Trong quá trình biên soạn cuốn sách “Lịch sử Bộ đội Đặc công tỉnh Quảng Nam (1952-1975)”, chúng tôi có điều kiện tiếp xúc với các nguồn tư liệu và được nghe đồng đội hồi tưởng về anh-người anh hùng đặc công đất Quảng.  

Từ một gia đình kiên trung, bất khuất

Ông Ngô Châu và bà Nguyễn Thị Tạ quê ở làng Nghi Sơn, xã Sơn Trung (nay là xã Quế Hiệp, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam). Ông bà sinh được 8 người con, nhưng chỉ nuôi được 3 trai, 1 gái. Ông Ngô Châu từng là cán bộ tham gia kháng chiến chống Pháp nên bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt “chỉnh huấn”, đánh đập, giam cầm. Những trận đòn roi quái ác của quân thù làm cho ông lâm bệnh nặng rồi qua đời.

Mẹ Tạ cố kìm nén nỗi đau tần tảo bữa rau, bữa cháo nuôi các con khôn lớn. Thương mẹ, các anh em Ngô Viết Tiến, Ngô Viết Hữu, Ngô Viết Tường, Ngô Thị Thuật luôn hiếu thuận, tự chăm sóc, đùm bọc lẫn nhau.

Đầu năm 1965, xã Quế Hiệp được giải phóng, các anh tự nguyện xin tham gia cách mạng. Đồng chí Bí thư chi bộ xã động viên gia đình để anh Tiến đi trước. Vào du kích, anh Tiến chiến đấu rất dũng cảm, thời gian sau được tổ chức tin tưởng điều lên làm Trung đội trưởng, rồi Đại đội phó Đại đội 75 của huyện. Tháng 7-1970, trong một trận chống càn ác liệt anh đã anh dũng hy sinh. Tiếp bước anh, người em Ngô Viết Tường xung phong vào du kích xã, sau được điều lên làm cán bộ của Đại đội 75. Anh chiến đấu anh dũng và hy sinh vào tháng 4-1973.

Chưa kịp nguôi ngoai nỗi đau khi hay tin anh Tường hy sinh, mẹ lại tiếp tục phải chứng kiến người con dâu duy nhất bị thương nặng và mất sau một trận bom đánh phá căn cứ Hòn Tàu. Những tưởng lần này mẹ gục ngã, nhưng không, mẹ vẫn kiên cường vừa nuôi út Thuật và đứa cháu nội 7 tuổi, vừa tích cực tham gia phong trào phụ nữ xã. Mẹ luôn nhắc út Thuật và bé Hạnh: “Lúc khó khăn hãy nghĩ về truyền thống gia đình ta để không ngừng vươn lên làm người có ích cho quê hương”. Trong một lần quyên gạo nuôi du kích, mẹ hy sinh khi bị địch phục kích. Cảm thương hoàn cảnh của hai đứa trẻ mồ côi, mẹ Hiển ở xã Quế Thuận nhận bé Hạnh về nuôi, còn út Thuật được anh Võ Quốc Dĩnh-Bí thư Chi bộ xã gửi ra miền Bắc học tập, với mong muốn sẽ giữ được người con còn lại của một gia đình kiên trung.

leftcenterrightdel
Nhà tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Ngô Viết Hữu tại xã Quế Hiệp, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. 
Đến người anh hùng tuổi 20

Anh Tiến vào du kích được vài tháng thì Ngô Viết Hữu cũng thuyết phục mẹ cho mình tham gia Đoàn Thanh niên xã. Vốn sáng dạ, dũng cảm nên anh nhanh chóng được bổ sung vào du kích. Thử thách đầu tiên là lúc anh nhận nhiệm vụ phụ trách tổ du kích đưa một ca thương nặng đi cấp cứu. Đoạn đường đến bệnh xá phải băng qua cánh đồng khá rộng, thường có máy bay OH-13 và HU-1A của Mỹ bắn phá. Đúng như dự tính của Hữu, vừa khiêng thương binh đến giữa đồng thì một chiếc OH-13 và HU-1A men theo sườn núi, bay đến. Hữu bình tĩnh chỉ huy anh em chuyển thương binh vào rừng, còn mình thu hút và dùng súng bắn rơi chiếc HU-1A, chiếc OH-13 vội tung lên cao, rồi bay mất hút.

