Chúng ta ghi danh phong trào đổi mới của quần chúng và các cá nhân tiêu biểu đã dám tháo bỏ những tư duy và quy định cũ, có nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả để thúc đẩy sản xuất, cải thiện đời sống nhân dân.
Hiệu quả thực tiễn của các mô hình mới từ cơ sở đã có tác động lớn và thuyết phục đối với những quyết định vĩ mô, góp phần từng bước hình thành đường lối đổi mới của Đảng. Bài viết này không thể kể hết các mô hình và tấm gương đó, mà chỉ điểm danh 3 gương mặt ở cơ sở của một giai đoạn khá đặc biệt của đất nước…
Người đốt tem phiếu ở thành phố cảng
Cách đây chừng 10 năm, tôi về thành phố cảng Hải Phòng, đến đường Dư Hàng Kênh tìm ông Nguyễn Kim Tín (tức Vân Nam), nguyên Giám đốc Sở Thương nghiệp và Du lịch TP Hải Phòng. Khi ấy, ông còn khỏe và kể câu chuyện đốt tem phiếu hồi bao cấp rất lý thú.
Theo lời ông Tín thì vào năm 1982, Công ty Du lịch-Giao tế Hải Phòng ra đời, hai năm sau đổi tên thành Liên hiệp Công ty Du lịch cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ mở rộng, rồi sáp nhập thành Sở Thương nghiệp và Du lịch Hải Phòng. Nhận nhiệm vụ giám đốc sở, hằng ngày làm công tác cấp phát tem phiếu, ông Kim Tín nhận ra những vấn đề phát sinh của cơ chế bao cấp này, như việc in duyệt tem phiếu phân loại A, B, C, D, E... cho từng loại hàng hóa gặp nhiều bất cập; cán bộ cấp cao được ưu tiên phục vụ đến nhà đủ lượng tem phiếu, còn công nhân phiếu loại E thì thiếu thốn nhiều. Người có phiếu lại không có tiền mua hàng, người có tiền lại không có phiếu dẫn đến việc tem phiếu được đem ra mua bán như hàng hóa. Hệ quả là sự xuất hiện của nhóm người làm nghề “con phe” gây nhũng nhiễu… Ông nung nấu ý định xóa bỏ tem phiếu ở Hải Phòng. Ông trình bày ý tưởng táo bạo này với đồng chí Trần Phương, lúc bấy giờ đang là Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng thì nhận được thư trả lời trực tiếp, bày tỏ sự đồng tình.
“Được lời như cởi tấm lòng”, ngày 15-5-1984, cùng với sự ủng hộ của Thành ủy Hải Phòng ngày đó, đứng đầu là đồng chí Đoàn Duy Thành, các loại tem phiếu đều được đem ra đốt hủy. Ngày hôm sau, Sở Thương nghiệp và Du lịch Hải Phòng công bố tem phiếu không có giá trị mua bán, ai có nhu cầu đến các cửa hàng mua theo giá trị ghi sẵn. Ông Kim Tín nhớ lại: “Hôm đốt tem phiếu, bề ngoài tôi tỏ ra rất bình tĩnh nhưng thực sự trong lòng vẫn run. Run vì mình vừa đích thân làm một việc “vô tiền khoáng hậu”, chắc chắn sẽ phải đối mặt với búa rìu dư luận. Hơn nữa, mặc dù nguồn hàng cung ứng đã chuẩn bị khá đầy đủ theo như dự tính nhưng e còn có những biến cố bất thường chưa thể lường hết được”.
Quả thật, đã có một “cơn lũ” phản ứng dữ dội sau hành động này của ông. Hàng trăm “con phe” ôm đống phiếu phải hủy chửi bới, lăng mạ. Những gia đình có tiền mua tem phiếu để dự trữ cũng kêu ca. Các tỉnh lân cận với Hải Phòng cho rằng việc xóa bỏ tem phiếu ở Hải Phòng dễ gây mất ổn định kinh tế-xã hội và cần phải ngăn chặn. Cá nhân ông Tín cũng gặp lao đao...
Ít năm sau, Nhà nước chính thức quyết định xóa bỏ chế độ tem phiếu. Hải Phòng là địa phương đi trước cả nước nên sớm ổn định. Ông Kim Tín cũng thở phào về việc làm của mình dù phải chịu không ít thiệt thòi.
Bà Ráo “phá rào” thu mua gạo
Tên tuổi bà Nguyễn Thị Ráo, tên thường gọi là bà Ba Thi nổi lên như cồn khi bà là Giám đốc Công ty Kinh doanh Lương thực TP Hồ Chí Minh vào đầu những năm 80 của thế kỷ trước. Bà được coi là người “nổ phát súng đầu tiên” vào chế độ bao cấp gạo, thực hiện có kết quả bán gạo một giá đầu tiên trong cả nước, góp phần quyết định lo đủ gạo ăn cho 4 triệu dân của Thành phố mang tên Bác.
