Chừng một năm sau thì ông bình phục hoàn toàn. Hỏi lý do thì ông nói, ngoài sự tận tâm, tài năng của các bác sĩ, sức khỏe thể chất của con người phụ thuộc vào tinh thần lạc quan và ý chí, nghị lực. Thời trai trẻ, khi đối mặt với giặc Mỹ mạnh gấp ta nhiều lần, người chiến sĩ không bao giờ sợ hãi. Đối mặt với “giặc” bệnh tật cũng thế...
Khiêm nhường và giản dị...
Căn nhà của nhà báo, Anh hùng Đặng Thọ Truật nằm trong một con hẻm sâu ở phường 9, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh. Dù là người quen hay khách mới lần đầu tiên đặt chân đến, ai cũng dễ dàng nhận ra nơi sinh sống lâu năm của gia đình ông bởi nét cũ xưa, khiêm nhường của ngôi nhà so với phần còn lại trong khu phố. Ở vị trí “tấc đất tấc vàng”, trong lúc bà con khu phố và các doanh nghiệp xung quanh đã hiện đại hóa các công trình nhà cửa bằng cao ốc, nhà kính cao tầng, thì vợ chồng người anh hùng vẫn giữ nguyên kiến trúc kiểu “đất lề quê thói”. Căn nhà cấp 4 ốp đá rửa, cánh cổng sắt cũ màu thời gian dẫn vào lối ngõ yên tĩnh và khoảng sân sử dụng loại gạch đất nung giống như sân hợp tác xã thời bao cấp. Bốn bên bờ rào lúp xúp những khóm cây rậm rì, ríu ran tiếng chim, dập dờn ong bướm. Nền nhà lát bằng thứ gạch men của những năm 80 thế kỷ trước. Ngay cả bàn ghế, tủ, giường... cũng “nôn nao một nét chân quê”. Vào tuổi “thất thập cổ lai hy”, ông là cựu chiến binh, bà là giáo viên nghỉ hưu, vợ chồng cậu con trai duy nhất đều thành đạt, không phải ông bà không có điều kiện để sửa sang nhà cửa cho to đẹp hơn, mà bởi ông bà thích thế. “Con người ta càng có tuổi lại càng hoài niệm về quê hương, tiên tổ. Cả đời trai trẻ của tôi gắn bó với chiến trường ác liệt. Cứ ngỡ thân xác này đã đi theo nhiều đồng đội về thế giới vĩnh hằng trong các trận đánh ác liệt, đâu ngờ được sống đến hôm nay. Cuộc sống không quan trọng ở nhà cao cửa rộng, mà điều cần trân quý, gìn giữ là cái đức của con người”, ông bày tỏ.
    |
 |
Tác giả (bên phải) tặng hoa chúc mừng vợ chồng nhà báo Đặng Thọ Truật tại Ban đại diện Báo Quân đội nhân dân tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: XUÂN CƯỜNG |
Là đồng nghiệp, thế hệ kế tiếp của ông dưới mái nhà Ban đại diện phía Nam, Báo Quân đội nhân dân (nay là Ban đại diện Báo Quân đội nhân dân tại TP Hồ Chí Minh), chúng tôi có may mắn được công tác cùng ông một khoảng thời gian khá dài trước khi ông nghỉ hưu. Hồi đó, trụ sở cơ quan là một ngôi biệt thự xây dựng từ thời Mỹ còn chiếm đóng Sài Gòn. Phòng làm việc của nhà báo Đặng Thọ Truật giản lược hết mức có thể, chỉ kê một chiếc bàn làm việc, cái tủ sắt, chiếc giường đơn và... chấm hết. Giản lược nhưng ông là người rất cẩn thận, sạch sẽ. Mỗi ngày ông lau bụi ít nhất... 4 lần. Cũng bởi đức tính cẩn trọng ấy nên phóng viên kỳ cựu Đặng Thọ Truật thường được lãnh đạo, chỉ huy cơ quan phân công đi điều tra các vụ việc tiêu cực. Trước khi đưa lên mặt báo vụ việc gì, ông rất cẩn trọng, tìm hiểu, đối chiếu thông tin đa chiều nhiều lần và khi đã điều tra việc gì thì ông đeo bám sự kiện đến tận cùng để tìm ra sự thật. Lứa phóng viên chúng tôi thời mới vào nghề thường được ông nhắc nhở, góp ý rằng, làm báo rất cần nhiệt huyết, máu lửa, nhưng phải tuyệt đối tránh “ngựa non háu đá”, hấp tấp, vội vàng, “cầm đèn chạy trước ô tô”, nhất là khi thực hiện thể tài điều tra, rất dễ vướng vào cám dỗ, sai sót...