Càng chiến đấu Ngô Viết Hữu càng thể hiện sự mưu trí, bản lĩnh kiên cường, được đồng đội tin yêu. Năm 1967, anh được tặng Huân chương Chiến công giải phóng hạng ba, đơn vị bầu Chiến sĩ thi đua và cử đi báo công ở tỉnh và Quân khu 5. Năm 1969, Tỉnh đội Quảng Nam điều anh về làm Đại đội trưởng Đại đội 1, Tiểu đoàn Đặc công V16 (khoảng tháng 3-1969, Tỉnh đội giải thể tiểu đoàn; Đại đội 1 và 2 chuyển thành Đội 1 và Đội 2 Đặc công).

Đồng chí Nguyễn Văn Vân-nguyên Chính trị viên Đội 1 Đặc công tỉnh, người đồng chí, đồng đội thân thiết của anh nhớ lại: “Hữu về đơn vị giàu truyền thống, từng tham gia trận đầu đánh Mỹ tại Núi Thành lúc có nhiều khó khăn. Anh trực tiếp xuống sinh hoạt với các trung đội, tiểu đội, nói chuyện với từng cán bộ, chiến sĩ để nắm tâm tư, nguyện vọng. Anh trao đổi với cấp ủy các biện pháp lãnh đạo cụ thể, nhất là phải chăm lo, cải thiện đời sống của bộ đội. Anh yêu cầu mỗi cán bộ phải nghiêm khắc với bản thân để làm gương cho chiến sĩ. Anh lấy bài học thành công, thất bại để rút kinh nghiệm và ân cần uốn nắn cho đơn vị và từng chiến sĩ thuần thục kỹ, chiến thuật đặc công”.

Tháng 8-1969, Đội 1 nhận nhiệm vụ đánh chốt điểm Chợ Chiều (huyện Thăng Bình), mở đầu cho chiến dịch của toàn tỉnh, phương châm được Đội trưởng quán triệt: “Đánh là dứt điểm, diệt gọn, ra quân là chiến thắng”.

Đúng thời gian hiệp đồng, đơn vị chia làm 5 mũi tiếp cận vào các lô cốt. Nhưng địch liên tục cho máy bay thả đèn dù, pháo sáng nên việc tiếp cận gặp khó khăn, 4 mũi khác cho là đã bị lộ nên bí mật rút quân. Còn lại một mũi gồm 7 đồng chí do Hữu trực tiếp chỉ huy. Đến 3 giờ sáng, địch ngừng thả pháo sáng, Hữu xác định đây là thời điểm chúng sơ hở nhất nên bò đến từng đồng chí, bổ sung nhiệm vụ, động viên quyết tâm diệt địch.

3 giờ 15 phút, tổ thọc sâu ném lựu đạn, thủ pháo vào lô cốt chỉ huy mở đầu trận đánh. Địch hoảng loạn kêu gào: “Pháo kích hay đột nhập”? Hữu nhanh trí đáp lại: “Pháo kích, xuống hầm nhanh”! Địch tháo chạy xuống hầm, Hữu chỉ huy bộ đội nhanh chóng tiêu diệt các lô cốt, hầm ngầm; địch hoàn toàn bất ngờ nên chống trả yếu ớt. Sau 10 phút, hơn 80 tên phải đền tội, Ngô Viết Hữu dù bị thương nhưng vẫn cùng đồng đội diệt 30 tên, thu 10 súng, đánh sập 8 lô cốt.

