QĐND - Là người đã sống và chiến đấu cùng Đại tá Vũ Quang Trắc, Anh hùng LLVT nhân dân, nguyên Phó tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân đoàn 26, Quân khu 1, hơn 10 năm ở chiến trường miền Nam, tôi biết rõ phẩm chất anh hùng của anh. Nhiều trận đánh do anh chỉ huy đã đạt hiệu suất chiến đấu rất cao và nổi danh khắp Sư đoàn 3 Sao Vàng nói riêng và trên chiến trường Bình Định nói chung.
|
Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Vũ Quang Trắc. Ảnh: Trần Văn.
|
Cuối năm 1964, Tiểu đoàn 97 do anh làm Tiểu đoàn trưởng và Nguyễn Trọng Dy làm Chính trị viên, được giao nhiệm vụ phục kích đánh viện binh địch, giải phóng huyện An Lão (tỉnh Bình Định). Đúng như lược đồ tác chiến của ta, từ 2 giờ đến 5 giờ sáng 7-12-1964, Tiểu đoàn 409 Đặc công quân khu và Tiểu đoàn 95 (Trung đoàn 2) tiêu diệt và bao vây quận lỵ An Lão, tạo điều kiện cho quân và dân địa phương nổi dậy phá hàng loạt “ấp chiến lược”, bọn ngụy quyền quận An Lão ráo riết kêu cứu Tiểu khu Bình Định. Tỉnh trưởng Bình Định lại kêu cứu Sư đoàn 22 ngụy, buộc sư đoàn này phải bỏ dở cuộc hành quân ở Đường 19, thành lập ngay Chiến đoàn 40, gồm hai tiểu đoàn bộ binh và một chi đoàn xe bọc thép chia thành ba hướng (nam, đông, tây), có máy bay và pháo binh yểm trợ, tiến vào An Lão. Trong đó, hướng nam (theo trục Đường 5) là mũi chủ yếu, do một tiểu đoàn bộ binh và một chi đoàn xe bọc thép 15 chiếc yểm trợ.
Xin nói thêm rằng, thời gian này, xe bọc thép đang là “át chủ bài” của quân đội ngụy. Bởi vì súng chống tăng B40, B41 của bộ binh ta chưa phổ biến. Ta chủ yếu đánh tăng bằng đạn AT(1) và thủ pháo, lựu đạn, chai cháy(2).
|
Xe bọc thép Lữ đoàn 173 Mỹ trốn vào bụi rậm giữa cánh đồng An Bảo để tránh bộ đội ta tập kích.
|
Do Đường 5 hiểm trở, một bên là núi cao, một bên là sông An Lão khá rộng nên dù rất hung hăng, địch vẫn phải thận trọng. Chúng dùng 6 xe bọc thép dẫn đầu một đại đội bộ binh đi trước thăm dò. Vừa đi, chúng vừa bắn vung vãi ra hai bên đường để thị uy. Tiểu đoàn trưởng Vũ Quang Trắc ra lệnh cho tất cả im lặng để địch tiến vào. Sau khi tiểu đoàn pháo của Bộ chỉ huy chiến dịch phát hỏa, bắn cháy ba chiếc xe đi đầu, anh mới ra lệnh cho bộ đội xung phong. Trước sự xuất hiện bất ngờ và dũng mãnh của chiến sĩ ta, thêm hai chiếc xe nữa bị tiêu diệt, chiếc còn lại của tốp xe dẫn đầu vội vàng tháo lui, nhưng do quá sợ hãi, cuống quýt nên đã lao xuống cầu Hội Long vỡ tan xác. Lực lượng khóa đuôi và chính diện của ta thấy vậy, reo hò xuất kích, đẩy bọn bộ binh xuống mé sông, bỏ mặc bọn xe bọc thép trên đường. Các chiến sĩ ta, bằng lối đánh gần đã vô hiệu hóa các hỏa lực trên xe, dùng thủ pháo, lựu đạn, chai cháy bám diệt từng chiếc xe địch. Trận đánh kéo dài tới gần tối, toàn bộ cánh quân chủ yếu của địch bị đánh bại, 10 chiếc xe bọc thép bị bắn cháy và phá hỏng. Một số chiến sĩ Tiểu đoàn 97 đã xuống suối Hội Long tháo gỡ giàn máy của chiếc xe M113 bị vỡ tan, đem về làm chiến lợi phẩm. Hai cánh quân phía đông và phía tây của địch cũng bị ta chặn đánh, phải tháo lui. Chờ mãi mấy ngày sau không có viện binh, bọn chỉ huy quận An Lão bí mật tìm đường chạy về quận lỵ Bồng Sơn. Huyện An Lão được hoàn toàn giải phóng, trở thành vùng căn cứ của ta từ ngày ấy cho đến khi giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc năm 1975.
