Trong công cuộc xây dựng đất nước hôm nay, các CCB lại đi đầu, vận động nhân dân cùng hiến đất, góp công góp của xây dựng nông thôn mới. Cặp vợ chồng thương binh Tạ Văn Hướng-Nguyễn Thị Kim là tấm gương tiêu biểu.
Trở về từ cõi chết
Ông Tạ Văn Hướng sinh ra và lớn lên ở xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh, nơi có căn cứ cách mạng Láng Le-Bàu Cò được công nhận là Khu di tích lịch sử của TP Hồ Chí Minh. Vùng này trước đây là bưng biền, gồm những cái láng, bàu nước mênh mông, nơi cư trú của các loài cò và le le nên bà con gọi là Láng Le-Bàu Cò. Trong kháng chiến chống Mỹ, nơi đây là vùng trắng, ban ngày địch kiểm soát, còn ban đêm là khu vực hoạt động của cán bộ nằm vùng, xây dựng cơ sở cách mạng của Quân Giải phóng. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 và sau này là Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn, nơi đây là địa điểm trú quân của ta, tạo bàn đạp đánh vào nội đô Sài Gòn. Để tưởng nhớ những người con đã hy sinh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, UBND TP Hồ Chí Minh đã xây dựng Khu di tích lịch sử Mậu Thân 1968.
    |
 |
Cựu chiến binh, thương binh Tạ Văn Hướng. |
Lớn lên trong môi trường ấy, Tạ Văn Hướng tham gia cách mạng từ khi còn là chàng thiếu niên bươn chải mưu sinh nơi bưng biền gian khó. Trước khi nhập ngũ, ông đã tham gia cùng các lực lượng vũ trang địa phương thực hiện nhiều trận đánh ác liệt trên chính quê hương mình. Xuân Mậu Thân 1968, ông chiến đấu trong đội hình Tiểu đoàn 6 Bình Tân. Trong trận chiến chống càn ở Vườn Lài (quận 11), ông Hướng bị thương ở cột sống, được đồng đội khiêng về căn cứ. Trên đường đi bị pháo kích của địch, hai cán bộ khiêng ông trúng đạn hy sinh, còn ông bị một mảnh đạn trúng vào đầu và một bên mắt, máu chảy đầm đìa. Đồng đội ngỡ ông đã hy sinh. Khi đơn vị phải “mở đường máu” rút lui, đồng đội giấu ông trong một cái cống cạn ven kênh, chờ yên tiếng súng sẽ quay lại đưa về. Tờ mờ sáng hôm sau, nước kênh dâng lên làm ông tỉnh lại. Ông bò, lết được một đoạn thì bị địch phát hiện, bắt giữ. Chúng đưa ông về giam ở nhà tù Biên Hòa, sau đó đưa ra giam giữ tại nhà tù Phú Quốc và được trao trả tù binh vào tháng 3-1973 tại huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông về địa phương làm Xã đội trưởng xã Tân Nhựt, đến năm 1979 thì nghỉ hưu.
Trả nghĩa quê hương
Về xã Tân Nhựt, thăm Khu di tích lịch sử Láng Le-Bàu Cò, đi trên con đường mới xây dựng mang tên Nguyễn Đình Kiên dài hơn 4km được trải nhựa phẳng lỳ, chúng tôi như được trở về ký ức tuổi thơ khi bắt gặp từng đoàn học sinh quàng khăn đỏ tung tăng đạp xe đến trường. Đồng chí Nguyễn Kim Lân, Ủy viên Thường vụ Hội CCB huyện Bình Chánh, vừa đi vừa nói với chúng tôi: “Đây là con đường mà anh Hướng đã đi đầu trong phong trào hiến đất, góp công xây dựng nông thôn mới. Trước đây, khi chưa có con đường này, sau mỗi trận mưa là bà con phải lội sình đi lại rất khó khăn, đặc biệt khi có người ốm đau phải đưa đi cấp cứu thì xe cứu thương không vào được. Trăn trở với cảnh dân mình lội sình, anh Hướng đã vận động bà con làm cầu khỉ để đi. Sau nhiều năm ấp ủ, đúng thời điểm cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, anh Hướng đã đề xuất và gương mẫu tự nguyện hiến đất làm đường, ngày đêm đi vận động bà con làm theo...”.