Theo giới thiệu của các anh ở Phòng Tổ chức hành chính công ty, chúng tôi tìm gặp chị Kim Anh, phụ trách hành chính của công ty thời bao cấp và chị Út Hiền, cùng tổ thu mua với bà Ba Thi từ những ngày đầu.
Qua lời kể của các nhân chứng, sau giải phóng, Sài Gòn là thành phố đông dân nhất nước nên nhu cầu lương thực rất lớn. Ngoài phần lúa gạo do các huyện nông thôn ngoại thành tự sản xuất, hằng tháng, thành phố phải cần tối thiểu 4 vạn tấn lương thực, trong đó lượng gạo ăn cho đối tượng phi nông nghiệp là 3 vạn tấn, còn 1 vạn tấn để cung cấp cho công nghiệp chế biến, các cơ sở ăn uống công cộng, khách vãng lai và hàng trăm cuộc hội nghị của các ngành, các cấp. Khi thành phố áp dụng chế độ bao cấp lương thực, tình hình cung cấp lương thực luôn luôn gặp khó khăn.
Tình hình lương thực thành phố căng thẳng quá, thành ủy, ủy ban họp ngày đêm để tìm cách giải quyết mà chưa có phương án khả thi. Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt chỉ thị dứt khoát: “Không để một người dân chết đói”. Sau nhiều trăn trở, bà Ba Thi, khi đó là Phó giám đốc Sở Lương thực thành phố dũng cảm đề xuất: “Về Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức thu mua gạo để phục vụ cho đồng bào thành phố”. Bà lập luận: Thành phố đang thiếu gạo trầm trọng, trong khi đó ở một số địa phương khác lại dư lúa, thừa gạo, thậm chí lúa để ẩm mục, làm phân, gạo đen cho gà ăn không hết… Tại sao không cho nông dân đem lúa gạo dư thừa đó đến những nơi đang thiếu, đang rất cần cho cuộc sống hằng ngày? Ý kiến này được lãnh đạo thành phố chấp thuận và từ đó, “Tổ thu mua lúa gạo” ra đời. Với ý tưởng này, bà Ba Thi đã góp phần giúp thành phố “phá rào”, phá thế cô lập và tuyên chiến với tệ “ngăn sông cấm chợ” khi ấy.
Quá trình đi thu mua, bà Ba Thi còn phát hiện ra, cũng do bị cô lập, do tệ “ngăn sông cấm chợ” mà hàng hóa không lưu thông được. Ở nông thôn, nông dân cần dầu lửa thắp đèn, cần vải đen may quần áo đi làm ruộng, cần thuốc chữa trị bệnh lúc ốm đau… mà không có để mua, dù trong tay có tiền. Lý do thật đơn giản, nền công nghiệp của ta sản xuất theo kế hoạch kiểu cũ, chỉ đủ phân phối theo định lượng cho cán bộ, công nhân viên, không có dư để bán cho dân, trong khi nguồn hàng dự trữ từ trước giải phóng nay đã cạn. Trước thực trạng đó, bà Ba Thi kiến nghị phải có hàng hóa để đổi ra lúa gạo, nói nôm na là hàng hai chiều.
Được trên nhất trí, tổ thu mua đã đưa 200.000 lít dầu lửa đến chợ Cà Mau. Thành phố xuất 1 triệu mét vải bông và vải đen, hàng xe thuốc tây mang đến Minh Hải… Các chị thông báo với bà con nông dân là sẽ đổi các hàng hóa đó lấy lúa. Bà con ở các xã từ Bạc Liêu đến Cà Mau nườm nượp mang lúa đến đổi lấy phiếu dầu, phiếu vải, phiếu thuốc… Với hoạt động của tổ thu mua của bà Ba Thi, tình trạng thiếu gạo của TP Hồ Chí Minh và khan hiếm hàng tiêu dùng thiết yếu của bà con nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long được giải quyết một bước.
Bí thư đột phá “bù giá vào lương”
Ông Nguyễn Văn Chính, tức Chín Cần, có hai lần nhận cương vị Bí thư Tỉnh ủy Long An. Mỗi lần đều là những thử thách ngặt nghèo đối với ông. Lần trước vào đầu thập niên 1950 và lần thứ hai ngay sau giải phóng. Tái nhận chức người đứng đầu tỉnh, trong ông ngổn ngang những mối lo. Lúc này, sau những hân hoan của ngày đại thắng, Long An cũng như cả nước phải đối mặt với những khó khăn chồng chất về kinh tế-xã hội khi những khuyết tật của mô hình kế hoạch hóa chỉ huy tập trung, hành chính cung cấp và bao cấp ngày càng bộc lộ gay gắt. Rõ nét nhất là cơ chế giá cả. Sự áp đặt chủ quan, tùy tiện trong định giá đã tạo ra sự chênh lệch lớn giữa giá thị trường tự do với giá chỉ đạo của Nhà nước. Khoản chênh lệch ấy chính là miếng mồi béo bở cho các hoạt động bòn rút hàng từ tay Nhà nước sang túi các cá nhân. Đời sống của cán bộ, công nhân viên chức, lực lượng vũ trang ngày càng khó khăn.
