QĐND - Mùa xuân năm 1981, tôi là phóng viên Báo Quân đội nhân dân được cử đi tìm hiểu về phong trào “Vươn ra Biển Đông, làm giàu đánh thắng” do Quân khu 3 khởi xướng. Trước khi đi thực tế công trường lấn biển ở Cồn Thoi, Ninh Bình, tôi xin được phỏng vấn Trung tướng Nguyễn Quyết, Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 3.
 |
Đồng chí Đỗ Ngọc Du (1907-1938). |
Phỏng vấn xong, ông cùng tôi ra cái bàn đặt gần ban công hứng gió biển ngồi uống nước, ăn kẹo. Trong câu chuyện, Tư lệnh Nguyễn Quyết có nhắc tới ông Đỗ Ngọc Du: “Anh ấy là Bí thư Thành ủy Hà Nội đầu tiên, là lớp tiền bối, hơn tôi đến 15 tuổi. Nên nhớ là, lúc đầu Thành ủy Hà Nội thành lập mới chỉ là thành ủy lâm thời, Bí thư cũng là lâm thời…”-ông Quyết nói. Tôi liền hỏi thêm về người Bí thư Thành ủy lâm thời đầu tiên mà ông vừa nhắc đến. Ông nói là cũng không biết nhiều, chỉ là nghe các đồng chí hoạt động thời kỳ trước kể lại.
Đồng chí Đỗ Ngọc Du quê xã Tả Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Nội. Năm 1922, học trường Bưởi, bạn học với những người cộng sản nổi tiếng sau này như: Ngô Gia Tự, Trịnh Đình Cửu, Nguyễn Phong Sắc… Ngày 17-3-1930, tại số nhà 42 Hàng Thiếc, Ban chấp hành lâm thời Đảng bộ Hà Nội được thành lập, do Đỗ Ngọc Du làm bí thư. Ông làm bí thư được 3 tháng, bị địch truy lùng gắt gao, Trung ương Đảng điều chuyển sang Thượng Hải cùng đồng chí Nguyễn Lương Bằng. Tháng 6-1931, ông bị bắt ở Vườn hoa Hồng Khẩu, Thượng Hải. Cuối năm 1931, đồng chí Đỗ Ngọc Du bị xét xử ở tòa án Hải Dương, kết án khổ sai chung thân, bị đi đày Sơn La, rồi Côn Đảo. Năm 1936, do tác động của phong trào đấu tranh Mặt trận Bình dân bên Pháp đòi ân xá tù chính trị, đồng chí Đỗ Ngọc Du được thả. Vì bị tra tấn, tù đày, đồng chí mắc bệnh lao phổi nặng, một thời gian sau khi ra tù đã mất tại Hà Nội.
Câu chuyện của Tư lệnh Nguyễn Quyết về người Bí thư Thành ủy lâm thời đầu tiên của Hà Nội cứ lưu mãi trong tâm trí tôi. Sau này, khi ông về Tổng cục Chính trị làm Phó chủ nhiệm, rồi Chủ nhiệm, tôi chỉ đôi lần được thấy ông trong hội nghị của cơ quan Tổng cục, hoặc có lần ông ra thăm tòa soạn Báo Quân đội nhân dân, mà không có dịp nào tôi được tiếp xúc, hỏi chuyện ông thêm nữa.
Thế rồi vào đầu năm 1991, tôi có dịp về làm việc ở huyện Thanh Trì, đến xã Tả Thanh Oai nằm bên sông Nhuệ. Đây là vùng đất đã sản sinh nhiều nhà văn hóa nổi tiếng của nước ta. Thời trước, Tó Tả (tên gọi khác của Tả Thanh Oai) là làng khoa bảng với 12 vị đỗ đại khoa (4 hoàng giáp, 8 tiến sĩ), dòng họ Ngô với Ngô Gia văn phái, có các danh nhân Ngô Thì Sĩ, Ngô Thì Nhậm… Trưởng ban Tuyên giáo huyện ủy trạc ngoài bốn mươi tuổi, khi nghe tôi nhắc đến tên người Bí thư Thành ủy Hà Nội lâm thời, đã không giấu niềm tự hào hiện trên nét mặt, nói đấy là thuộc thế hệ cộng sản đầu tiên, người con ưu tú của quê hương, đất nước. Về thăm Tả Thanh Oai, trước tiên ông dẫn tôi ra nghĩa trang liệt sĩ của xã, viếng mộ nhà cách mạng. Ông kể, thân phụ của nhà cách mạng sinh thời là một công chức nhỏ ở Sở Công chính Hải Dương và Đỗ Ngọc Du được sinh ra tại phố Đông Kiều, thị xã Hải Dương. Sau bao nhiêu năm bôn ba hoạt động, trước khi mất, đồng chí có nguyện vọng được về yên nghỉ tại quê cha đất tổ của mình. Trải hơn nửa thế kỷ đến thời điểm ấy, ngôi mộ của đồng chí đã được người dân Tó Tả trân trọng gìn giữ, hương khói thường xuyên. Ngôi mộ nằm ở trung tâm nghĩa trang, mặt ngoài ốp lát gạch men, phía trên có mái che. Tấm bia ghi: Cụ Đỗ Ngọc Du, Bí thư Thành ủy Hà Nội lâm thời (giai đoạn 17-3-1930 đến tháng 5-1930). Sinh ngày 20-12-1907, quê quán Thượng Phúc, Tả Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Nội. Mất 12-1-1938 tại phố Châu Long, Hà Nội.
Câu chuyện của ông Trưởng ban Tuyên giáo huyện ủy đã bổ sung vào những gì tôi đã biết về nhà cách mạng Đỗ Ngọc Du qua cuộc gặp với vị Trung tướng, Tư lệnh Quân khu 3 cách đấy 10 năm. Theo tư liệu lịch sử Đảng bộ Hà Nội được ông Trưởng ban dẫn ra, thì tháng 10-1926 Đỗ Ngọc Du cùng các đồng chí Nguyễn Danh Đới, Phạm Văn Đồng được người tổ chức đường dây liên lạc đầu tiên của Đảng là Nguyễn Công Thu dẫn đường đi Quảng Châu (Trung Quốc) dự lớp huấn luyện chính trị khóa 2 do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp truyền đạt. Cả nhóm đã được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Đầu năm 1927, Đỗ Ngọc Du về nước, hoạt động tại Hải Phòng, để che mắt địch, ông vào vai chủ hiệu giày Nam Thịnh ở phố Cát Dài. Ngày 28-9-1928, Đại hội Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ lần thứ nhất họp tại làng Tam Sơn (Tiên Sơn, Bắc Ninh) quê hương của Ngô Gia Tự, đồng chí Đỗ Ngọc Du được bầu vào Ban chấp hành kỳ bộ, trực tiếp làm Bí thư Tỉnh bộ Hải Phòng. Để chuẩn bị thành lập Đảng, trước hết cần tổ chức các chi bộ Cộng sản. Tháng 2-1929, tại số nhà 5D Hàm Long, Hà Nội, chi bộ Cộng sản đầu tiên ra đời, trong đó có đồng chí Đỗ Ngọc Du. Sau ngày Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, ngày 17-3-1930, tại số nhà 42 phố Hàng Thiếc, Ban chấp hành lâm thời Đảng bộ Hà Nội được thành lập, gồm 3 người: Đỗ Ngọc Du, Nguyễn Ngọc Vũ, Lều Thọ Nam, do Đỗ Ngọc Du làm Bí thư. Cuối tháng 3-1930, cũng tại ngôi nhà này, là nơi ở của đồng chí Đỗ Ngọc Du, cũng là trụ sở của Xứ ủy Bắc Kỳ và Đảng bộ Hà Nội, hai đại biểu Nguyễn Đức Cảnh và Trịnh Đình Cửu đi dự Hội nghị hợp nhất trở về đã báo cáo kết quả và bàn kế hoạch thực hiện ở các cấp. Cuối tháng 4-1930, cơ quan tài chính của Xứ ủy ở 22 Bi-sô bị địch khám xét, niêm phong, đồng chí Đỗ Ngọc Du bị truy lùng ráo riết, Ban chấp hành lâm thời cử đồng chí đi làm nhiệm vụ mới ở nước ngoài ở cùng đồng chí Sao Đỏ (Nguyễn Lương Bằng)…
 |
Ngôi nhà 5D Hàm Long, Hà Nội (tháng 3-1929), nơi thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên. Ảnh chụp lại |
Cuối cuộc nói chuyện, ông Trưởng ban Tuyên giáo huyện ủy đưa tôi xem tập đánh máy, tư liệu lịch sử Đảng bộ Hà Nội do Ban Tuyên giáo Thành ủy sưu tầm, biên soạn, trong đó có thống kê các Bí thư Thành ủy Hà Nội từ khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đến Cách mạng Tháng Tám 1945 ở Hà Nội, bắt đầu từ đồng chí Đỗ Ngọc Du, đến đồng chí Nguyễn Quyết là người thứ 19.
Từ năm 1994, Hà Nội có một con đường mang tên Đỗ Ngọc Du nối đường Nguyễn Công Trứ với đường Đồng Nhân, thuộc quận Hai Bà Trưng.
PHẠM QUANG ĐẨU