi đội 6, là lực lượng chính quy nòng cốt của tỉnh…

Dưới sự lãnh đạo của Bí thư Phạm Văn Chiêu và Ủy ban Kháng chiến Hành chính, nhân dân Gia Định, nòng cốt là quân chủ lực và lực lượng du kích, đã liên tục tổ chức các trận đánh, tập kích, bao vây tiêu diệt quân Pháp. Tiêu biểu là các trận đánh: Trận Ngã ba Chú Ía, trận Cầu Bông, trận cầu Thị Nghè… Các phong trào hành động cách mạng như: Cướp súng địch để đánh địch, xây dựng binh công xưởng, căn cứ kháng chiến, chiến tranh nhân dân với tinh thần “giặc tiến ta lùi, giặc nghỉ ta đánh”… phát triển mạnh.

Việc Thành ủy TP Hồ Chí Minh tổ chức tọa đàm khoa học về nhà cách mạng tiền bối Phạm Văn Chiêu chính là dịp để thế hệ hôm nay ngược dòng thời gian, có những góc nhìn cận cảnh để cảm thấu hơn lịch sử hào hùng của đồng bào Gia Định trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, mà cụ Bảy Chiêu là một ngọn cờ. Khí phách ấy, tinh thần cách mạng cao cả ấy là tài sản vô giá, là bầu nhiệt huyết truyền cho cán bộ, đảng viên, dân và quân Thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu trong công cuộc xây dựng, phát triển hôm nay…

BÙI MY SƠN