Là người đứng đầu tỉnh, Bí thư Chín Cần rất đau lòng. Ông trăn trở và tìm cách để thay đổi cơ chế giá cả, tiền lương, khâu nóng bỏng nhất lúc bấy giờ. Người được ông chọn để tham gia xây dựng đề án này là Phó giám đốc Sở Thương nghiệp Hồ Đắc Hi. Ông Hi băn khoăn:
- Thay đổi là đụng chạm đến nguyên tắc, cơ chế đang hiện hành. Cơ sở nào để làm đề án?
- Cơ sở là từ thực tiễn. Giá cả, tiền lương phải dựa trên quy luật giá trị và cung cầu, cũng như các quy luật kinh tế hàng hóa khác, chứ không thể duy ý chí-Bí thư Chín Cần chỉ đạo.
- Nhưng phải bắt đầu từ đâu?
- Bắt đầu từ tôi. Anh hãy lấy thu nhập của Bí thư Tỉnh ủy để tính toán.
Ông Hi tính toán từ chính trường hợp của Bí thư và đề xuất phương án với ông Chín. Theo đó, tổng tiền lương và 16 mặt hàng phân phối theo định lượng, tất cả quy ra giá thị trường thì lương Bí thư Tỉnh ủy xấp xỉ 600 đồng. Tuy nhiên, do chất lượng hàng hóa thấp, tiêu chuẩn bị cắt xén, hàng được cấp không phù hợp nhu cầu… thì hiệu quả sử dụng của mức lương này chỉ đạt 50-70%. Tốt nhất là đem hết số hàng phân phối của Bí thư ra chợ bán theo giá thị trường rồi về trả cho ông 600 đồng/tháng. Bí thư cần gì ra đó mà mua. Nếu theo phương án này thì tỉnh nắm được hàng hóa, giá cả; còn người hưởng lương thoải mái lựa chọn hàng mua. Vì thế, dân buôn, đầu cơ, nhân viên thương nghiệp… không còn cơ hội tiêu cực; Nhà nước còn tiết kiệm được khoản bù lỗ cho thương nghiệp, tem phiếu, thời gian…
Bí thư Chín Cần vỗ đùi cái đét, reo lên: “Đúng, trúng rồi đó!”. Ông trao đổi thêm với các cán bộ chủ chốt tỉnh và cho làm thử nghiệm. Sau khi lĩnh toàn bộ định mức hiện vật trong tháng về, mặt hàng xà bông được chọn để bán ra thị trường. Để tránh đầu cơ và đề phòng tình huống xấu bất ngờ, xà bông được chia để bán làm 3 lần. Giá bán cao gấp 10 lần giá phân phối và tương đương giá chợ. Lương của viên chức tháng đó đã được cộng thêm định mức của mặt hàng xà bông theo giá thị trường. Ai muốn mua xà bông thì ra chợ, thoải mái lựa chọn, không phải lo mua dự trữ. Vì thế giá xà bông đã giảm rất nhiều. Lần đầu tiên một mặt hàng không phân phối nhưng cũng không thiếu ngoài chợ hay cửa hàng quốc doanh. Bước thử nghiệm đã thành công. Tiếp theo đó, trong 3 tháng cuối năm 1979, tất cả các mặt hàng phân phối (trừ gạo) đều được Long An bán ra thị trường. Toàn bộ số hiện vật của cán bộ, viên chức được quy ra tiền theo giá thị trường và cộng vào lương hằng tháng. Giải pháp “bù giá vào lương” đã gây một hiệu ứng tích cực. Thị trường sôi động, chỉ số giá tiêu dùng giảm mạnh, quỹ lương của tỉnh tăng lên gấp 7 lần…
“Từ năm 1979 đã có một số mũi đột phá táo bạo trong kinh tế, mà thời đó thường gọi là “phá rào”. Kết quả của những cuộc “phá rào” đó đã dội vào tư duy kinh tế của nhiều nhà lãnh đạo, làm cho họ từng bước nhận thấy cần và có thể chọn một hướng đi khác trước... Tiêu biểu là những trường hợp sau: Khoán ở Hải Phòng năm 1980; khoán ở Xí nghiệp Đánh cá Côn Đảo, Vũng Tàu; khoán ở Công ty Xe khách miền Đông Nam Bộ; thu mua lương thực ở Công ty Kinh doanh Lương thực TP Hồ Chí Minh; phá giá thu mua lúa ở An Giang; áp dụng cơ chế giá thị trường ở Long An...”.
(Cố GS lịch sử kinh tế ĐẶNG PHONG)
|
HOÀNG TIẾN