|
Cảnh lính Lữ đoàn 173 “Kỵ binh thiết giáp” Mỹ sau thất bại ở Mỹ Lộc, Mỹ Trinh, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, mùa hè năm 1968. Ảnh tư liệu.
|
Hai tháng sau, đầu tháng 2-1965, Vũ Quang Trắc lại chỉ huy Tiểu đoàn 97, trong đội hình của Trung đoàn 2, phục kích tại Đèo Nhông, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Đây lại là một trận “đánh điểm, diệt viện” nữa do Bộ tư lệnh Tiền phương Quân khu 5 chỉ huy. Trong trận này, Tiểu đoàn 97 do Vũ Quang Trắc chỉ huy, đảm nhiệm chặn đầu, đối mặt với nhiều xe bọc thép địch đi trước mở đường. Khi được lệnh tiến công, anh lập tức cho bộ đội xung phong áp sát, làm cho bộ binh và xe bọc thép địch rối loạn. Những cuộc cận chiến diễn ra quyết liệt suốt cả buổi chiều. Tới 17 giờ, toàn bộ chiến đoàn ngụy đã bị Trung đoàn 2 tiêu diệt. Ta bắt sống gần 100 tên, bắn cháy, bắn hỏng hàng chục chiếc xe bọc thép. Tiểu đoàn 97 không chỉ diệt được xe bọc thép mà còn bắt sống được một xe M113. Tin Tiểu đoàn 97 bắt sống xe M113 địch đã khích lệ toàn trung đoàn tràn lên dứt điểm trận đánh.
Mùa hè năm 1968, địch tập trung lực lượng phản kích ác liệt và tàn bạo vào vùng giải phóng của ta ở tỉnh Bình Định. Lữ đoàn 173 Mỹ, mang tên “Kỵ binh thiết giáp” từ tỉnh Phú Yên được điều ra bắc huyện Phù Mỹ, nơi chúng nghi có bộ đội Sư đoàn 3 Sao Vàng. Lữ đoàn này được biên chế 120 xe tăng, xe bọc thép, luôn làm nhiệm vụ đột kích cho những cuộc hành quân “bình định”, giành lại các vùng bị mất sau Tết Mậu Thân 1968. Lúc này, Tiểu đoàn trưởng Vũ Quang Trắc đã được bổ nhiệm làm Phó trung đoàn trưởng kiêm Tham mưu trưởng Trung đoàn 2, Sư đoàn 3 Sao Vàng. Trung đoàn đã được trang bị súng chống tăng B40, B41; mỗi đại đội có 2-3 khẩu với cơ số đạn hạn chế (mỗi khẩu có hai quả đạn). Mục tiêu cơ bản của Sư đoàn 3 trong Chiến dịch hè năm 1968 là đánh bại thủ đoạn dùng chiến xa làm lá chắn trong càn quét của bọn Mỹ. Trận địa dự kiến là cánh đồng thôn An Bảo, xã Mỹ Lộc, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định.
