Ông nổi tiếng trong đơn vị về kỹ năng bắn súng cối 60mm (cối Giải phóng) không có kính ngắm, không có giá chân nhưng rất chính xác, tiêu diệt mục tiêu hiệu quả.
Tôi được Thượng sĩ, CCB Nguyễn Đăng Văn, nguyên trợ lý chính trị Tiểu đoàn 1 Long An, cùng công tác với ông Tiến từ năm 1973 đến 1975, giới thiệu về CCB Chu Văn Tiến, bằng sự khâm phục: "Ông Tiến là pháo thủ súng cối rất giỏi, bắn cối tiêu diệt hiệu quả các mục tiêu của địch, nhưng không cần dùng tới kính ngắm!". Từ lời giới thiệu ấy, tôi đã liên hệ để hỏi chuyện ông Tiến về những năm tháng công tác, chiến đấu trên địa bàn tỉnh Long An.
Ông Chu Văn Tiến sinh năm 1951, quê ở xã Đồng Than, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Tháng 4-1970, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông nhập ngũ, biên chế vào Đại đội 1, Tiểu đoàn 626, Trung đoàn 2 (Trung đoàn Hải Hưng). Sau đợt huấn luyện, tháng 11-1970, ông "đi B" cùng với nhiều cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Hải Hưng, biên chế vào Đoàn 2258, để chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam. Đơn vị ông hành quân theo đường Trường Sơn, qua tỉnh Svay Rieng (Campuchia), rồi bổ sung cho các đơn vị Quân Giải phóng miền Nam. Sau đó, tháng 3-1971, ông được điều về Đại đội 1, Tiểu đoàn 1, Tỉnh đội Long An và chiến đấu tại chiến trường Long An đến ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tháng 12-1976, ông chuyển ngành, vào học Trường Đại học Văn khoa (nay là Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh).
Ông Tiến kể: "Ngày đầu tiên vào chiến trường Long An cũng là ngày đầu tiên tôi tham gia chiến đấu chống địch càn vào xã Tân Phú (Đức Hòa, Long An), ngày 21-6-1971. Là chiến sĩ mới, đơn vị bố trí tôi cùng chung công sự với anh Min, quê ở Yên Bái, người dày dạn kinh nghiệm trong chiến đấu. Anh Min giữ súng trung liên RPĐ, tôi dùng súng tiểu liên AK, cùng phối hợp đánh địch. Trận này, đơn vị tôi đẩy lùi được một đại đội địch, thu một súng M79. Trận đánh này ghi dấu ấn sâu sắc với tôi, vì tôi thực sự trở thành người lính chiến đấu trên chiến trường miền Nam.
Sau một thời gian công tác, chiến đấu, tôi dần trưởng thành, thêm kinh nghiệm trận mạc. Tối 2-11-1972, đơn vị tôi hành quân tới xã Tân Phước (nay là xã Tân Phước Tây, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An) triển khai đội hình bảo vệ nhân dân và vùng giải phóng. Khoảng 9 giờ ngày 3-11, quân địch từ Tân Trụ tiến vào trận địa của Đại đội 1 đóng quân. Đại đội tôi lúc đó có 40 cán bộ, chiến sĩ, được trang bị súng B40, B41, một đại liên và một khẩu cối 60mm "Giải phóng", do tôi là pháo thủ, đồng chí Thai tiếp đạn. Đợi địch đến thật gần công sự của ta, chúng tôi nổ súng tiêu diệt tốp lính đi đầu, số còn lại bỏ chạy lên lộ và gọi pháo từ xã Bình Tịnh (huyện Tân Trụ) bắn vào đội hình ta. Đợt pháo của địch làm hư hỏng nhiều nhà cửa của dân, ngôi nhà cạnh công sự của tôi cũng sụp đổ. Đến trưa, địch tưởng pháo đã tiêu diệt được quân ta, nên chúng ồ ạt xông vào trận địa của ta. Chúng dùng pháo cối bắn vào