Nằm tại thị xã Svay Rieng, nhìn từ xa, tượng đài vươn lên với hình tượng người chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam đang bế em bé Campuchia lao về phía trước. Cùng với nét đặc trưng màu xanh lá cây của bộ quân phục, trên đầu đội mũ cối sao vàng của bộ đội Việt Nam, tượng đài của anh nổi bật giữa trung tâm thị xã.

Liệt sĩ Nguyễn Văn Ngộ sinh năm 1959 ở xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An, nhập ngũ tháng 8-1978. Anh được biên chế vào Đại đội 2, Tiểu đoàn 502, Đoàn 7703, Mặt trận 779 có nhiệm vụ đánh quân Pol Pot trên địa bàn tỉnh Svay Rieng, giúp nhân dân nước bạn thoát khỏi chế độ diệt chủng.

Năm tháng giúp bạn, anh Ngộ là người đa mưu túc trí, nhanh nhẹn, gan dạ. Chỉ trong thời gian ngắn, anh cùng đơn vị tiêu diệt được nhiều tên địch và chiếm giữ các địa bàn trọng yếu do Pol Pot chiếm đóng. Vì vậy, anh được cấp trên tin tưởng, điều động từ bộ binh sang Trung đội Trinh sát, Tiểu đoàn 502 và giữ chức vụ Phó trung đội trưởng.

leftcenterrightdel
Thắp hương tại Tượng đài Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Ngộ. Ảnh BIỆN CƯỜNG.

Một lần được phân công đi nắm tình hình địa bàn, anh Ngộ phát hiện nơi đóng quân của một đơn vị Pol Pot. Trong đêm, anh bí mật tiếp cận mục tiêu, nắm số lượng quân lính và trang bị của chúng. Trở về căn cứ, anh báo cáo chỉ huy tiểu đoàn và xin được chỉ huy trung đội đến tiêu diệt gọn 33 tên lính ngay trong đêm, thu giữ 30 cây súng.

Anh luôn sẵn sàng lao vào nơi hiểm nguy để bảo vệ bình yên cho nhân dân. Vào một ngày đầu tháng 9-1979, đang đóng quân tại Phum Chot, huyện RumDuol, đơn vị nhận được tin báo có hai người dân chết trong bãi mìn của địch đã hai ngày nhưng chưa lấy được thi thể. Nghe tin, anh Ngộ xin ý kiến chỉ huy đơn vị, xung phong vào bãi mìn để giúp nhân dân. Khi đến nơi, anh lại thấy thêm một em bé bị thương nặng, đang gào khóc thảm thiết. Không chần chừ, anh nhanh chóng tiếp cận bãi mìn để tháo gỡ. Với những kỹ năng được trang bị và kinh nghiệm của người lính trinh sát, anh nhanh chóng dò gỡ, tháo ngòi nổ được hơn mười quả thì không may quả tiếp theo phát nổ làm anh bị thương ở chân. Tuy vậy, anh vẫn bình tĩnh băng bó vết thương, động viên đồng đội bên ngoài tiếp tục làm nhiệm vụ, còn anh mở lối thoát an toàn để đưa em bé ra ngoài cứu chữa, đưa thi thể hai người dân về an táng. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, anh đã hy sinh trên đường khi được đồng đội chuyển về tuyến sau cứu chữa.

Nhớ về liệt sĩ Nguyễn Văn Ngộ, Trung tướng Pen Sarron, Tiểu khu quân sự tỉnh Svay Rieng, người trực tiếp cùng Quân tình nguyện Việt Nam đưa anh Ngộ ra ngoài kể: “Lúc đó địa hình sình lầy, xung quanh đầy mìn chống tăng, mìn chống bộ binh do địch gài. Chúng tôi phải đi theo dấu chân của anh Ngộ mới có thể hỗ trợ anh xử trí các tình huống và đưa các thi thể ra ngoài. Vì điều kiện cứu thương không bảo đảm, thiếu thốn mọi thứ nên chúng tôi không thể kịp thời cứu chữa cho anh”.

Trong năm 2017, Bộ CHQS tỉnh Long An tổ chức chương trình giao lưu tọa đàm sĩ quan trẻ với Tiểu khu quân sự của hai tỉnh Svay Rieng và Prey Veng. Trung tướng Pen Sarron đã đến thăm gia đình liệt sĩ Nguyễn Văn Ngộ. Thắp nén hương dâng lên bàn thờ anh Ngộ, nước mắt ông tuôn trào, trong lòng ông hiện lên hình ảnh người đồng đội năm xưa. Trung tướng Pen Sarron xúc động: “Để mất đi người đồng đội, người bạn, đó là sự day dứt suốt mấy chục năm qua của chúng tôi. Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Ngộ như vẫn sống với phum sóc, bản làng Svay Rieng”.

KIÊN CƯỜNG