QĐND - Cách đây 46 năm, ngày 2-9-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời. Với tấm lòng kính yêu vô hạn và đời đời nhớ ơn Bác, thể theo nguyện vọng của toàn dân, Đảng và Nhà nước đã quyết định giữ gìn lâu dài thi hài Bác và xây dựng Lăng của Người. Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được khởi công ngày 2-9-1973 và sau gần hai năm xây dựng, ngày 29-8-1975, đã chính thức được khánh thành. GS, TS Nguyễn Mạnh Kiểm, nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng, vinh dự là một trong những người được tham gia xây dựng Lăng Bác. 40 năm đã trôi qua nhưng ông vẫn còn xúc động khi kể về những ngày tháng không thể nào quên ấy...

Nhiệm vụ thiêng liêng

Ngày ấy, tôi là Phó viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Xây dựng. Tôi được Bộ trưởng Bùi Quang Tạo và Đảng đoàn Bộ Kiến trúc giao nhiệm vụ đặc trách lo việc tổ chức và trực tiếp chỉ đạo mọi hoạt động của viện có liên quan đến việc phục vụ xây dựng Lăng Bác và Quảng trường Ba Đình, bao gồm: Tiến hành các công tác nghiên cứu, thí nghiệm và kiểm tra kỹ thuật nhằm xác định chất lượng các nguyên vật liệu xây dựng từ nguồn khai thác ở các đơn vị sản xuất, trong thi công và sử dụng vào công trình Lăng; phục vụ tốt nhất công tác đảm bảo chất lượng cao của công trình, đáp ứng nhanh và kịp thời yêu cầu của tiến độ thi công ở mọi giai đoạn...

GS, TS Nguyễn Mạnh Kiểm kể về những ngày xây Lăng Bác. Ảnh: Hà Thu.

Ngay sau khi nhận nhiệm vụ, tôi đã họp lãnh đạo viện cùng cán bộ, nhân viên kỹ thuật để truyền đạt, quán triệt những ý kiến chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, những chỉ thị của đồng chí Trường Chinh, Ủy viên Bộ Chính trị-trực tiếp chỉ đạo công trình Lăng Bác: Đây sẽ là công trình kiến trúc vĩ đại mà trong lịch sử xây dựng của Việt Nam chưa từng có; Lăng Bác sẽ được xây dựng không phải chỉ bằng bàn tay, khối óc của những người trực tiếp tham gia mà còn bằng cả trái tim và công sức đóng góp của toàn dân tộc; Lăng phải đảm bảo giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh nguyên vẹn và lâu dài, chống được các biến động có hại của khí hậu, thời tiết và phải an toàn, phòng chiến tranh, địch phá hoại; cần thể hiện được tính hiện đại mà vẫn mang đậm màu sắc dân tộc, trang nghiêm nhưng giản dị; cần chú ý đảm bảo được sự thuận lợi cho nhân dân và khách nước ngoài đến viếng đông và liên tục, bảo đảm sự kiên cố, bền vững của công trình...

Đồng chí Đỗ Mười, Phó thủ tướng, Trưởng ban Phụ trách xây dựng Lăng Bác đã nhấn mạnh đối với công việc thi công: “Lấy đảm bảo chất lượng làm đầu, trên cơ sở đảm bảo chất lượng mà đẩy mạnh tiến độ thi công...”; “Đảm bảo chất lượng công trình với mức cao nhất, mọi khâu từ sản xuất, khai thác, vận chuyển vật liệu xây dựng, tiếp nhận bảo quản vật tư thiết bị, gia công cấu kiện,… cho đến thi công xây lắp phải chấp hành, tuân thủ nghiêm chỉnh các tiêu chuẩn quy trình, quy phạm kỹ thuật tiên tiến, hiện đại...” của công trình đặc biệt.

Triển khai công việc, tôi đề nghị Bộ cho thành lập riêng một phòng thí nghiệm gọi là Phòng Thí nghiệm 75808, gồm những cán bộ, công nhân kỹ thuật có phẩm chất chính trị tốt, có năng lực chuyên môn giỏi. Anh chị em làm việc theo ca kíp, trực tiếp bám sát hiện trường thi công, xí nghiệp sản xuất và những nơi khai thác nguyên vật liệu để làm thí nghiệm kiểm tra lựa chọn đánh giá chất lượng cũng như thực hiện hàng loạt thí nghiệm, nghiên cứu tại phòng thí nghiệm ở công trường và ở viện; đồng thời viện đã dành kế hoạch ưu tiên, đột xuất, huy động cán bộ, nhân viên, các trang thiết bị cần để làm thí nghiệm, gia công mẫu phục vụ bất kỳ giờ nào, hoàn cảnh nào khi công trường yêu cầu...