Đồng chí Nguyễn Kim Lân đưa chúng tôi đến thăm gia đình người CCB gương mẫu trong căn nhà cấp bốn ven kênh C. Chứng kiến cảnh bà bế cháu nhỏ, ông vui đùa cùng hai cháu lớn, chúng tôi thấy vui lây. Dáng người nhỏ nhắn, trên khuôn mặt ở bên trái là một hốc mắt sâu đã liền sẹo, ông Hướng nở nụ cười đôn hậu đón khách. Vợ ông là bà Nguyễn Thị Kim, một chân bị liệt đi lại rất khó khăn. Bà là thương binh hạng 4/4. Gia đình ông bà thuộc diện hộ cận nghèo của xã Tân Nhựt. Dẫu cuộc sống còn bộn bề khó khăn, nhưng hai ông bà vẫn quyết định hiến phần đất của gia đình để làm đường cho bà con và các cháu học sinh đi lại. Ông là hình mẫu của người dân Nam Bộ, hào sảng, vui vẻ, chan hòa, lạc quan nên bà con trong ấp ai cũng quý mến. Ở địa phương, ông Hướng là người có uy tín, những việc lớn nhỏ trong ấp, ngoài xã đều có dấu ấn của ông. Khi có chủ trương làm đường, ông đã cùng UBND xã và hội CCB đi đến từng hộ dân vận động, được bà con đồng tình ủng hộ.
Tâm sự với chúng tôi, ông Hướng cười sảng khoái: “Khi tôi quyết định hiến 270m2 đất, họ hàng có người nói hiến nhiều quá sao không đòi tiền đền bù? Ở trong ấp, một số bà con cũng muốn Nhà nước phải đền bù. Tôi nói, mình đi làm cách mạng, dám hy sinh cả tính mạng mà không tính toán, thì mảnh đất này có ý nghĩa gì. Làm như vậy mình đâu phải là Bộ đội Cụ Hồ. Mình tuy bị thương nhưng còn sống là may mắn hơn biết bao đồng đội khác đã ngã xuống để đất nước được thống nhất”. Ông phân tích như vậy thì vợ con, gia đình, bà con hiểu và đồng tình ủng hộ. Đến nay, vợ chồng ông Hướng đã ba lần hiến đất với tổng diện tích hơn 4.000m2 để làm đường và đào kênh thủy lợi.
Việc gương mẫu hiến đất của CCB Tạ Văn Hướng đã có sức lan tỏa, trở thành điển hình tiêu biểu trong xây dựng nông thôn mới toàn huyện. Những con đường giao thông nông thôn khang trang ở huyện Bình Chánh như: Nguyễn Đình Kiên, Kênh Bà Tỵ, Kênh 11… được xây dựng từ phong trào hiến đất của các hộ dân mà gia đình ông Hướng là hộ gương mẫu đi đầu. Với phong trào “Chung sức xây dựng nông thôn mới”, Hội CCB huyện Bình Chánh đã vận động 123 hội viên CCB hiến đến 13.816m2 đất làm đường giao thông nông thôn với tổng trị giá hơn 13,4 tỷ đồng. Phong trào hiến đất làm đường và xây dựng các công trình nông thôn mới của CCB đã lan tỏa ra khắp các quận, huyện của TP Hồ Chí Minh và đã được Đại hội đại biểu CCB thành phố nhiệm kỳ 2017-2022 tổng kết với hơn 36.000m2 đất, trị giá hơn 35 tỷ đồng.
Ông Hướng tiễn chúng tôi ra về trên con đường ven dòng kênh vào cữ nước lớn, đôi bờ xâm xấp nước. Bắt tay tạm biệt khách, ông nói: “Mình đã chết đi sống lại với mảnh đất này, ân nghĩa thấm trong từng thớ đất, bụi cây. Làm được gì để góp phần xây dựng quê hương là mình vui và hạnh phúc lắm rồi. Sống không chỉ biết nhận mà cần phải biết cho đi”.
Bài và ảnh: HUY VÕ