Chiến tranh trên chiến trường Quảng Nam diễn biến ngày càng khốc liệt, nhưng đơn vị của Hữu vẫn lập thêm nhiều chiến công vẻ vang. “Hơn 3 năm chiến đấu ác liệt, khắp Quế Sơn, Thăng Bình, Bắc Tam Kỳ, Tiên Phước đều ghi dấu chiến công của Anh hùng Ngô Viết Hữu. Anh đã chỉ huy cả trăm trận đánh lớn nhỏ, tiêu diệt hàng chục đại đội, trung đội Mỹ-ngụy, không có trận nào thất bại. Mới 24 tuổi mà anh đã 11 lần nhận danh hiệu Dũng sĩ (trong đó có 1 danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ cấp ưu tú), 4 lần được tặng Huân chương Chiến công, 3 lần là Chiến sĩ thi đua. Nghe đến tên anh và phiên hiệu Đặc công V16 là quân thù kinh hồn bạt vía”-nguyên Chính trị viên Đội 1 xúc động nói.

Tại kho tài liệu lưu trữ của Bộ CHQS tỉnh Quảng Nam, chúng tôi tìm được chiến lệ trận đánh Trà Vu (13-4-1972)-trận đánh cuối cùng của Ngô Viết Hữu. Ở Trà Vu (huyện Phú Ninh) địch đóng Ban chỉ huy liên đội bảo an có tăng cường thêm một trung đội. Khi công tác chuẩn bị cho trận đánh hoàn thành thì bất ngờ địch tăng thêm hai đại đội. Đội trưởng Ngô Viết Hữu vừa được điều về làm Trưởng Tiểu ban Đặc công của Tỉnh đội nhưng trước nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ và tầm quan trọng của trận đánh mở đầu Chiến dịch Xuân-Hè nên Tỉnh đội điều anh về trực tiếp chỉ huy trận đánh. Anh làm tư tưởng, xây dựng quyết tâm cho đơn vị: “Địch đông là chỗ mạnh tạm thời của chúng, nhưng vì đông nên chúng thường chủ quan, sơ hở. Nếu ta có phương án chiến đấu tốt, chuẩn bị chu đáo, giữ được bí mật, bất ngờ, nhất định sẽ giành thắng lợi”. Đúng như quyết tâm của người chỉ huy, sau 15 phút giáp mặt với quân thù, Đội 1 Đặc công đã tiêu diệt 50 tên, nhiều tên khác bị thương. Trên đường rút quân, Ngô Viết Hữu không may trúng pháo hy sinh trong sự tiếc thương vô hạn của đồng đội. Đại hội mừng công lần thứ 8 năm 1972 của LLVT tỉnh, tuyên dương anh là ngọn cờ tiêu biểu và ghi nhận anh là “Người cán bộ dũng cảm, ngoan cường, chỉ huy linh hoạt, đi là chiến thắng, đánh là diệt gọn”. Tháng 9-1973, Tỉnh đội Quảng Nam báo cáo thành tích và ngày 3-6-1976, Nhà nước truy tặng liệt sĩ Ngô Viết Hữu danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

Tìm gặp cô em út của các anh, nay chị là giáo viên của một trường THPT ở Tam Kỳ, chị nghẹn ngào: “Sau giải phóng, trở về quê hương bao kỷ niệm ùa về, nhưng nơi nền nhà cũ chỉ còn lại một hố bom, tôi đau nghẹn lòng, tưởng như gục ngã. Nhưng lời mẹ dặn năm nào đã tiếp thêm sức mạnh, tôi vào Tam Kỳ mưu sinh, tiếp tục học tập, sau đó thi đỗ Trường Đại học Sư phạm Huế… Không có nơi thờ tự, tôi phải nhờ chính quyền xã giữ giúp 4 tấm bằng “Tổ quốc ghi công”. Nhưng rồi trong một trận hỏa hoạn, 4 tấm bằng cũng bị cháy mất. Sau này vợ chồng tôi mới làm hồ sơ xin cấp lại”. Ngày 22-12-2016, được sự quan tâm, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền địa phương và Ban Liên lạc Đặc công V16, vợ chồng chị đã hoàn thành tâm nguyện xây dựng ngôi nhà tưởng niệm Anh hùng LLVT nhân dân Ngô Viết Hữu và gia đình tại nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình.

Bài và ảnh: TRẦN VĂN GIÁP