Bà Đào Thị Huyền Nga-tức Hồng Quân, sinh năm 1947 trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Năm 1967, khi đang là Bí thư Đoàn của xã Phú Thứ (Cần Thơ), Hồng Quân được lệnh gấp rút xây dựng tiểu đoàn biệt động nữ lấy nòng cốt là những quần chúng ưu tú, dũng cảm trong phong trào chống Mỹ, ngụy. Cuối năm 1967, đơn vị biệt động nữ gồm 29 cán bộ, chiến sĩ được phân thành 2 tiểu đội (10 và 12), tổ trinh sát giao liên và 7 tổ trực tuyến ra đời. Đến đầu năm 1968, đơn vị biệt động nữ tuyển thêm lực lượng và tổ chức thành Tiểu đoàn Biệt động Lê Thị Riêng do nữ trinh sát trẻ Hồng Quân làm Tiểu đoàn trưởng.

leftcenterrightdel
Bà Hồng Quân kể chuyện về trận đánh Xuân Mậu Thân 1968.

Gần Tết Mậu Thân năm 1968, sau khi tổ chức diễn thuyết công khai, phát động quần chúng ủng hộ phong trào cách mạng ở địa bàn chợ Cầu Muối về cơ sở, bỗng một chiếc xe Jeep của địch chạy đến, chiếu đèn pha chói lòa mắt Hồng Quân. Trên xe có cả lính Mỹ và ngụy, chúng áp sát và bắt Hồng Quân lên xe. Bà nhớ lại: “Lúc đó tôi nghĩ: Chết! Chúng đã nghi ngờ. Phải tìm cách thoát thân hoặc tử thủ với quân thù”. Thấy toán lính đến gần, Hồng Quân với tay, giật bung trái lựu đạn ném thẳng về phía chúng. Một tiếng nổ vang trời. Tên lính ngồi cạnh thất thần cúi xuống ôm đầu, còn tên Mỹ lái xe trước mặt đứng dậy định rút súng. Nhanh như cắt, một tay Hồng Quân tóm tay hắn, tay kia cầm trái lựu đạn còn lại đập vào gáy và đầu. Tên lính choáng váng làm rơi súng. Chụp khẩu súng, Hồng Quân ném về phía bọn lính đang chạy về xe Jeep khiến chúng tưởng lựu đạn nên nằm bẹp xuống. “Vừa lúc đó, lựu đạn địch ném tới nổ hất tôi ngã xuống đường. Chiếc xe Jeep bốc cháy. Lúc đó tôi choáng váng, mắt cay xè, bò dậy lao qua đường. Tôi rút chốt trái lựu đạn còn lại ốp sát người, lăn sang một bên ném về phía địch. Sau tiếng lựu đạn nổ, địch nổ súng. Tiếng đạn rít vèo vèo, bắp chân trái của tôi nhói đau làm tôi loạng choạng. Rất may, tôi kịp lao vào một con hẻm nhỏ và gặp được một bà má. Má dìu tôi hòa vào dòng người tản cư và đến cơ sở số 241/43 (chợ Thái Bình) nhà cô Tô Thị Mau và chú Nguyễn Văn Nhau. Ở đó, tôi được gia đình giúp mổ lấy đạn và giữ ở lại cho đến cuối tháng 2” - bà Hồng Quân nhớ lại.

Đầu tháng 5-1968, cấp trên lệnh cho căn cứ tuyển thêm một trung đội biệt động, gồm 36 cán bộ, chiến sĩ (cả nam và nữ), để Tiểu đoàn Lê Thị Riêng đáp ứng yêu cầu tổng tiến công đợt 2, với nhiệm vụ: Đánh địch ngay tại địa bàn quận 1 và chi viện cao nhất cho quận 4 kế bên. Hồng Quân cùng toàn bộ tiểu đoàn đã gấp rút bí mật, khẩn trương hoàn thành việc chuyển quân, cất giấu vũ khí và trữ thêm lương thực, đồ dùng cần thiết...

leftcenterrightdel
Bà Hồng Quân (ngoài cùng, bên phải) cùng gia đình thăm đền Xẻo Kè.

Đến giờ G, hỏa lực của ta chưa khai hỏa nhưng toàn bộ tiểu đoàn biệt động vẫn quyết định hành động theo đúng kế hoạch. Các chị đã dùng loa phóng thanh tăng âm, kêu gọi bọn địch ra đầu hàng, hô hào quần chúng ủng hộ cách mạng. Chị em đã nổi dậy làm chủ địa bàn, làm chủ thế trận toàn bộ khu vực các đường phố Ðề Thám, Cô Giang, Cô Bắc, chợ Cầu Muối... sang tới đường Bến Vân Ðồn, quận 4 bên kia cầu Ông Lãnh, trong lòng của địa bàn trung tâm Mỹ - ngụy đang chiếm giữ. Nhân dân đồng lòng ủng hộ, đem tất cả bàn ghế, vật dụng trong nhà vứt ra ngoài đường, ngoài hẻm làm chướng ngại vật cản địch. Tuy nhiên, do chênh lệch về quân số và trang bị vũ khí, nhiều công sự của ta bị địch đánh thiệt hại. Tại vị trí chỉ huy của tiểu đoàn, Hồng Quân bị địch bắn gãy tay trái nhưng vẫn nén cơn đau, dùng súng bắn trả địch. Bên cạnh là anh Hai Tiết (cán bộ tiểu đoàn) vừa chiến đấu vừa nạp đạn giúp nhưng anh cũng hy sinh sau đó. Lúc này, lực lượng tại vị trí chỉ huy tiểu đoàn bị thiệt hại nặng. Hồng Quân ra lệnh cho đồng đội rút lui để bảo toàn lực lượng, còn mình ở lại để dẫn dụ địch tạo thời gian và thời cơ cho đồng đội rút. Thấy vậy, chiến sĩ trinh sát trẻ tên Quang và chị Sáu Xuân, Bí thư Huyện đoàn đều bị thương nhưng cũng xung phong ở lại. Cả 3 người tựa vào nhau trong hẻm đối chọi với địch. Địch điên cuồng bắn vào chỗ ẩn nấp. Đoạn tay trái bị thương giờ dính lủng lẳng, Hồng Quân nói với chị Sáu Xuân: “Chị Sáu cắt giúp em cái tay này ra, vướng quá!”. Chị Sáu hoảng hốt: “Không được, để còn cứu chữa”. Nén đau, Hồng Quân cầm dao găm tự mình cắt lìa đoạn tay ra khỏi cơ thể, tiếp tục chiến đấu... Hết đạn, địch xông vào dùng báng súng đánh đập Hồng Quân. Chúng tức tối vừa la hét vừa lên đạn và chĩa súng định bắn, Hồng Quân thản nhiên: “Tụi bây bắn đi, chúng tao là Quân Giải phóng, tao là Hồng Quân đây. Hôm nay tao chết nhưng đồng đội của tao sẽ tiếp tục chiến đấu giết chúng mày”. Nghe cô xưng danh, mấy tên phía sau hô to: “Ngừng bắn, biết mặt nó rồi, giữ lại để khai thác”.

Địch điên cuồng tra tấn hòng moi tin tức về tổ chức lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định, nhưng Hồng Quân vẫn cắn răng chịu đựng, kiên quyết không xưng khai. Sáu năm sau, bà là tù binh được trao trả tại Sân bay Lộc Ninh.

Bài và ảnh: VIỆT HÀ