Sáng 4-5-1968, từ Quốc lộ số 1, Lữ đoàn 173 Mỹ cho một chi đoàn xe tăng M48, M41 và xe bọc thép M113 dàn hàng ngang tiến vào An Bảo, nơi chúng nghi có bộ đội chủ lực ta chiếm giữ. Vũ Quang Trắc ra lệnh cho bộ phận “câu nhử” nổ súng rồi rút lui để kéo địch vào sâu trận địa phục kích của Trung đoàn 2. Biết đã gặp chủ lực ta, bọn địch tuy ngạo mạn nhưng vẫn dè chừng, mãi tới 12 giờ trưa mới đến cánh đồng An Bảo. Sau đó bất ngờ, từng đàn trực thăng kéo tới bắn phá quyết liệt vào khu rừng non và thôn An Bảo yểm trợ cho xe tăng xông vào. Đúng lúc đó, Vũ Quang Trắc ra lệnh cho hỏa lực ĐKZ, cối 82mm phát hỏa, làm hiệu lệnh nổ súng cho toàn đơn vị. Ngay phút đầu, ba xe tăng M41 bốc cháy. Lập tức, Tiểu đoàn 1 và Tiểu đoàn 3 được lệnh xuất kích. Thêm hai chiếc xe nữa bị tiêu diệt. Trên cánh đồng An Bảo, đội hình xe tăng và bộ binh địch tan vỡ. Nhiều đám cháy của xe tăng địch tiếp tục bốc lên trên cánh đồng An Bảo. Tiểu đoàn 2, Tiểu đoàn 3 tổ chức các mũi xung kích diệt thêm 7 xe nữa, còn lại 4 chiếc vội vàng rút chạy ra Quốc lộ số 1. Sau đó, chúng lại dùng 15 chiếc xe tăng mở đợt tiến công lần thứ hai vào trận địa Tiểu đoàn 2. Cán bộ, chiến sĩ ta đã đánh lui ba lần xung phong của địch. Khoảng 15 giờ, chúng tăng cường thêm 17 chiếc nữa, đưa số lượng xe tăng, xe bọc thép tại đây lên 30 chiếc. Địch điên cuồng bắn phá và đột kích liên tục, nhưng Vũ Quang Trắc ra lệnh cho các đơn vị trụ bám, đánh cầm chừng, chờ trời tối để diệt chúng bằng chiến thuật khác.
Bọn địch ma mãnh, liên tục di chuyển đội hình, mãi tới 12 giờ đêm mới chính thức co cụm tại hai vị trí. Sư đoàn ra lệnh cho Trung đoàn 2 tiêu diệt cụm xe địch ở phía đông. Khoảng 3 giờ sáng 5-5-1968, trận tập kích vào cụm xe tăng địch bắt đầu. Sau khi ĐKZ và súng cối bắn phủ đầu, các mũi bộ binh xung phong ngay. Hễ nơi nào có hỏa lực xe tăng bắn ra là bộ đội áp sát, dùng thủ pháo, lựu đạn, chai cháy tiêu diệt. Kết quả, ba đại đội của Trung đoàn 2 tiêu diệt 10 xe tăng, xe bọc thép.
Đợt 1 kết thúc, sư đoàn ra lệnh cho các đơn vị di chuyển sang vị trí mới, tiếp tục đợt 2, đánh Lữ đoàn 173 "Kỵ binh thiết giáp" Mỹ nhiều đòn đau ở xã Mỹ Trinh (huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) vào các ngày 10-5 và 25-5-1968, đưa tổng số xe tăng, xe bọc thép Mỹ bị tiêu diệt lên tới 70 chiếc. Chiến thuật lá chắn thiết giáp của Lữ đoàn 173 Mỹ hoàn toàn thất bại.
Sau Chiến dịch hè năm 1968, Vũ Quang Trắc được tặng Huân chương Chiến công hạng nhất và được bổ nhiệm làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 2, Sư đoàn 3 Sao Vàng.
NGUYỄN VĂN TÍCH
(1) AT: Là loại đạn do ta sản xuất theo nguyên lý đạn lõm, thường được lắp vào đầu súng trường để phóng đạn đi.
(2) Chai cháy: Là chai thủy tinh hoặc làm bằng tôn để đựng hỗn hợp ét-xăng và cờ-rếp có lắp dây cháy chậm để ném vào xe bọc thép, gây cháy với nhiệt lượng cao. Bộ đội phải dũng cảm đánh gần mới thực hiện được.