Nữ tú tòng quân
Tháng 4-1968, cô gái Nguyễn Hồng Nỹ khi đó là cán bộ đoàn của xã Thạnh Phú, xung phong nhập ngũ tại Huyện đội Châu Thành, tỉnh Cà Mau. Sau đợt huấn luyện tân binh, cô được cử đi học tại Trường Quân sự Quân khu 9, kết thúc khóa học giữ chức vụ Trung đội phó Trung đội nữ pháo binh huyện Châu Thành.
Ngày 12-10-1974, trên cơ sở các trung đội nữ pháo binh của huyện Châu Thành, Cái Nước, Đầm Dơi, Trần Văn Thời, Tỉnh đội Cà Mau quyết định thành lập Đại đội nữ pháo binh (gọi tắt là C83). Đại đội quy tụ những nữ chiến sĩ ở tuổi mười tám đôi mươi, với quân số hơn 100 chiến sĩ, do Nguyễn Hồng Nỹ làm Đại đội trưởng.
|
|
Tư liệu về Đại đội nữ pháo binh tỉnh Cà Mau được cựu chiến binh Nguyễn Hồng Nỹ lưu giữ cẩn thận. |
Những ngày mới thành lập, chị em gặp muôn vàn khó khăn trong huấn luyện và sinh hoạt. Cô Nguyễn Hồng Nỹ nhớ lại: “Trong điều kiện thiếu thốn về cơ sở vật chất, vừa đánh giặc vừa huấn luyện, pháo thì rất nặng, đòi hỏi chị em phải có sức khỏe dẻo dai để mang vác, cơ động nhanh trong chiến đấu. Vì thế, mấy chị em không quản ngày đêm huấn luyện từ động tác, kỹ thuật cơ bản đến hiệp đồng các số trong khẩu đội và kết hợp hành quân rèn luyện để tăng độ bền. Những lúc như vậy, có khi chỉ ăn cơm vắt, uống nước sông, ngủ chiến hào, 2 ngày mặc một bộ đồ, hết ướt rồi lại khô, nhưng các chị em vẫn động viên nhau vượt qua khó khăn”.
Quả cảm trong chiến đấu
Ngày 18-4-1975, nhận mệnh lệnh của Tỉnh đội Cà Mau, đại đội phối thuộc vào Tiểu đoàn U Minh 3, đảm nhiệm tiến công trên mũi chủ yếu, có nhiệm vụ đánh chiếm tòa hành chính địch tại thị xã Cà Mau. Cô Út Nỹ kể: “Theo kế hoạch chiến đấu, đại đội sẽ sử dụng hai khẩu pháo hiệp đồng với đơn vị bạn nổ pháo lệnh làm tín hiệu để các hướng, các mũi bao vây uy hiếp, bức rút chi khu công giáo Hòa Thành. Từ đó, tạo thế cho quân ta tiến công đánh chiếm thị xã Cà Mau. Đây là trận chiến đấu đầu tiên của đơn vị nên chị em rất quyết tâm và phát động thi đua “giết giặc lập công”, nêu khẩu hiệu “Ra đi là chiến thắng, nếu đánh là diệt gọn” trong toàn đại đội”.
Sáng 25-4-1975, địch từ thị xã Cà Mau tổ chức phản công ta quyết liệt để yểm trợ, bảo vệ chi khu công giáo Hòa Thành. Theo mệnh lệnh của Ban chỉ huy tiền phương, đại đội lùi về tuyến sau, củng cố lực lượng, sẵn sàng đánh địch khi có lệnh.
Đêm 29-4-1975, đại đội tiếp tục phối hợp với Tiểu đoàn U Minh 3 hành quân vào chiếm lĩnh trận địa. Bộ phận đi đầu do Đại đội trưởng Út Nỹ chỉ huy tao ngộ chiến với địch đang đưa lực lượng ra để án ngữ bảo vệ căn cứ. Chúng gài mìn, dùng đại liên chia cắt, ngăn chặn ta từ xa khiến nhiều đồng chí bị thương và hy sinh. “Thời gian chạm trán với địch, đội hình bị rối loạn, nhưng chị em vẫn quyết tâm chiến đấu. Sau khi lùi về phía sau, ổn định đội hình, tôi xin ý kiến ban chỉ huy tiểu đoàn, cử cán bộ từ trung đội, đại đội cho đến tiểu đoàn thay cho lực lượng dân công trực tiếp chuyển pháo vào trận địa như hiệp đồng. Sau 2 giờ chuẩn bị phần tử bắn, chúng tôi được lệnh nổ súng. Thấy tín hiệu, các hướng, các mũi của ta đồng loạt nổ súng tiến công địch”, cô Út Nỹ nhớ lại.
Gần một ngày chiến đấu, ta giữ vững trận địa, bao vây, uy hiếp, chia cắt địch để tiêu diệt. Đến 15 giờ ngày 30-4-1975, quân ta chiếm được chi khu công giáo Hòa Thành, địch bỏ chạy về thị xã Cà Mau. Kết quả ta giải phóng chi khu, tạo điều kiện cho các lực lượng trên địa bàn tỉnh Cà Mau đồng loạt tiến công, đánh chiếm nhiều cơ quan đầu não của địch, mở rộng vùng giải phóng. Đúng 6 giờ ngày 1-5-1975, quân ta tiếp quản toàn bộ thị xã Cà Mau.
Bài và ảnh: CỬU LONG