Xã Hải Châu, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa là nơi ông sinh ra và lớn lên. Tháng 2-1964, tròn 19 tuổi, Đỗ Xuân Đán xung phong nhập ngũ vào đơn vị thuộc Trung đoàn 170, Quân chủng Hải quân. Tháng 5-1964, ông được điều về Tiểu đoàn K35 thuộc Đoàn 125 (nay là Lữ đoàn 125), Quân chủng Hải quân để huấn luyện quân sự, chuẩn bị lực lượng bổ sung cho tàu.

leftcenterrightdel
Đại tá Đỗ Xuân Đán.

Đầu tháng 9-1964, ông được biên chế về Tàu T100 với nhiệm vụ là pháo thủ ở vị trí số 5 (sau đài chỉ huy), phụ trách khẩu 12,8mm. Tháng 12-1965, ông cùng Tàu T100 và đồng đội tập kết tại bến K15 (Đồ Sơn-Hải Phòng) để nhận hàng. Đây là chuyến đi đầu tiên của ông. Trong một đêm tối trời, gió mùa Đông Bắc thổi mạnh, Tàu T100 lặng lẽ rời bến K15, nhằm hướng tây nam Biển Đông thẳng tiến.

Khi tàu vào đến đảo Hòn Khoai (Cà Mau), lúc đó khoảng 22 giờ và cách bờ 8-10 hải lý thì xuất hiện tàu địch ngăn chặn. Chúng gọi loa, chiếu đèn pha kiểm tra, trên trời, máy bay C-130 thả pháo sáng khiến mặt biển sáng như ban ngày. Tuy vậy, Tàu T100 vẫn bình tĩnh giữ hướng đi, tiến về phía vịnh Thái Lan, tới hải phận quốc tế, vượt khỏi tuyến tuần tra trên biển của hải quân ngụy. Những ngày sau đó, Tàu T100 liên tục bị máy bay, tàu chiến địch theo dõi, giám sát nghiêm ngặt nên việc tiếp cận vào bờ hết sức khó khăn. Trong tình thế đó, tàu được lệnh quay về. Chuyến đi đó, Tàu T100 không vào được bến để trả hàng nhưng đã trở về nơi xuất phát an toàn.

Cuối tháng 4-1966, Tàu T100 lại được lệnh nhận hàng và tiếp tục đi làm nhiệm vụ. Sau 7 ngày đêm trên biển, tàu đã đi chệch hướng lên Vàm Ráng-Cà Mau thay vì phải đến cửa sông Bồ Đề-Cà Mau. Một tàu tuần tiễu BCF của địch phát hiện Tàu T100 và đuổi theo ngăn chặn. Tàu T100 phát tín hiệu liên lạc lên bờ nhưng vì sóng quá lớn nên lực lượng bờ không thể ra dẫn đường cho tàu cập bến. Lúc này khoảng 3-4 giờ sáng, phía Biển Đông chân trời đã hửng, bất ngờ, Tàu T100 mắc cạn, chân vịt chém vào vật cứng khiến con tàu rung lên dữ dội và khựng lại. Thuyền trưởng ra lệnh cho thủy thủ rời tàu. Ông Đán cùng một chiến sĩ báo vụ và pháo thủ số 2 dìu nhau bơi vào bờ, được một đơn vị Quân Giải phóng đón ở bến. Cả ngày hôm đó, trên trời, máy bay địch quần thảo, bắn phá khu vực Tàu T100, ngoài khơi, tàu chiến địch bao vây. Tàu T100 trúng đạn cháy âm ỉ, đến 20 giờ phát nổ. Một cột lửa cao hàng trăm mét dựng đứng, mảnh vỡ bay chém vào cây rào rào, toàn bộ con tàu đã vĩnh viễn nằm lại ở biển khơi. 17 cán bộ, chiến sĩ của tàu T100 được cơ sở đón và đưa về cứ an toàn.

Sau hơn hai năm ở bến Cà Mau, Ba Đán kiên trì chờ thời cơ trở lại miền Bắc để tiếp tục làm nhiệm vụ. Cuối tháng 12-1968, ông được điều về đơn vị T3 công tác (T3 là tên gọi của Khu Tây Nam Bộ trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước). Ông dự lớp đào tạo quản lý 3 tháng rồi được bổ sung vào Ban Tài vụ, Phòng Hậu cần T3 và được phân công làm kế toán. Ban Tài vụ khi đó có khoảng 10 cán bộ, chiến sĩ nhưng phải bảo đảm tài chính cho lực lượng chủ lực của toàn Quân khu 9. Ông nhớ mỗi lần đi nhận tiền ở Ban Kinh tài khu (của khu ủy) hoặc đi các tỉnh nhận tiền thật sự là một lần đi chiến đấu. Cả tổ đi trên một chiếc xuồng ba lá với hai chiến sĩ tài vụ len lỏi, vượt qua bao đồn, bốt dày đặc và sự kiểm soát gắt gao của địch. Có lần, ông cùng đồng nghiệp đi nhận tiền ở tỉnh Sóc Trăng, trên đường về gặp địch đổ quân càn quét. Ông cùng đồng đội nhanh chóng giấu bao tiền dưới gốc cây dừa nước rồi cùng lực lượng dân quân, du kích địa phương tham gia chống càn, bảo vệ an toàn người và tài sản. Sau Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, địch tăng cường càn quét, đánh phá căn cứ ác liệt hơn, phương tiện làm việc của anh em Ban Tài vụ là một chiếc bàn xếp nhỏ, sổ sách nghiệp vụ xếp gọn trong thùng đạn 12,7mm của Mỹ. Khẩu súng AK luôn để bên cạnh, khi có địch là xách súng và thùng tài liệu cơ động ngay. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cơ quan Phòng Tài chính quân khu luôn giữ gìn, bảo vệ an toàn tài sản, tài liệu, không để thất thoát hoặc rơi vào tay địch.

Sau Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, ông Ba Đán tiếp tục công tác tại Phòng Tài chính Quân khu 9 cho đến năm 2003 thì nghỉ hưu. Trở về cuộc sống đời thường với nếp sống thanh đạm, giản dị, ông luôn nhắc nhở, giáo dục con cháu không chỉ làm tròn bổn phận công dân mà còn phải tận tâm, biết chăm lo cho người khác, vì một cộng đồng xã hội tốt đẹp hơn.

Bài và ảnh: TRỌNG TUẤN