Một số cán bộ kỹ thuật tham gia xây Lăng Bác chụp ảnh kỷ niệm với đồng chí Đỗ Mười. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Những kỷ niệm sâu sắc

Ngày 2-9-1973, công trường Lăng Bác chính thức khởi công. Thời hạn quy định xây lăng là hai năm, trong điều kiện đất nước còn chiến tranh, hai miền Nam-Bắc còn bị chia cắt, thì khó khăn là rất lớn. Khó khăn đầu tiên chúng tôi gặp phải là chuẩn bị vật liệu xây dựng chất lượng cao, bảo đảm yêu cầu tiêu chuẩn quy phạm kỹ thuật công trình đặc biệt. Trước hết là xi măng. Thời ấy, xi măng rất hiếm, cả nước có một Nhà máy Xi măng Hải Phòng, chỉ sản xuất được xi măng poóc-lăng mác 300-400, mà công trường cần một khối lượng khổng lồ hàng vạn tấn, không những thế mà phải là xi măng mác cao (mác 600). Nếu nhập từ nước ngoài, chở bằng tàu biển về Việt Nam thì không thể hoàn thành được công trình trong vòng hai năm. Vì vậy, các chuyên gia kỹ thuật của bộ và lãnh đạo, cán bộ kỹ thuật của nhà máy ngày đêm suy nghĩ, nghiên cứu, thí nghiệm và sản xuất thử loại xi măng đặc biệt. Ban đầu làm 50kg, đưa vào máy ép thủy lực, cho kết quả xi măng đạt chất lượng tốt. Nhà máy cho sản xuất ngay 50 tấn, đem đi thử nghiệm nhiều nơi, được kết luận là vượt yêu cầu của những công trình đặc biệt. Anh chị em công nhân phấn khởi làm ngày, làm đêm để đáp ứng yêu cầu của công trường xây Lăng Bác. Xi măng đặc biệt được đóng vào những bao đặc biệt có dòng chữ “Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại” rồi được chuyển về Hà Nội bảo đảm đủ số lượng và đúng tiến độ thi công.

Một vật liệu quan trọng nữa để xây lăng là đá. Ở nước ta, đá không thiếu nhưng đá quý và đạt yêu cầu thì rất hiếm. Công trường chuẩn bị xong nguyên vật liệu đá dăm, cát đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, gồm đá dăm granit Thác Bà và cát vàng Kim Bôi. Các địa phương này đều hồ hởi, hăng say khai thác cát, đá để bảo đảm khối lượng và tiến độ phục vụ sản xuất bê tông cho công trình Lăng Bác. Song một bất ngờ mà chúng tôi không lường trước được đã xảy ra. Đó là, chỉ sau 15 ngày thi công bê tông lót móng, cả công trường, nhất là các đồng chí cán bộ lãnh đạo và các nhà khoa học bàng hoàng vì chuyên gia khoáng sản và vật liệu xây dựng phát hiện có lượng phóng xạ trong đá dăm Thác Bà. Hàng loạt câu hỏi được đặt ra: Kết quả phân tích có chính xác không? Nếu có thì lượng phóng xạ chứa trong đá là bao nhiêu? Với khối lượng lớn đá granit Thác Bà dùng trong thi công xây dựng công trình lăng thì lượng phóng xạ có ảnh hưởng đến việc bảo quản thi hài Bác...? Tất cả mọi việc phải tạm dừng lại. Giáo sư Trần Đại Nghĩa-Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học kỹ thuật Nhà nước lập tức được mời đến. Một cuộc hội thảo của các nhà khoa học, chuyên gia về vật liệu đá và các chuyên gia vật lý phóng xạ được tổ chức. Thế nhưng, điều kiện của nước ta khi ấy không có máy móc hiện đại để có thể kiểm nghiệm và sớm đưa ra kết luận chính xác là có hay không có phóng xạ và nếu có thì mức độ là bao nhiêu...?

Cuối cùng, Ban chỉ huy công trình Lăng đã báo cáo Chính phủ để đề nghị cho mang mẫu đá sang Liên Xô nhờ bạn phân tích, đánh giá tỷ lệ chất phóng xạ và cho kết luận. Đoàn công tác gồm có tôi cùng đồng chí Nguyễn Trọng Quyển, Trưởng ban Thiết kế và một đồng chí là chuyên gia khoáng sản hiếm của Tổng cục Hóa chất. Sang tới nơi, chúng tôi được bạn giúp đỡ rất nhiệt tình, với tinh thần khẩn trương. Các đồng chí lãnh đạo của Liên Xô chỉ thị cho các cơ quan, các tổ chức khoa học lớn nhất nước giúp đỡ chúng tôi. Trước hết là Viện Khoáng sản hiếm, Viện Du hành vũ trụ... 10 ngày làm việc và chờ đợi căng thẳng, cuối cùng, phía bạn đã có văn bản phân tích và kết luận. Ngay đêm 19-11-1973, chúng tôi đã gửi điện về thông báo kết quả: Hàm lượng phóng xạ rất thấp, không gây hại đến việc bảo quản thi hài Bác. Nhờ vậy mà công việc đổ bê tông nhanh chóng được triển khai.

Thấm thoắt đã 40 năm, Lăng Bác được khánh thành để đón đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế vào viếng Người. Nhớ về Bác kính yêu, tôi lại càng tự hào vì đã được cống hiến hết sức mình cho công trình vĩ đại này.

VÂN HƯƠNG, theo lời kể của GS, TS Nguyễn Mạnh Kiểm, nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng