Ông tên thật là Hoàng Thúy Toàn, sinh năm 1938 tại làng Phù Lưu, xã Tân Hồng, Từ Sơn, Bắc Ninh. Năm 12 tuổi, Thúy Toàn đi học ở Trường Thiếu sinh quân Việt Bắc. Năm 1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cử 100 học sinh ưu tú trong đó có Thúy Toàn sang Liên Xô học các chuyên ngành để về phục vụ và xây dựng đất nước. Với năng khiếu văn học bộc lộ từ nhỏ, Thúy Toàn được gửi vào học ở Trường Đại học Sư phạm Lênin. Tại đây, ông say sưa học tiếng Nga, đọc các tác phẩm về văn học Xô viết và bắt đầu dịch những bài thơ, mẩu chuyện thiếu nhi của Liên Xô sang tiếng Việt gửi về đăng trên các báo, tạp chí. Để rồi từ đó, các tác phẩm kinh điển của nền văn học Nga - Xô viết được ông truyền tải một cách chân thật, sinh động đến với bạn đọc Việt Nam, góp phần làm giàu thêm nền văn hóa nước nhà.

Bảy năm gắn bó với quê hương Cách mạng Tháng Mười vĩ đại đã trang bị cho ông vốn hiểu biết sâu sắc về văn học nước Nga - Xô viết. Ông tìm thấy trong văn học Xô viết những điều rất đặc biệt, bởi đất nước và con người Nga hết sức gần gũi với Việt Nam và có truyền thống yêu nước, yêu tự do, yêu hòa bình, yêu chân lý, lẽ phải. Dịch giả Thúy Toàn tâm sự: “Tôi đã gắn bó gần như cả cuộc đời mình với văn học Nga - Xô viết. Việc dịch các tác phẩm về văn học Nga - Xô viết đòi hỏi phải thông thạo tiếng Nga, am hiểu về văn hóa, con người nước Nga như ngôn ngữ mẹ đẻ, văn học dân tộc. Chính vì vậy, tôi say sưa tự học, tự nghiên cứu để đưa giá trị văn hóa Xô viết đến với công chúng Việt Nam”.

leftcenterrightdel
Dịch giả Thúy Toàn. 
Hoàng Thúy Toàn được coi là người dịch thơ Puskin hay nhất Việt Nam. Trong đó có bài thơ tình bất hủ “Tôi yêu em”. Với hàng chục bản dịch khác nhau, nhưng bản dịch của Thúy Toàn đã làm rung cảm biết bao trái tim người đọc. Dịch giả Thúy Toàn chia sẻ rằng, bản dịch “Tôi yêu em” cũng xuất phát từ câu chuyện tình mà ông là người trong cuộc. Bà Chu Nga, vợ ông hiện nay cũng là 1 trong số 100 học sinh được cử sang Liên Xô học năm 1954. Vốn xinh xắn, nết na, học giỏi nên Nga được nhiều chàng trai để ý, Thúy Toàn cũng “tình trong như đã, mặt ngoài còn e”. Anh chàng nhà quê “chết mê chết mệt” cô gái Hà thành nhưng không dám thể hiện. Thế rồi khi đọc bài thơ của Puskin, Thúy Toàn liền dịch ra với tâm trạng của chính mình: “Tôi yêu em: Đến nay chừng có thể/ Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai... Tôi yêu em, yêu chân thành, đằm thắm/ Cầu em được người tình như tôi đã yêu em”.

Đến nay, dịch giả Thúy Toàn đã dịch hàng chục tập thơ và nhiều tập truyện ngắn, tiểu thuyết nổi tiếng của nước Nga rất có giá trị, cho xuất bản hàng trăm đầu sách các loại. Đặc biệt, những năm tháng khi đất nước ta đang phải đương đầu với đế quốc, thực dân, những bài thơ ủng hộ kháng chiến của nhân dân ta được các nhà thơ Liên Xô viết và Thúy Toàn dịch sang tiếng Việt, góp phần cổ vũ, động viên tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc của hàng triệu người dân Việt Nam đứng lên đấu tranh giành độc lập, tự do. Trong những năm gần đây, dù đã bước sang tuổi bát thập, nhưng dịch giả Thúy Toàn vẫn miệt mài viết và dịch, ông đã xuất bản nhiều công trình, báo cáo khoa học, các chuyên luận và đi kèm với bộ tuyển tập về văn học Nga - Xô viết. Đặc biệt, ông đã xây dựng một thư viện “Văn học Nga” ở ngay tại làng Phù Lưu quê hương ông, thu hút rất nhiều học giả, bạn đọc đến tham quan và nghiên cứu.

Vào những năm cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 của thế kỷ 20, sau khi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ, văn học Nga - Xô viết dường như bị lắng xuống, một số người hoang mang, hoài nghi nhưng dịch giả Thúy Toàn vẫn nặng lòng với đất nước vốn được xem là “thiên đường” thi ca của nhân loại. Ông đã cho ra đời tập thơ dịch “Phải nói về nước Nga” - tập thơ như một “tuyên ngôn” của một người nặng lòng yêu văn học Nga, yêu con người và đất nước Nga. Trong giai đoạn này, mỗi năm hai lần, ông sang nước Nga để liên lạc, góp phần củng cố tình hữu nghị cũng như mối quan hệ với Hội Nhà văn Nga.

Với cống hiến không biết mệt mỏi của mình, năm 1987, Thúy Toàn được trao tặng Giải thưởng Quốc tế của Hội Nhà văn Liên Xô về dịch văn học Nga - Xô viết. Ngày 4-11-2010, tại Điện Kremli, ông vinh dự được Tổng thống Nga tặng huân chương cao quý của nước Nga, vì những đóng góp to lớn trong việc quảng bá văn học, văn hóa Nga tới công chúng Việt Nam. Hiện ông đang làm Giám đốc Quỹ Hỗ trợ quảng bá văn học Việt - Nga nhằm đưa các tác phẩm văn học của hai nước được dịch ra ngôn ngữ của hai dân tộc, coi đó như là sự giao lưu, trao đổi văn học của hai nền văn hóa vốn có truyền thống hữu nghị lâu đời.

Bài và ảnh: NGUYỄN CHÍ HÒA