Phẩm chất và giá trị của người anh hùng
Những phẩm chất nghề báo của Đặng Thọ Truật được hình thành và phát triển từ chính môi trường quân ngũ và những năm tháng chiến đấu ác liệt trên chiến trường. Mùa hè năm 1968, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bước vào giai đoạn khốc liệt, chàng trai quê Nghi Lộc (Nghệ An) Đặng Thọ Truật tình nguyện nhập ngũ khi vừa tròn 17 tuổi. Ông trở thành chiến sĩ của Tiểu đoàn Súng máy cao xạ 12,7mm thuộc Tỉnh đội Nghệ An. Sau thời gian huấn luyện, Đặng Thọ Truật theo đơn vị hành quân vào Mặt trận Tây Nam Trị Thiên-Huế, nằm trong đội hình chiến đấu của Sư đoàn 324 chi viện cho chiến trường miền Nam. Với tinh thần gan dạ, dũng cảm, chiến đấu rất “lì”, Đặng Thọ Truật được giao xạ thủ số 1. Trong 5 năm (1968-1973), đơn vị của ông đã kiên cường bám trận địa, tổ chức hàng trăm trận đánh chống lại chiến thuật “trực thăng vận” của địch. Khẩu đội của Đặng Thọ Truật đã bắn rơi tổng cộng 39 máy bay Mỹ, tiêu diệt và bắt sống nhiều lính dù. Vang dội nhất là trận phục kích bắn máy bay địch đổ bộ ở khu vực Cô Pung cuối tháng 7-1970. Đứng trên trận địa chứng kiến từng tốp trực thăng và máy bay vận tải của địch ào ào đến đổ quân, xạ thủ số 1 Đặng Thọ Truật có một quyết định vô cùng táo bạo và nguy hiểm: Chờ cho máy bay địch đến cự ly thật gần mới siết cò. Ngay loạt đạn đầu tiên, xạ thủ số 1 đã biến 4 chiếc trực thăng địch thành bó đuốc giữa không trung. Bị thiệt hại nặng, địch gọi chi viện, máy bay từ sân bay Phú Bài kéo đến đặc trời như bầy ong. Bắn đến mức hai tai của các pháo thủ không còn cảm giác âm thanh. Bắn đến mức nòng súng đỏ như mới nung trong lò than. Bắn đến mức gãy cả díp đạn mới thôi. Kết quả sau trận đánh, Đặng Thọ Truật cùng đồng đội đã tiêu diệt tổng cộng 24 chiếc máy bay địch. Tổn thất này gây chấn động lực lượng không quân Mỹ, đồng thời làm nức lòng lực lượng phòng không của ta, cổ vũ tinh thần quyết chiến quyết thắng trên khắp Mặt trận Trị Thiên-Huế. Khẩu đội súng máy phòng không 12,7mm liên tục được các cấp tuyên dương, khen thưởng, trong đó xạ thủ số 1 Đặng Thọ Truật được tặng thưởng 2 Huân chương Chiến công giải phóng, 3 danh hiệu Dũng sĩ diệt máy bay, 2 danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ... Đỉnh cao của niềm vinh dự, tự hào từ những chiến công rực rỡ là tháng 8-2015, ông vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng LLVT nhân dân.
Khi chúng tôi hỏi, trong những năm tháng cùng đồng đội chiến đấu, có bao giờ ông nghĩ mình sẽ trở thành anh hùng? Ông xua tay: "Không bao giờ! Người chiến sĩ trên chiến trường chỉ có một ý nghĩ duy nhất là chiến đấu, chỉ có một khát vọng duy nhất là đất nước sớm được hòa bình, thống nhất. Thế hệ chúng tôi bị chiến tranh lựa chọn, chứ không ai muốn đất nước có chiến tranh để mà ra trận".