khu nhà có những cây dừa cao nơi Tiểu đoàn bộ đóng quân. Ngay lúc đó liên lạc truyền lệnh của Chính trị viên Tiểu đoàn 1 Mai Văn Lai cho tôi phải tiêu diệt ngay khẩu cối 61mm của địch. Địa hình rất trống, trước mặt chúng tôi là những thửa ruộng mới cấy, không có vật che khuất, nên tôi nhanh chóng phát hiện vị trí khẩu cối của địch vừa bắn vào đội hình ta. Tôi ôm khẩu cối của mình vòng ra phía sau công sự và yêu cầu đồng chí Thai đưa 1 quả đạn có gắn thêm liều phụ, bình tĩnh xác định mục tiêu, lấy tầm, hướng và bắn. Đạn từ khẩu cối của tôi bay tới mục tiêu, tiếng nổ phát ra, khói và đất trùm lên khẩu cối của địch. Tôi nhanh chóng nhảy xuống công sự thì cùng lúc loạt đạn tiểu liên của địch bắn tới vị trí tôi vừa chiến đấu. Mất hỏa lực chính, binh lính địch cũng hoảng loạn, vội vã kéo xác đồng bọn rút lên trên lộ. Mặt trời khuất sau rặng dừa, chúng tôi tiến lên trận địa của địch và thu được khẩu cối 61mm và một số đạn mà chúng bỏ lại. Chúng tôi giữ vững trận địa và tiêu diệt nhiều quân địch. Chiến thắng này làm nức lòng anh em trong đơn vị, tạo khí thế mới trong những trận chiến đấu sắp tới. Tuy nhiên, chúng tôi cũng có sự mất mát lớn, đồng chí Thi, xạ thủ đại liên của đại đội đã hy sinh tại trận địa.
Sau trận đánh này, tôi được giao chức vụ Trung đội bậc phó Trung đội 3, Đại đội 1, chỉ huy trung đội tham gia nhiều trận đánh đạt hiệu suất chiến đấu cao trên địa bàn tỉnh Long An, như trận đánh phục kích địch tại xã Mỹ Thạnh Đông (huyện Đức Huệ) ngày 21-12-1973; trận pháo kích vào trận địa pháo của địch ở Hậu Nghĩa (nay là thị trấn thuộc huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) ngày 20-2-1974; trận đánh chống địch càn quét vào khu vực Thố Mố (xã Hòa Khánh, huyện Đức Hòa) ngày 2-4-1974; trận đánh chống địch càn quét vào xã An Thạnh, huyện Bến Lức ngày 9-3-1975. Trong các trận đánh, tôi sử dụng súng cối 60mm "Giải phóng", súng do Quân giới Miền chế tạo, không có chân, không có kính ngắm nên tôi đã vận dụng kinh nghiệm để xác định phần tử bắn và thời cơ nổ súng, nên luôn có độ chính xác khá cao, tiêu diệt mục tiêu của địch ngay từ phát bắn đầu tiên. Cùng tổ súng cối với tôi và phối hợp với tôi hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc là đồng chí Thai, người tiếp đạn, chia, lắp liều đạn cối theo ý định của tôi"...
Trong quá trình chiến đấu ở Long An, từ năm 1971 đến ngày 30-4-1975, ông Chu Văn Tiến trực tiếp tham gia 24 trận đánh trên địa bàn tỉnh Long An. Ông được kết nạp Đảng ngay trên chiến trường vào năm 1972. Ông được tặng thưởng Huân chương Chiến sĩ giải phóng (hạng Nhì, Ba), Huy chương Kháng chiến hạng nhất; Tỉnh đội Long An tặng thưởng 5 bằng khen và 12 giấy khen. Sau khi chuyển ngành, ông Chu Văn Tiến được đi đào tạo sĩ quan dự bị tại Trường Sĩ quan Lục quân 2. Sau này, khi công tác tại Trường Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh, ông giữ cương vị Phó trưởng phòng, Trưởng phòng Tổ chức, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh của nhà trường đến khi nghỉ hưu.
THIỀU VIỆT HƯNG