Nữ xạ thủ bắn tỉa

Những năm 1964-1968, đế quốc Mỹ tăng cường ném bom cày xới mảnh đất nơi tuyến đầu miền Bắc XHCN-huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị). Ở lứa tuổi trăng tròn, cô gái trẻ Trần Thị Buổi ở xã Vĩnh Tú (Vĩnh Linh) hăng hái tham gia dân quân luyện tập quân sự. Mỗi lần ra thao trường bắn đạn thật, chị đều đạt điểm tối đa, được chọn vào đội xạ thủ. Tròn 18 tuổi, chị xung phong tham gia chiến đấu trong lực lượng du kích Vĩnh Linh. Nhận nhiệm vụ, tiểu đội chị vượt sông Bến Hải (Quảng Trị), luồn lách theo con đường rừng núi Quảng Trị vào tập kết cùng Đại đội Lê Hồng Phong (một đơn vị của huyện Vĩnh Linh). Được phân công làm nhiệm vụ nuôi quân nhưng chị Buổi kiên quyết đề nghị được ra chiến hào đánh giặc. Được cấp phát khẩu súng bắn tỉa, chị vui mừng hăng hái áp sát điểm cao 31 (Khe Sanh, Quảng Trị). “Sau những ngày vắng tiếng súng của du kích, bọn địch chốt giữ điểm cao 31 tỏ ra chủ quan. Qua theo dõi, tôi nắm được quy luật bố trí phòng ngự và thay gác của chúng. Ngày thứ nhất, tôi tiếp cận cách địch khoảng 700m, bắn 3 viên đạn tiêu diệt 2 tên địch. Sang ngày thứ hai, tôi tiếp cận khoảng 300m, bắn 6 viên đạn tiêu diệt 6 tên địch”, bà Trần Thị Bưởi nhớ lại.

leftcenterrightdel

Bác tặng hoa phong lan cho chiến sĩ Trần Thị Buổi (ngoài cùng, bên trái) cùng chị em dân quân Quân khu 4, năm 1968. Ảnh tư liệu

Bước sang ngày thứ ba, địch tăng cường trinh sát, đơn vị của chị phải chuyển trận địa về hướng nam. Tuy nhiên, với kinh nghiệm từ hai ngày trước, cẩn thận hơn với từng viên đạn, chị tiếp tục bắn 14 viên đạn diệt 11 tên Mỹ, ngụy. Với sự mưu trí, dũng cảm, trong 3 ngày với 23 viên đạn, chị đã tiêu diệt 19 tên địch. Với chiến công xuất sắc ấy, chị được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ cấp ưu tú, Huân chương Chiến công hạng Nhì, được bầu đi dự Đại hội thi đua Quân khu 4 và là thành viên trong đoàn Thanh niên Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đi dự Đại hội thanh niên, sinh viên thế giới lần thứ 9 (năm 1968) tại thủ đô Sofia, Bulgaria.

Câu chuyện về khẩu súng bắn tỉa do Bulgaria sản xuất viện trợ cho nhân dân Việt Nam đánh kẻ thù, với 23 viên đạn trong 3 ngày tiêu diệt 19 tên Mỹ, ngụy làm nức lòng các chiến sĩ quân đội Bulgaria. Khâm phục tài năng của chị, một nữ chiến sĩ quân đội Bulgaria đã gửi tặng chị chiếc mũ mềm của quân đội Bulgaria.

Được Bác đổi tên

Khi nhắc đến Bác Hồ, bà Trần Thị Bưởi rưng rưng xúc động: “Vinh dự và cảm động nhất trong cuộc đời tôi là những lần được gặp Bác. Mỗi lần gặp, Người đều hỏi thăm, dặn dò, động viên khiến tôi thấy mình khôn lớn hơn. Đó là nguồn động viên to lớn để tôi luôn cố gắng cho đến bây giờ”.

Trong 4 lần được gặp Bác, kỷ niệm xúc động nhất là lần bà gặp Người tại Hội nghị mừng công năm 1968, khi cùng với các bà Trương Thị Khuê, Nguyễn Thị Xuân đại diện cho nữ dân quân Quân khu 4 ra báo công với Bác. Hôm ấy, đoàn đại biểu Quân khu 4 được Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo Trung ương mời xem văn công biểu diễn phục vụ hội nghị. Quan sát thấy 3 nữ chiến sĩ khép nép ngồi ở phía sau, Bác ân cần gọi lên ngồi bên cạnh Bác. Bác bảo người phụ trách giới thiệu để mọi người cùng biết.

“Khi anh phụ trách giới thiệu nhầm tên tôi, Bác cười hiền hậu và nói: “Ấy! Chú giới thiệu sai rồi, để Bác giới thiệu lại! Đây là cháu Trương Thị Khuê, Xã đội phó xã Vĩnh Thủy (Vĩnh Linh, Quảng Trị), đã chỉ huy dân quân anh dũng chiến đấu nhiều trận với máy bay Mỹ. Còn đây là cháu Nguyễn Thị Xuân ở xã Quảng Phúc (Quảng Trạch, Quảng Bình), một cây súng đã bắn rơi tại chỗ một máy bay tại phà Gianh (Quảng Bình)”. Rồi Bác đặt tay lên vai tôi và nhẹ nhàng nói: “Đây là cháu Trần Thị Buổi ở xã Vĩnh Tú (Vĩnh Linh), trong 3 ngày với 23 viên đạn đã tiêu diệt 19 tên Mỹ, ngụy”. Sau đó, Bác lấy từng nhánh hoa phong lan tặng chúng tôi, Người ân cần nói: “Hoa phong lan của Bác rất đẹp, nhưng thành tích của các cháu còn đẹp hơn hoa lan của Bác”, bà Trần Thị Bưởi xúc động nhớ lại.

Trước ngày trở về để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, 3 chiến sĩ dân quân Quân khu 4 được Bác mời ăn cơm, món ăn như ở quê nhà, gồm: Cá kho, rau muống luộc, canh khoai, cà dầm tương và một ít thịt gà. Vừa ăn cơm, Bác vừa dặn dò, gửi gắm tình cảm của mình đối với nhân dân và bộ đội Quân khu 4 đang dốc sức cho sự nghiệp giải phóng miền Nam. “Ăn xong, Bác trìu mến nói với tôi: “Bác muốn đổi tên cho cháu Buổi thành Bưởi. Hoa bưởi đẹp, giản dị và có hương thơm thoang thoảng. Cháu thấy thế nào?”. Tôi vô cùng xúc động, trả lời Bác: “Dạ! Cháu xin cảm ơn Bác! Cháu sẽ là cháu Bưởi của Bác. Cháu sẽ cố gắng để xứng đáng với sự tin yêu của Bác!”, bà Trần Thị Bưởi rưng rưng nước mắt.

Từ ngày ấy, chị Trần Thị Buổi có tên gọi mới mang tên loài hoa thơm ngát...  

HOÀNG TRUNG