Với nhiều người khác, thành công có thể đến từ sự lựa chọn đúng đắn con đường lập nghiệp, nhưng với Đặng Thọ Truật thì chính sự nghiệp và công việc đã lựa chọn ông. Việc ông trở thành công dân dưới mái nhà Báo Quân đội nhân dân cũng vậy, đó là cái duyên chứ không phải là sự lựa chọn. Nhớ lại kỷ niệm của “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy”, ông cười tươi: "Sau ngày đất nước thống nhất, tôi nghĩ, thế là mình đã hoàn thành nhiệm vụ với Tổ quốc, đang đợi ngày xuất ngũ khoác ba lô về với cha mẹ thì được thủ trưởng đơn vị động viên, cử đi học ở Học viện Chính trị. Tốt nghiệp, tôi được phân công về Quân đoàn 3, làm Chính trị viên phó tiểu đoàn, rồi trợ lý tổ chức, sau đó phụ trách Ban Tuyên huấn Sư đoàn 31. Năm 1985, Tổng cục Chính trị tổ chức lớp đại học báo chí tại Học viện Chính trị, tuyển chọn toàn quân được 22 người. Tôi được thủ trưởng quân đoàn cử đi học với định hướng sẽ về làm Tổng biên tập Báo Quân đoàn 3. Sau khi tốt nghiệp, tôi được Báo Quân đội nhân dân xin về; làm việc tại tòa soạn một thời gian thì chuyển vào Ban đại diện phía Nam và gắn bó với tờ báo từ đó đến khi nghỉ hưu".
Hơn 3 thập niên cống hiến với tất cả tình yêu và lòng tự hào ở tờ báo chiến sĩ, Đặng Thọ Truật được các thế hệ đồng đội, đồng nghiệp yêu mến, trân quý bởi lòng nhiệt huyết với nghề và sự chân thành, giản dị trong phong cách. Số lượng tác phẩm báo chí của ông không nhiều so với các nhà báo khác, nhưng ông thực sự ghi dấu ấn ở mảng điều tra và đề tài về người chiến sĩ. Trưởng thành, tôi luyện từ khói lửa chiến tranh với phẩm chất của một người anh hùng nên khi viết về công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu ở các đơn vị, ông luôn có những phát hiện tinh tế, những phân tích sắc sảo, thể hiện bằng văn phong súc tích, dễ đọc, dễ hiểu, được bạn đọc toàn quân đánh giá cao.
Sau khi nhà báo Đặng Thọ Truật được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, cơ quan chúng tôi tổ chức buổi liên hoan ấm áp chúc mừng ông. Một số anh em muốn tổ chức tại địa điểm sang trọng, nhưng khi hỏi ý kiến thì ông nói, cứ tổ chức tại cơ quan cho ấm áp, thân tình, cái chính là để anh em đồng đội, bạn bè gặp nhau chứ có phải hội nghị, tiệc tùng gì đâu mà phải ra khách sạn, nhà hàng.
Tính ông thế! Luôn khiêm nhường, giản dị và chân thành.
Khi ông bất ngờ mắc bệnh hiểm nghèo, gia đình, người thân, đồng đội hết sức quan tâm, lo lắng trước tình trạng bệnh diễn biến xấu, nhưng ông thì luôn lạc quan. Ngay cả khi nằm trên giường bệnh đặc biệt ở Bệnh viện Chợ Rẫy với thân hình tiều tụy, ông vẫn luôn tươi cười, kể chuyện tiếu lâm bằng "giọng Nghệ" khiến người đến thăm ai cũng cười như nắc nẻ.
Bây giờ thì không ai còn nhận ra dấu hiệu bệnh tật khi tiếp xúc với ông nữa. Da dẻ hồng hào, thể trạng an nhiên, thần thái rạng rỡ. Sự hồi phục đến ngay cả các bác sĩ cũng phải ngạc nhiên. Ở tuổi ông, chiến thắng được bệnh tật như thế thực là một giá trị. Giá trị đến từ sự khiêm nhường và nghị lực...
PHAN TÙNG SƠN